Độc đáo khu chạm khắc đá cổ Sapa

Khu chạm khắc đá cổ ở Sa Pa từ lâu đã thu hút được sự chú ý của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước. Năm 1925, một học giả người Pháp là V. Gu- lu-bep đã phát hiện trên 30 hòn đá có khắc hình ở dọc suối Hoa. Năm 1960-1962 nhà nghiên cứu sử học Lê Trọng Khánh đã khảo sát khu chạm khắc cổ và đưa ra giả thuyết về một loại văn tự đồ hoạ của người Việt cổ.

Năm 1975, Viện Khảo học và Ty Văn hoá Lào Cai tiến hành khảo sát rộng khắp thung lũng Mường Hoa tìm thêm được gần 60 hòn đá có hình khắc. Và sau đó có đoàn nghiên cứu của Hội Trắc địa Bản đồ Viên thám có sự tham gia của Viện Sử học, Viện Văn hoá-Nghệ thuật, Sở Văn hoá-Thông tin Hoàng Liên Sơn (nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lào Cai) phát hiện thêm  một địa điểm có nhiều hình chạm khắc khác ở gần xã Hầu Thào. Suốt những năm qua, Khu Di tích chạm khắc đá Sa Pa luôn được giới khoa học quan tâm nghiên cứu. Những vấn đề các hình chạm khắc này phản ánh điều gì ? Chủ nhân của nó là ai ? Thời gian xuất hiện Khu Di tích là bao giờ ? vẫn là những câu hỏi lớn và luôn luôn chìm trong biển sương mù của lịch sử, dẫu đôi khi cũng lóe lên những tia sáng mới. Trong bài viết này chúng tôi không có tham vọng (và cũng chưa có khả năng) dám vén màn sương mù lịch sử, mà chỉ cung cấp thêm những tư liệu mới về khu di tích, góp phần cho các học giả trả lời những câu hỏi của một di tích lịch sử.

I. Khái quát về khu chạm khắc đá cổ Mường Hoa:

Mường Hoa vào cuối thế kỷ XIX là xã Kim Hoa gồm có 6 thôn bản (hiện nay là xã Lao Chải, Tả Van, Hầu Thao, Sử Pán, Thanh Kim, bản Phùng) trung tâm của Mường Hoa là khu vực xã Tả Van.

Khu Di tích chạm khắc đá nằm suốt một dải bên bờ Đông Bắc của dòng suối Hoa chạy dài từ xã Lao Chải qua Tả Van, Sử Pán chiều rộng hơn 500m tính từ ven suối Hoa lên dãy đồi cao xã Hầu Thào. Nhưng các di tích phân bố tập trung nhất là từ xóm Lý Lao Chải (nơi gần cầu mây cũ bắc qua suối Hoa sang Tả Van) đến xã Sử Pán với các điểm chính như sau:

- Các phiến đá nằm rải rác ở xã Sử Pán, khi mở đường Gia Định năm 1988, nhân dân tìm thấy một số hình khắc đá. Nhưng căn cứ vào lời kể của các cụ già người Giáy, dựa vào địa danh cũ của Sử Pán là “Hoa-Sứ-Pan” có nghĩa là “Hoa-Thạch-Ban” những bản khắc hoa trên đá, thì ở đây có khá nhiều bản đá khắc bị vùi lấp chưa phát hiện.

- Khu gần bản Phó (từ suối Hoa lên mặt đường), có nhiều hòn hình chạm khắc. Tiêu biểu là hòn Bố - hòn lớn nhất trong Khu Di tích cao gần 6m dài 15m và một hòn mới phát hiện khi mở đường có hai mặt lộ ra khỏi mặt đất đều khắc nhiều hình.

- Khu nương ruộng bậc thang giáp xã Hầu Thào, cách đường Gia Định mới mở khoảng 150m đến 200m ở phía Đông Bắc có 20 hòn lớn nhỏ khác nhau.

- Khu ven suối Hoa thuộc địa phận xã Lao Chải bao gồm một số hòn khắc nhỏ và một số hòn lớn ở trên con đường đi xóm Lý Lao Chải, gần khu rừng cấm cũ. Trong đó nổi bật là hòn Mẹ. Số lượng đá có khắc hình khoảng trên 100 hòn. Trong đó có 10 tảng đá lớn từ 3m x 2m x 2m trở lên tập trung nhiều hình vẽ phức tạp. Còn các hình vẽ nhỏ phân bố rải rác, có nhiều hoạ tiết riêng lẻ, nhưng chỉ gồm một vài loại hình đơn giản. Hầu hết các hòn đá phức tạp lại nằm ở trung tâm thờ cúng cổ của người Thái, Xá Phó xưa kia (gần bản Pho xã Tả Van). Có nhiều hình khắc  nhưng chủ yếu là những mô típ sau:

1. Những hòn đá ở khu vực Lao Chải (đặc biệt hòn gần nơi thờ cúng “thủ ti” của người Giáy, hòn Mẹ) miêu tả vùng thung lũng Mường Hoa với dòng suối Hoa cách điệu bằng đường khắc chìm sâu đậm hoặc gờ đá nổi ở giữa có những đám nương, thửa ruộng nhưng mặt bằng cao thấp khác nhau, những điểm cư trú của dân cư theo lối một tập, hoặc theo hàng lối... Dòng suối Hoa còn có một số chi lưu nhỏ và những con đường vòng vèo nối các điểm dân cư, các hình khắc vạch song song...

Các hòn đá có hình khắc phổ biến hơn cả là những hình chỉ có nét khắc đơn giản phản ánh một cánh đồng, một thửa ruộng, một khu đồi cao có nương rẫy bao bọc với các đường viền bao quanh như kiểu đường bình độ. Phải chăng đây là loại bản đồ đơn giản ghi lại địa bàn dân cư nhỏ.

Điều đáng quan tâm và chú ý hơn là những tảng đá lớn có nhiều hình vẽ phức tạp. Hòn đá mới được phát hiện khi mở đường Gia Định năm 1988 nằm ở đoạn từ Tả Van đến Sử Pán có nhiều hoạ tiết khác nhau. Ở đây cũng có tới 4 dạng hình người không giống nhau, có người đầu lao từ phía trên xuống người lại hướng đầu lên phía trên... Và các hình vuông, hình tròn, hình một con đường (hoặc suối) đầu ngoằn nghèo chạy dài, các đường nhánh hoặc chi lưu, tỏa đến các điểm dân cư khu canh tác... Và một loạt những hòn đá khác ở khu vực này cũng có những hình vẽ phức tạp, có hòn có cả hình nhà sàn mái cong như hình trên trống Đồng Đông Sơn. Điểm đáng chú ý những hòn đá lớn này có các hình vẽ cầu kỳ người Thái trắng (đã hoá Tày ) gọi là ma người Xá Phó. Khu vực này trước kia là rừng cấm, người Thái trắng thường tổ chức các nghi lễ cộng đồng trú ngụ, nơi bảo hộ mùa màng, phát triển ruộng đất. Như vậy, những tảng đá này chắc chắn chứa nhiều tín hiệu của người xưa đã được thần linh hoá, được người Xá Phó gọi là đá thần, người Tày gọi là ma người Xá Phó.

2. Trên những hòn đá có hình trạm khắc còn tìm thấy dấu vết của văn tự cổ. Đó là loại văn tự đồ hoạ- chữ viết hình vẽ (Pictogramme) trong đó có hai bản khắc đã được nhà nghiên cứu chữ cổ Lê Trọng Khánh giải mã. Một dạng chữ cổ khác tìm thấy tảng đá gần rừng cấm và tảng đá ở gần ruộng bậc thang gần xã Hầu Thào. Những chữ này là dạng văn tự lạ, chưa từng biết đến. Mỗi một chữ gồm nhiều vạch thẳng và cong. Có hòn đá có 5 dòng chữ, có hòn chỉ những chữ nằm rải rác bên nhau, khoảng cách của chúng là 10-20cm. Chỉ có một số chữ là chưa giải mã được nhưng có thể nhận thấy kiểu chữ này đã tiến bộ, chứng tỏ chủ nhân của chúng đã đạt đến nền văn minh nhất định. Dạng văn tự thứ 3 tìm thấy ở một hòn Bố là một loại chữ tượng hình gần với chữ Hán nhưng không phải là chữ Hán, những hình khắc mang dáng dấp loại văn tự này cũng tìm thấy trong một số bùa chú của người Tày, người Dao nhưng nó không phải là chữ Nôm- Dao, Nôm- Tày, có thể loại chữ này ra đời muộn hơn các dạng văn tự trên (xem các bản dập các dạng văn tự).

3. Các bức chạm khắc đá Sa Pa còn có nhiều mô típ quen thuộc gần với các hoạ tiết trang trí của cư dân nông nghịêp nước ta. Đó là những hình tượng mặt trời với những tia nắng, hay là những bánh xe của guồng nước, những hình chữ thập trong vòng tròn, hai hình chữ S bắt chéo... đều liên quan đến tục thờ thần mặt trời của cư dân nông nghiệp hoặc khá nhiều mô típ hình tròn, hình vuông sóng đôi, biểu thị quan hệ âm dương hoà hợp. Đặc biệt chiếm vị trí quan trọng trong các hình chạm khắc là hình người với 11 kiểu khác nhau. Có hình người tay dang rộng đầu toả những tia sáng, có hình người như lộn ngược, có hình người đơn lẻ nhưng cũng có một số cặp hình người đứng liền nhau. Điểm nổi bật là một số hình người có khắc họa rõ đậm bộ phận sinh dục, hoặc phóng to loã lồ, thậm chí một số cặp đôi được nối liền với nhau mang đậm tính chất phồn thực. Trong số các hình chạm khắc đáng lưu ý có hình một chiếc nhà sàn mái cong, kiểu hình thuyền úp ngược, thường thấy ở cư dân Môn- Khơ Me và trên trống đồng Đông Sơn loại I. Hình người cũng có nét tương đồng với hình người trên rìu, lưỡi xéo Đông Sơn. Hiện nay, trong các bùa chú của người Tày, Thái, người La Ha ở Than Uyên (cách Mường Hoa khoảng 35km) vẫn còn những hình người như thế này (xem bản dập các hình người và nhà sàn).

II. Vấn đề chủ nhân? Thời gian chạm khắc?

Nghiên cứu các hình chạm khắc trên đá và những tư liệu dân tộc học, chúng tôi mạnh dạn rút ra một số nhận xét về nội dung, niên đại và chủ nhân của các hình khắc.

1. Về nội dung của các hình khắc đá đều phản ánh:

a, Là những tấm bản đồ đá độc đáo trong lịch sử bản đồ nhân loại.

Những hình chạm khắc trên quần thể đá ở Sapa có dáng dấp của những bản vẽ, bản đồ, hay những ghi chép có tính chất đồ họa, hình họa về địa hình, những khu ruộng, những con đường hay mương nước... đại thể là hình ảnh thu gọn lại của những khu vực nhất định nào đó trên thực địa? Có thể đó là những bản đồ bản vẽ từng khu đồi núi trong thung lũng suối Hoa, vì trên một số bản vẽ, chúng tôi thấy dường như đó là hình ảnh của những khu ruộng bậc thang bao quanh một chân núi? Các hòn đá thuộc quần thể đá nằm lưng chừng núi thuộc xã Hầu Thào dường như là hình thu gọn của những chân ruộng bậc thang của cư dân hiện tại? Có người cho rằng, có thể đó là bằng cứ phân chia từng khu vực của những thế lực trong vùng, họ hoạch định bằng bản đồ trên đá ruộng đất, nguồn nước đường xá và phạm vi rộng hẹp của họ. Trong xã Lao Chải, chạy theo con suối Hoa, cứ cách nhau từ 500 đến 1000m lại có một hòn đá to, trên chạm hình ảnh như các bản đồ địa chính? Đối chiếu với thực địa rất giống cấu trúc từng khu đồi dọi ảnh xuống hình khắc trên những hòn đá trong khu vực. Sự phản ánh những chân ruộng bậc thang, dù không phải là bản đồ như khái niệm truyền thống là khá rõ ràng.

Một điều khá lý thú, phản ánh trên những bản khắc, là những đường vẽ, trông rất giống đường bình độ trong khoa bản đồ học hiện đại? Dù không phải là đường bình độ, thì cũng là một loại đường vẽ mang tính chất như đường bình độ vậy!

Kết luận bước đầu của chúng tôi là, một số hình khắc trên quần thể Sapa, thực chất là những bản đồ, bản vẽ về địa hình, địa mạo cảnh quan trong khu vực. Đó là những bản đồ đá cổ nhất, hiếm thấy nhất, không những trong lịch sử bản đồ của nước ta, mà trong bản đồ lịch sử thế giới? Nếu như vậy, thì chất liệu vẽ bản đồ, không chỉ có trên đất nương, trên các loại giấy, mà cả ở trên đá, như ở Sapa nữa. Chúng ta chưa biết có một nơi nào đó trên thế giới có những bản đồ đá tương tự như ở Sapa?

b, Là những ký hiệu của chữ viết đồ hoạ?

Thực ra trên bản đồ khắc đá ở Sapa, có nhiều lớp văn hoá khác nhau, những lớp sau cùng rất dễ nhìn thấy như hình ảnh các đồ vật hiện tại, và một vài dòng chữ Hán khác chồng lên các hình khác cũ như ơ hòn đá Bố. Lớp chạm khắc cổ nhất, cùng với các hình ảnh mà chúng tôi gọi là bản đồ ở trên, mang tính chất như các ký hiệu của một hệ thống chữ viết đồ hoạ, hay chữ viết Việt cổ như Lê Trọng Khánh chủ trương. Ngoài ra, các ký hiệu có thể đưa vào một hệ thống chữ viết đồ họa, ở đây còn có những hàng chữ cổ đích thực, khác với hệ thống chữ Hán, tương đồng với hệ thống chữ viết của cư dân có nguồn gốc từ Việt cổ.

Vấn đề chữ viết trên đá chạm khắc cổ ở Sapa là vấn đề lý thú, mở ra khả năng nghiên cứu mới, giúp cho việc khôi phục chữ viết của người Việt cổ, điều mà chúng ta tin chắc rằng thủa xa xưa người Việt cổ đã có chữ viết đích thực.

c, Là một sưu tập các tư liệu nghệ thuật chạm khắc cổ

Ngoài hai nội dung có giá trị như đã nêu, dù rằng còn ít ỏi và khó lộ ra, thì toàn bộ những hình ảnh chạm khắc trên đá ở Sapa là, một bộ sưu tập phong phú về các tài liệu mỹ thuật của cư dân cổ, chủ nhân của nó. Chúng ta có thể tìm thấy trên hàng trăm phiến đá những hình ảnh khác nhau, như hình các vật dụng hàng ngày, như hình thớt cối xay, hình nhà sàn, hình người; những hình tròn, hình vuông...Trên đại thể có nhiều hình mẫu khác nhau, có thể cách đọc khác nhau tuỳ theo góc nhìn của người nghiên cứu.

Các tư liệu nghệ thuật - mỹ thuật hàm chứa trong các bản khắc đá cổ ở Sapa là một đề tài lý thú mà cho đến nay gần 70 năm phát hiện ra nó, chưa được quan tâm đầy đủ, còn thiếu nhiều những nghiên cứu cần thiết.

Như vậy, nội dung được phản ánh trong bản khắc đá cổ ở Sapa, sẽ là vấn đề trọng tâm cần nghiên cứu để giải mã được càng nhiều càng hay những ẩn dấu trên đó. Công việc có khi phải cần đến một chương trình nghiên cứu giữa nhiều nhà khoa học có chuyên môn khác nhau, trong phạm vi cả nước với sự hợp tác quốc tế rộng hơn.

2. Niên đại và chủ nhân của quần thể đá chạm ở Sapa.

a, Niên đại: Vấn về đặt ra là niên đại của những chạm khắc cổ trên đá ở Sapa, làm sáng tỏ được điều đó là một trong những nội dung chủ yếu nhất. Từ nguồn tư liệu khác nhau như vừa nêu, mà tiêu chí ở các hình khắc, bước đầu chúng tôi thử nêu ra khung niên đại tương đối và khung niên đại tuyệt đối như sau:

- Niên đại tương đối. Với lớp địa danh cổ như đã giới thiệu và đặc biệt những hình chạm khắc trên đá, không hề mang phong cách và những yếu tố của văn hoá Hán, có thể nghĩ rằng quần thể đá chạm khắc cổ Sapa xuất hiện từ trước khi có văn hoá Hán xâm nhập sang nước ta hay nói cách khác đó là nền văn hoá trước Hán.

- Niên đại tuyệt đối. Vậy niên đại gọi là trước Hán của chạm khắc đá Sapa nên được chỉ định vào khoảng nào, kể từ khi văn hoá Hán tràn xuống nước ta, từ thế kỷ thứ III trước CN cho đến sau này? Như chúng ta thấy, thung lũng suối Hoa, không những là một địa bàn tụ cư lâu đời của cư dân cổ, nó lại nằm trên một vị trí tiện lợi trên con đường bành trướng xuống nước ta của văn hoá Hán. Do đó, nếu như Hán xuống nước ta, thung lũng này khó có thể nằm ngoài tầm với. Thung lũng suối Hoa, chỉ cách trung tâm châu Cam Đường xưa chừng hơn 20 km, đó là khoảng cách quá gần, không có gì khó khăn, dù là phương tiện giao thông đi lại của thời cổ. Người Hán không thể bỏ qua thung lũng suối Hoa, một khi họ tràn quá sâu xuống vùng trung lưu sông Hồng.

Do đó, chúng tôi có thể nêu ra luận cứ cho rằng, muộn màng lắm, thì các thế kỷ đầu Công nguyên, cách đây chừng 200 năm, nhất là sau khi nhà Hán đàn áp xong cuộc khởi nghĩa - kháng chiến của Hai Bà Trưng (40 - 43 sau CN), thung lũng suối Hoa, nằm trong châu Cam Đường cổ đã trực tiếp chịu ảnh hưởng của văn hoá Hán?

b, Chủ nhân: Một khi đã xác định được niên đại trước Hán của chạm khắc đá Sapa, đồng thời vạch ra lớp địa danh cổ xưa nhất còn lại trong vùng, thuộc về dân cư Việt cổ, cho phép chúng tôi nêu ra luận cứ cho rằng chủ nhân của những chạm khắc cổ trên quần thể đá cổ ở Sapa chỉ có thể là cư dân Việt cổ hay những nhóm cư dân có nguồn gốc từ Việt cổ?

Tuy nhiên, khi nghiên cứu kỹ các hình khắc, chúng tôi thấy có nhiều lớp văn hoá, nhiều dấu ấn của chủ nhân, bị nhiều tầng “ bậc” thời gian bao bọc.

Trong số đó, chỉ một số hình cổ (nhất là hình người, nhà sàn... là tác phẩm của người Việt cổ. Còn khá nhiều hình khắc là tác phẩn của các cư dân đến muộn hơn. Đầu thế kỷ thứ XVII, ở vùng thượng nguồn sông Hồng (có vùng Mường Hoa) các cư dân nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến đến đây vào cuối thế kỷ XVII người Thái trắng ở Mường Xo (Phong Thổ) tràn xuống lấn chiếm Mường Hoa, hoà lẫn với cư dân Tày từ vùng Bến Đền ngược lên, dồn cư dân Tạng Miến vào vùng sâu (Nậm Cang, Văn Bàn...), dồn cư dân nhóm ngôn ngữ Môn khơ me (Kháng, La Ha) về Than Uyên. Và cả người Thái, người Tày, người Xá Phó đều để lại các hình chạm khắc đá. Cuối thế kỷ XVIII và sang cả thế kỷ XX, người Hoa, người HMông, người Giáy đến cư trú ở vùng này. Họ cũng là tác giả của các hình vẽ (như hình cối xay ngô, hình chữ tượng hình, hình ruộng bậc thang với những ngòi xoáy nước...). Đặc biệt, một số trẻ em hiện nay cũng đang khắc vào đá, có hình sinh hoạt niên đại. Như vậy, mỗi lớp cư dân đến cư trú ở Mường Hoa cũng đã để lại nhiều lớp chạm khắc trên đá. Song những tảng đá có hình khắc phức tạp chủ yếu do người Việt cổ sáng tạo. Vì vậy, khu chạm khắc đá cổ ở Sapa thực sự là một Di tích Lịch sử Văn hoá của quốc gia.

TS Trần Hữu Sơn