Đường Bác Hồ về Thăng Long - Hà Nội

Nhân kỷ niệm 67 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và cũng là kỷ niệm 67 năm lần đầu tiên Bác Hồ đặt chân đến Kinh đô, Tạp chí Thế giới Di sản giới thiệu hai cuộc hành trình dài của Bác để có được hai lần Người trở về Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội.

Trong cuốn sách “Những chặng đường lịch sử” Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Con đường 300km từ ngôi nhà tranh nhỏ hẹp tại làng Kim Liên tới đây, Bác đã đi mất 35 năm. Con đường Bác đã đi không giống bất cứ con đường của một người Việt Nam yêu nước nào đi trước và khi Người về một sự thay đổi lớn lao đã đến trong đới sống của dân tộc”.

Lần thứ nhất Bác về Thăng Long- Hà Nội là sau cuộc hành trình dài hơn 30 năm.

Sinh ra và lớn lên trong thời kỳ cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước đều lần lượt bị thất bại. Phong trào cứu nước của nhân dân ta đứng trước cuộc khủng hoảng sâu sắc về đường lối. Với tấm lòng thương dân yêu nước, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã quyết chí ra đi tìm đường cứu nước. Sau hai lần cùng gia đình vào Kinh đô Huế, Anh đi vào Phan Thiết, rồi Sài Gòn. Ngày 3-6-1911 Nguyễn Tất Thành xin làm phụ bếp trên tàu Đôđốc Latútsơ Tơrêvilơ từ Sài Gòn đi Mácxây (Pháp). Ngày 5-6-1911, tàu rời Sài Gòn, mang theo người thanh niên Việt Nam yêu nước đi tìm chân lý.

  Nếu chỉ tính từ năm 1911 khi rời Tổ quốc đến năm 1941 trở về nước, Nguyễn Tất Thành- Nguyễn Ái Quốc đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 29 quốc gia. Đó là một cuộc hành trình dài vạn dặm. Trong cuộc hành trình vĩ đại ấy Nguyễn Ái Quốc đã đến được với chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng tháng Mười Nga, tìm ra được con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Ba mươi năm, Nguyễn Tất Thành đã mất mười năm tìm chân lý (1911-1920) để trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên; mười năm chuẩn bị lý luận, tổ chức định hướng cho cách mạng Việt Nam (1920-1930) và mười năm vượt qua thử thách kiên trì con đường cách mạng Việt Nam (1930-1940). Đầu năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng.

Sau 30 năm bôn ba, trở về nước, con đường về Thăng Long-Hà Nội đã gần hơn rất nhiều nhưng cũng phải hơn bốn năm sau đó Nguyễn Ái Quốc mới đi tiếp được chặng đường 300 km từ biên giới phía Bắc về Hà Nội.

Ngày 19-8-1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi và vào ngày 23-8-1945 từ Chiến khu Việt Bắc Bác về đến thôn Phú Gia (trước gọi là làng Gạ), xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm, nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội. Ngày 25-8-1945 Bác vào nội thành ở số nhà 48 Hàng Ngang. Trong không khí rợp trời cờ đỏ sao vàng, giữa trung tâm của Thăng Long- Hà Nội, trung tâm của hồn thiêng sông núi Việt Nam, Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, báo cáo với các vị tiền bối rằng Người đã trở về nơi đất thiêng, rằng dân tộc Việt Nam sẽ bước sang một kỷ nguyên mới.

Ngày 25/8/1945, Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng Hồ Chí Minh về đến Hà Nội. Hai hôm sau, theo đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội ở Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. (Ảnh: TTXVN)

Mùa thu tháng Tám năm ấy, Bác Hồ về làm cho Hà Nội trở nên thật hùng vĩ, tưng bừng. Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 thật là kiêu hãnh, tự hào. Đúng như tác giả Trần Dân Tiên đã viết: “... Đối với Hà Nội, ngày 2-9 không những là ngày vẻ vang của Độc lập, mà còn là một ngày đáng nhớ... Nhân dân Hà Nội, các thành phố và các làng lân cận làm thành một dòng người vô tận chảy vào vườn hoa Ba Đình, tràn ngập đường phố chung quanh. Người ta tính đến non một triệu người. Chưa bao giờ trong lịch sử Việt Nam người ta thấy một cuộc mít tinh vĩ đại như thế. Dưới ánh nắng tươi sáng mùa Thu, một khung trời trong xanh, cở đỏ sao vàng hiên ngang phấp phới và thổi vào lòng người một luồng gió xuân... Một khung trời hùng vĩ, một diễn đàn cao và trang nghiêm, quân đội anh dũng, hàng rào danh dự chỉnh tề, một rừng cờ... Một cảnh tượng xứng đáng khánh thành chính quyền Dân chủ nhân dân” (Trần Dân Tiên. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch. NXB Sự thật, Hà Nội 1975, tr.118-119).

Lịch sử càng lùi xa nhưng ngày mà lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Hà Nội viết Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ mãi mãi là mốc son chói lọi đánh dấu kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc. Và cũng từ đó Hà Nội đã trở thành Thủ đô của nước Việt Nam mới- Thủ đô của nước Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, lần đầu tiên về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ sống và làm việc tại đây được một năm và bốn tháng. Song thời gian ấy Người đã xây dựng được một hệ thống chính quyền Dân chủ nhân dân vững chắc trong cả nước, dưới sự chèo lái của Người, Chính quyền Dân chủ Cộng hòa đã vượt qua muôn vàn thử thách và đã chứng minh sức sống kỳ diệu của mình. Với sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội cũng đã trải qua một khoảng thời gian tuy ngắn những đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong giai đoạn lịch sử trọng đại của dân tộc.

Thực dân Pháp quay trở lại xâm lược nước ta. Từ Thủ đô Hà Nội đã vang lên lời kêu gọi cứu nước của Hồ Chủ tịch. Người cùng Trung ương Đảng và Chính phủ tạm xa Hà Nội trở lại Chiến khu Việt Bắc.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. (Ảnh: TL)

Lần thứ hai Bác Hồ trở lại Thủ đô Hà Nội là sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược

Kháng chiến thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, ngày 10-10-1954, Hà Nội lại tưng bừng mang cờ hoa và ảnh Bác Hồ chào đón những đoàn quân chiến thắng trở về. Theo biên niên sử, ngày 10-10-1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa về đến Hà Nội nhưng trong cuộc mít tinh đón chào Quân đội nhân dân Việt Nam trở về, nhân dân Hà Nội đã được nghe đọc bức thư của Người: “...Tám năm qua Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhưng lòng Chính phủ luôn luôn bên cạnh đồng bào. Ngày nay do nhân dân đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết.”

Ngày 1-1-1955 Quảng trường Ba Đình lịch sử đã diễn ra cuộc mít tinh chào mừng Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ trở về Thủ đô. Như vậy Quảng trường Ba Đình lịch sử sau sự kiện Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945 thì cuộc mít tinh trọng thể ngày 1-1-1955 là sự kiện trọng đại thứ hai của lịch sử dân tộc và Thủ đô Hà Nội. Nó đánh dấu thời điểm hai lần Bác trở về Thủ đô sau những tháng năm gian khổ, đặt nét son chói lọi của thời đại Hồ Chí Minh. Ba Đình, Hà Nội từ đó càng trở nên thiêng liêng hơn đối với mỗi người dân Việt Nam. Trong 79 mùa xuân của cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh có 17 năm sống và làm việc tại Hà Nội. Thời gian đó là ngắn so với cuộc đời Người và càng ngắn so với lịch sử hơn 1000 năm của Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội. Nhưng tất cả những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho Hà Nội, cho đất nước thì Người đã, đang và sẽ sống mãi mãi với Thủ đô. Thật kỳ diệu là, với việc phát tích của Hoàng thành Thăng Long ngay bên cạnh Quảng trường Ba Đình, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc, có Lăng- nơi Bác Hồ đời đời yên nghỉ, có Bảo tàng Hồ Chí Minh. Đó là những đóa hoa sen trắng đời đời tỏa hương giữa lòng Thủ đô, tiếp sức và cổ vũ nhân dân ta trên những chặng đường mới.

Nhân dịp Tết Nguyên đán đầu tiên sau hòa bình, các cháu thiếu nhi Thủ đô đến chúc Tết Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch và múa hát quanh Bác, Hà Nội ngày 9/2/1955. (Ảnh: TL)

67 năm đã trôi qua, kể từ khi Hà Nội đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về tại bến đò làng Sù Gạ thuộc huyện Từ Liêm, tháng Tám năm 1945 và cũng gần tròn 58 năm, ngày Bác cùng đoàn quân chiến thắng trở về Hà Nội, tháng 10/1954. Đất nước, con người Việt Nam có nhiều thay đổi. Hà Nội cũng có nhiều đổi mới, nhưng hình ảnh thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với sự kiện Cách mạng tháng Tám và ngày giải phóng Thủ đô không bao giờ phai mờ trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Tình

Top