Diều sáo Đại Trà

Diều Huế thu hút người xem bởi nhiều hình dáng đẹp, màu sắc hài hòa, nhưng diều sáo Hải Phòng lại hút hồn người chơi không phải bởi hình dáng, cách điều khiển mà bởi tiếng sáo khi trầm, khi bổng, khi réo rắt, khi lại dặt dìu…

Cánh diều ngày ấy… bây giờ

Diều Huế thu hút người xem bởi các loại diều có hình dáng đẹp, màu sắc hài hoà như các loại diều Phượng Hoàng, diều Rồng, diều Bướm, diều Công… Nghệ thuật điều khiển dây diều khiến trò chơi thả diều ở Huế được ví với “nghệ thuật múa rối trên không”. Thế nhưng, diều sáo lại hút hồn người chơi không phải bởi hình dáng, cách điều khiển dây mà bởi tiếng sáo được ví với dàn nhạc trên không. Hiện nay, nhiều nơi có trò chơi thả diều sáo, nhưng không ở đâu có những cánh diều độc đáo như ở tổng Đại Trà (bao gồm địa phận 2 xã Đại Đồng và Đông Phương, Kiến Thuỵ, Hải Phòng). Có lẽ, chỉ duy nhất nơi đây mới có những con diều có phần đuôi đặc biệt mà dân gian quen gọi là dái diều. Thế nên, trong vùng người ta gọi là “diều dái” chứ không gọi diều sáo như các nơi khác. Những người chơi diều cho biết, bẹn dái của diều sáo Đại Trà thể hiện sức mạnh của người đàn ông- nét độc đáo trong tín ngưỡng “phồn thực” của người Việt.

Để làm được những cánh diều có thể bay cao, cần sự hiểu biết về kỹ thuật và phải đầu tư rất nhiều thời gian. Khung diều làm bằng tre bờ, cần chọn loại tre không quá già để có độ dẻo và bền chắc. Trước tiên, chẻ tre để loại phần đằng háng (phần có mấu tre) và lấy phần đằng dòng (phần không có mấu). Lấy những thanh tre đã chọn đem ngâm nước khoảng 10 ngày để tre nhẹ, dẻo và chống mối mọt. Chọn khung cái cần chọn những đoạn tre thẳng, đủ mấu (5 hoặc 9 mấu- ứng với chữ Sinh). Tuỳ theo kích cỡ diều mà chọn khung, trong quá trình làm diều cần phải tuân thủ những nguyên tắc kỹ thuật cơ bản để diều có thể bay được. Khung trên và khung dưới phải có độ dài bằng nhau nhưng lại chênh lệnh nhau về kích thước (độ to). Nếu như khung trên to 10 thì khung dưới chỉ to 7, hai đầu khung vót nhỏ dần cho cánh diều có độ dẻo, mềm. Khung làm bẹn dái có chiều dài bằng khung cánh. Người làm diều phải tính toán sao cho cứ 1 mét dài của cánh diều sẽ tương ứng với 30cm bụng diều (khoảng cách lớn nhất giữa 2 khung cánh), nếu như bụng 10 thì độ rộng của bẹn dái là 8.

Trước kia, người ta bọc diều bằng giấy bản hoặc giấy xe chỉ và dùng hồ hoặc nhựa cây để dán. Nay, giấy bản và hồ được thay bằng ni lông và băng dính (có nơi dùng sợi chỉ để khâu). Dây dùng để thả diều cũng thay đổi theo thời gian. Ngày xưa, dùng tre nước bánh tẻ, chẻ ra, ngâm nước, vót nhẵn, đem luộc và dùng hoành gai nải sơn ta để đấu mối. Sau đó cuộn thành các cuộn dây để thả diều. Nay, đơn giản hơn, người chơi dùng dây làm bằng ni lông hoặc cước, vừa nhẹ lại vừa dai chắc.

Làm sáo diều đòi hỏi rất nhiều công phu. Phần ống sáo được làm từ loại cây nứa ngộ lấy trên rừng, bỏ ruột và chỉ lấy phần cật. Loại gỗ dùng để khoét sáo phải là gỗ mít hoặc gỗ sến, nếu cầu kỳ hơn, người ta dùng sừng trâu. Tuy nhiên, không phải bất cứ loại sừng trâu nào cũng có thể dùng được khoét sáo mà chỉ lấy được một loại ngà. Đó là bên ngà mà khi nằm, trâu chổng ngà lên (trâu chỉ nằm một bên). Một bộ sáo gồm 3, 5 hoặc 7 chiếc. Kích cỡ các sáo trong 1 bộ phải tuân thủ theo nguyên tắc nhỏ dần. Sáo lớn nhất còn gọi là sáo cái, sáo thứ 2 (sáo còi) có kích cỡ bằng 1/2 sáo cái, sáo thứ 3 có kích cỡ bằng 1/3 sáo thứ 2, sáo thứ 4 bằng 1/3 sáo thứ 3…

Trò chơi đầy chất nghệ sỹ

Ở tổng Đại Trà, rất nhiều người có thể làm được diều, khoét được sáo nhưng không có mấy người có thể “nghe” được tiếng sáo - nghe xem tiếng sáo làm có chuẩn không, có cần sửa chữa gì không. Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch UBND xã Đông Phương, nghệ nhân có tiếng trong vùng, là một trong số những người ít ỏi đó. Ông Lộc cho biết, có 9 loại sáo (theo bộ) là: ầm, ì, bi, bu, bô, do, de, dí và dị. Người chơi diều phải biết nghe tiếng sáo kêu như thế nào, tuỳ theo âm sắc. Một bộ sáo đạt tiêu chuẩn, trước tiên, sáo cái kêu 1 tiếng, sau đó sáo nhì kêu 3 tiếng và sáo 3 kêu 2 tiếng. Còn nếu bộ sáo nào mà các sáo kêu cùng một lúc thì hỏng, dân chơi gọi là “sáo gọi chó”. Người chơi ví tiếng sáo đàn kêu bằng câu sau: mẹ gọi (sáo cái), con thưa (sáo thứ 2), cháu vỗ tay (sáo thứ 3). Còn tiếng kêu của sáo còi: bà gọi, cháu thưa, chắt vỗ tay. Để nghe được tiếng sáo chuẩn, người chơi diều ngoài sự am hiểu về âm luật, cần phải có đôi tai thính và tâm hồn “thanh tịnh” để cảm nhận tiếng sáo. Nghe tiếng sáo diều là nghe bằng tai, trái tim và cả sự đam mê.

Ngồi trong gian nhà bày la liệt sáo, diều, ông Lộc cho biết, trò chơi diều ở Đại Trà có trước thế kỷ 13. Những người nông dân tận dụng những thời khắc nông nhàn để thả diều và thưởng thức tiếng sáo. Tiếng sáo là những khúc nhạc để cầu an và cũng để…dự báo thời tiết. Bởi tiếng sáo thay đổi theo mùa, nhiệt độ và các loại gió. Thế nên, căn cứ vào tiếng sáo, người nghe có thể biết được thời tiết trong thời gian tới sẽ như thế nào.

Những cánh diều có thể bay được là nhờ sức nâng của gió. Địa điểm lí tưởng để thả diều là những bãi đất bằng rộng rãi, không vướng cây cối, đường dây điện, xa lối đi lại và đặc biệt là phải có gió. Nếu diều nhỏ, một người là có thể thả, nhưng nếu diều lớn, cần ít nhất 2 người. Một người giữ dây, một người thả (đâm). Khi thả, để diều ngược gió, hướng mũi diều lên trời chếch một góc khoảng 450. Khi có gió, phóng mạnh diều lên cao, người cầm dây giật nhẹ để nâng diều lên và từ từ thả dây cho diều lên cao.

Cánh diều bay lên mang theo tiếng sáo vút lên tận trời xanh. Tiếng sáo vi vu như những nốt nhạc trầm bổng giúp tâm hồn người nghe được thư thái, sự mệt nhọc vì việc nông cũng được vơi bớt phần nào. Ban đêm, người ta thường thả diều mang sáo đàn, tiếng sáo êm dịu như những khúc nhạc giúp người nông dân chìm sâu vào giấc ngủ, để sáng sáng thư thái bước vào ngày làm việc mới.

Thái Phan