Đường Bác Hồ về Thủ đô ngày giải phóng
Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ trở về Thủ đô. Trong cuốn sách Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử ghi rõ: Ngày 18 tháng 9 năm 1954, từ Đại Từ, Thái Nguyên, Bác Hồ đến thăm đơn vị bộ đội Việt Nam tình nguyện chiến đấu ở Lào đóng tại xã Chân Mộng, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ… Chiều hôm đó, Người đến đền Hùng và nghỉ qua đêm tại đền Giếng.
Ngày 19 tháng 9 năm 1954, từ đền Giếng, Bác lên thăm đền Trung, đền Thượng rồi trở lại đền Giếng. Tại đây, Bác nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong trên đường về tiếp quản Thủ đô. Đại đoàn quân Tiên Phong có Trung đoàn 102 là Trung đoàn Thủ đô anh hùng. Thượng tướng Song Hào, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Chính ủy Đại đoàn quân Tiên Phong; đồng chí Thanh Quảng, nguyên Phó Văn phòng Quân ủy Trung ương cũng có mặt tại cuộc gặp đó. Tại cuộc gặp, Bác căn dặn cán bộ, chiến sỹ khi về tiếp quản Thủ đô. Lời căn dặn của Người đã đi vào lịch sử và là phương châm hành động cho các thế hệ con cháu Việt Nam ta. Người nói: Bác cháu ta gặp nhau ở đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa các vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước…Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô. Tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các cháu được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn…
Đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, ngày 10-10-1954.
Ảnh: baotanglichsu.vn
Trong nhiều năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử để xác định con đường Bác đã đi trên hành trình lần thứ hai từ Việt Bắc về Thủ đô. Được biết, sau cuộc gặp với các cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên phong ấy, Bác trở lại Thái Nguyên.
Đầu tháng 10 năm 1954, Bác mới lại từ Thái Nguyên trở về Hà Nội. Cuộc hành trình như sau: Từ xóm Đầm Mua, xã Bản Ngoại, huyện Đại Từ, qua bến Bình Ca về Tuyên Quang. Từ Tuyên Quang cũng đi theo con đường đến đền Hùng nhưng lần này Bác không vào đền Hùng mà về Việt Trì, vượt bến phà Chiều Dương sang Sơn Tây. Bác dừng lại ở thị xã Sơn Tây hơn 10 ngày. Sách Hồ Chí Minh. Biên niên tiểu sử ghi là: Trên đường từ Việt Bắc về Hà Nội, Bác Hồ đến ở và làm việc tại thôn Phù Sa, xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây. Các đồng chí trong Tỉnh ủy đón Người về nghỉ tại khu vực cơ quan Tỉnh đội Sơn Tây tại thôn Phù Sa. Tại đây, ngày 12 tháng mười năm 1954, Người chủ trì một phiên họp của Hội đồng Chính phủ.
Như vậy, ngày 10 tháng 10 năm 1954, trong cuộc mít tinh trọng thể mừng ngày Giải phóng Thủ đô, Bác Hồ chưa có mặt tại Hà Nội. Nhưng trong cuộc mít tinh trọng thể tại Sân vận động Cột Cờ ngày hôm đó, nhân dân Hà Nội đã được nghe toàn văn lời kêu gọi của Người mừng ngày Thủ đô được giải phóng. Người ca ngợi cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân cả nước và nhân dân Thủ đô anh hùng, nêu rõ: Thủ đô được giải phóng là kết quả hy sinh chiến đấu của quân và dân ta suốt tám chín năm kháng chiến. Nay trong hòa bình Người kêu gọi nhân dân Thủ đô đoàn kết nhất trí, giữ gìn trật tự trị an, nhanh chóng khôi phục lại các hoạt động làm cho Hà Nội trở thành Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh. Người cũng kêu gọi nhân dân ủng hộ Chính phủ, bởi vì “Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân. Chính phủ rất mong đồng bào giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình để làm trọn nhiệm vụ của mình là người đày tớ trung thành tận tụy của nhân dân”.
Ngày 15 tháng 10, Bác về đến nội thành Hà Nội. Người ở và làm việc tại phòng số 14, gác hai, nhà số 4 tại Nhà thương Đồn Thủy (nay là Bệnh viện Hữu Nghị, nơi làm việc của Khoa Tim mạch).
Ngay ngày hôm sau, 16 tháng 10, tại Bắc Bộ Phủ, Bác tiếp đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô. Người nói: Đã tám năm xa cách, thời gian đâu phải ngắn, ta cũng nên gặp nhau. Nhưng còn rất nhiều dịp. Việc quan trọng nhất trước mắt chúng ta là sản xuất, khôi phục sản xuất. Nếu mọi người thật sự hoan nghênh Đảng và Chính phủ trở về thì hãy đem cái tinh thần quý báu đó vào các công việc trên. Về phần mình, Người cảm ơn các tầng lớp nhân dân Hà Nội đã đón chào Người và nói: Tôi rất cảm động trước sự thịnh tình của đồng bào. Nhưng tôi muốn đồng bào bỏ vải vóc, giấy màu vào việc viết khẩu hiệu, làm cờ… Tôi không rõ việc đó gây tốn kém bao nhiêu là tiền bạc. Lãng phí hơn nữa là việc mấy chục vạn người sẽ mất cả một ngày vì tôi. Tôi chắc mọi người sẽ đồng ý với ý kiến của tôi: nếu đem tất cả những nhân lực, vật lực đó đưa vào công việc sản xuất và khôi phục thì sẽ làm ra rất nhiều của cải cho nước nhà.
Bác ở và làm việc tại Nhà thương Đồn Thủy hơn hai tháng. Cho đến cuối tháng 12 năm 1954 Bác mới trở về Phủ Chủ tịch, nơi Người đã sống và làm việc trong 15 năm, cùng với Trung ương Đảng và Chính phủ lãnh đạo nhân dân ta trong một chặng đường mới: khôi phục và xây dựng miền Bắc làm nền tảng cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Bác nói: Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta. Nhưng đó “mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ và hòa bình.” Nhận định đó thực sự là một tiên đoán vĩ đại của Bác. Nếu tính từ ngày Thủ đô và miền Bắc được giải phóng thì cuộc chiến đấu đó đã kéo dài tới 20 năm. Nhớ lại lịch sử dân tộc ta, càng hiểu thêm sâu sắc ý nghĩa của ngày Bác Hồ về Thủ đô.
TS Nguyễn Thị Tình