Du lịch di sản - Tiềm năng và thách thức đối với các bảo tàng, di tích Việt Nam

Xu hướng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đang dần được phát triển mạnh mẽ. Du lịch văn hóa được kết nối với di sản văn hóa bởi sự hòa quyện của văn hóa, con người và cộng đồng.

Du lịch di sản - Tiềm năng du lịch đặc biệt

Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng dần. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam, năm 2012, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6.847.678 lượt, tăng 13,86% so với cùng kỳ năm 2011, trong đó tăng nhiều nhất là khách Hàn Quốc (35,0%), tiếp đến là Malaysia (24,6%), Nhật Bản (23,0%)… Cùng với đó, nhu cầu tìm hiểu, trải nghiệm về thiên nhiên, đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam cũng có xu hướng tăng cao.

Xuất phát từ nhu cầu đó, xu hướng du lịch văn hóa, du lịch sinh thái đang dần được phát triển mạnh mẽ. Du lịch văn hóa được kết nối với di sản văn hóa bởi sự hòa quyện của văn hóa, con người và cộng đồng. Sự kết nối đó có thể coi là duy nhất và đặc biệt để khai thác nguồn tài nguyên du lịch. Trong đó, hệ thống bảo tàng, di tích - nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô giá, đóng vai trò quan trọng bởi bảo tàng, di tích cũng là điểm du lịch văn hóa, du lịch di sản đặc biệt khác biệt với các loại hình du lịch khác. Nếu chúng ta biết khai thác, phát huy chúng một cách khoa học và đúng cách thì sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch văn hóa đa dạng, thích hợp, hấp dẫn. Với việc nâng cao hiểu biết về những yếu tố hoàn toàn mới lạ và độc đáo, khách du lịch sẽ thích đi đến các bảo tàng, di tích hơn vì ở đó họ có thể tìm hiểu, trải nghiệm về lịch sử, văn hóa và truyền thống của một địa phương, quốc gia mà họ đặt chân tới.

Khách tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, TP Hồ Chí Minh. Ảnh: TL

Bảo tàng và du lịch văn hóa, du lịch di sản khẳng định rõ vai trò của các di sản văn hóa đối với du lịch. Bảo tàng gắn với du lịch, phục vụ du lịch là một trong những phương thức quan trọng để thực hiện xã hội hóa và trở thành thiết chế văn hóa, giáo dục đặc biệt, vừa là nơi lưu giữ, tuyên truyền, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vừa là tiềm năng du lịch đặc biệt góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Đó là hình mẫu gắn kết liên ngành vì sự phát triển bền vững.

Hiện nay, hệ thống bảo tàng của Việt Nam cũng như trên thế giới đã và đang phát triển mạnh mẽ. Theo số liệu của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO), thế giới hiện có hơn 49.000 bảo tàng. Ở Việt Nam, tính đến nay  đã có 134 bảo tàng (gồm bảo tàng cấp quốc gia, bảo tàng tỉnh, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng ngoài công lập) và 3.165 di tích cấp quốc gia. Tỉ lệ thuận với sự phát triển nhanh của các bảo tàng là mức độ tăng về số lượng khách tham quan bảo tàng (đặc biệt là đối tượng khách du lịch, học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu). Điều đó đã phần nào khẳng định tính phổ biến và vai trò thiết yếu của bảo tàng trong đời sống xã hội.

Khách tham quan Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: TL

Tuy nhiên, đối với đối tượng khách du lịch quốc tế thì trên thực tế lại cho thấy, lượng khách du lịch đến Việt Nam ngày càng tăng, nhưng lượng khách đến tham quan bảo tàng chưa nhiều; bảo tàng chưa trở thành điểm đến, điểm dừng chân quen thuộc của du khách và chưa đóng vai trò là địa chỉ quan trọng trong hệ thống tour của các công ty du lịch, lữ hành. Vì vậy, việc đổi mới diện mạo cả về nội dung, hình thức cũng như các phương thức, dịch vụ phục vụ du khách của hệ thống bảo tàng, di tích trên cả nước hiện nay là rất cấp thiết để có thể đánh thức những tiềm năng vốn có của kho tàng di sản mà các bảo tàng, di tích hiện đang lưu giữ. Hơn nữa, phát triển bảo tàng gắn kết với khai thác tiềm năng du lịch di sản là cách làm tốt, góp phần vào chiến lược phát triển văn hóa, kinh tế đất nước. Sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, du lịch và các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác, hoàn thiện quy hoạch bảo tồn và du lịch tại những điểm lưu giữ di sản là điều hết sức cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, đất nước ta đang trên con đường hội nhập, mở cửa, du lịch văn hóa, du lịch di sản đang ngày càng có điều kiện thuận lợi để phát triển.

Những thách thức đối với các bảo tàng, di tích

Xuất phát từ vấn đề sự kết nối giữa di sản và du lịch chưa tương xứng với tiềm năng mà các bảo tàng hiện có mà chiến lược bảo tàng - tiềm năng du lịch văn hóa, du lịch di sản vừa là mối quan tâm vừa là mục tiêu phát triển hàng đầu nhưng cũng đặt ra những thách thức cho các bảo tàng, di dích trên cả nước bởi sự tương tác giữa ngành Du lịch và các bảo tàng là mối quan hệ mật thiết, có thể tác động, ảnh hưởng đến di sản văn hóa và thiên nhiên bởi những giá trị mà nó cống hiến. Một mối quan hệ mật thiết cần được duy trì trên qui tắc bảo tồn để đảm bảo việc kéo dài tuổi thọ của hiện vật, di tích, di sản. Bởi vì tài sản di sản văn hóa là duy nhất và không thể thay thế được. Tính xác thực của nó có giá trị rất cao, sự thiệt hại và mất mát tài sản đó sẽ là mất mát chung cho nền văn hóa. Trách nhiệm và những nỗ lực của ngành Du lịch là phải làm giảm bớt những ảnh hưởng và thiệt hại tới tài sản văn hóa. Vì lý do đó mà các chương trình du lịch đều phải ưu tiên cho việc bảo tồn di sản. Du lịch làm sống dậy di sản nhưng nó cũng là mối nguy của di sản. Sự vắng khách ở các bảo tàng sẽ dẫn tới những hạn chế trong nhiệm vụ phát huy giá trị của di sản văn hóa nói riêng và trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước nói chung nhưng sự quá tải lượng du khách tham quan ở một số bảo tàng, di tích, di sản sẽ là thách thức đối với việc giữ gìn, bảo vệ di sản. Nhiều di tích, bảo tàng lên kế hoạch “đóng cửa”, không đón khách tham quan trong thời gian nhất định để tập trung trùng tu, khắc phục nguy cơ xuống cấp, hư hỏng nhưng đó cũng chưa phải là một giải pháp tốt nhất đảm bảo cho sự hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Du khách nghe giới thiệu về hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Pác Bó. Ảnh: TL

Vì vậy, nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững thì các bảo tàng, di tích và ngành Du lịch không nên quá coi trọng việc thu hút thật nhiều số lượng khách mà cần hướng tới việc đa dạng các hoạt động phục vụ, dịch vụ để làm sao đáp ứng tối đa các nhu cầu của du khách theo phương châm “một du khách được hưởng thụ nhiều dịch vụ hơn là nhiều du khách chỉ hưởng thụ một dịch vụ của bảo tàng, di tích”.

Giải pháp thực hiện nhằm mục tiêu vì sự phát triển bền vững

Khách du lịch - công chúng chính là mối quan tâm hàng đầu của bảo tàng, các hoạt động của bảo tàng đều hướng tới mục tiêu phục vụ công chúng một cách tốt nhất. Chính vì vậy, gắn kết bảo tàng với du lịch - du lịch di sản là một trong những hoạt động, giải pháp tốt nhất để phát huy tối đa giá trị di sản văn hóa mà bảo tàng đang lưu giữ. Trên thực tế, khách du lịch đến Việt Nam thường qua các công ty, các tour du lịch và bảo tàng có thể thu hút, là điểm dừng chân của du khách hay không, ngoài việc các bảo tàng phải tự nỗ lực, cố gắng đổi mới, phát triển các hoạt động, dịch vụ của mình thì các công ty du lịch, lữ hành cũng góp phần quan trọng để khách du lịch có thể đến với các bảo tàng. Vì vậy, để từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động phục vụ du khách đồng thời thực sự phát huy hết tiềm năng và trở thành điểm đến yêu thích và quen thuộc của du khách thì sự phối hợp giữa các bảo tàng, di tích với ngành Du lịch cần phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Về phía các bảo tàng:

- Thường xuyên đổi mới các hoạt động bảo tàng, đặc biệt là các hoạt động trưng bày, hướng dẫn, phục vụ, dịch vụ… tạo điều kiện cho du khách có thể sử dụng tối đa các dịch vụ của bảo tàng.

- Thường xuyên chỉnh lý, nâng cấp hệ thống trưng bày (về nội dung và hình thức) và các thiết bị phục vụ trưng bày. Chú trọng tới việc lựa chọn, nghiên cứu, xây dựng các trưng bày chuyên đề hay, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách.

- Tổ chức bổ sung, đào tạo, đào tạo lại tiến tới chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên, đội ngũ cán bộ phục vụ khách chuyên nghiệp hơn thông qua nhiều hình thức: tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, tổ chức các cuộc thi cho hướng dẫn viên. Đặc biệt là việc bổ sung và nâng cao chất lượng cho đội ngũ hướng dẫn tiếng nước ngoài.

- Cần sớm hoàn thiện chiến lược truyền thông và tăng cường việc gắn kết các bảo tàng trong việc triển khai các hoạt động truyền thông, quảng bá hình ảnh bảo tàng, các hoạt động bảo tàng tới công chúng đa dạng, phong phú hơn. Đặc biệt là đối với những đối tượng công chúng chưa có điều kiện đến bảo tàng. 

- Đẩy mạnh công tác maketing và phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm truyền thông, sản phẩm lưu niệm mang đặc trưng của mỗi bảo tàng cũng như các dịch vụ phục vụ du khách tại bảo tàng nhằm đảm bảo du khách đến với bảo tàng không chỉ tham quan, thưởng ngoạn cổ vật trưng bày mà còn được đáp ứng các nhu cầu mua sắm lưu niệm, giải trí, ẩm thực và thưởng thức các giá trị văn hóa tại bảo tàng, di tích;

- Tăng cường sự phối hợp giữa bảo tàng với các công ty du lịch, lữ hành nhằm kịp thời chuẩn bị nội dung, trao đổi thông tin ngay từ khâu xây dựng các tour của các công ty du lịch, lữ hành (cung cấp thông tin, các chương trình đặc biệt diễn ra tại bảo tàng cho các công ty du lịch, lữ hành để xây dựng những tour du lịch di sản văn hóa độc đáo, đặc sắc - tour du lịch chuyên đề bảo tàng, di sản - phù hợp với nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn các giá trị di sản văn hóa dân tộc của du khách đến Việt Nam); sự phối hợp giữa hướng dẫn viên bảo tàng với hướng dẫn viên du lịch nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu hướng dẫn của du khách khi đến với bảo tàng, di tích…;

- Tăng cường sự phối hợp giữa các bảo tàng, di tích để xây dựng mạng lưới quảng bá hình ảnh chung cho hệ thống bảo tàng, di tích trong từng khu vực và trên cả nước.

Về phía các công ty du lịch, lữ hành:

- Cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các bảo tàng, di tích để khai thác tốt nhất tiềm năng di sản phục vụ nhu cầu du lịch di sản của du khách hiện nay;

- Cần thiết kế những tour du lịch chuyên đề bảo tàng, di sản;

- Cần có sự phối hợp chặt chẽ với đội ngũ hướng dẫn viên bảo tàng để đáp ứng tối đa nhu cầu của du khách trong quá trình tham quan, tìm hiểu, trải nghiệm, hưởng thụ các dịch vụ của bảo tàng;

- Là cầu nối giữa khách du lịch với bảo tàng, các công ty du lịch, lữ hành cần tăng cường đóng góp ý kiến xây dựng cho các hoạt động của bảo tàng, đặc biệt là các hoạt động, dịch vụ phục vụ du khách nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu quả của các tour du lịch.

ThS Nguyễn Thu Hoài

 

Top