Đưa dân ca Nghệ Tĩnh vào dạy học trong nhà trường: Từ lý luận đến thực tiễn

Là một trường chuyên nghiệp đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã và đang tích cực góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh.

1. Dân ca Nghệ Tĩnh (trong đó Ví, Giặm là hai thể loại tiêu biểu nhất) ra đời đã lâu nhưng chính xác từ lúc nào là điều khó xác định, chỉ biết rằng Ví, Giặm từng là hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đã phát triển hơn hai trăm năm trước, bởi thuở ấy, Nguyễn Du từ Nghi Xuân đã vượt qua bao truông ải, đường bộ hiểm trở để vào Trường Lưu (Can Lộc) hát ví... Mấy thế kỷ qua, từ trong lao động, sản xuất mang tính phường hội và trong sinh hoạt hàng ngày, những người bình dân đã cất lên những câu ví, điệu hò theo kiểu ngẫu hứng, truyền miệng; chúng được tạo ra tự nhiên rồi lưu truyền và gắn bó với người dân quê xứ Nghệ từ đời này đến đời khác, như khí trời, như hạt lúa củ khoai... Cứ thế, suốt cả mấy trăm năm, Ví, Giặm được nuôi dưỡng, phát triển cùng với xã hội và môi trường tinh khôi, nguyên sơ, chưa có sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai, pha tạp.  

Nhưng rồi xã hội, nghề nghiệp, cách thức lao động, tâm lý con người đã đổi khác khi có sự du nhập, mở cửa với thế giới... Từ đầu thế kỷ XX, nhà thơ Tú Xương đã đau đớn nhìn thấy con sông Lấp biến mất khi đô thị hoá bắt đầu: Sông kia rày đã nên đồng/ Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai/ Vẳng nghe tiếng ếch bên tai/ Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò...(Sông Lấp). Nhà thơ Nguyễn Bính giữa thế kỷ XX, chứng kiến sự mai một nếp xưa, sự xâm thực của văn minh đô thị, đã thảng thốt kêu lên: Hôm qua em đi tỉnh về/ Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều /... Áo cài khuy bấm em làm khổ tôi...Van em em hãy giữ nguyên quê mùa (Chân quê). Cả hai nhà thơ, ngay từ đầu thế kỷ đã lo âu, day dứt và dự cảm về sự phai nhạt nhanh chóng đến đáng sợ đối với những gì vốn mang đậm bản sắc quê hương, dân tộc. Thế kỷ XX quả là một thế kỷ đầy biến động; sự hội nhập và toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng; tình hình nông thôn -  nông dân - nông nghiệp, nơi khởi phát và là mảnh đất sống tự nhiên của dân ca, đã có sự thay đổi nhiều khi nhanh đến “chóng mặt”: Buổi sáng đi xóm cũ vẫn là làng/ Lúc chiều về, làng đã xoay thành phố/ Nhà đã tắt tiếng ru con muôn thuở/ Tục ngữ ca dao chết trong sách giáo khoa/ Lũ trẻ chập chờn trong nhạc Rốc hát qua loa...(Trần Nhuận Minh, 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh).   

Trong bối cảnh ấy, dân ca Ví, Giặm (cũng giống với dân ca nhiều vùng miền khác, như: Quan họ, Chèo, Cải lương, Ca trù, Tuồng, Xẩm, hát Xoan, hát Ghẹo) đang đứng trước nhiều thử thách quyết liệt. Cho đến nay, nói chung thì dân ca vẫn “sống” nhưng chủ yếu là “sống” trong không gian hạn chế, có tính “tổ chức”, như các chương trình hội thi, biểu diễn nghệ thuật hay một số hoạt động khác (câu lạc bộ, lễ hội) và “kí sinh” vào một số tác phẩm có yếu tố“mượn lời”, cải biên hay sân khấu hoá mà không có được sự tồn tại với tư cách là một sinh hoạt văn hóa tinh thần tự nhiên, nguyên sơ trong dân gian như những ngày xưa; nó cũng không được tiếp nhận một cách thật mặn mà, hồ hởi của thế hệ trẻ thời nay khi tâm lý, thị hiếu của họ đã khác trước; dòng nhạc dân gian đang bị lấn át bởi những dòng nhạc hiện đại có độ hot cao hơn. Thời kỳ huy hoàng của dân ca thuộc về quá khứ. Đó là một thực tế, không thể cưỡng được thời thế. Vấn đề là chúng ta tiếp nhận cái mới, cái hiện đại và ứng xử với cái cũ, cái truyền thống như thế nào để đảm bảo mục tiêu: xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Dân ca Ví, Giặm là niềm tự hào của người Nghệ Tĩnh. Ảnh: baonghean.vn

Mấy trăm năm tồn tại, dù trải qua bao thăng trầm, dâu bể, dân ca các vùng miền, trong đó có Ví, Giặm, đã đi vào tâm thức thành máu thịt của nhân dân nên nó vẫn  có sức sống mãnh liệt, vẫn đồng hành với xã hội và biết cách “hoà nhập” phù hợp với thời đại mới. Quả thật, dân ca Ví, Giặm bây giờ đã có vị thế khác: từ chỗ là tiếng hát “bình dân” (gắn bó với lao động cấy cày, chèo thuyền, dệt vải nơi đồng ruộng làng quê, bến sông con đò), bây giờ dân ca là một hình thức sinh hoạt văn nghệ khá là “sang trọng” (biểu diễn trên sân khấu, đến các điểm du lịch, hội hè, vào các giảng đường, lên sóng phát thanh truyền hình); dân ca cũng đã có tầm hoạt động vượt ra khỏi vùng quê Nghệ Tĩnh, vươn đến tầm cả nước và đến cả bạn bè năm châu, được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại...

Những người dân quê tạo ra dân ca, cũng chính là những người thầm lặng giữ cho mạch nguồn dân ca như giữ ngọn lửa trong nhà mình không tắt. Công lao ấy còn thuộc về quan điểm, tầm nhìn của chính quyền, lãnh đạo ngành văn hoá và sự tâm huyết, đầy trách nhiệm của những người “chiến sỹ trên mặt trận văn hoá” hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã kiên trì, bền bỉ gìn giữ và trao truyền dân ca Ví, Giặm trong suốt mấy chục năm qua, ngay cả khi đất nước phải căng mình vượt qua hai cuộc chiến tranh ác liệt, rồi kinh qua thời kỳ  “Cả dân tộc đói nghèo trong rơm rạ” (Chế Lan Viên). Có nhiều chuyên gia, nghệ sỹ, nghệ nhân đã sống đam mê, gắn bó chung thuỷ với câu hò điệu ví quê hương; dân ca đã làm nên “danh phận” của họ (Nhà Nghệ Tĩnh học, NSUT, NSND, nhạc sỹ, ca sỹ, nghệ nhân) nhưng chính họ cũng là những người có công làm cho hồn cốt của dân ca lưu truyền, lan toả...

Thống kê sơ bộ, từ đầu thế kỷ XX đến nay, đã có hơn 500 bài viết, 25 tập sách, gần 20 đề tài, dự án và luận án, hơn 10 cuộc hội thảo, hơn 100 câu lạc bộ, 3 cuộc thi, hàng trăm cuộc giao lưu, liên hoan... Tất cả đều nhằm sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá giá trị, nêu các giải pháp và tổ chức thực hiện để bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm... Vấn đề đặt ra và cũng là điều trăn trở nhất của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người nghệ sỹ là tìm các giải pháp, cách thức thích hợp để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm trong tình hình mới. Các cơ quan quản lí (chính quyền, sở ngành cấp tỉnh) và các đơn vị chức năng (Phòng văn hoá, Trung tâm văn hóa) của hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có chủ trương, giải pháp và tổ chức thực hiện các hoạt động: tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu dân ca; thành lập các câu lạc bộ; tổ chức hội thi, hội diễn, hội thảo; cải biên, sáng tác lời mới; sân khấu hoá dân ca; ghi công và phong tặng danh hiệu cho các nghệ nhân, nghệ sỹ hát dân ca; tuyên truyền quảng bá, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình và câu lạc bộ...

2.  Trong số các giải pháp đã và đang thực hiện, việc đưa dân ca Nghệ Tĩnh vào nhà trường là một giải pháp đã có chủ trương chính thức, có tính khả thi cao vì trường học là nơi có điều kiện để trao truyền dân ca cho thế hệ trẻ một cách hệ thống, chính quy và bền vững. Có thể thấy, đây là vấn đề không mới (các trường học trong hai tỉnh đã triển thực hiện từ khá sớm) nhưng đến nay, qua khảo sát ở các trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hiệu quả thực hiện dạy học dân ca rất hạn chế, nguyên nhân là điều kiện dạy học môn dân ca ở các trường còn thiếu và yếu, khâu tổ chức chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống (hệ thống vĩ mô: chủ trương, cơ chế của các cấp, sở, ngành, nhà trường; hệ thống vi mô: đội ngũ giáo viên, chương trình tài liệu, phương pháp dạy và cách thức kiểm tra đánh giá...). Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và bàn bạc để làm cho việc đưa dân ca vào nhà trường đạt hiệu quả là điều rất cần thiết.

Trên cơ sở mục tiêu chung bảo tồn và phát huy các giá trị tiêu biểu, đặc sắc của dân ca Ví, Giặm, làm cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ tự hào, yêu mến hiểu biết giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, từ đó có ý thức phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống nói chung, dân ca Nghệ Tĩnh nói riêng, có giải pháp tiếp tục gìn giữ, phát huy dân ca trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Để cụ thể hoá giải pháp đưa dân ca vào dạy học trong nhà trường, cần xác định các nhiệm vụ chính hiện nay là: (i) Tổng hợp và tổng kết kết quả nghiên cứu của các công trình đi trước, tiếp tục tìm hiểu và đánh giá vai trò cùng với những đặc điểm nổi trội và xác định các giá trị tiêu biểu của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cần bảo tồn và phát huy trước mắt và lâu dài; (ii) Điều tra, đánh giá thực trạng tồn tại của dân ca Ví, Giặm và công tác bảo tồn và phát huy dân ca thời gian vừa qua trong thực tiễn xã hội nói chung, trong trường học nói riêng; (iii) Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá vai trò, các đặc điểm nổi trội và các giá trị tiêu biểu của dân ca Nghệ Tĩnh; (iv) Làm cơ sở để xây dựng một cách hệ thống chương trình đưa dân ca vào giảng dạy và học tập dân ca trong trường phổ thông (từ tiểu học đến trung học phổ thông) và đào tạo, bồi dưỡng diễn viên dân ca, giáo viên âm nhạc, các cán bộ quản lí văn hóa, du lịch ở trường cao đẳng và đại học.

Dân ca Ví, Giặm được các cháu học sinh hưởng ứng nhiệt tình. Ảnh: internet

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, các vấn đề cần giải quyết là: (i) Về lý luận: Xác định rõ những đặc điểm cơ bản và các giá trị tiêu biểu của dân ca Nghệ Tĩnh cần đưa vào dạy học trong nhà trường (phổ thông, Cao đẳng VHNT); Làm rõ các các chức năng, vai trò, nhiệm vụ của hệ thống tổ chức, từ chính quyền tỉnh, các Sở ngành, các nhà trường để thực thi đồng bộ việc tổ chức thực hiện đưa dân ca vào trường học có hiệu quả (Chủ trương và cơ chế thực hiện; Các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; Vấn đề tổ chức phối hợp giữa các cấp, ngành và các nhà trường trong  việc đưa dân ca vào trường học)... (ii) Về thực tiễn: Cần điều tra, đánh giá thực trạng của việc dạy học dân ca ở các nhà trường hiện nay (ở bậc phổ thông, bậc cao đẳng); Kinh nghiệm việc đưa dân ca vào dạy học ở các địa phương (các vùng miền của cả nước); Đề xuất chương trình, tài liệu dạy học dân ca và phương pháp tổ chức dạy học dân ca; Cách tổ chức Câu lạc bộ dân ca trong trường học (Trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, trường cao đẳng). Một số vấn đề cụ thể khác có liên quan, như: môn học dân ca trong mối quan hệ với các môn học khác; chương trình học chính khoá hay ngoại khoá; thời lượng dạy học, cách thức dạy học; lựa chọn bài dân ca cho bậc học, cấp học, khối học thế nào cho hợp lý; giáo trình tài liệu dạy học dân ca cho các trường; tập huấn dạy dân ca; điều kiện dạy học dân ca trong các nhà trường ra sao.v.v...

Những vấn đề trên, tưởng như cũ, tưởng như đơn giản nhưng nếu không có sự trao đổi bàn bạc thấu đáo thì sẽ gặp khó khăn khi tổ chức thực hiện, nhất là trong các công đoạn cụ thể. Chúng tôi cho đây là công việc lớn, có liên quan đến cả hệ thống: từ cấp quản lý, các đơn vị chức năng đến các cơ sở thực thi....Mọi lý thuyết đều màu xám, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi (J.W.Goethe). Không có lý thuyết nào là chân lý tuyệt đối, chúng ta vừa làm vừa tiếp tục bổ sung, điều chỉnh từ thực tế để ngày càng có hiệu quả thiết thực.

3. Ngày 27 tháng 11 năm 2014, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Danh hiệu cao quý này là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhưng cũng nhắc nhở trách nhiệm to lớn của mỗi chúng ta, những người hôm nay và các thế hệ mai sau phải thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, cam kết quốc tế cũng như ý nguyện của nhân dân về bảo tồn và phát huy bền vững giá trị văn hoá quý báu mà cha ông ta để lại. Đây cũng là lý do để chúng ta cần phải có những kế hoạch và giải pháp khoa học, tích cực và chủ động  để bảo tồn và phát huy giá trị của dân ca Ví, Giặm trước mắt và lâu dài trong bối cảnh đất nước, khu vực và quốc tế vừa có những thuận lợi xen kẽ nguy cơ thách thức về mọi phương diện trong đó có văn hoá nghệ thuật.…

Là một trường chuyên nghiệp đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An đã và đang tích cực góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Hơn 20 năm qua, nhà trường tham gia đào tạo, bồi dưỡng cung cấp hàng trăm cán bộ, giáo viên, diễn viên dân ca cho các đoàn nghệ thuật, trung tâm văn hóa, các trường phổ thông trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh… Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An giao trường chủ trì đề tài KH&CN “Nghiên cứu dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc giảng dạy, học tập dân ca trong trường học (Quyết định số 4118/QĐ-UBND, ngày 14 tháng 9 năm 2015).

Vào tháng 5 năm 2016, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An tổ chức Hội thảo khoa học “Vấn đề đưa dân ca Nghệ Tĩnh vào dạy học trong nhà trường: Từ lý luận đến thực tiễn”. Đây là dịp để Hội thảo đánh giá việc thực hiện cam kết quốc tế sau hơn một năm dân ca Ví, Giặm được vinh danh, đồng thời bàn giải pháp đưa dân ca Nghệ Tĩnh vào giáo dục và đào tạo trong nhà trường - một trong những giải pháp được nhiều người quan tâm và ủng hộ.

Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, tham gia viết bài của các nhà khoa học, nghệ sỹ (các Sở ngành), giáo viên, sinh viên, học sinh (các trường cao đẳng, đại học, phổ thông) trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, các chuyên gia của Bộ ngành Trung ương và các Trường Văn hoá Nghệ thuật tỉnh: Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Huế, Đà Nẵng. Kết quả Hội thảo này góp phần tăng sự hiểu biết của tất cả mọi người, về các giá trị của dân ca, về cách thức đưa dân ca vào trường học, đó là cách thiết thực của nhà trường, của ngành giáo dục bày tỏ lòng tri ân và ý thức gìn giữ tài sản tinh thần quý giá mà cha ông ta đã trao truyền lại cho thế hệ chúng ta hôm nay và mai sau.

PGS.TS Phan Mậu Cảnh

Top