Dương Xá - Nơi lưu trữ những giá trị lịch sử văn hóa hấp dẫn du khách

Dương Xá (làng Giàng) nằm bên bờ Nam sông Mã, cạnh Ngã Ba Đầu - nơi sông Chu hoà vào nước sông Mã, thuộc địa phận xã Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa ngày nay. Đây là vùng đất cổ có lịch sử phát triển lâu đời, tích tụ trong mình đậm đặc những giá trị văn hóa, là một trong những làng cổ vừa mang nét chung của làng cổ truyền thống Việt Nam, vừa mang những dấu ấn riêng của làng cổ vùng châu thổ sông Mã. Vùng đất huyền thoại của những trang lịch sử hào hùng, cũng là nơi “sơn kỳ thủy tú” đậm chất trữ tình thơ mộng ấy đang trở thành điểm đến của nhiều du khách và hứa hẹn một tiềm năng phát triển du lịch trong tương lai không xa.

Từ thượng nguồn chảy về xuôi, sông Mã gặp sông Chu tại địa phận làng Giàng (Dương Xá). Vùng đất này lấy núi Ngũ Hoa đằng Đông làm trấn sơn, sông Chu như cánh tay ngai ôm bọc phía sau, các núi Bàn A, Bằng Trình làm hộ sơn. Vây quanh Dương Xá, nhiều núi non kỳ lạ mang tên những con vật thiêng như: núi Voi, núi Ngựa, núi Rùa...

Một trong những căn cứ quan trọng chứng tỏ Dương Xá có sự xuất hiện của con người và được khai thác từ lâu đời chính là việc phát hiện di chỉ khảo cổ học Thiệu Dương thuộc thời kỳ đồng thau. Di chỉ được phát hiện từ đầu năm 1960. Ngoài di chỉ cư trú, còn phát hiện 38 mộ táng độ sâu 0,25m - 1,2m, gồm mộ Đông Sơn và mộ Hán. Số lượng hiện vật trong mộ Hán là 570, trong mộ Đông Sơn là 245. Đây là khu cư trú - mộ táng thuộc văn hoá Đông Sơn và thời Bắc thuộc đã được công nhận là Di tích cấp quốc gia. Cùng với di chỉ núi Đọ (xã Thiệu Khánh) có niên đại lớn hơn, di chỉ khảo cổ học Thiệu Dương có thể xây dựng thành điểm du lịch khảo cổ học kết nối với điểm du lịch Thành Tư phố huyền thoại và chùa Vồm (Thiệu Khánh) vừa phục vụ cho công tác nghiên cứu, vừa đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại địa phương.

Cầu Hàm Rồng bắc qua dòng sông Mã

Vùng đất Dương Xá xưa đã có thời kỳ dài giữ vai trò của một đô thị cổ trong lịch sử với tên gọi thành Tư Phố. Nơi đây từng hai lần là trấn thị của quận Cửu Chân đầu Công Nguyên và của Thanh Hóa thời Lê Trung Hưng. Theo sách Thủy Kinh Chú - một bộ sách có ghi chép về địa lý trong thư tịch cổ Trung Quốc, thành Tư Phố xuất hiện từ năm 116 Tr.CN, thuộc vùng Dương xá. Thành Tư Phố gắn liền với những sự kiện lịch sử bi tráng của một thành lũy kiên cường bất khuất chống quân xâm lược Hán.

Trong suốt  thời kỳ phong kiến tự chủ, vùng đất Dương Xá có vai trò quan trọng. Thành Dương Xá trở thành thủ phủ của xứ Thanh từ thời Hậu Lê cho đến thời Tây Sơn. Dấu tích của thành Dương Xá cũ đến nay vẫn còn khẳng định vị thế quan trọng của thành trên bờ sông Mã. Phải đến khi thành Thanh Hoá chuyển về làng Thọ Hạc thì vai trò lịch sử của thành Dương Xá mới mờ nhạt dần.

Không chỉ có vậy, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, các thế hệ người Dương Xá đã có nhiều đóng góp quan trọng làm rạng rỡ quê hương, trong đó nổi bật lên hình ảnh của người anh hùng dân tộc Dương Đình Nghệ trong sự nghiệp chống ngoại xâm và xây dựng đất nước ở thế kỷ thứ X. Tại Dương Xá, Dương Đình Nghệ đã trở thành ông Tổ của họ Dương. Tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân đã lập đền thờ trên quê hương. Câu đối ở đền thờ đã ca ngợi chí khí, oai danh lừng lẫy của ông: “Dưỡng tam thiên nghĩa tử dĩ phục thù đằng đằng sát khí. Chưởng bát vạn hùng sư nhi xuất chiến lẫm lẫm uy danh”. (Nuôi ba vạn con nuôi khí mạnh vô cùng. Cầm tám vạn quân ra trận oai danh lừng lẫy). Đền thờ Dương Đình Nghệ với quy mô lớn được xây dựng theo kiểu “Thượng sàng – hạ mộ” đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hoá cấp quốc gia. Những chứng tích lịch sử về dòng họ Dương ở làng Dương Xá, sự nghiệp của Dương Đình Nghệ cùng với con rể Ngô Quyền và các con là Dương Tam Kha, Dương Thị Nga đến nay vẫn được lưu truyền trên vùng đất ngã ba sông.

Đền thờ Dương Đình Nghệ

Bên cạnh những giá trị lịch sử, Dương Xá còn là vùng đất sơn thủy kỳ tú, góp phần cùng với những cảnh đẹp trong vùng hội tụ tạo nên ”Bàn A thập cảnh” nổi danh xứ Thanh. Kết nối phong cảnh hữu tình ”trên bến dưới thuyền” của Dương Xá - làng Giàng (Thiệu Dương) với vùng non nước của làng Vồm, làng Chành (Thiệu Khánh) bên cạnh sẽ hiện lên bức tranh thủy mặc kỳ diệu. Trong đó không thể không nhắc tới vẻ đẹp của núi Bàn A. Bàn A sơn thuộc làng Đại Khánh (Vồm) thuộc xã Thiệu Khánh giáp với Dương Xá. Rất nhiều sách xưa của Việt Nam và Trung Quốc đã chép khá kỹ về núi này: Sách Đại Nam Nhất Thống Chí có chép: Núi Bàn A ở cách huyện Đông Sơn 15 dặm về phía Bắc, lại có tên nữa là Bàn Sa, trông ra sông Lương, tức sông Chu, sườn núi có động, dưới núi có chùa Đại Hùng (tức chùa Vồm). Vua Lê Hiến Tông lên chơi gọi là ”lâm tuyền ổn thê” (chỗ ở yên của khách lâm tuyền). Cuối thời Lê, Hiến sát xứ Thanh Hoa là Ngô Thì Sĩ khắc ba chữ Bàn - A - Sơn để làm tiêu chí; lại ở sườn núi chỗ nhìn ra sông, tiện vách đá có một lỗ tròn, có thể ngồi xếp bằng để trông xem nước, nhân đây gọi là cư sĩ quan lan sào (chỗ người ẩn dật ngồi xem sóng), lại có thơ tả mười cảnh đẹp khắc vào đá (Bàn A sơn thập cảnh).

Dương Xá (làng Giàng) với vị trí ”trên chợ dưới sông” từ buổi khai thiên lập địa cho đến ngày nay làng không chỉ thuận lợi về việc phát triển kinh tế nông nghiệp mà còn thuận lợi cho giao lưu văn hoá. Bên cạnh các di sản vật thể, di sản phi vật thể chính là “phần hồn” không thể thiếu của Dương Xá với nghệ thuật ẩm thực độc đáo, lễ hội đền thờ Dương Đình Nghệ, làng nghề thủ công truyền thống đan cót...

 Phù sa màu mỡ của sông Mã, sông Chu không chỉ nuôi dưỡng cây lúa cho năng suất cao mà còn đem lại nét trù phú cho làng quê. Bãi sông mầu mỡ là điều kiện để hoa mầu, hoa quả và các loại rau xanh phát triển. Vì vậy, có thể nói những nông sản tạo nên nét ẩm thực khác lạ chính là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo ở khu vực này. Cam Giàng, hến Giàng là những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Dương Xá còn in đậm trong tâm thức dân gian và cuộc sống thường ngày. Làng Giàng nằm kề con sông Mã. Khúc sông qua làng thuận lợi cho hến sinh sôi. Món ăn dân dã mang đậm hương vị đồng quê khiến cả nhà vua cũng yêu thích. Vì vậy từ thời xa xưa, hến Giàng đã được chọn là một trong những sản vật của xứ Thanh để tiến vua. Hến khi luộc rất trong, ánh biêng biếc, vị ngọt thanh, có thể chế biến thành nhiều món ăn như canh hến, dấm hến, hến xào khô với miến đậu xanh, hến xào kẹp bánh tráng… Song quý và độc đáo nhất phải nói đến mắm hến. Mắm hến dùng để chấm bánh đúc, bún, bánh cuốn, thịt luộc … đều thích hợp.

Món cơm hến- đặc sản của vùng đất Dương Xá

Dương Xá - bên cạnh những giá trị văn hóa đặc sắc còn nổi tiếng là nơi có nghề thủ công truyền thống lâu đời: nghề đan cót. Người dân ở đây đã biết tận dụng nguồn lao động nông nhàn và nguồn nguyên liệu ở miền núi được hai con sông lớn đưa về nên nghề đan cót ở đây khá phát triển, làm cho “cót Giàng” trở thành sản phẩm nổi tiếng :

Mùa về lại nhớ cót Giàng

Cách mấy ngày đàng cũng đến tìm mua

Mến người chẳng quản sớm trưa

Cót đan nên lá, duyên đưa nên tình.

Có thể thấy Dương Xá (Thiệu Dương, thành phố Thanh Hóa) là một vùng đất có lịch sử phát triển lâu đời và dồi dào các giá trị văn hóa truyền thống, một bộ phận quan trọng trong Khu Du lịch Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Đó chính là tiềm năng giàu có cho công tác du lịch của địa phương. Để khai thác và phát huy những lợi thế du lịch ở Dương Xá, ngành Du lịch Thanh Hóa và chính quyền địa phương cần có quy hoạch phát triển đồng bộ. Bên cạnh đó, vấn đề tăng cường tuyên truyền khơi dậy lòng tự hào về cảnh đẹp, về truyền thống lịch sử của quê hương trong các thế hệ người dân địa phương, giúp cho người dân có ý thức trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị truyền thống cũng thực sự cần thiết. Mỗi việc làm dù rất nhỏ cũng có thể góp phần tạo nên nét đẹp đặc trưng cho Dương Xá, làm lưu luyến bước chân du khách khi phải rời xa.

Lưu Thị Ngọc Diệp