Đôi nét về dân tộc Ra Glai

Trong 63 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, người Ra Glai có mặt tại 18 địa phương do hoàn cảnh làm ăn, sinh sống và nhiều điều kiện khách quan và chủ quan khác.

So với nhiều dân tộc thiểu số ở nước ta, tình hình di dân và cư trú như thế là không quá tản mát, nhưng với tổng số dân cư của dân tộc này, theo tổng điều tra dân số năm 1999 là 97.000 người, mười năm sau, 2009, là 122.245 người, xem ra cũng là một hiện tượng. Với sự ly hương của những nhóm cư dân ấy, chắc chắn sẽ phôi pha bản sắc văn hóa của cộng đồng, cho dù, có nhiều mặt tích cực khác được hội nhập, đan xen đối với làng, xóm của họ qua mỗi dịp trở về thăm quê hương bản quán.

Địa bàn cư trú truyền thống của người Ra Glai chủ yếu ở Ninh Thuận (58.911 người), Khánh Hòa (45.915 người), Bình Thuận (15.440 người) Lâm Đồng có tới 1.517 người, nhưng cũng không phải là địa bàn cư trú truyền thống của họ. Với con số thống kê nêu trên, số lượng người Ra Glai cư trú tại 14 tỉnh và thành phố khác ở Việt Nam là không nhiều.

Người Ra Glai còn có tên gọi khác là Ra Glây, Hai hay Nouna. Tuy nhiên, Ra Glai là tên chính thức của nhà nước ta đối với dân tộc này. Người Ra Glai nói tiếng Ra Glai – một ngôn ngữ trong ngữ hệ Malayo - polynesia, thuộc hệ ngôn ngữ Nam Đảo.

Lễ Bỏ mả của dân tộc tộc Ragla. Phần hội với những điệu múa truyền thống của dân tộc Raglai. Ảnh: vinaculto.

Kinh tế truyền thống xa xưa của dân tộc Ra Glai chủ yếu là du canh, du cư bằng canh tác nông nghiệp nương rẫy. Môi trường sinh thái ngút ngàn của núi rừng cho phép họ thực hiện lối canh tác và cư trú mang hình thái kinh tế của xã hội nguyên thủy cổ xưa, nhưng giờ đây, quỹ đất và rừng ngày càng thu hẹp, việc du canh, du cư không thích hợp, vả lại, nó không mang lại hiệu quả kinh tế cao, theo đó, là sự tàn phá môi trường, không nên tiếp tục duy trì là hoàn toàn đúng đắn. Rẫy của người Ra Glai thường trồng ngô, trồng lúa nương. Giờ đây, nông nghiệp của người Ra Glai còn có lúa nước, cũng còn tồn tại cả kinh tế hái lượm để bổ sung cho bữa ăn nhưng không còn phổ biến. Ngoài nông nghiệp, nhóm cư dân này còn có các nghề thủ công nghiệp, chủ yếu là nghề rèn và đan lát, phục vụ cho mỗi gia đình và làng xóm, không có ý nghĩa hàng hóa, nhưng giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống, trong những hạt nhân lấy gia đình làm nền tảng.

Tổ chức cộng đồng của người Ra Glai lấy Pa lây (buôn làng) làm hạt nhân. Mỗi Pa-lây được hình thành trên khu đất cao, bằng phẳng và gần nguồn nước, với sự tụ cư khoảng vài chục nóc nhà của một dòng họ. Số thành viên trong nhà gồm bố, mẹ và các con chưa lập gia đình. Đứng đầu mỗi Pa-lây là Pô gia-lây (Trưởng làng), thường là những nhân vật có công khai thiên lập địa. Trưởng làng có trách nhiệm làm lễ cúng trời đất vào những năm có hạn hán nặng. Ngoài trưởng làng còn có Kây pa-lây (già làng), là những người có uy tín nhất dòng họ, đồng thời cũng là người có uy tín nhất với buôn làng. Tiêu biểu cho già làng dân tộc Ra Glai là ông Pi Năng Huỳnh, nguyên là Đại úy quân đội, đã có 15 năm làm Bí thư Huyện ủy huyện Khánh Sơn, đã hồi hưu từ năm 1987 và cũng là người Ra Glai đầu tiên tham gia vào Ban Chấp hành Tỉnh ủy Khánh Hòa.

Về hôn nhân gia đình, trong xã hội người Ra Glai tồn tại chế độ mẫu hệ, khá giống với một số dân tộc Tây Nguyên. Người đàn ông sống trọn đời ở nhà vợ, con cái đều lấy họ mẹ. Thông thường, con gái út trong gia đình được thừa hưởng tài sản, có trách nhiệm lớn trong việc chăm sóc bố mẹ khi về già. Mẹ hay vợ là chủ nhà, có quyền quyết định trong gia đình. Cô gái nếu ưng thuận chàng trai nào thì nói với bố mẹ lo lễ cưới chồng. Trong hôn nhân, ngoài quyền của người mẹ, tiếng nói của ông cậu khá quan trọng. Người Ra Glai có nhiều dòng họ: Chamalea (họ Mấu), Pi Năng (họ Cao), Ka ton (họ Nguyễn), Ha Vân (họ Tro), Pa ta ua xa (họ Đá hay Thạch), Papu, Asah, Tala, Jack, Taing..., trong đó họ Chamele là đông hơn cả. Mỗi họ đều có sự tích, truyền thuyết kể về nguồn gốc của mình.

Ngày hội văn hoá dân tộc Ra-glai.

Về văn hóa, người Ra Glai có những trường ca, truyện thần thoại, truyện cổ tích mang giá trị lịch sử, nghệ thuật và có tính giáo dục sâu sắc.

Hình thức hát đối đáp của người Ra Glai khá phổ biến trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Nhạc cụ của họ gồm nhiều loại như đàn bầu, kèn môi, đàn Cha Pi, Mã La, đàn đá, đàn Sa La ken. Bộ đàn đá Khánh Sơn nổi tiếng, chính là phát hiện tại huyện Khánh Sơn, thuộc tỉnh Khánh Hòa vào đầu thập niên 80, nhưng cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề cần được nghiên cứu, đó là chủ nhân và niên đại.

Hàng năm, sau mỗi mùa thu hoạch, cả buôn làng hội tụ thịt trâu, bò, lợn đề làm Lễ cúng Giàng và ăn mừng cơm mới. Đó là những ngày lễ vô cùng ấn tượng trong năm của người Ra Glai nói riêng và của nhiều dân tộc miền núi nói chung ở Việt Nam.

Nhà của người Ra Glai truyền thống khá đơn giản và nhỏ hẹp, do hạt nhân là gia đình nhỏ. Nhà của Ra Glai cũng là nhà sàn, nhưng từ nền đất đến sàn nhà không cao quá 1 mét.

Trang phục của người Ra Glai không có nhiều đặc trưng tộc người mà chịu ảnh hưởng khá đậm của các dân tộc trong cùng nhóm ngôn ngữ.

Trên đây là một vài nét khái quát về dân tộc Ra Glai với những miêu thuật còn thô phác, chưa lột tả được giá trị cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc này, đặc biệt là trong thời kỳ chưa bị phôi pha, còn nguyên tính nguyên gốc, khi xã hội buôn làng còn đóng kín, chưa hội nhập và mở cửa. Cũng còn nhiều những trường ca, truyện thần thoại, truyện cổ tích đang được lưu giữ trong dân gian, trong những văn liệu dân tộc học chưa được đề cập. Những ngữ cảnh của hát đối đáp, những bài độc tấu đàn Cha Pi, đàn Sala ken chưa được nhắc đến. Hẳn câu chuyện ấy phải dành cho những chuyên khảo đồ sộ được thực hiện từ những nhà nghiên cứu chuyên sâu mà người viết bài này không đủ tài năng thực hiện và dung lượng bài viết cũng không cho phép làm việc ấy.

Tôi chỉ mong rằng, qua những dòng giới thiệu khái quát này về người Ra Glai, độc giả - những người muốn tìm tòi khám phá hãy một lần đến với buôn làng Ra Glai, chắc sẽ có nhiều trải nghiệm thú vị khi những miêu thuật còn sơ sài này, làm người đọc chưa thể hình dung được hết về những người anh em Ra Glai chân tình, chất phác với những di sản vật thể và phi vật thể còn chứa chất trong mỗi cá nhân, trong cộng đồng đang dần mai một theo năm tháng, theo từng thế hệ mà vài chục năm trở lại đây chúng ta đều thấy rõ.

TS Phạm Quốc Quân

Top