Độc đáo nghi lễ hiến trâu trong Lễ hội "Khu già già" của người Hà Nhì ở Lào Cai

Trong tín ngưỡng thờ cúng truyền thống của mình, lễ hội “Khu già già” là nghi lễ cầu mùa lớn nhất trong năm của người Hà Nhì ở Lào Cai. Mục đích của lễ hội này là cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cây trồng phát triển và đây còn là sự bày tỏ lòng biết ơn đối với tổ tiên của con cháu.

Lễ hội “Khu già già” được tổ chức thường niên vào ngày con Rồng “Lò no” của tuần thứ nhất hoặc tuần thứ hai tháng 6 Âm lịch hàng năm, lễ hội kéo dài cho đến hết ngày con Khỉ “Mừ no”. Đây được coi là lễ hội lớn và lâu đời nhất, quy mô nhất của người Hà Nhì ở Lào Cai, họ mổ trâu để dâng cúng thần linh, dâng cúng tổ tiên trong suốt những ngày diễn ra lễ hội nhằm cầu mong thần linh tối cao bảo vệ cho mùa màng của họ được tốt tươi.

Để lễ hội cầu mùa được diễn ra thuận lợi, đúng với phong tục truyền thống, người Hà Nhì phải thực hiện nhiều công việc khác nhau từ trước và sau khi lễ hội diễn ra. Mọi người cùng thống nhất về thời gian, địa điểm tổ chức, lễ vật dâng cúng, những người đi mua, chăm sóc, người thực hiện hiến hồn trâu cho thần…tất cả được những người có kinh nghiệm bàn bạc, thống nhất làm sao để lễ hội diễn ra được tốt.

- Địa điểm tổ chức lễ hội “Khu già già” là bãi đất trống tại khu rừng công viên “Gạ hen lạ gio”. Đây là khu rừng duy nhất mọi người có thể đến vui chơi trong ngày hội, là khu rừng cúng duy nhất phụ nữ được phép đến vui chơi, nơi nam nữ thanh niên đến tình tự, tìm bạn đời sau khi nghi lễ cúng thần được thực hiện xong.

- Tục dâng hồn trâu cho thần: Trâu dâng cúng thần phải là trâu đen, không đốm trắng, không khoang cổ, chân, không chột mắt, sứt tai, cộc đuôi và phải là trâu đực.

- Quy định những người đủ tiêu chuẩn đến dự lễ hội: Những gia đình không đủ “tiêu chuẩn” tham dự lễ hội là những gia đình có người mới chết trong vòng 3 năm, có người mới đẻ chưa đầy 3 tháng, có trẻ con chết sẽ không được tham gia trực tiếp các lễ cúng chung cộng đồng. Những gia đình còn lại đều được cử một người tham gia vào tất cả các nghi lễ cúng chung của thôn bản.

- Phân công công việc trong lễ hội: Các nhóm người tham gia lễ hội được phân công cụ thể như sau: 1 nhóm phụ trách cắt cỏ gianh về thay lại mái lán thờ tại khu rừng; 1 nhóm lên rừng thiêng lấy gỗ, lấy dây về làm cột đu, cần đu, dây đu; 1 nhóm chuẩn bị dây trói, dao mổ, chậu để chuẩn bị giết trâu tế thần.

Lễ hội “Khu già già” được tổ chức thường niên vào ngày con Rồng “Lò no” của tuần thứ nhất hoặc tuần thứ hai tháng 6 Âm lịch hàng năm (Ảnh: TL)

Diễn biến chính trong lễ hội:

- Phong tục lợp mái lán thờ:

Trước ngày mổ trâu, mọi người cùng phân chia công việc dưới sự chỉ đạo của hai thầy cúng “gạ ma à guy”, các nhóm người tham gia được phân công sẽ lên rừng lấy gỗ sửa lại cột lán, lên đồi cắt cỏ gianh sửa lại mái lán thờ. Khi cỏ gianh cắt về, mọi người cùng dỡ hết mái cỏ cũ xuống và lợp lại mái lán bằng cỏ mới, cỏ gianh được lợp từng lớp dày chồng lên nhau và lợp theo chiều gốc xuống dưới, ngọn lên trên. Theo quan điểm của người Hà Nhì, đây là nghi lễ cầu mùa lớn nhằm cầu mong cho cây lúa phát triển nhanh, không bị sâu bệnh phá hoại, nên khi lợp mái lán cũng phải lợp ngược để mong cho cây lúa cũng phát triển lên như những cây cỏ trên mái này. Sau khi lợp mái xong, thầy cúng lấy một nắm cỏ gianh tươi cài lên đầu cột lán để sáng hôm sau dùng buộc vào mõm trâu khi tế thần.

- Nghi lễ hiến sinh hồn trâu cho thần:

Buổi sáng ngày con rồng, khi mọi người có mặt đông đủ tại rừng công viên, trâu tế thần được hai người giao đi tìm mua, chăm sóc trong suốt những ngày qua dắt buộc vào cột đu “A gúy” để chuẩn bị làm lễ hiến sinh. Một số người lấy dây làm bằng da trâu từ năm trước, buộc nút chắc chắn để chuẩn bị trói trâu giết thịt. Khi 4 chân trâu được trói đặt, sau đó tạo một nút thắt lớn ở giữa 4 chân, mọi người cùng kéo rút 4 sợi dây để chân trâu chụm vào giữa, ngã vật ra đất bên cạnh cột đu, tiếp theo một người được dân bản tín nhiệm phân công làm lễ hiến trâu. Người được chọn phải là người có sức khỏe, con cháu đầy đủ, gia đình yên ấm, kinh tế phát triển, sống hòa thuận với mọi người để khi làm lễ hiến sinh mọi người cùng được hưởng cái phúc đức ấy của người được chọn.

Khi hiến tế, người được chọn sẽ cầm một con dao nhọn dài khoảng 50cm xuyên qua 3 chiếc lá đao đến tận cán (tất cả những lá đao này đều được chuẩn bị từ trước). Một người phụ giúp sẽ cầm một ống vầu lấy lấy nước sạch từ nguồn nước thiêng của thôn bản để làm phép rửa sạch linh hồn của con trâu trước khi hiến tế. Ông thầy rửa chân, bụng, cổ, đầu trâu, sau đó lấy bó cỏ gianh cài trên mái lán (bó cỏ gianh này là một bó nhỏ được giữ lại sau khi lợp mái lán) xuống buộc chặt vào quanh mõm trâu, vừa làm lý tiễn đưa linh hồn của trâu về với thần rừng mà không bị đói, cỏ ăn đầy mồm, vừa là để cho trâu không được kêu khi làm lễ hiến tế. Họ cho rằng, nếu trâu kêu lên sẽ làm kinh động đến thần linh, làm cho các vị thần linh bỏ đi, không phù hộ cho dân bản nữa và năm ấy cả bản sẽ mất mùa, ốm đau, bênh tật. Tiếp theo, ông thợ giết trâu cầm dao đặt lên 3 chiếc lá đao rồi quay vái xung quanh theo 4 hướng để cầu khấn thần linh ở khắp các nơi cùng về chứng kiến cho lòng thành của thôn bản. Sau do, ông thầy chọc tiết trâu, những giọt máu đỏ của trâu nhỏ giọt xuống vùng đất ngay dưới chân cột đu - cây cột luôn thẳng đứng một đầu cắm sâu vào lòng mẹ đất, một đầu vươn thẳng lên trời cha; cây cột đu là biểu tượng của sợi dây nối giữa trời và đất, đưa những gì tinh túy nhất của trời về với đất mẹ làm cho vạn vật sinh sôi, phát triển.

(Ảnh: TL)

Sau khi làm lễ hiến sinh trâu xong, mọi người cùng nhau lột da, xẻ thịt chia cho các gia đình trong thôn về làm lễ cúng tổ tiên, trong đó cắt lấy 4 chiếc cẳng dưới của chân trâu để chia cho hai người có công đi mua trâu mỗi người một cái và 2 người được chọn sang năm chịu trách nhiệm đi mua trâu mỗi người một cái. Người được chọn làm lễ hiến linh hồn trâu được chia một quả thận và bộ phận sinh dục để trả công. Đồng thời cắt lấy đầu trâu, một đốt xương cổ, 3 dẻ xương sườn cùng đốt xương ức để lại tới tối ngày hôm sau chế biến món ăn dâng cúng thần ở lán và cột đu “a gừ”, dây đu “a guý”. Toàn bộ số thịt, xương, nội tạng còn lại được chia đều cho tất cả các hộ gia đình trong thôn để mang về cúng tổ tiên trong suốt 4 ngày. Khi mang thịt được chia về nhà, mọi người chọn ra những miếng ngon nhất để ướp muối dùng cúng tổ tiên trong 4 ngày liền, mỗi ngày cúng 2 lần vào buổi sáng và tối.

- Phong tục thờ cúng tổ tiên trong lễ hội “Khu già già”:

Hòa chung bầu không khí vui tươi, náo nhiệt của ngày hội cầu mùa, các chị em phụ nữ ở mỗi gia đình sẽ quét dọn nhà cửa, gánh nước đầy thùng, cắt cỏ, lấy rau chuẩn bị cho những ngày nghỉ lễ. Những phụ nữ có tuổi ở nhà lấy gạo nếp ngâm với nước nóng từ sáng sớm, buổi chiều mang đồ chín để giã nặn bánh dầy “hò thò” cúng tổ tiên.

Trong buổi tối ngày đầu tiên của lễ hội, các gia đình đều cúng tổ tiên bằng thịt trâu “nhìu sà” và bánh dầy “hò thò”. Thịt trâu thái nhỏ được cho vào nấu với muối (không cho thêm gia vị), nấu chín rồi cho vào bát cúng cùng với 3 chiếc bánh dầy đã được bóc bỏ lá chuối bên ngoài. Trên mâm cúng tổ tiên người Hà Nhì gồm có 4 bát lễ vật và 1 đôi đũa, trong đó bao gồm: 1 bát thịt trâu, 1 bát bánh dầy, 1 bát rượu và 1 bát nước gừng tươi được nấu chín. Khi cúng tổ tiên người Hà Nhì không thắp hương trên bàn thờ, mà chỉ thắp một ngọn đèn nhỏ trên bàn thờ. Người làm lễ là người đàn ông chủ nhà, khi cúng người vợ đứng bên cạnh để phụ giúp. Khi cúng tổ tiên, họ không đọc bài cúng mà chỉ là sự tâm niệm của chủ nhà và mọi người về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Người cúng ăn mặc chỉnh tề, đầu đội mũ, chân đi đất đứng khom lưng trước bàn thờ, chắp tay vái 3 lần và quỳ hai gối xuống đất lạy tổ tiên 1 lần, sau đó các thành viên khác trong nhà cùng ra quỳ lạy 1 lần trước tổ tiên để tổ tiên ban phúc. Sau khi làm lễ, chủ nhà lấy một ít thịt, bánh dầy và một ít rượu rót vào hòn đá thần bếp lửa “phu chu ma” nhằm cầu mong cho thần bếp bảo vệ cả ngôi nhà được bình yên. Làm lễ xong, vợ chủ nhà mang một ít đồ cúng đặt vào miếng lá chuối ở bên cạnh cửa phía bên trái tính từ trong ra để cho người dắt ngựa của tổ tiên ăn xong và trở về trời. Các ngày tiếp theo họ chỉ cúng hai bát gồm: 1 bát nước gừng và 1 bát thịt trâu. 

- Phong tục cúng thần và lễ khai cột đu:

Tại khu rừng công viên, sáng ngày con rắn, mọi người cùng tập trung đi lấy dây rừng về làm dây đu, chặt gỗ về làm cột đu. Buổi tối cùng ngày những gia đình trong thôn được phép tham gia nghi lễ cúng thần rừng đều chuẩn bị một mâm cúng mang ra rừng công viên để cúng thần. Mâm cúng của hai ông thầy cúng chính “gạ ma à guy” có từ 10 – 12 món ăn, còn các gia đình khác chỉ sắp từ 8 – 10 món, ít hơn hai ông thầy chính 2 món. Các món ăn đều là những thứ họ tự trồng cấy như: Lạc, đậu tương, bí đỏ, đỗ dải áo, khoai tây, dưa chuột, thịt trâu, rượu… Mâm của hai ông thầy cúng còn có thêm hai gói xôi màu vàng gói trong lá chuối, một bát thịt trâu làm từ số thịt để lại khi mổ trâu, một bát rượu to. Lúc này, hai ông thầy cúng ở hai cột đu trước, sau đó mới mang mâm cúng vào trong lán để bày cúng cùng dân bản. Sau khi cúng ở cột đu xong, mỗi một món được gắp một ít đặt vào mảnh lá chuối ngay bên cạnh cột đu để cầu cho cột đu, dây đu luôn chắc chắn, dẻo dai, cầu cho mọi người đến chơi đều bình an, khoẻ mạnh, sinh sôi phát triển.  

(Ảnh: TL)

Sau khi cúng ở lán với mọi người xong, hai thầy cúng cầm một mảnh gỗ nhỏ đẽo ra từ thân của cần đu và một cành lá được lấy ra từ trong rừng cấm để làm lý tại hai cột đu làm lễ cúng xong, hai ông thầy ngồi lên hai đầu của cần đu, đu trước 2 vòng theo chiều kim đồng hồ và 1 vòng theo chiều ngược lại, tiếp theo đến đu dây họ cũng đu một lượt để lấy may cho mọi người. Sau khi hai ông thầy làm xong nghi lễ này thì mọi người mới được chơi. Người chơi đu chủ yếu là các thanh niên nam nữ chưa vợ chưa chồng, họ cùng hò reo vui vẻ bên hai cột đu, mọi người chơi cho đến sáng hôm sau. Trong bầu không khí náo nhiệt, nhưng cũng đầy ấm cúng của tình nghĩa bản làng ấy, những đôi nam nữ phải lòng nhau thì rẽ ra một chỗ khuất bên bìa rừng chùm chăn ngồi tâm sự, nếu tâm đầu ý hợp thì hẹn ngày nên vợ nên chồng. Với những người đã có gia đình, người trung tuổi và người già thì ngồi trong lán uống rượu, chúc phúc cho nhau, nói chuyện với nhau vui vẻ.

Toàn thể thôn bản nghỉ ngơi, vui chơi trong suốt 4 ngày diễn ra lễ hội. Đây là một trong những ngày tết truyền thống lớn nhất của người Hà Nhì trong năm; những gia đình có con cái lấy chồng, lấy vợ ở xa, sinh sống ở xa đều phải về lễ tết, thăm hỏi bố mẹ. Khi về thăm hỏi bố mẹ, họ mang theo một miếng thịt trâu hoặc thịt lợn, một chai rượu để biếu bố mẹ ăn tết. Những gia đình có ông bà, cụ kị vẫn còn sống thì cả ngày hôm sau chỉ lo chuẩn bị đón con, cháu chắt ở khắp các nơi về chúc thọ, chúc tết, cầu mong sự ban lộc của những người già này.

Sáng sớm ngày cuối cùng của Tết tháng 6, các gia đình tổ chức cúng tiễn tổ tiên về trời. Mâm cúng hôm này cũng khác hơn những ngày trước là có 1 bát nước gừng, 1 bát thịt trâu, 1 bát rượu và 1 bát cơm nóng, 1 đôi đũa. Họ quan niệm vì tổ tiên phải đi đường xa nên cúng cơm để tổ tiên ăn no, không bị đói trên đường trở về trời. Sau khi nghi lễ cúng cơm cho tổ tiên xong, con cháu đặt lên bàn thờ một cái rổ đựng trong đó 3 kẹp bánh dầy gói trong lá chuối (mỗi kẹp 3 cái), 3 gói thịt trâu đã sấy khô (mỗi gói 3 miếng). Bánh dầy được làm từ loại gạo nếp do gia đình tự trồng cấy, thịt trâu khô phải là thịt mà họ được chia từ con trâu dùng để cúng thần rừng. Để làm ra được loại thịt khô này, khi mang thịt về nhà họ chọn miếng thịt nạc ngon mang thái mỏng, đặt vào một cái sàng và sấy trên gác bếp trong suốt 4 ngày. Cách sắp xếp thịt trâu, bánh dầy trong mâm cúng như sau: 3 gói bánh dầy và 3 gói thịt trâu khô được đặt xen kẽ nhau theo hình tam giác trong mâm, sau đó đặt lên bàn thờ để tổ tiên mang đi làm quà khi về trời. Sau khi cúng, cơm thịt cũng mang ra đặt ngoài cửa để người dắt ngựa của tổ tiên ăn trước khi về trời. Sau lễ cúng tiễn tổ tiên về trời, thì cũng là lúc Tết tháng 6 kết thúc, mọi người trong thôn bản lại tiếp tục trở về với cuộc sống lao động hàng ngày rồi chờ tới một nghi lễ cúng chung cộng đồng vào một ngày khác, để tiếp tục vui chơi, nhảy múa hát ca.

(Ảnh: TL)

Có thể nói, đối với những ngôi làng quanh năm lẩn khuất trong những khu rừng già còn đầy nguyên sơ ấy, nơi mà mọi người quanh năm vất vả với rừng núi, ruộng nương thì lễ hội “Khu già già” thực sự là một ngày hội lớn và đáng quý của người dân, là dịp mọi người cùng nghỉ ngơi, cùng đi thăm hỏi nhau sau những ngày tháng xa cách. Lễ hội này đang rất cần được lưu giữ và phát huy trong cộng đồng xã hội người Hà Nhì, bởi nó là biểu tượng của tinh thần đoàn kết cộng đồng, là nơi thể hiện lòng tin của mình với thần linh xung quanh.

ThS Dương Tuấn Nghĩa

Top