Xác định rõ mục tiêu đó, ngay từ khi Hát Xoan được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học nhằm tìm ra hướng đi tốt nhất, nhanh nhất đưa Hát Xoan thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Chỉ trong vòng 3 tháng kể từ khi Hát Xoan được vinh danh, ngày 13-2-2012, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành “Chương trình hành động về việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2012-2015”. Ngày 7-11-2013, Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại - Hát Xoan Phú Thọ, giai đoạn 2013-2020” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Lãnh đạo Sở VHTTDL Phụ Thọ tặng hoa chúc mừng nghệ nhân các
phường Xoan nhân Kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam
Căn cứ vào các nội dung cụ thể của đề án và chương trình hành động, các cấp, các ngành có liên quan bắt tay ngay vào việc, nhưng khó khăn chồng chất khó khăn; nan giải nhất lúc này là số lượng người có thể truyền dạy Hát Xoan còn lại rất ít (chỉ còn 7 nghệ nhân trong số các nghệ nhân trên 80 tuổi còn khả năng thực hành và truyền dạy), việc cần làm ngay là mở các lớp truyền dạy Hát Xoan tới mọi lứa tuổi, tầng lớp bằng các biện pháp: khuyến khích, hỗ trợ cộng đồng truyền dạy, đào tạo thế hệ những người thực hành di sản trẻ tuổi để sáng tạo, tiếp nối, duy trì và phát triển Hát Xoan trong cuộc sống đương đại; xây dựng chương trình giáo dục, giảng dạy Hát Xoan phù hợp với từng cấp học trong hệ thống các trường phổ thông, trường sư phạm và nghệ thuật tỉnh. Song song với việc truyền dạy, tỉnh Phú Thọ chú trọng làm tốt công tác rà soát, tôn vinh các danh hiệu cao quý (nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú) và ban hành chính sách đãi ngộ cụ thể đối với những nghệ nhân “Báu vật nhân văn sống”… Làm tốt hai nội dung trên, Phú Thọ đã tạo được cho Xoan một sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ chỗ không gian Hát Xoan chỉ bó hẹp trong các cửa đình, vào các dịp lễ hội thì nay tỉnh Phú Thọ đã có những giải pháp phục dựng tục Hát Xoan nước nghĩa giữa các làng Xoan và các địa phương, đưa Hát Xoan gắn với du lịch, tham gia vào các hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ trong tỉnh, tại các tỉnh bạn và ở nước ngoài. Việc tu bổ, tôn tạo lại các di tích liên quan đến Hát Xoan, tạo không gian riêng cho Hát Xoan cũng được tỉnh hết sức chú trọng bởi không gian chính của Hát Xoan là hát tại các cửa đình. Mặt khác, tỉnh tăng cường nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước đi đôi với xã hội hóa để bảo vệ, phát huy giá trị di sản…
Những hành động thiết thực đó đã tạo một nguồn sinh lực, tạo đà cho Hát Xoan chuyển mình vươn lên tầm cao mới. Điều này thể hiện rõ qua những kết quả kiểm kê cụ thể: 17 nghệ nhân Hát Xoan tỉnh Phú Thọ được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, 52 nghệ nhân được UBND tỉnh Phú Thọ tặng danh hiệu Nghệ nhân Hát Xoan, 29 nghệ nhân được Hội Văn nghệ Dân gian trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, đào tạo được 62 nghệ nhân kế cận, gần 200 đào, kép thuộc 4 phường Xoan gốc sinh hoạt thường xuyên và đủ khả năng trình diễn Hát Xoan thờ, 19/30 đình, miếu nơi có tục lệ Hát Xoan được bảo tồn, tôn tạo, 30 câu lạc bộ Xoan được thành lập với gần 1000 hội viên, 80/90 trường học ở các cấp đưa Hát Xoan vào giảng dạy, tổ chức 4 lớp Xoan cộng đồng cho trên 100 học viên, gần 8.000 sách, đĩa CD, DVD về Hát Xoan được xuất bản, hàng trăm phim tư liệu, đề tài khoa học, sách, báo, tạp chí được đăng tải, lưu trữ và bảo quản…
Theo đồng chí Hà Kế San - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Có được kết quả trên là do tỉnh Phú Thọ luôn xác định di sản văn hóa là nguồn lực tiềm năng cội nguồn của ý chí, điểm tựa sáng tạo và nền tảng của sự phát triển trong mọi lĩnh vực cả kinh tế, khoa học kỹ thuật và văn hóa xã hội. Phú Thọ đã, đang và sẽ tiếp tục có những chủ trương, chính sách, biện pháp tích cực và hiệu quả để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững với một vị thế mới, một tầm nhìn mới trong thời kỳ hội nhập quốc tế và phát triển của đất nước…”. Với ý chí quyết tâm đó, hy vọng, Di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ sẽ sớm được vinh danh trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017.
Lưu Mai Vân