Đúc "Trống Đồng kỷ vật Thăng Long 1000 năm tuổi"

Sáng ngày 11 - 9 - 2010, tại xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Hiệp hội UNESCO Hà Nội, Liên Chi hội Di sản văn hóa Lam Kinh Thanh Hóa, Hội Cổ vật Thanh Hoa và Công ty Cổ phần Truyền thông Kinh Đô đã tổ chức Lễ chập lò - nhập linh đúc 100 chiếc "Trống Đồng kỷ vật Thăng Long 1000 năm tuổi".

Tham dự buổi lễ có đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, đại diện các cơ quan, đơn vị đồng tổ chức sự kiện, đại diện các ban ngành của tỉnh, huyện Đông Sơn và xã Đông Tiến, các nhà doanh nghiệp…

Nhân sự kiện này, phóng viên Tạp chí Thế giới Di sản có cuộc trao đổi với ông Hồ Quang Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Chủ tịch Liên Chi hội Di sản Văn hóa Lam Kinh và Hội Cổ vật Thanh Hoa và bà Nguyễn Thị Tâm, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Giám đốc Công ty Cổ phần Truyền thông Kinh Đô. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:

PV: Xin ông cho biết ý tưởng đúc “Trống Đồng kỷ vật Thăng Long 1000 năm tuổi” bắt nguồn từ đâu?

Ông Hồ Quang Sơn:  Trống Đồng là biểu tượng đặc sắc, cao quý cho nền Văn hóa Đông Sơn rực rỡ, của văn minh người Việt cổ thuở các Vua Hùng dựng nước.

Trống Đồng biểu trưng cho quốc hồn dân tộc. Đây là niềm kiêu hãnh, sự tôn vinh vị Thần đã có công giúp các triều đại phong kiến nước ta đánh giặc giữ nước, dẹp phản loạn, chế ngự thiên tai đem lại độc lập dân tộc và cuộc sống ấm no cho nhân dân. Trong các cuộc đụng đầu với kẻ thù, Trống Đồng còn là uy lực của nhân dân Đại Việt khiến cho kẻ thù khiếp sợ. Sử sách đã ghi chép: Thần Trống Đồng đã giúp Vua Hùng đánh giặc Hồ Tôn; giúp Lê Đại Hành dẹp được giặc Chiêm Thành; giúp vua nhà Lý đánh giặc Minh; giúp các vua Lê - chúa Trịnh đánh tan nghịch Mạc.

Đại diện lãnh đạo Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTTDL Thanh Hóa trao ngọn lửa cho nghệ nhân Thiều Quang Tùng và Nguyễn Minh Tuấn. (Ảnh: Quỳnh Hương)

Trải qua các triều đại Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần - Hậu Lê - Nguyễn, dân tộc ta đều thờ Thần Trống Đồng. Đặc biệt, dưới triều Lý, Vua Lý Thái Tông đã xuống Chiếu phong Thần Trống Đồng là “Thiên hạ minh chủ”, dựng miếu thờ ở Hoàng Thành Long để tuế thời cúng tế và làm lễ thề với nghi lễ trọng thể nhất, nhằm khích lệ tướng sĩ và dân chúng noi gương truyền thống tổ tiên trong việc dựng nước và giữ nước.

Với ý nghĩa thiêng liêng của Trống Đồng, cũng như về ý niệm tình cảm, về truyền thống, cội nguồn lịch sử văn hóa của dân tộc hun đúc qua Trống Đồng, chúng tôi muốn đúc 100 chiếc Trống Đồng như một kỷ vật  mang dấu ấn lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc để góp phần làm cho mỗi chúng ta dù làm gì, ở đâu cũng luôn nhớ về cội nguồn Đất Việt, về Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến.

PV: Xin ông cho biết, tại sao ý tưởng đúc lại là 100 chiếc Trống Đồng mà không phải là một con số khác?

Ông Hồ Quang Sơn: Sở dĩ, chúng tôi đúc 100 chiếc Trống Đồng là muốn biểu hiện về nguồn cội dân tộc, luôn nhớ về mẹ Âu Cơ sinh 100 người con.

PV: Xin ông nói rõ hơn về hình dáng của 100 chiếc “Trống Đồng Kỷ vật Thăng Long”?

Ông Hồ Quang Sơn: 100 chiếc Trống Đồng này được mô phỏng theo Trống Đồng thời Lý, có đường kính mặt trống là 30cm, cao 26cm. Hoa văn khắc họa trên trống là hình 100 Rồng thời Lý và biểu tượng “Lưỡng Long chầu khuê Văn Các” - tượng trưng cho 100 người con của mẹ Âu Cơ từ khắp mọi miền đất nước hội tụ về đất Thăng Long - Hà Nội trong ngày Đại Lễ.

PV: Dự kiến 100 chiếc Trống Đồng này sẽ được đúc trong vòng bao lâu? Quy trình, phương pháp đúc trống ra sao, thưa ông?

Ông Hồ Quang Sơn: Dự kiến 100 chiếc Trống Đồng sẽ được hoàn thành trước ngày kỷ niệm Đại lễ.

Cần phải nói thêm, sau khi Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ra đời (2004), Liên Chi hội Di sản Văn hóa Lam Kinh và Hội Cổ vật Thanh Hoa được thành lập. Từ đó chúng tôi bắt đầu khôi phục nghề đúc trống đồng truyền thống. Năm 2005, chúng tôi tổ chức cuộc thi đúc trống đồng. Với tâm huyết của những người làm di sản văn hóa, chúng tôi tổ chức nhiều cuộc hội thảo khoa học, tự mày mò, khôi phục nghề đúc trống đồng thủ công truyền thống, được các nhà khoa học công nhận là đã đạt trình độ cao trong kỹ thuật đúc trống đồng của cha ông ngày xưa, các nhà nghiên cứu trống đồng trong và ngoài nước cũng đã đánh giá cao về kết quả này.

Để đúc 100 chiếc “Trống Đồng Thăng Long 1000 năm tuổi” này, chúng tôi đã tổ chức sát hạch tay nghề nghệ nhân rất cẩn thận, chọn ra 2 trung tâm đúc trống đồng truyền thống đảm bảo về kỹ thuật, âm thanh, mỹ thuật, chất lượng trống, đó là trung tâm của nghệ nhân Thiều Quang Tùng và Nguyễn Minh Tuấn, hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân, chúng tôi tin rằng 100 chiếc trống sẽ đảm bảo về tiến độ, chất lượng.

PV: Thưa bà Nguyễn Thị Tâm, ý tưởng đúc Trống Đồng kỷ vật Thăng Long 1000 năm tuổi đã nhận được sự hưởng ứng thế nào của các tổ chức và cá nhân? Nếu có thể, xin bà cho biết đến nay đã có bao nhiêu tổ chức và cá nhân đăng ký để được nhận kỷ vật này?

Bà Nguyễn Thị Tâm: Việc đúc 100 chiếc “Trống Đồng kỷ vật Thăng Long 1000 năm tuổi” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhiều doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức.

Đến thời điểm hiện tại, đã có 80% số trống kỷ vật đã được các doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức đăng ký để trở thành chủ nhân của những kỷ vật mang giá trị thiêng liêng này.

“Trống Đồng kỷ vật Thăng Long 1000 năm tuổi” nhắc nhở con cháu mai sau luôn nhớ về cội nguồn dân tộc.

PV: Xin cảm ơn ông, bà!

                                                   Phương Thảo - Quỳnh Hương (thực hiện)