Du lịch Hà Nội: Quyết tâm không để khách “đi ngủ sớm”!

Ngành Du lịch Hà Nội đã và đang bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19. Bên cạnh những phương án kích cầu mang tính truyền thống như khuyến mãi, giảm giá tour…, một giải pháp lâu dài đang được các chuyên gia đề cập, đó là phát triển du lịch đêm.

Tiềm năng lớn

Hà Nội là trung tâm du lịch lớn của cả nước, sở hữu gần 6.000 di tích, khoảng 1.200 lễ hội, 1.350 làng nghề cùng nền ẩm thực đa dạng... Tiềm năng, thế mạnh này đang được người làm du lịch Thủ đô đẩy mạnh khai thác để tạo sức bật mới cho ngành kinh tế xanh sau khoảng lặng do COVID-19.

So với các trọng điểm du lịch của Hà Nội thì khu phố cổ là nơi thu hút khách du lịch đông nhất, do có lợi thế là trung tâm của Thủ đô, lại sở hữu hàng loạt các danh thắng, di tích đặc trưng và cũng là nơi lưu giữ dấu tích của đất Kẻ Chợ xưa. 

Với những khách du lịch có nhu cầu tìm hiểu không gian, kiến trúc, di sản phố cổ; muốn mua bán những mặt hàng đặc trưng của các phố nghề xưa; thưởng thức ẩm thực Hà Nội hay khám phá, trải nghiệm cuộc sống người dân phố cổ... họ đều lựa chọn nơi này làm điểm tham quan hoặc lưu trú.

Khi đêm đến, các tuyến phố càng trở nên sôi động, nhộn nhịp, tấp nập người qua lại. Trong đó, khu phố cổ Hà Nội với các tuyến phố: Tạ Hiện, Lương Ngọc Quyến, Hàng Bạc, Hàng Buồm, Hàng Ngang, Hàng Đào, Mã Mây, Hàng Bè, Đồng Xuân, Hàng Gai… được đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước biết tới bởi sự sầm uất, nhộn nhịp. 

Bên cạnh đó, để tạo thêm sức hấp dẫn, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội còn tổ chức nhiều điểm biểu diễn nghệ thuật phục vụ du khách. Đáng lưu ý, trong số khách tham quan có rất đông khách nước ngoài đến trải nghiệm và lưu trú ngay tại phố cổ.

Chợ đêm phố cổ là một nét văn hóa đặc trưng của người dân Hà thành

Các chuyên gia du lịch phân tích, chỉ tính riêng Hà Nội, năm 2019, ngành Du lịch Thủ đô đón 29 triệu lượt du khách (trong đó có khoảng 7 triệu lượt khách quốc tế). Trung bình mỗi khách ở khoảng 1,5 đêm, như vậy là có gần 45 triệu lượt khách lưu đêm. Nhưng Hà Nội có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống và người nước ngoài cư trú, nếu mỗi đêm có 1/10 số người có nhu cầu vui chơi, giải trí đêm, thì 1 năm đã có khoảng 365 triệu lượt khách. Đây là con số khổng lồ và rất hấp dẫn các nhà đầu tư.

Theo UBND quận Hoàn Kiếm, từ khi triển khai các hoạt động du lịch đêm, trong đó có việc thí điểm mở cửa các quán bar, nhà hàng đến 2 giờ sáng, lượng khách du lịch quốc tế đến lưu trú tại quận Hoàn Kiếm đã tăng nhanh: năm 2016 đạt gần 1,4 triệu lượt du khách, tăng 22,8% so với cùng kỳ; năm 2017 đạt 1,95 triệu lượt du khách, tăng 30,2%; năm 2018 đạt gần 2,2 triệu lượt du khách, tăng 12%; năm 2019 gần 2,5 triệu lượt du khách tăng 13%. 

Ngoài ra, số lượng cửa hàng kinh doanh trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chuyển sang các hoạt động dịch vụ du lịch tăng 594 cơ sở (khu phố cổ, phố cũ có 568 cơ sở; khu vực ngoài đê có 26 cơ sở).

Hà Nội về đêm trong mắt du khách không chỉ là các cửa hàng tiện ích, các quán ăn uống, quán bar, cà phê, thời trang, mà còn xuất hiện nhiều loại hình kinh doanh ăn theo khác như xích lô, văn nghệ đường phố. Tất cả tạo nên không gian về đêm rất đặc trưng của Hà Nội. Đặc biệt, với một lượng lớn du khách tập trung về khu phố cổ đã tạo cơ hội việc làm rất lớn cho người lao động, tăng thu nhập cho các tiểu thương, thu hút khách du lịch.

Xây dựng sản phẩm du lịch mới, mở các tour du lịch về đêm

Ngay sau khi COVID-19 cơ bản được kiểm soát, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp hiệu quả với các doanh nghiệp, điểm đến nâng cao chất lượng, tạo sản phẩm mới.

Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội cho biết: “Bên cạnh việc yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID -19, Sở Du lịch Hà Nội đã đẩy mạnh chương trình kích cầu du lịch như kết hợp với Công ty Lữ hành Hanoitouris cùng Ban Quản lý Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long tổ chức chương trình Tour đêm: Giải mã Hoàng Thành Thăng Long nhằm mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị, độc đáo và đầy thử thách khi tìm hiểu bí ẩn của các triều đại trong chiều dài 1.300 năm lịch sử”.

Du khách thăm Hoàng thành Thăng Long

Để tạo sức hấp dẫn cho tour khám phá đêm Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội sắp đặt lại hệ thống đèn chiếu sáng, đầu tư hệ thống đèn lồng khu vực Điện Kính Thiên, đèn trang trí trong di tích, sắp đặt hệ thống nến… tạo hiệu ứng sáng sáng cho không gian di tích. Bên cạnh đó, những người tham gia thuyết minh, biểu diễn nghệ thuật cũng được đầu tư trang phục Hoàng cung phù hợp.

Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” kết nối với sản phẩm tour “Đêm trước dời đô” (Ninh Bình), tạo thành một sản phẩm tour trọn gói, độc đáo, thu hút đông đảo hơn nữa khách du lịch đến Hà Nội và Hoàng thành Thăng Long. Thời gian hoạt động tour đêm Hoàng thành Thăng Long từ 17h30 đến 21h00 vào mùa Đông và từ 18h00 đến 21h30 vào mùa Hè.

Bà Nguyễn Thị Yến, Trưởng phòng Hướng dẫn - Thuyết minh (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội) cho biết: “Để kích cầu du lịch, Trung tâm có nhiều ưu đãi dành cho khách tham quan, như miễn phí thuyết minh tại điểm cho đoàn từ 15 khách; miễn phí gửi ô tô từ 16 chỗ cho đoàn khách du lịch; giảm giá cho đoàn từ 50 người trở lên. Ngoài ra, Trung tâm còn tặng thêm dịch vụ tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các bậc tiên đế tại Điện Kính Thiên. Từ khi mở cửa trở lại đến nay, Khu Di sản Hoàng thành Thăng Long đã đón khoảng 10.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm”.

Độc đáo không kém là tour “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” kéo dài 45 phút, tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, bắt đầu từ ngày 24/7 vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.

Tour có thời lượng 45 phút, đưa du khách ngược dòng thời gian trở về quá khứ, nghe thuyết minh về kiến trúc nhà tù cùng các câu chuyện xúc động về cuộc đấu tranh trong tù của các tù nhân chính trị. Qua đó, du khách thấy được ý chí kiên cường, sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ và thêm niềm tự hào về thế hệ cha anh đã chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc.

Tour “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò vào các tối thứ Sáu, thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần.

Điều đặc biệt của tour trải nghiệm này là đơn vị tổ chức đã tạo nên các cung bậc cảm xúc từ hiệu ứng của ánh sáng và âm thanh hoàn toàn khác biệt so với ban ngày. Hành trình sẽ đánh thức cảm xúc, giác quan của du khách, điều mà những chuyến tham quan vào ban ngày chưa làm được trọn vẹn.

Trong khi đó, ngay khi đón khách trở lại, Văn Miếu - Quốc Tử Giám tạo ấn tượng với dòng sản phẩm lưu niệm chuyên biệt bằng vật liệu truyền thống như gốm, sứ, tre, vải... của các làng nghề Hà Nội, gắn với truyền thống khoa bảng Việt Nam - giá trị đặc trưng của khu di tích.

Để du khách đến Hà Nội không lo "đi ngủ sớm"

Vào tháng 8/2020, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt và cho phép triển khai thực hiện Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận. Khi Đề án được Thành phố phê duyệt sẽ được triển khai theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 triển khai trong 1 năm, trong đó, sẽ mở rộng thêm việc kinh doanh, phố đi bộ ở một số tuyến phố. Giai đoạn 2 sau khi hoàn thiện giai đoạn 1 sẽ phát triển trong toàn quận.

Theo đó, các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần. Phạm vi hoạt động kinh tế đêm sẽ chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: Dịch vụ văn hóa, vui chơi, giải trí; dịch vụ ăn uống; mua sắm; chăm sóc sức khỏe; các hoạt động du lịch; vận chuyển; tài chính, ngân hàng bổ trợ cho các hoạt động kinh tế đêm...

Các không gian tạo động lực phát triển kinh tế đêm gồm: Khai thác có hiệu quả hoạt động của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận; các không gian đi bộ trong khu phố cổ; phát triển ẩm thực tại khu vực Đồng Xuân - Bắc Qua gắn với thương hiệu văn hóa của chợ Đồng Xuân, khai thác khu vực mái vòm (tầng 3), khu vực quảng trường trước cổng chính của chợ, kết hợp với khai thác chức năng thương mại tại khu đất 40 Thanh Hà - 17 Nguyễn Thiện Thuật, cấu trúc lại tuyến phố Hàng Khoai, Cao Thắng và khu vực xung quanh chợ Đồng Xuân.

Phát triển không gian văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch Phùng Hưng - Gầm Cầu (đã được UBND TP, Hội đồng Kiến trúc - Quy hoạch TP thông qua) để tổ chức Không gian đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu (trong đó: giai đoạn 1 - tiếp tục triển khai việc đục thông, gia cố, cải tạo các ô vòm cầu tiếp theo, hoán đổi các bức bích họa tại khu vực Bích họa Phùng Hưng để tạo điểm nhấn đối với dự án thí điểm giai đoạn 1).

Phát triển tuyến phố ẩm thực đêm kết hợp đi bộ Tống Duy Tân - Cấm Chỉ: hoàn thành công tác cải tạo, chỉnh trang tuyến phố, nâng cao chất lượng, tổ chức các hoạt động ẩm thực đặc sắc trên tuyến phố, kết nối với không gian đi bộ Phùng Hưng - Gầm Cầu để tạo thành chỉnh thể thống nhất.

UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt và cho phép triển khai thực hiện Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận

Phát triển tuyến phố Hàng Khay - Tràng Tiền đến Nhà hát Lớn để phát triển thành tuyến phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại, xây dựng phương án vận hành, khai thác, sử dụng phố Tràng Tiền 1 và Tràng Tiền 2 (đoạn Ngô Quyền cắt giữa) thành tuyến phố trình diễn nghệ thuật thời trang kết hợp nghệ thuật ẩm thực (có thể mở rộng ra phố Đinh Lễ - Nguyễn Xí, Lê Thái Tổ, Lý Thái Tổ - khu vực xung quanh Nhà hát Lớn).

Tổ chức quy hoạch, sắp xếp ngành hàng, phát triển các tuyến phố chuyên doanh, phố nghề truyền thống gắn với đặc điểm lịch sử, văn hóa của từng tuyến phố trong khu phố cổ; thiết lập các khu vực mua sắm tập trung, mua sắm chuyên đề để phục vụ nhu cầu của du khách cùng với việc nâng cấp chất lượng dịch vụ tại hệ thống các trung tâm thương mại, chợ, điểm mua sắm sẵn có trên địa bàn. Các hoạt động kinh doanh dịch vụ trên địa bàn quận được tổ chức không giới hạn thời gian hoạt động vào tất cả các ngày trong tuần. Riêng các hoạt động ngoài trời, các điểm di tích, di sản phục vụ du lịch mở cửa đến 24 giờ.

Theo ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội, trong thời gian tới đây, Sở Du lịch tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới, nhất là sản phẩm thế mạnh, mang đặc sắc – đặc trưng Hà Nội, phảt triển du lịch về đêm kinh doanh du lịch tạo đà bứt phá trong tương lai.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, tháng 10-2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 554 nghìn lượt, giảm 71,4% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng 30% so với tháng 9/2020. Trong đó, khách quốc tế đến Hà Nội ước đạt 20 nghìn lượt (15 nghìn lượt khách quốc tế có lưu trú), giảm 95,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 20% so với tháng 9/2020; khách du lịch nội địa ước đạt 534 nghìn lượt (34,1 nghìn lượt khách du lịch nội địa lưu trú và 499,9 nghìn lượt khách du lịch nội địa trong ngày), giảm 63,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 30% so với tháng 9/2020. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 1,21 nghìn tỷ đồng, giảm 82,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 25% so với tháng 9/2020.

Ước tính 10 tháng đầu năm 2020, khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 7,27 triệu lượt, giảm 68,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế ước đạt 1,05 triệu lượt  (773,3 nghìn lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú và 282 nghìn lượt khách du lịch trong ngày), giảm 79,3% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch nội địa ước đạt 6,22 triệu lượt (1,79 triệu lượt khách du lịch nội địa lưu trú và 4,42 triệu lượt khách du lịch nội địa trong ngày), giảm 66% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 24,92 nghìn tỷ đồng, giảm 69,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tháng 10/2020, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1- 5 sao ước đạt khoảng 28,6%, tăng 13.3% so với tháng 9/2020 và giảm 38,6 % so với cùng kỳ 2019. Ước tính, 10 tháng năm 2020, công suất trung bình khối khách sạn ước đạt khoảng 28,2%, giảm 41,7% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo kế hoạch, tháng 11/2020, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục xây dựng và triển khai các nội dung kích cầu du lịch nội địa những tháng cuối năm với các hoạt động như Ngày hội khuyến mại du lịch (30/10-01/11); Hội chợ Du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội (18-21/11); tham dự Diễn đàn phát triển du lịch giữa Tp. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung (Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế); xây dựng và ban hành Kế hoạch tổ chức Hội nghị tổng kết hợp tác phát triển du lịch Hà Nội và các địa phương; triển khai Kế hoạch thực hiện quảng bá một số điểm du lịch di tích, làng nghề trọng điểm trên địa bàn TP. Hà Nội bằng giao diện ảnh 360; tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố...

Hoàng Vân

 

 

Top