Đình Chu Quyến

Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 32 khoảng 60km đến Phố Nả (xã Chu Minh, huyện Ba Vì); rẽ phải đi tiếp khoảng 0,5km nữa là đến đình Chu Quyến. Đình Chu Quyến, còn gọi là đình Chàng, là một ngôi đình cổ, có niên đại thuộc cuối thế kỷ 17. Cùng với các ngôi đình khác khá nổi bật về giá trị nghệ thuât kiến trúc, những ngôi đình đều nằm trên vùng đất xứ Đoài như: Đình Thổ Tang (Vĩnh Phúc), đình Tây Đằng (Ba Vì, Hà Nội), đình Thanh Lũng (Ba Vì, Hà Nội), đình Hương Canh (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc),..., và một loạt các đình với số lượng lớn còn tồn tại đến ngày nay ở vùng xứ Đoài, đình Chu Quyến đã góp phần tạo thành một giá trị phong cách kiến trúc nổi bật ở một xứ nằm phía Tây Thăng Long, xứng với câu thành ngữ tục ngữ: “Cầu Nam - chùa Bắc - đình Đoài”.

Đình Chu Quyến thờ Nhã Lang, con cả của Lý Phật Tử (thế kỉ VI) và bà thứ phi Lã Thị Ngọc Thanh, mẹ của Nhã Lang. Nhã Lang Vương là con trai của Lý Phật Tử (571-602). Sau khi giúp cha đánh thắng quân của Triệu Việt Vương (548-571), Nhã Lang Vương từ chối ngôi Đông Cung Thái Tử, cùng mẹ về quê ngoại sinh sống (địa phận làng Chu Quyến bây giờ), rồi sau đó hóa Thánh tại đây. Để tưởng nhớ công lao của ông, dân làng đã lập đền thờ và tôn ông làm Thành hoàng làng.

Đình Chàng có cấu trúc theo hình chữ “Nhất” có một toà Đại đình,  Đại đình là một kiến trúc đồ sộ gồm ba gian hai chái lớn, một tầng bốn mái với các đao cong vút. Đại đình có mặt bằng hình chữ nhật với diện tích 395m2. Thành phần chịu lực chính của Đại đình là hệ khung gỗ. Bộ khung kết cấu kiểu sáu hàng cột đều bằng gỗ lim, dựng theo kiểu thượng thu hạ thách, bốn cột cái gian giữa có đường kính tới 81cm. Tiếp đến là các cột cái gian bên có đường kính 60cm, các hàng cột quân và cột hiên có đường kính tương đối đồng đều nhau 50cm. Hệ thống cột được đặt trên các chân tảng bằng đá được đục đẽo kỹ lưỡng.

Trong đình có sân gỗ, chia làm 3 lớp để phân ngôi thứ vào những ngày việc làng thuở trước. Xung quanh đình có tường gạch che gầm sân, có trổ các ô hình chữ nhật ở hàng lan can gỗ. Gian giữa có gian thờ, có cửa võng chạm trổ công phu hình hoa lá, rồng phượng…

Đình Chu Quyến không chỉ có phong cách kiến trúc độc đáo từ những cột, kèo, mái… mà nghệ thuật điêu khắc cũng không kém phần đặc sắc. Chu Quyến là một trong số ít những ngôi đình còn lưu giữ được các con giống bằng đất nung trên bờ nóc con xô, kìm nóc, đầu đao… Một trong những nét đặc sắc của đình Chu Quyến đó là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc trên cấu kiện gỗ mà trước hết phải nhắc tới hình tượng rồng. Rồng là đề tài chủ đạo ở đình Chu Quyến và được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau. Rồng thường được nhìn từ phía bên với các đặc điểm: miệng rộng, hàng răng đều, tai như tai thú to, thân mập và vảy rõ ràng, thân rồng chìm trong đao mác, với các vân xoắn lớn làm gốc đao được thể hiện mềm mại như mây, nước mang ước vọng no đủ cho con người. Trên các đầu dư đỡ câu đầu, ở các bức cốn, là các nét chạm khắc rồng đang há miệng đớp viên ngọc, mũi nhô cao, hai mắt mở to tròn, trên trán và đuôi mắt có các đao mác vuốt dài ra phía sau.

Đình Chu Quyến đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử văn hóa theo Quyết định số 313/QĐ ngày 28/04/1962, thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật, với chức năng công trình kiến trúc tín ngưỡng.

Trải qua 400 năm, cùng thăng trầm của lịch sử, đình Chu Quyến cũng như bao di tích khách của Việt Nam chịu sự xâm hại của thiên nhiên lẫn con người. Năm 2007, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Dự án “Thực nghiệm tu bổ tôn tạo đình Chu Quyến”, do Viện Bảo tồn di tích đệ trình và thực hiện. Nội dung bảo tồn rất tỉ mỉ, trong đó xác định chính xác những tác nhân gây hại để loại bỏ hoặc giảm thiểu tác nhân gây ảnh hưởng tới di tích. Kết hợp sử dụng vật liệu, công nghệ truyền thống với vật liệu, kĩ thuật, công nghệ mới để tăng độ bền vững, sự ổn định lâu dài của di tích, trên cơ sở bảo tồn tối đa các thành phần nguyên gốc cùng giá trị lịch sử, văn hóa của di tích. Đồng thời, cải thiện môi trường, phục hồi, tôn tạo khung cảnh tổng thể công trình, tương ứng với đặc điểm của di tích.

Sau khi thực hiện công tác trùng tu đình Chu Quyến, KTS Lê Thành Vinh đã đưa hồ sơ và những kết quả đạt được từ Dự án này tới tham dự Hội thảo quốc tế về bảo tồn Di sản kiến trúc 2010 khu vực IV (châu Á và châu Đại Dương) tại Tây An (Trung Quốc) với chủ đề Bảo tồn di sản kiến trúc trước tốc độ đô thị hóa - kinh nghiệm từ châu Á và có mặt trong Triển lãm quốc tế những trường hợp điển hình về bảo tồn di sản kiến trúc ở châu Á. Một Ủy ban giải thưởng bao gồm các nhà chuyên môn xuất sắc và các học giả có uy tín trong lĩnh vực này đã bỏ phiếu chọn ra sáu dự án trong tổng số 33 dự án được gửi đến từ 14 nước để trao giải thưởng lớn. Dự án trùng tu đình Chu Quyến của Việt Nam đã đứng đầu về số phiếu bình chọn và giành giải thưởng lớn. Đây được cho là một sự kiện rất có ý nghĩa đối với các kiến trúc sư và các nhà trùng tu di tích Việt Nam trong hoạt động nghề nghiệp và giao lưu, hội nhập quốc tế.

Ngoài kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc độc đáo, trong đình Chu Chuyến còn lưu giữ những thần tích và các di vật cổ có giá trị lịch sử to lớn, đặc biệt là 15 đạo sắc phong của các triều Lê Trung Hưng, Tây Sơn, triều Nguyễn phong thần cho Nhã Lang Vương. Bên cạnh đó, đình còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của người dân trong làng. Đây không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh của người dân mà còn là nơi hội họp, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa – xã hội của cộng đồng làng xã, đúng như chức năng là trung tâm văn hóa, chính trị, tôn giáo của người dân từ bao đời nay.

Hàng năm, cứ vào các ngày 13, 14, 15 tháng Giêng Âm lịch, người dân địa phương lại tổ chức Lễ hội đình Chu Quyến để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng Nhã Lang Vương. Ngoài các nghi thức chính được tổ chức trang trọng, lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia như: đánh cờ, vật dân tộc, múa hát…

Vũ Toàn

Top