Đình làng Phong Cầu

Làng Phong Cầu xưa thuộc tổng Đại Trà, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An. Nay là xã Đại Đồng, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

Đình làng Phong Cầu thờ Thành hoàng tên là Chu Vương, hiệu là Sích Công. Tương  truyền, Sích Công là con trai của ông bà Chu Lợi và Minh Thị Thiện, người gốc Trung Hoa, dòng dõi thi thư. Hai người có con muộn nên ngoài 40 tuổi, hai ông bà nuôi một người con nuôi tên là Phu Công. Sau khi đã có con nuôi thì một đêm bà Thiện nằm mơ thấy một ông tiên đem đến cho bà một hòn ngọc, qua đêm mộng ấy bà mang thai rồi sinh được một người con trai có diện mạo khác thường, tóc đỏ, bụng có điểm thất tinh, trên trán nổi hình chữ Vương. Cậu bé lớn lên khi 12 tuổi mới được cha mẹ đặt tên là Sích Công. Sích Công trí tuệ thông minh, đến lớp học một biết mười, năm 14 tuổi thì cha mẹ mất, cảnh nhà trở lên nghèo túng. Sích Công cùng Phu Công (con nuôi của cha mẹ) bèn xuống thuyền vượt sang đất An Nam, sau cả tháng trời hai anh em mới đến được tổng Đại Trà. Đến đây, Sích Công và Phu Công thấy dân tình thuần hậu, đất đai sông nước dễ làm ăn, hai anh em bảo nhau ở lại, lấy nghề dạy học làm kế sinh nhai. Vì Sích Công có diện mạo tài trí khác thường nên quan chức Đại Trà bẩm tấu lên triều đình. Vua Lê Thái Tổ hay tin liền ra lệnh triệu hồi Sích Công về triều. Nhà vua thấy Sích Công có hình dáng, tư phong phi thường nên rất lấy làm lạ, ngờ rằng đây là người của nhà trời sai xuống giúp triều đình. Nhà vua mừng rỡ liền ban yến tiệc rồi phong cho Sích Công là Trạng Nguyên và giữ chức Lại Bộ Thượng Thư. Cùng thời gian ấy, giặc Chiêm Thành kéo quân sang đánh nước ta, nhà vua liền cử Sích Công cầm quân ra trận. Sích Công vui vẻ lên đường cùng đội quân binh mã của triều đình và xin lấy thêm 10 người ở tổng Đại Trà đi theo cùng làm thủ túc. Trận đánh ấy quân Chiêm Thành bị thua tan tác, Sích Công trở về báo công với nhà vua rồi xin phép được về lại Đại Trà tiếp tục nghề dạy học. Đúng  ngày 20 - 10 - 989, Sích Công cáo tạ nhà vua, khi về đến làng, ngài dừng chân ở một chỗ đất có thế long chầu, hổ phục. Dân làng biết tin ông về, trẻ già kéo nhau ra chào đón. Nhưng đến nơi thì ngài đã hóa mất rồi. Khu đất ngài hóa chẳng mấy lâu sau mối xông thành đống. Nhân dân làng Đại Trà lập thành đại mộ đồng thời báo với nhà vua việc hóa của Sích Công và xin lập làm Thành hoàng làng cho cả tổng Đại Trà. Triều đình ban chiếu  phong tặng cho Sích Công là Phúc Thần và cấp đất, lập miếu đường để nhân dân muôn đời thờ phụng. Như vậy thì đình Phong Cầu đã có từ thuở đó, tất nhiên lúc ban đầu nơi thờ tự có lẽ chỉ là tranh tre, nứa lá, các thế hệ sau mới dần dần nối tiếp tạo dựng mà thành được như hôm nay. Trên cây nóc đình hiện hữu còn ghi “Hoàng triều Bảo Đại Kỷ Tỵ niên lương thời nguyệt cát trụ thượng lương”.

Nghĩa là: “Ngày lành tháng tốt năm Kỷ Tỵ (1939) cất nóc dựng đình”. Và câu đầu cũng có ghi:          

“Sáng tạo đống lương tâm Phi thừa cơ chỉ cựu”

Nghĩa là “làm đình mới trên nền đình cũ”.

Như vậy, đình Phong Cầu hiện nay là kết quả của lần trùng tu dưới triều nhà Nguyễn cách đây 74 năm. Đình xây dựng theo lối chữ Công, bảy gian tiền tế và hậu cung chuôi vồ. Toàn khung nhà làm bằng gỗ lim, hệ thống cột vững chắc vừa to vừa cao, kê dưới chân cột là các đá tảng chặm tròn hình trụ, các xà ngang và câu đầu cả sáu vì kèo đều được chạm khắc hai mặt, hoa văn theo lối nghệ thuật kiến trúc mỹ thuật thời Nguyễn rất tinh xảo. Đặc biệt là hàng kẻ truyền ngoài hiên là những đầu rồng chạm nguyên khối hình theo lối tả thực rồi gắn lên, làm cho hệ thống thanh kẻ sống động, tạo thế uy linh của tòa tiền tế. Hai đầu hồi xây bịt đốc và đắp vẽ phù điêu hổ phù cùng mây vần quang giáng. Đồ tự khí trong Đình tuy đã bị mất mát hầu hết do chiến tranh, nhưng nhân dân cũng sắm sửa, tôn tạo lại theo như xưa, hệ thống hoành phi, cửa võng, đối liễn … đều được sơn son thếp vàng lộng lẫy, uy nghi. Đình không chỉ thờ riêng Thánh Sích Công mà còn phối thờ công đồng Tôn Thần bao gồm các vị thần có công với dân với nước. Hầu hết các vị thần đều được các triều đại ban sắc, Bao phong mỹ tự. Số sắc phong của các thần tổng cộng tới vài chục bản, hầu hết các sắc phong hiện vẫn còn lưu giữ được tại đình và trong nhà thờ các dòng họ ở làng.

Theo thống kê, lịch sử các di tích văn hóa tâm linh trong địa bàn huyện Kiến Thụy còn đến ngày nay thì đình làng Phong Cầu là một trong ba di tích có quy mô và giá trị nhất về lịch sử văn hóa và nghệ thuật kiến trúc.

Những người cao niên cho biết, khuôn viên đình Phong Cầu ngày xưa rất rộng, toàn bộ khu làm việc của Ủy ban nhân dân xã Đại Đồng hiện nay và con đường xuyên Bắc Nam xuống cầu đá, vốn là sân đình cũ. Ở đầu hồi phía Nam đình có ngôi miếu thờ danh tướng Trần Hưng Đạo, trước cửa miếu là hai cây hoa đại cổ thụ có tuổi đời đã tới hơn hai trăm năm, người làng Phong Cầu bảo rằng hai cây đại rất linh. Đây là vùng giáp biển gió bão năm nào cũng có, có trận làm xiêu cả mái đình, thế mà hai cây đại không bao giờ gãy đến một cành nhỏ. Thân cây cứ xù xì cùng theo thời gian năm tháng và lần lượt các thế hệ người dân Phong Cầu sinh tử cùng cây.

Với giá trị lịch sử về thân thế, sự nghiệp và công trạng của những vị thần được thờ tại Đình, cùng giá trị nghệ thuật kiến trúc công trình hiện hữu, đình làng Phong Cầu cần có được sự đánh giá về mặt khoa học một cách toàn diện, để làm cơ sở cho các cơ quan quản lý văn hóa xem xét,  công nhận xếp hạng là di tích cần được bảo vệ lâu dài theo đúng tinh thần của Luật Di sản văn hóa. Đó cũng là tâm nguyện của nhân dân làng Phong Cầu.

Nguyễn Nguyên Hoài

Top