Đường và Phố mang tên Danh nhân - Một vấn đề đang đặt ra với thủ đô Hà Nội

Tạp chí Thế giới Di sản số 7 – 2014 (94) có đăng bài của TS Phạm Quốc Quân về việc đặt và đổi tên đường, tên phố Hà Nội, nhân một hội thảo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội tổ chức vào tháng 5 năm 2014. Bài viết có nêu một số kết quả trong lĩnh vực này, đồng thời cũng đưa ra nhiều vấn đề thảo luận, trong đó có vấn đề đặt và đổi tên đường, phố mang tên danh nhân. Để rộng đường tham khảo và góp phần hiến kế cho Hà Nội, như tinh thần của bài viết đưa ra và dường như đã được sự chấp thuận của Ban Biên tập Tạp chí, tôi xin nêu một số ý, có liên quan tới danh nhân và mối quan hệ giữa tên danh nhân với đường và phố Hà Nội trong quá khứ, qua đó, định hướng cho tương lai.

Công bằng mà nói, tên danh nhân của đường phố Hà Nội đã được sử dụng quá nhiều, chiếm tỷ lệ 49,4% so với những tên địa danh cổ, sự kiện, làng nghề, tổ nghề, di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, ở vào thời điểm năm 1945, khi bác sĩ Trần Văn Lai làm Đốc lý Hà Nội, nhiệm kỳ chưa tròn một tháng, ông đã làm được quá nhiều việc trong lĩnh vực này, trong đó có việc kéo đổ hàng loạt tượng đài thực dân phản cảm và xóa bỏ đường phố mang tên Pháp, thay bằng tên các danh nhân Việt Nam theo một nguyên tắc mang tính quy hoạch rõ nét: Tên danh nhân lớn, quan trọng đặt cho phố lớn, phố chính, tên các danh nhân và vùng đất có liên quan thì đặt cho các phố nhỏ, phố thứ, phố xương cá. Ví như Trần Hưng Đạo là phố chính, thì có một loạt phố nhỏ như Trần Bình Trọng, Yết Kiêu, Dã Tượng, rồi các ngõ Vạn Kiếp, Tức Mạc - những địa danh mang khí thiêng của thời đại ấy. Rồi, Lê Thái Tổ là phố chính, nối với phố các tướng tài như Lê Lai, Lê Thạch, Trần Nguyên Hãn, Đinh Lễ v.v và v.v. Quy hoạch ấy như một hình mẫu, cho sau này Hà Nội có quy hoạch của những khu phố mang tên các nghệ sĩ, các nhà khoa học, các tướng lĩnh. Quy hoạch này là tương đối chấp nhận được về ý tưởng, và có tính hệ thống, theo đó là tiện ích cho việc tìm kiếm các phố đối với du khách và ngày cả với người Hà Nội già cả, ít ra đường, không đi xa phố cổ, khi Hà Nội mở rộng, đang đô thị hóa đến chóng mặt. Có người bảo rằng, việc đặt tên đường, tên phố là danh nhân, nếu lộn xộn đôi chút, có sao đâu, khi mà thời đại của thiết bị, chỉ nhấn GPS 5 giây có thể tìm ra, dẫu ở bất kỳ ngõ ngách nào. Rồi bản đồ du lịch có thể giúp tìm đường không mấy khó khăn, thì việc gom theo lĩnh vực như trên, cũng chẳng cần mấy sự luận bàn. Vấn đề không chỉ là sự tìm kiếm. Đó là tính khoa học, tính nhất quán, sự biện chứng trong cách ứng xử của hậu thế với tiền nhân trong việc đặt tên đường, tên phố mang tên danh nhân.

Lễ gắn biển tên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ, Cầu Giấy)

Thế rồi, gần mười năm trước do bị động, do thiếu quy hoạch, nên những tên đường, tên phố vốn trước đây là tên sự kiện, tên phố nghề, được thay bằng tên danh nhân, hoặc cạn kiệt quỹ đường, quỹ phố, phải đặt tên danh nhân ra ngoài quy hoạch cũ, làm cho dư luận thiếu đồng tình với cách làm của Hà Nội nói chung và ngành văn hóa Hà Nội nói riêng, chụp cho những chiếc mũ “tùy tiện”, “không khoa học”, “thiếu chủ động”.

Không quy hoạch còn dẫn đến những vấn đề nhạy cảm, đó là tên danh nhân nổi tiếng lại đặt cho con đường nhỏ hẹp, cảnh quan phản cảm, ngược lại, những con đường, dãy phố khang trang, bề thế lại dành cho những tên chưa xứng. Điều ấy, dẫn đến đơn từ của gia đình, dòng họ. Điều ấy, dẫn đến những lời bình của báo giới. Điều ấy, dẫn đến sự chất vấn của đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố. Điều ấy khiến dư luận bàn tán xôn xao, không đáng có.

Đó là tất cả những gì đã xảy ra trong việc đặt tên đường, phố mang tên danh nhân trong thời gian đã qua. Để khắc phục tình hình này, tôi xin hiến một số ý kiến sau đây:

Hà Nội trong vài năm gần đây đã khắc phục tình trạng quá cao của tỷ lệ giữa các lĩnh vực có thể đặt tên đường, tên phố, theo đó, tên danh nhân đã được hạn chế tới mức có thể, để thay vào đó là địa danh cổ, phố nghề, tổ nghề, sự kiện, di tích lịch sử, danh thắng v.v. Đó là một hướng đúng. Tuy nhiên, việc đặt tên đường, tên phố danh nhân vẫn là một thực tế phải làm, mà năm 2014, đường Võ Chí Công, đường Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp vẫn rất cần phải có, cho một thủ đô, trái tim của cả nước. Vì lẽ đó, theo tôi, dẫu Hà Nội đã có một ngân hàng dữ liệu về danh nhân, thì việc nghiên cứu và phân loại các danh nhân phải sớm được xúc tiến. Dựa trên từng lĩnh vực, từng thời kỳ lịch sử, qua những công trạng, thành tựu được sưu tầm tối đa, hồ sơ các danh nhân cần được xây dựng trên cơ sở khoa học, khách quan và nghiêm túc để việc phân loại được thuận lợi. Các tiêu chí phân loại phải được thảo luận kỹ từ các nhà nghiên cứu sử học, văn hóa và các lĩnh vực có liên quan. Phân loại, may chăng có thể xếp hạng được tương đối thứ bậc dựa trên công trạng và thành tựu. Song song với việc phân loại danh nhân là bảng phân loại về đường phố, dựa trên các tiêu chí về cảnh quan, môi trường, vị trí địa lý, quy mô đường, phố. Hai hệ thống này được tích hợp, thì việc đặt tên đường phố mang tên danh nhân, may chăng sẽ tránh được nhiều điều nhạy cảm, như đã nêu. Điều quan trọng hơn thế, chính là sự chủ động trong các tình huống, theo đó là sự bài bản mang tầm khoa học của quy hoạch.

Có người cho rằng, việc định tính, định lượng cho tiêu chí đường và phố, xem ra còn dễ dàng và khả thi, nhưng với danh nhân thì khó khăn do trừu tượng. Thế nhưng, công trạng và thành tựu của những người vượt trội, được đa số thừa nhận, dường như đã cạn kiệt trong ngân hàng dữ liệu, theo đó, chỉ còn là tương đối ngang bằng về thân thế và sự nghiệp, khiến cho việc phân loại các danh nhân, theo tôi, là khá thuận lợi, nếu như được sự đồng thuận từ các nhà khoa học.

Quỹ tên danh nhân, quỹ tên đường phố, nếu được kết hợp theo một quy hoạch như tôi đã đề cập ở trên, thiết nghĩ, việc đặt tên đường, tên phố Hà Nội sẽ không gặp mấy trở ngại như thời gian đã qua.

Hồng Hải