Đình làng Hà Thượng - Ngôi Đình cổ với lối kiến trúc độc đáo nhất miền Trung

Quảng Trị - vùng đất nằm ở chính khúc ruột miền Trung, lịch sử của vùng đất này luôn song hành với lịch sử của quốc gia dân tộc. Dưới thời phong kiến, đây là vùng đất gắn liền với quá trình phân chia cát cứ của các triều đại phong kiến, đồng thời cũng là vùng đất có ý nghĩa quan trọng trong quá trình mở mang bờ cõi về phía Nam của quốc gia Đại Việt. Cùng với việc thiết lập làng xã trên vùng đất mới là các công trình mang tính chất tôn giáo, tín ngưỡng (đình làng, chùa làng) ra đời. Đây là những thiết chế cấu thành văn hóa làng. Trong những thiết chế văn hóa đó thì đình có một vai trò đặc biệt quan trọng, là tài sản quý báu của mỗi địa phương. Ngôi đình làng Việt không chỉ là cơ sở tín ngưỡng và nhà hành chính xã thôn thông thường mà chính là linh hồn của làng. Ở đó chứa đựng tất cả những gì thuộc về truyền thống tốt đẹp, về nhận thức và về tâm linh con người. Đình là nơi sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa xã hội của một làng xã.

Ngày xưa ở Quảng Trị hầu hết mỗi làng đều có sự hiện diện của một ngôi đình. Dù với quy mô lớn hay nhỏ, xây dựng kiên cố hay chỉ là dạng đình trần thì mỗi làng đều có không gian văn hóa riêng của mình để thờ cúng Thành hoàng làng và các vị tiền khai khẩn, hậu khai canh của làng. Tuy nhiên, hiện nay trải qua thời gian cộng thêm sự tàn phá của bom đạn kẻ thù… đã làm cho các công trình này bị hư hỏng, xuống cấp hoặc đã được trùng tu làm mới vì thế số lượng đình còn lại khá nguyên vẹn trên địa bàn Quảng Trị hiện còn rất ít, trong số đó có đình làng Hà Thượng (tọa lạc ở phía Đông của làng Hà Thượng, thị trấn Do Linh, huyện Do Linh; cách quốc lộ 1A chưa đầy 1km về phía Đông và cách đường 75B khoảng 800m về phía Bắc). Đây là ngôi đình mà theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử và mỹ thuật là cổ nhất, còn sót lại trong hệ thống di tích đình làng tại Quảng Trị với lối kiến trúc độc đáo nhất miền Trung; đây cũng chính là nơi thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Do Linh - Chi bộ Chợ Cầu.

1. Quá trình xây dựng và biến đổi

Làng Hà Thượng được tạo lập vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XV, dưới thời Vua Lê Thánh Tông. Khi làng đã ổn định về dân số, địa vực và thiết chế hành chính thì đình làng Hà Thượng cũng bắt đầu được khởi dựng.

Căn cứ vào một bản Hán văn có tên là Lịch đại sự tích được phụng sao vào năm 1848 hiện còn giữ ở làng thì ngôi dình có niên đại khởi tạo vào năm Chính Hòa thứ 11 (1690). Đến năm Thành Thái thứ 15 (1903), ngôi đình được đại trùng tu và xây mới một số công trình khác như: cổng ngõ, hệ thống tường thành. Phương pháp sử dụng tường gạch và cột xi măng đã được áp dụng. Hệ thống cột cù, cột hiên được thay bằng các trụ gạch đắp vữa và trang trí. Hệ thống nữ tường cũng đã được xây lên xung quanh hai gian tiền sảnh…Trong lần trùng tu này, một phần khá lớn các bộ phận trong khung gỗ chịu lực đã được thay thế nhưng nhìn chung cấu trúc bộ khung gỗ vẫn cơ bản được giữ nguyên như trong lần khởi tạo. Với lối xây dựng này, đình làng Hà Thượng được xem là sản phẩm tiêu biểu duy nhất còn sót lại thể hiện kiến trúc đình làng của miền Trung vào thế kỷ XVII.

2. Nghệ thuật kiến trúc

Đình Hà Thượng tọa lạc trên một khu đất rộng với diện tích 8.450m2. Toàn bộ khuôn viên bao gồm một tòa đại đình và 4 ngôi miếu thờ 4 vị thần: Miếu thờ Thành hoàng, hai miếu thờ hai vị khai khẩn họ Lê và họ Nguyễn, miếu thờ ông Lê Hiếu. Trước đình là khu đất nguyên trước đây là chợ Cầu, được lập vào năm Canh Tỵ (1667) dưới thời Chúa Nguyễn Phúc Tần. Nay chợ đã chuyển sang vị trí khác.

Đình nằm trên một khu đất trải dài từ Tây xuống Đông. Toàn bộ kiến trúc tòa đại đình hiện còn có sự phân bố mặt bằng khác biệt so với các ngôi đình ở miền Bắc và những ngôi đình ở miền Trung được khởi tạo muộn ở các thế kỷ XVIII – XIX. Mặt tiền mở ở chái trước, cửa chính quay về hướng Đông (một hướng rất lệch so với hướng kiến trúc của người Việt). Trước mặt là cánh đồng lúa, lưng tựa vào xóm làng trù phú. Xa xa trước mặt là lòi thị (một doi đất cao) như một bình phong che chắn. Đây là một vị thế đắc địa phù hợp với thuật phong thủy ngày xưa.

Cấu trúc bộ khung gỗ chịu lực được thực hiện theo mô thức của một ngôi nhà rường 3 gian 2 chái, phân bố theo 6 hàng cột như vẫn thường thấy ở kiến trúc cổ vùng đồng bằng Trị - Thiên. Kết cấu kiểu vài theo hình dạng vài chồng cột nóc. Bên trên có rầm thượng được lát ván gỗ. Trang trí trên các cấu kiện kiến trúc gỗ trong nội thất khá đơn giản, chủ yếu tập trung trên các cầu điếu, kèo cù, diềm vọng. Chi tiết trang trí gồm tam sơn, mây mác, dơi ngậm kim tiền…

Trên bộ mái lợp ngói liệt, mái thẳng, độ dốc vừa phải; bờ nóc, bờ quyết, đầu đao gắn các mảng trang trí rồng chầu nguyệt, giao hồi văn, giao lá bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ. Riêng phần chái trước vì trở thành mặt tiền của ngôi đình nên được gia cố về kỹ thuật cũng như thể hiện trang trí khá công phu… Ở trên tam giác đầu hồi của bộ mái được gắn một nảng trang trí được tạo dáng thành một bức cuốn thư đắp bằng gạch và vôi vữa. Phía dưới là một đường diềm đè mái chạy dài từ bên này sang bên kia. Bức cuốn thư là trung tâm thể hiện các họa tiết trang trí với sự có mặt đầy đủ của bộ tứ linh: Long, ly, quy, phụng cùng với bát bửu, hoa lá, thảo mộc… bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ.

Không gian bên trong ngôi đình được phân thành hai phần: phần tiền đường gồm không gian của gian chái trước và hai gian ngoài dùng làm nơi sinh hoạt văn hóa, hội họp, ăn uống; phần hậu liêu gồm không gian của gian chái sau và một gian trong dùng làm nơi thờ cúng, tế tự. Tiền đường là không gian gần như để mở, thông thoáng với bên ngoài, chỉ có hệ thống nữ tường thấp xây bằng gạch vây quanh ở 3 phía. Hậu liêu được xây kín bởi tường gạch ở 3 phía. Ngăn cách giữa hai phần là hệ thống cửa bản khoa dạng thượng song hạ bản được dựng thay cho đố bảng.

Hệ thống cổng và tường thành phía trước đình được xây bằng gạch, xi măng; nền móng khá cao được xây bằng đá bazan ngăn khuôn viên của đình với khu vực chợ Cầu. Cổng xây hình vòm cuốn có hai tầng mái, ở giữa có đường cổ diêm giả, bộ mái đắp vữa. Trang trí rất công phu bằng nghệ thuật đắp vữa và ghép mảnh sành sứ với nhiều loại mô típ hoa văn thể hiện khá thành thạo tài năng của những nghệ nhân dân gian.

Các ngôi miếu thờ ở trong khuôn viên đình làng Hà Thượng đều có cổng và tường khép kín. Cấu trúc theo kiểu nhà rường một gian hai chái, các miếu đều có dạng gác lừng dựa trên bốn cột chính của bộ khung gỗ, có chức năng làm bệ thờ. Trước đây mái của các miếu đều lợp ngói liệt, nay một số đã thay bằng ngói móc. Các diềm nóc đắp lưỡng long chầu nguyệt. Riêng hai ngôi miếu thờ hai ngài khai khẩn đã được sửa chữa nên có phần khác hơn so với trước đây.

Có thể nói, nghệ thuật kiến trúc đình làng Hà Thượng là nghệ thuật kiến trúc khá đặc trưng và điển hình của vùng Trung Trung Bộ thế kỷ XVI. Đây là công trình kiến trúc đình làng cổ nhất còn tồn tại đến tận ngày nay. Tuy nhiên, theo thời gian, qua các lần tu sửa và sự thâm nhập của các yếu tố kiến trúc khác đã làm cho đình làng Hà Thượng có sự pha tạp giữa các yếu tố kiến trúc cổ truyền với kiến trúc hiện đại. Ở đó đã tạo nên một sự kết hợp giữa kiến trúc phương Đông và phương Tây như là một hệ quả của lịch sử. Đồng thời vì được xây dựng khá sớm nên những gì còn lại đến nay vẫn lưu được dấu ấn khá đậm nét các yếu tố văn hóa cổ truyền mà người dân Hà Thượng mang theo từ đất Bắc cũng như sự tiếp nhận các yếu tố văn hóa trên vùng đất mới đã làm cho kiến trúc ngôi đình phần nào có sự thâm nhập của phong cách Chăm, đặc biệt là cách bố trí mặt bằng theo chiều dọc. Kiến trúc đình làng Hà Thượng là kiến trúc tiêu biểu của đình làng Quảng Trị giai đoạn đầu (thế kỷ XVI – XVIII).

3. Thờ cúng trong Đình và các lễ hội liên quan

Nằm trên một khu đất có đầy đủ các điều kiện về cảnh quan địa lý, đình làng Hà Thượng trở thành là cái rốn sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Đình làng Hà Thượng trước hết là nơi sinh hoạt tín ngưỡng: Thờ Thành hoàng làng và các vị có công sáng lập ra làng. Tổ chức các ngày lễ tế trong năm. Đình cũng là nơi tổ chức hội họp của dân làng và bộ máy Hương lý cũng như Hội đồng Kỳ mục với tư cách là một đơn vị hành chính dưới thời phong kiến làm chức năng gạch nối giữa làng với nước, hơn thế đình làng còn là nơi sinh hoạt hội hè, vui chơi trong các ngày lễ. Đặc biệt trước mặt đình là khu chợ Cầu - nơi trao đổi hàng hóa và mua bán sầm uất một thời của vùng Do Linh/Quảng Trị. Đình gắn với chợ là biểu hiện mối quan hệ giữa trung tâm trao đổi kinh tế với trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, hội hè.

Hàng năm, vào tháng 6 Âm lịch, dân làng Hà Thượng và nhiều nơi trong vùng tập trung tại đình và khu vực chợ để dự ngày hội làng, tục gọi là lễ Cảnh quân (lễ tế lục nguyệt). Ngày nay để phù hợp với đời sống văn hóa mới và kết hợp giữa ngày hội làng với ngày vui câu dân tộc nên lễ Cảnh quân được thay tên gọi là lễ Đại tự cầu an. Thời gian tổ chức hội làng trong vòng 3 ngày. Nội dung của lễ là nghinh rước các vị thần từ các nơi về đình để tế lễ. Nội dung của hội bao gồm các trò diễn như: múa náp, múa chậu, múa long hổ, múa lân, đốt pháo cây, thi vật, thi kéo co, thi chọi gà… Đặc biệt trò diễn múa đồng náp là một hoạt động khá sôi nổi cuốn hút người xem và có nhiều kịch bản hay thể hiện tính giáo dục truyền thóng thượng võ và tinh thần yêu quê hương, đất nước. Đó là những nét sinh hoạt văn hóa dân gian khá độc đáo, tiêu biểu của vùng đất Quảng Trị.

Vượt lên trên những giá trị văn hóa nghệ thuật của ngôi đình làng, tại đây, trong giai đoạn tiền cách mạng từng là trung tâm dấy nghĩa của một bộ phận dân chúng và các sĩ phu yêu nước đứng đầu là Nguyễn Tự Như và Trương Đình Hội hưởng ứng Phong trào Cần Vương chống Pháp. Nhóm nghĩa quân này đã hoạt động tích cực một thời, gây nhiều tiếng vang trong dân chúng và từng làm cho thực dân Pháp nhiều phen kinh hoàng.

Cũng tại khu vực đình làng Hà Thượng, ngày 01-02-1932, Ci bộ chợ Cầu - một Chi bộ Cộng sản đầu tiên của huyện Do Linh được thành lập, mở ra một thời kỳ cách mạng mới cho quần chúng nhân dân đấu tranh chống xâm lược, giành độc lập dân tộc.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đình Hà Thượng  cũng là nơi ghi nhận nhiều chiến công oanh liệt của quân giải phóng.

4. Một vài nhận xét

Đình làng Hà Thượng với sự phân bố mặt bằng rất khác biệt, kết cấu kiểu vài theo dạng vài chồng - cột nóc, ngôi đình đã trở thành là một công trình kiến trúc đồ sộ, nổi bật lên giữa khung cảnh làng quê, là niềm tự hào của người dân địa phương. So sánh kiến trúc đình làng với các ngôi nhà rường truyền thống thì vẫn có nhiều nét tương đồng về bộ khung chịu lực cũng như một số họa tiết trang trí… Điều đó chứng tỏ không có sự cách biệt giữa kiến trúc công cộng và kiến trúc nhà ở dân gian, khác chăng là ở quy mô bề thế, trang trí công phu hơn.

Đình làng Hà Thượng đã có sự gắn bó hữu cơ, mật thiết với môi trường thiên nhiên. Sự gần gũi đó đã phản ánh một hành vi văn hóa đặc trưng, một sự thích nghi nhuần nhuyễn giữa con người với tự nhiên, với môi trường xung quanh.

Trải qua bao sự biến thiên của lịch sử nhưng những nét đặc trưng của kiến trúc khung gỗ cổ truyền vẫn được bảo lưu chứng tỏ những gì tinh hoa nhất trong nghệ thuật xây dựng vẫn được ông cha ta gìn giữ và trân trọng.

Cho đến nay, ngôi đình đã tồn tại hơn 300 năm, đình làng Hà Thượng đã nổi bật lên là một công trình kiến trúc dân gian cổ kính, lại được bảo tồn, giữ gìn tương đối nguyên vẹn. Di tích này đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc nghiên cứu các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật của một ngôi đình làng ở Quảng Trị nói riêng, khu vực miền Trung nói chung.

Nguyễn Thị Nương

Top