Đôi điều về sản phẩm du lịch đặc thù của Phú Thọ
Đối với tỉnh Phú Thọ, “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh và khai thác hiệu quả các tuyến du lịch” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà tỉnh đề ra trong kế hoạch phát triển du lịch của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020. Để thu hút, giữ chân du khách, một trong những nỗ lực mà ngành Du lịch đã và đang triển khai là từng bước đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xây dựng thêm các tour, tuyến du lịch mới độc đáo, mang đặc trưng riêng biệt của vùng đất Tổ...
Là miền đất cội nguồn, Phú Thọ có nền văn hóa đa dạng, đặc sắc, phong phú, đáp ứng được các điều kiện để khai thác đầu tư phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng và du lịch trải nghiệm.
Đền Hùng - Phú Thọ.
Tuy nhiên, cho đến nay, việc đưa các giá trị tài nguyên vào khai thác trong du lịch vẫn còn hạn chế, dẫn đến các sản phẩm du lịch của Phú Thọ vẫn còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu các sản phẩm du lịch tiêu biểu, đặc sắc.
Đứng trước thực trạng đó, ngành Du lịch đã điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch tỉnh theo tiêu chí của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trên địa bàn 13 huyện, thành, thị. Đồng thời tiến hành khảo sát các địa điểm có tài nguyên du lịch hấp dẫn thu hút du khách để lập quy hoạch thành các khu, điểm du lịch. Chính điều đó giúp cho phát triển du lịch của Phú Thọ có tính quy hoạch, đồng bộ, giúp tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù có tính cạnh tranh.
Trước đây, khách du lịch đến với Phú Thọ chỉ thường dừng chân tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng để thắp hương tri ân công đức tổ tiên. Nhưng giờ đây, về với mảnh đất này, khách du lịch được lựa chọn các sản phẩm du lịch khác nhau. Tiêu biểu như sản phẩm du lịch đường sông phục vụ khách quốc tế thưởng thức Hát Xoan và tham quan, tìm hiểu một số làng nghề truyền thống tại xã Hùng Lô (thành phố Việt Trì), xã Sai Nga (huyện Cẩm Khê), xã Gia Thanh (huyện Phù Ninh), tham quan Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và kết hợp du lịch từ thiện tại Làng trẻ mồ côi SOS thành phố Việt Trì. Tuy mới đưa vào khai thác hơn một năm nay nhưng sản phẩm du lịch đường sông đã thu hút 60 đoàn khách quốc tế với trên 2.000 lượt du khách, tạo nên “hương vị” mới của ngành Du lịch đất Tổ. Đây là một hướng đi mới, đầy tích cực cho du lịch Phú Thọ.
Thêm nữa, việc nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc cũng nên gắn với các giá trị di sản văn hóa vùng đất Tổ, đặc biệt là hai di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại “Hát Xoan Phú Thọ” và “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” phục vụ cho phát triển du lịch là một trong những hướng mà ngành Du lịch Phú Thọ nỗ lực phát huy trong thời gian qua. Chương trình “Hát Xoan làng cổ” được tổ chức tại Đình Hùng Lô (xã Hùng Lô), đình Thét (xã Kim Đức) đưa vào hoạt động chưa lâu nhưng các điểm du lịch này đã được đánh giá cao và ngày càng được nhiều du khách đón nhận.
Cùng với đó, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng tại Khu nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy đã và đang được du khách quan tâm và chọn lựa làm điểm dừng chân trong dịp cuối tuần. Và mới đây, tại thị trấn Thanh Thủy còn có không gian văn hóa mang tên Bá Phổ Nhạc đường với hàng trăm loại nhạc cụ dân tộc được trưng bày như: khánh đá, đàn đá, đàn cò, đàn talư, các loại sáo, nhị, kèn, trống,… Đây cũng là một trong những nét độc đáo thu hút du khách.
Hát Xoan Phú Thọ.
Tạo điểm nhấn từ sản phẩm du lịch trên cơ sở củng cố các sản phẩm đã có và tiến hành nghiên cứu xây dựng các sản phẩm mới để thu hút du khách là một trong những nhiệm vụ mà ngành Du lịch tỉnh Phú Thọ nên tập trung triển khai trong thời gian tới, nhất là trong năm 2017.
Nên tiến hành xây dựng khảo sát hoàn thiện thêm các điểm đến để kết nối hoàn chỉnh các tour du lịch. Trong đó, kết nối các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu của tỉnh như Đền Hùng, đền Mẫu Âu Cơ, đền Lạc Long Quân, đình Hùng Lô... gắn với các thiết chế văn hóa lớn của tỉnh và thưởng thức chương trình Hát Xoan làng cổ; kết nối các khu, điểm du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và đưa vào khai thác hiệu quả hơn tuyến du lịch tâm linh dọc Sông Hồng 3 tỉnh Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ; nghiên cứu xây dựng định hướng phát triển con đường du lịch về nguồn…
Cùng với đó, nên tiếp tục khai thác giá trị của mỏ nước khoáng nóng Thanh Thủy để xây dựng sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng chữa bệnh như: Tắm khoáng, ngâm bùn, tắm thuốc bắc...
Đền Mẫu Âu Cơ.
Cuối cùng, nên tập trung đầu tư và khai thác các giá trị cảnh quan thiên nhiên cũng như giá trị đặc sắc của văn hóa cộng đồng người Dao, người Mường tại vùng lõi Vườn Quốc gia Xuân Sơn để phát triển sản phẩm du lịch khám phá, du lịch cộng đồng, trải nghiệm phục vụ du khách. Khuyến khích các địa phương và tổ chức kinh tế nghiên cứu xây dựng các làng nghề truyền thống về nông sản, sản vật đặc trưng của tỉnh thành điểm tham quan du lịch như: Bưởi Đoan Hùng, làng nón lá Gia Thanh, làng nông sản tại Thanh Thủy, Việt Trì...
Có thể khẳng định, bước đầu ngành Du lịch tỉnh Phú Thọ đã định vị được chủ đề phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng cho từng khu, điểm du lịch trọng điểm. Qua đó, hình ảnh du lịch vùng đất Tổ được nâng cao, nhiều người biết đến. Phát triển được hệ thống sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn chính là điều kiện đảm bảo để thực hiện mục tiêu xây dựng Phú Thọ trở thành địa bàn trọng điểm du lịch của vùng và đủ điều kiện đăng cai năm Du lịch Quốc gia vào năm 2020.
Ths Phạm Thị Hương Giang