Đi tìm tinh hoa từ những “di sản sống” của Nhã nhạc

Tưởng rằng thời gian sẽ khỏa lấp tất cả những dấu xưa nơi chốn cung đình, tưởng rằng những nốt nhạc hò, xự, xàng, xê, cống... không còn rung lên những cung bậc đúng như những lần Triều đình nhà Nguyễn tổ chức lễ tế Giao, tế Miếu, tế Xã Tắc... nhưng những ngày điền dã, cùng ăn, ở và sống với các nghệ nhân Nhã nhạc như Trần Kích, Lữ Hữu Thi, Hồ Đăng Châu, Phạm Bá Diện... đã cho chúng tôi hiểu rằng Nhã nhạc không hề mất đi bản sắc vốn có của nó, chỉ có điều để gìn giữ nó đúng với nguyên bản thì không hề đơn giản.

Điều bất ngờ từ những nghệ nhân

Tháng 7-2009, nhóm nghiên cứu chúng tôi lên kế hoạch điền dã tiếp cận các nghệ nhân Nhã nhạc. Nghe Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông giới thiệu Nghệ nhân Phạm Bá Diện đang sống ở xã Phong Bình (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) vừa phục dựng thành công vở múa cổ “Thái bình thiên hạ” và ông cũng là người đang nắm giữ những bài bản và bí quyết trình diễn Nhã nhạc.

Sau nhiều lần liên lạc với Phòng Văn hóa xã Phong Bình nhưng không thành, chúng tôi quyết định về thẳng xã Phong Bình để tìm gặp Nghệ nhân Phạm Bá Diện.

Vượt quãng đường khá xa nên khi gặp được nghệ nhân  nhóm nghiên cứu chúng tôi ai cũng bơ phờ nhưng vẫn cố trình bày mục đích của chuyến viếng thăm đường đột. Mời chúng tôi vào nhà ông nói, “sáng ni tui định ra làng cổ Phước Tích tập cho các cháu múa Thái bình thiên hạ chuẩn bị cho Festival 2010 theo lời mời của huyện Phòng Điền nhưng do trục trặc nên phải hẹn đến sáng mai, tui mà đi thì mấy chú không gặp tui rồi”. Sau câu chuyện xã giao làm quen, nhà Nghiên cứu âm nhạc truyền thống Nguyễn Quý Cát đặt thẳng vấn đề muốn tìm hiểu về những kỹ năng trình tấu âm nhạc của nghệ nhân.

Nghệ nhân Phạm Bá Diện (Ảnh: TL)

Không cần vòng vo ông nói ngay, “tui làm nghề đánh nhạc cổ lâu lắm rồi, tui không biết mấy chú tìm hiểu kỹ năng chi nhưng tui có thể biểu diễn để mấy chú xem thử”. Đi thẳng vào nhà trong ông lấy trống và cây đàn có hình dáng giống đàn nhị, thấy chúng tôi nhìn ngạc nhiên vì hai nhạc cụ của ông không giống những cái chúng tôi thường gặp, ông giải thích: “Vì điều kiện kinh tế nên những nhạc cụ này tui tự làm hết, mới nhìn thì thấy lạ chứ thật ra những nhạc cụ này và nhạc cụ trong nhạc cung đình là một”.

Suốt ngày hôm đó chúng tôi tha hồ xem ông biểu diễn và những ngày sau này nữa, chúng tôi đã xin phép ở lại nhà ông để ghi âm, quay phim, ký âm... những bài bản Nhã nhạc mà đã lâu lắm rồi ông mới có cơ hội thể hiện bằng tất cả sự tâm huyết, đặc biệt là cách đánh trống bồng trong hệ thống đại nhạc tưởng đã thất truyền nay lại được ông trình diễn đã khiến cho chúng tôi hết sức ngạc nhiên, không ngờ ở một nơi xa xôi như thế này lại có người còn nắm giữ được bí kíp của loại hình nghệ thuật Nhã nhạc.

Trong suốt hành trình tìm hiểu và ghi lại những bí quyết, những kỹ năng nghề nghiệp của các nghệ nhân, điều khiến chúng tôi xúc động thật sự là khi tiếp xúc và ghi lại những tinh hoa nghề nghiệp của Nghệ nhân Trần Kích.

Nghệ nhân Trần Kích (Ảnh: TL)

 Quen biết, có quan hệ thực sự thân thiết với gia đình của Nghệ nhân Trần Kích và cũng không nhớ hết là đã bao nhiêu lần nghe và xem cụ đánh đàn. Tuy vậy khi đặt vấn đề với cụ chúng tôi cũng không biết nên bắt đầu từ đâu, cần lưu giữ cái gì từ cụ. “Thôi kệ, để ôn (ông) tự nhiên, ưa đánh chi cũng được” một người trong nhóm nghiên cứu nói. Nghe vậy, Nghệ nhân Trần Kích chặn lời, “Không được, mấy đứa bây vẽ tao đánh nhạc để mần (làm) chi, nhạc có nhiều cách đánh, đánh để chơi khác với đánh biểu diễn, nhưng mấy đứa bây mần (làm) nghiên cứu thì để tao đánh theo lối đánh cổ cho bây nghiên cứu”.

Suốt một tuần liền, sáng nào cũng vậy, nhóm nghiên cứu chúng tôi tập trung để về nhà cụ ở đường Bạch Đằng (thành phố Huế), tất cả các nhạc cụ từ tam, tỳ, nhị, nguyệt cho đến kèn bầu, trống chiến đều được cụ trình diễn cho chúng tôi quay phim và ghi âm. Mỗi cái nhấn, nhá trên phím đàn đều được cụ giải thích cặn kẽ, cụ nói người đánh đàn phải gửi cái tâm của người nghệ sĩ vào cây đàn, mỗi tiếng đàn ngân lên người nghệ sĩ phải nghe bằng cả trái tim, mỗi nốt nhạc được đánh lên người nghệ sĩ nhắm mắt lại vẫn thấy nó vấn vương quanh mình, làm được như thế tiếng đàn mới đúng chất, mới thanh thoát...

Lâu nay, những người nghệ nhân trong lĩnh vực Nhã nhạc luôn có tâm lý giấu nghề, họ chỉ truyền lại cho con cháu trong gia đình, những người ngoại tộc ít có cơ hội để học hỏi. Và khi chúng tôi “gãi đúng chỗ ngứa” của nghề nghiệp, họ đã “bung” ra những tuyệt kỹ đã một thời tôi luyện như: Nghệ nhân Hồ Đăng Châu với khả năng trình diễn sanh tiền điêu luyện, Nghệ nhân Trương Cảnh Hùng có khả năng thổi sáo réo rắc như tiếng chim phượng hoàng bay về Đại Nội trong mùa ngô đồng kết hạt… tất cả đã cho chúng tôi hiểu rằng hồn Nhã nhạc vẫn còn đó, chỉ có điều làm thế nào để lưu giữ cho hậu thế những nốt nhạc, những giai điệu mà chúng tôi vừa “thu nhặt” thì vẫn đang là dấu hỏi lớn.

Nghệ nhân Hồ Đăng Châu (bìa phải) (Ảnh: TL)

7 năm sau khi Nhã nhạc được UNESCO công nhận, những bí quyết nghề nghiệp trong trình diễn Nhã nhạc họ đang nắm giữ vẫn chưa có cơ hội để trao truyền, phô diễn.

 Ngày chúng tôi đến tìm nhà Nghệ nhân Hồ Đăng Châu ở làng Thủ Lễ (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), ông bận đi thổi kèn cho đám tang ở làng bên cạnh. Quay về thành phố, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân Nguyễn Đình Vân ở xóm bờ hồ (đường Phan Đăng Lưu, thành phố Huế) nhưng ông bận đi đánh nhạc cúng cho các chùa chiền ở Huế đã hơn một tuần nay. Có lẽ vậy mà những ngày sống cùng Nghệ nhân Phạm Bá Diện ông đã nói: “Buồn lắm chú ạ, tui biết nhiều về kỹ năng biểu diễn Nhã nhạc nhưng lâu nay có ai hỏi đến tui mô”.

Ông Trương Tuấn Hải - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế, sau nhiều lần cùng đoàn Nhã nhạc đi lưu diễn ở nước ngoài đã tâm sự: “Có đi ra nước ngoài mới thấy thương các nghệ nhân, nghệ sĩ âm nhạc truyền thống của Việt Nam, bởi lẽ chúng ta chưa quí trọng và tôn vinh xứng đáng như người Nhật quí trọng các nghệ sĩ Kịch Nô, người Trung Quốc quí trọng Kinh Kịch…”

Gần một năm, sau lần quay phim, ghi âm chúng tôi trở lại nhà Nghệ nhân Trần Kích  để hỏi thăm sức khỏe, ngồi tiếp chúng tôi nhưng cụ không thể đánh đàn cho chúng tôi nghe nữa bởi sức khỏe cụ đã yếu lắm rồi. Nghệ nhân Trần Thảo - con trai của cụ tâm sự: Với mong muốn gìn giữ lại những vốn cổ của Nhã nhạc nên suốt đời cụ vẫn mãi lận đận theo tiếng đàn, là con trai của cụ tôi hiểu được những giá trị của nỗi niềm day dứt đó, có lẽ vì vậy mà tôi và con trai của tôi cũng sẽ tiếp bước cụ để gắn chặt đời mình với “kiếp cầm ca”.

Hiện tại, những nghệ nhân xưa đã lần lượt ra đi, hạn hữu còn lại một vài vị cũng đã qua tuổi "cổ lai hy"... Vì vậy việc khai thác những tri thức, kỹ năng, kỹ xảo quý giá còn ở nơi họ là tiền đề để làm cơ sở cho việc nghiên cứu, phục hồi và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.

Cùng với sự tiếp cận này, phải xây dựng một chế độ đãi ngộ thích đáng đối với các nghệ nhân để họ có điều kiện dồn hết tâm sức truyền nghề lại cho các thế hệ kế tiếp.

TRỌNG BÌNH