Điện Voi Ré - chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn

Điện Voi Ré tọa lạc trên một ngọn đồi thấp, dưới chân đồi là một hồ bán nguyệt quanh năm đầy sen trên địa phận thôn Trường Đá thuộc xã Thủy Biều, cách thành phố Huế khoảng 5 km.

Nằm cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km về phía Tây - Nam, cách Hổ Quyền khoảng 400m, trên địa phận thôn Trường Đá thuộc xã Thủy Biều, điện Voi Ré vừa là chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn, vừa là một di tích độc đáo thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. 

Điện Voi Ré: nơi tôn vinh loài voi

Điện Voi Ré là nơi tôn vinh loài voi, một con vật thiết yếu trong chiến tranh và vận chuyển thời xưa một cái tên rất ấn tượng đối với người dân thành phố Huế, nó bắt nguồn từ một truyền thuyết về lòng trung thành, tính mến chủ của một con vật nô bộc có nghĩa đã được nhân dân tôn sùng như vị thần linh, trong điện thờ có bài vị của 4 con voi dũng cảm nhất với những công trạng hiển hách dưới triều đại nhà Nguyễn đã được phong tước Đô Đốc như:Tượng Ré, Tượng Bích, Tượng Nhĩ và Tượng Bôn.

Di tích Điện Voi Ré thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế. Ảnh: internet

Tương truyền, vào thời Trịnh - Nguyễn, trong một trận giao tranh với quân đội Đàng Ngoài, một dũng tướng của Đàng Trong hy sinh giữa trận tiền. Đau buồn trước cái chết của chủ, con voi của vị dũng tướng đã chạy từ chiến địa về tận thủ phủ Phú Xuân, đến phía Đông của đồi Thọ Cương, nó đã rống lên một tiếng vang trời long đất, tiếng rống đầy căm hờn phẫn uất, đứt ruột bào gan đau thương cùng cực rồi phủ phục xuống và trút hơi thở cuối cùng. 

Trước sự trung thành của một con vật có nghĩa, dân địa phương đã làm lễ an táng và xây cho nó một nơi an nghĩ, về sau người ta gọi đó là mộ Voi Ré. Khi lên ngôi, Vua Gia Long đã cho xây dựng bên cạnh ngôi mộ voi một điện thờ gọi là Long Châu Miếu để thờ các vị thần bảo vệ và thờ linh tượng

Ngày xưa, trước mỗi trận đấu giữa voi và cọp tổ chức tại Hổ Quyền các quản tượng thường đưa voi đến uống nước ở hồ này

Dưới triều đại nhà Nguyễn, người ta lập ra một cơ quan chuyên trách săn bắt, nuôi dưỡng, thuần hóa và huấn luyện loài voi, cơ quan này gọi là Tượng Chính và bến tắm voi gọi là Bến Tượng, voi được coi là biểu tượng của sức mạnh vương triều là một thế lực bất khả chiến bại.

Điện Voi Ré tọa trên một bãi đất rộng. Ảnh: internet

Kiến trúc của điện Voi Ré

Điện Voi Ré tọa lạc trên một khu đất rộng, diện tích khoảng 2.000m², nằm về phía Đông - Nam đồi Thọ Cương. Cũng theo những nguyên tắc chung về thuật phong thủy của Đông phương, người ta vận dụng Thành Lồi (thành cũ của người Chàm) có sẵn để làm bình phong che chắn cho ngôi điện, tiếp đến là hồ Điện tạo nên yếu tố thủy (minh đường) và tăng thêm giá trị mỹ học cho công trình. Với diện tích khoảng 1.000m², độ sâu chừng 3m, hai bên không kè đá, mặt hồ từng tràn ngập những đóa sen thơm ngát. Kiến trúc điện theo kiểu chũ "môn", bên ngoài có vòng la thành xây bằng gạch.

Tương truyền, các Quản tượng ngày xưa thường đưa voi đến uống nước ở chiếc hồ này trước mỗi trận đấu giữa voi và cọp tổ chức tại Hổ Quyền. Đây là một hành động mang tính lễ nghi và tâm linh, có thể người ta nghĩ rằng làm như vậy khiến những con voi sẽ tăng thêm dũng khí và sự may mắn sẽ đến với chúng trong trận quyết đấu.

Phía Bắc là miếu Long Châu cổ kính thâm u, miếu Long Châu nằm ở trung tâm làm theo kiểu trùng thiềm điệp ốc, gồm năm gian hai chái, mái lợp ngói liệt, tiền đường kiểu vỏ cua. Bên trong trang trí bằng hệ thống liên ba bằng gỗ với 104 ô hộc chủ yếu là chữ Thọ theo lối triện và hoa lá chim muông. Chính giữa ngôi miếu là một bức hoành phi khắc nổi ba chữ Hán màu vàng “Long Châu Miếu”, bức hoành phi này được làm lại mới vào năm Khải Định thứ 2 (1917). Trong điện nguyên xưa có thờ 15 bài vị thờ các vị thần bảo hộ lính. Hiện nay, trong miếu chỉ còn lại bài vị của 4 vị thần là: thần Thiên Sư, thần Chúa Động, thần Hồng Nương, thần Tiền Hậu Khai Khẩn.

Miếu thờ những chú voi có công với đất nước. Ảnh: internet

Phía Nam có cổng tam quan rêu phong tĩnh mịch, phía trước cổng tam quan có hệ thống bậc cấp đi lên gồm 17 bậc, bên trên chính giữa ở lối chính có ba chữ Hán bằng sành “Nghiễm Nhược Lâm”. Thẳng theo lối chính, trước khi vào đến sân miếu, là một bức bình phong Long Mã.

Hai bên miếu Long Châu là Đông Phối Điện và Tây Phối Điện, đây là nơi thờ những con voi lập được nhiều chiến công trong trận mạc vào thời kỳ quật khởi dựng xây đế nghiệp của Triều Nguyễn và đồng thời đây cũng làm nơi khoản đãi quan khách sau khi tế lễ. Trước hai ngôi nhà này, còn có hai tòa miếu phụ thờ thần vị voi, còn được gọi là miếu Tượng. Trước đây ở hai miếu hai bên phía trước còn có bốn bài vị khác đề tên tước hiệu được phong của bốn con voi lập nhiều công trạng gồm: Đô Đốc Hùng Tượng Ré, Đô Đốc Hùng Tượng Bích, Đô Đốc Hùng Tượng Nhĩ và Đô Đốc Hùng Tượng Bôn.

Điện Voi Ré đang xuống cấp trầm trọng

Điện Voi Ré đang nằm trong cảnh hoang phế và xuống cấp nghiên trọng. Nhiều hạng mục công trình có nguy cơ sụp đổ nhưng chỉ được chống đỡ một cách khá tạm bợ. Ảnh: internet

Với giá trị lịch sử to lớn như thế nhưng hiện tại nhìn những hình ảnh của điện Voi Ré, không ai nghĩ rằng đây là một di tích thuộc Quần thể Di tích Cố đô Huế và đã được công nhận Di tích cấp quốc gia vào năm 1998. Quang cảnh của điện thực sự đang ở tình trạng hoang tàn, đổ nát... Các khối kiến trúc đã và đang bị mưa gió làm biến đổi hình hài. Phần chính điện, nơi thờ những vị thần Voi cũng xuống cấp nghiêm trọng... Chẳng mấy khi có khách ghé thăm, nếu có chăng thì cũng thất vọng khi ra về. Bởi nhiều kiến trúc trong điện Voi Ré phải dùng đến những cột chống tạm bợ để che chắn tạm thời. 

Những người yêu mến văn hóa, di sản văn hóa của mảnh đất Cố đô đều mong mỏi chính quyền các cấp có liên quan sẽ sớm bắt tay vào thực hiện triệt để công tác bảo tồn, phục hồi Di tích Điện Voi Ré đang bị phế tích hóa để góp phần giữ gìn và phát huy giá trị của di sản, tạo thêm nét đặc sắc trong văn hóa Huế, ngày một thu hút du khách đến với Cố đô Huế nhiều hơn./.

Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Top