Dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh: Đưa di sản tương tác với đời sống đương đại

Chẳng còn mấy người quan tâm đến Cải lương Nam Bộ, Cồng chiêng Tây Nguyên, nhạc cụ truyền thống của người Chăm hay các dân tộc Tây Bắc… Những biến động của đời sống đương đại khiến bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc đang ngày càng ít cơ hội thể hiện và có nguy cơ biến mất. Trong bối cảnh ấy, rất may vẫn còn nhiều nỗ lực để làm hồi sinh và kết nối những di sản đó tương thích với cuộc sống ngày nay, dùng chính di sản để đem lại những giá trị kinh tế cho các cộng đồng bản địa.

Cộng đồng bảo tồn di sản

Già làng Đinh Văn Hmung ở buôn Mo H'ra của người Bahnar ở Gia Lai kể, ngôi nhà rông là nơi diễn ra các hội lễ, nghi thức quan trọng, mang ý nghĩa  gắn bó mọi người trong buôn. Vì thế ông rất vui khi dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh đến Gia Lai, giúp phát triển nhà rông Mo H’ra trở thành bảo tàng cộng đồng về văn hóa cồng chiêng. Khát khao duy trì văn hóa truyền thống của mình, người dân trong buôn tự nguyện đóng góp các hiện vật cho bảo tàng, trong đó có cả những bộ cồng chiêng mà họ coi là gia bảo. Một buổi đối thoại chung của dân làng được dự án tổ chức, với sự tham gia của chuyên gia từ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, để thúc đẩy việc bảo tồn, thực hành văn hóa cồng chiêng. Hội đồng Anh còn phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển các ngành nghề nông thôn để cung cấp các kỹ năng mềm và phương tiện để duy trì nghề dệt thổ cẩm và đan mây tre truyền thống. Qua đó, dự án đã giúp người dân thu hút khách du lịch một cách bền vững, tăng thu nhập cho cuộc sống bằng chính sinh kế, âm nhạc đầy bản sắc của mình.

 Đội cồng chiêng nữ Làng Mơ H'ra, Gia Lai. Ảnh: Lê Xuân Phong

Việc bảo tồn văn hóa cồng chiêng Gia Lai là một sáng kiến trong dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh, tổ chức có sứ mệnh thúc đẩy văn hóa giáo dục quốc tế của Anh. Dự án kéo dài 2 năm, nhằm sử dụng các di sản nhạc và phim để đem lại lợi ích cho mọi nhóm trong xã hội, tạo nên sự phát triển đồng đều, xóa bỏ mối quan hệ đối nghịch giữa phát triển kinh tế và khoảng cách giàu nghèo. Dự án đặc biệt quan tâm đến di sản của các cộng đồng dân cư nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số vốn ít được biết đến hoặc có nguy cơ mai một. Trong bối cảnh kinh tế phát triển ồ ạt, những giá trị độc đáo của di sản không mấy được quan tâm hỗ trợ, khiến chúng  có nguy cơ biến mất, dẫn đến việc các cộng đồng gắn liền với di sản gặp nhiều hạn chế trong phát triển nguồn lực con người và đóng góp cho phát triển xã hội, văn hóa, kinh tế, môi trường của đất nước.

Dự án Di sản kết nối gồm các hoạt động nghiên cứu, thu thập tài liệu, bảo tồn, tập huấn và nâng cao năng lực, vận động chính sách, cũng như các thử nghiệm sáng tạo nhằm phát huy các di sản văn hóa này trong thực tiễn đương đại. Với những cách tiếp cận thú vị, dự án cùng các cộng đồng địa phương kiến tạo những cơ hội mới, để việc bảo tồn, quảng bá, biểu diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật địa phương giúp họ tăng thu nhập, thúc đẩy du lịch bền vững. Việc chính các cộng đồng địa phương, các nghệ sĩ hay công chúng được hiểu biết, khám phá, ứng dụng, yêu thích  nhiều hơn các giá trị văn hóa truyền thống đã đem lại một sức sống mới cho những di sản tưởng chừng có thể bị rơi vào quên lãng.

Sáng tạo đương đại trên chất liệu truyền thống

Hợp phần một của dự án - bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cộng đồng, đang được triển khai tại 3 địa điểm từ năm 2018: Ở Gia Lai với âm nhạc cồng chiêng của người Bahnar, ở Ninh Thuận là âm nhạc nghi lễ Chăm và ở TPHCM là Cải lương. Tại Ninh Thuận, các khóa học dạy trống ginăng, trống paranưng, kèn saranai - những nhạc cụ Chăm truyền thống đã được mở tại làng Bỉnh Nghĩa và Bàu Trúc do các nghệ nhân Chăm trực tiếp hướng dẫn. Trẻ em trong làng Bỉnh Nghĩa còn được học làm phim để thực hiện một bộ phim về đời sống hiện tại của âm nhạc Chăm ở chính nơi âm nhạc này bắt nguồn. Đó là một lần hiếm hoi mà họ được trao quyền để lên tiếng về những ước nguyện của họ.

Còn tại TPHCM, nơi đời sống đô thị ồn ào khiến không còn nhiều người quan tâm đến cải lương, dự án Di sản kết nối đã tổ chức nghiên cứu và trưng bày lịch sử truyền miệng của sẩn khấu cải lương, mời những nghệ sĩ và diễn viên kỳ cựu của sân khẩu cải lương thực hiện chương trình truyền dạy cải lương cho trẻ em và thanh thiếu niên.

Trong một mục tiêu tham vọng hơn, những di sản văn hóa đang mai một không chỉ được giữ gìn trong phạm vi cộng đồng, chúng còn được tương tác mạnh mẽ với đời sống và nghệ thuật đương đại. Đó là hợp phần thứ hai của Dự án, mang tên FAMLAB - Âm nhạc, Phim ảnh và Lưu trữ. Các buổi chiếu phim, hội thảo về phim ảnh trên góc độ một di sản đã được tổ chức. Những bộ phim Việt Nam kinh điển như “Đến hẹn lại lên”, “Mùa ổi” được trình chiếu lại cho công chúng với sự tham gia của các chuyên gia điện ảnh giúp tái hiện những quá khứ và hồi ức, qua đó có những dự báo thú vị về tương lai.

Bên cạnh việc hỗ trợ các dự án liên quan đến phim, Quỹ tài trợ FAMLAB được lập nên cho các nghệ sĩ và tổ chức của Việt Nam và Anh để thể nghiệm và trình bày, quảng bá các sáng tạo trên chất liệu của những điệu nhạc truyền thống, những nhạc cụ dân tộc, trên cảm hứng về các phong tục tập quán hay môi trường sống của các cộng đồng thiểu số.

Với tổng giá trị £100,000 (khoảng 3 tỷ đồng), Quỹ FAMLAB đưa ra các gói hỗ trợ trong suốt 2 năm của dự án, mỗi gói từ 90 - 300 triệu đồng. Qua hai đợt tài trợ của năm 2018, đã có 13 dự án nhận được hỗ trợ của quỹ, trong đó có các dự án liên quan đến tuồng, âm nhạc của người Hmong, âm nhạc của các cộng đồng bản địa Tây Nguyên, diễn xướng Nam Bộ, nghiên cứu nhạc bolero và cộng đồng người Việt ở nước ngoài, thu âm và trình diễn nhạc Việt Nam những năm 1960 - 1970. Năm 2019 sẽ có hai đợt tài trợ tiếp theo vẫn đang trong thời hạn nộp hồ sơ.

Những chuyến lưu trú FAMLAB dành cho các nghệ sĩ Việt Nam đã đem tới những trao đổi đa chiều với cộng đồng địa phương, tạo cho giới nghệ sĩ cảm hứng sáng tác mới. Hai chuyến đi đến Gia Lai để tìm hiểu Cồng chiêng Bahnar và Ninh Thuận để làm quen với âm nhạc nghi lễ Chăm, hay buổi biểu diễn tại Phù Sa Lab là những trải nghiệm vô giá và sống động để tạo nên các tác phẩm kỳ thú, làm nên những buổi biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn công chúng và truyền thông.

Với hàng loạt hoạt động phong phú, dự án Di sản Kết nối đã và đang đem đến những sáng tạo đột phá thông qua các kênh điện tử, tăng cường tương tác với di sản thông qua các mạng lưới, không gian và gắn kết cộng đồng, cải thiện sinh kế cho các cộng đồng yếu thế, tạo ra môi trường rộng mở, mang tính hỗ trợ cao qua các đối thoại chính sách, mô hình kinh tế và các phương thức quản lý điển hình. Qua những hoạt động hiệu quả và thực tế, những người dân tộc thiểu số, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, người làm chính sách đang chung tay bảo vệ những giá trị đang bị đe dọa. Rất chân chất, già làng Đinh Văn Hmung ở buôn Mo H'ra thật sự kỳ vọng vào dự án: "Tôi muốn giáo dục bà con để làng Mo H'ra tốt đẹp hơn, trở thành làng văn hóa" - ông nói.

Có thể bạn quan tâm

Top