Địa chỉ ngọc trên đảo ngọc
Đảo ngọc Phú Quốc vốn từ lâu đã nổi danh là thiên đường du lịch với những bờ cát trắng mịn màng, hàng dương xanh rì rào và làn nước biển trong veo, nhưng lại ít ai để ý về chiêu sâu tinh thần, những tầng mạch văn hoá còn chờ phát lộ, và bao năm nay, Huỳnh Phước Huệ đã âm thầm gây dựng công trình Bảo tàng Cội Nguồn, nơi giới thiệu những di chỉ khảo cổ, hiện vật, mẫu vật khoáng chất, động thực vật …của đảo. Bảo tàng Cội Nguồn đã trở thành nơi thoả lòng của những ai đam mê tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của Phú Quốc nói riêng và cả vùng Kiên Giang nói chung, miền đất hào hùng, nơi địa đầu Tây Nam tổ quốc, nơi những Di chỉ Óc Eo; Phù Nam; Chân Lạp luôn quyến rũ giới khảo cổ, cũng là nơi còn ghi đậm dấu tích của quá trình mở nước của người Việt hàng trăm năm trước.
Tại Cội Nguồn, hệ thống mẫu vật được chia thành các tầng với chủ đề khu biệt. Bể nước mặn sáng ánh đèn, soi tỏ đàn cá uốn lượn giữa cây thuỷ sinh mang lại vẻ mát mẻ kề sát không gian giới thiệu về các loài thực vật đặc hữu của đảo. Đối với những người du lịch thông thường, sự phong phú của bộ sưu tập không mang nhiều ý nghĩa lắm, nhưng chắc chắn ai cũng công nhận sự độc đáo của bộ mẫu gỗ hoá thạch. Kiến tạo địa chất hơn 250 triệu năm trước đã khiến dung nham chôn vùi nhiều loài thực vật cổ đại, Cội Nguồn đã sưu tầm được khá nhiều và qua các mẫu hoá thạch rõ nét cành lá của các loài dương xỉ cổ. Dấu tích của Văn hoá Óc Eo, chứng tích của Vương quốc Phù Nam, ảnh hưởng của văn minh Chân Lạp, mối giao thoa văn hoá của Champa, Chân Lạp; Xiêm La…được tìm thấy tại vùng đất Tây Nam Bộ không nhiều và luôn là mảng trống lớn trong hệ thống kiến thức chung, may mắn thay, đã hiện hữu tại Bảo tàng Cội Nguồn với một số hiện vật đồ gốm, đồ kim khí, trang sức…
Bảo tàng Cội nguồn điểm đến không thể bỏ qua khi tới Phú Quốc (Ảnh:TL)
Tại không gian phía trên, Cội Nguồn đặc biệt giới thiệu các mẫu vật gốm thuộc nhiều thời kỳ, từ cổ sơ với tiêu biểu mộ vò cho tới cận đại như bát đĩa, ấm, vò, thạp,…thời Lý Trần (thế kỷ 11-13); các sản phẩm gốm thương mại của vùng Sài Gòn; Lái Thiêu (Bình Dương) cận đại (thế kỷ 19-20). Nằm trong trục giao thương hàng hải nối vùng biển Phú Quốc tới Thái Lan; Ấn Độ hoặc ngược ra phía Bắc tới Trung Quốc; Nhật Bản, vùng biển Phú Quốc là nơi ẩn tàng những hiện vật cực kỳ phong phú trong lòng biển và trên đất liền. Các rủi ro của các thương thuyền hàng trăm năm trước bỗng trở thành cơ hội nghiên cứu của đời sau, do đó Huỳnh Phước Huệ đã sưu tầm được khá nhiều hiện vật chìm dưới biển mà giới khảo cổ vẫn dùng chung danh từ “đồ vớt”. Nước biển bào mòn khiến phần lớn đồ gốm không còn giữ được màu sắc, hoa văn tự nhiên, song bù lại về số lượng rất lớn. Nguyên vẹn trên tầng 4 của Bảo tàng là mô hình chiếc thương thuyền đắm ở bờ Đông đảo Phú Quốc khiến người tham quan ngậm ngùi về chuyện xưa cũng như cảm nhận rõ giá trị văn hoá của mỗi vật phẩm đang được trân trọng trưng bày.
Mỗi một hiện vật là tình yêu đối với quê hương của ông chủ Cội Nguồn: ông Huỳnh Phước Huệ (Ảnh:TL)
Hàng trăm chiếc chum lớn lốm đốm vết bào mòn thời gian và bám đầy vỏ hà, hàng ngàn chiếc bát đĩa, các loại vật dụng kim loại như đèn biển, mâm đồng, chậu đồng, những tiêu bản động vật đặc hữu của biển như: Dugong, cá kiếm, cá voi,… trong một không gian rộng lớn cùng tồn tại hơn 1000 mẫu vật nói lên tiềm năng giàu có của đảo ngọc. Nhưng bao quát hơn, đó là nơi trân trọng lưu giữ những giá trị văn hoá của địa phương, nơi gắn liền các nhân vật lịch sử như Mạc Cửu; Mạc Thiên Tích; bà Kim Giao, Vua Gia Long; Nguyễn Trung Trực, cũng là mảnh đất địa đầu phía Tây Nam tổ quốc kiên cường trong những cuộc kháng chiến của dân tộc. Bảo tàng Cội Nguồn không chỉ là nơi khách tới xem mẫu vật khoáng chất hay động thực vật, tại đây mỗi người đều cảm nhận rõ bề dày thời gian và các tầng văn hoá đan xen của đảo.
Cách biệt với khu vực Bảo tàng lại là không gian khác, nơi lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen quý hiếm đặc hữu của đảo, trong đó đáng chú ý nhất chính là công trình gây giống chó Phú Quốc và bảo tồn đại bàng biển. Một hệ thống quầy bán hàng lưu niệm, sản vật của đảo phía ngoài khép lại chu trình tham quan Cội Nguồn. Cùng với sự ủng hộ của người vợ trẻ tần tảo, Huỳnh Phước Huệ đã góp phần đưa Phú Quốc trở thành điểm đến sáng giá trong bản đồ du lịch văn hoá chung của Việt Nam, bởi vậy đâu quá lời khi coi đây là “địa chỉ ngọc” của đảo ngọc mến yêu.
Thái A