Di tích và Lễ hội ở Nghệ An
Nghệ An, xứ sở của lễ hội truyền thống :Lễ hội gia đình, dòng họ, hội làng, lễ hội vùng, lễ hội dân tộc, tôn giáo… đặc biệt các lễ hội gắn với di tích. Không phải ngẫu nhiên mà hầu hết tên gọi của các lễ hội đều gắn với tên gọi của di tích như: Lễ hội đền Cờn, Lễ hội đền Quả Sơn, Lễ hội đền Vua Mai, Lễ hội đền Cuông, Lễ hội đền Chín Gian… Mỗi một vùng đất, một miền quê, một tộc người với những phong tục, tập quán, điều kiện, hoàn cảnh riêng, có những cách tổ chức, những đặc trưng riêng tạo nên sự phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức cho các lễ hội ở Nghệ An.
Trải qua 30 năm chiến tranh (chống Pháp, chống Mỹ), cũng như cả nước, các lễ hội truyền thống ở Nghệ An hầu như bị ngưng trệ, lãng quên vì phải tập trung cho công cuộc đấu tranh dành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Mặt khác, Nghệ An nằm trong vùng thiên nhiên vô cùng khắc nghiệt, trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, nhiều biến cố của thời cuộc, cộng với nhận thức phiến diện, giản đơn của con người, họ cho rằng: những công trình kiến trúc mang dấu ấn tôn giáo, tín ngưỡng đều bị coi là di sản của chế độ cũ, nơi tiềm ẩn mê tín dị đoan, nơi một số lực lượng chống phá cách mạng thường hay lẩn trốn. Vì vậy, các di tích lịch sử văn hóa như đình, đền, chùa, miếu… những di sản văn hóa quý giá đóng vai trò quyết định trong sinh hoạt lễ hội đều bị phá hủy, chịu số phận “hương lạnh khói tàn”, hoặc chuyển thành nhà kho, trụ sở, trường học nên lễ hội hầu như mất hết môi trường và cơ sở vật chất, không còn điều kiện và thời gian để tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, trong ý thức của mỗi người dân xứ Nghệ, lễ hội vẫn sống, vẫn tồn tại.
Sau năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cuộc sống từng bước được khôi phục và ổn định, nhu cầu về sinh hoạt văn hóa tinh thần của nhân dân ngày càng được khơi dậy, nhưng do khó khăn của đất nước, quê hương sau chiến tranh, lại chưa có người khởi xướng và sự chỉ đạo của ngành chủ quản nên lễ hội vẫn thiếu vắng trong đời sống của nhân dân.
Từ sau Đại hội VI của Đảng, đất nước ta thực sự bước vào công cuộc đổi mới, đời sống xã hội bước sang một thời kỳ mới. Trong không khí cởi mở và cách nhìn nhận mới về văn hóa dân tộc, đặc biệt quy chế mở lễ hội truyền thống của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ban hành năm 1988 đã tạo được cơ sở pháp lý cho các địa phương chỉ đạo tổ chức và quản lý các lễ hội.
Lễ hội đền Cờn (Quỳnh Lưu). Ảnh: internet
Ở Nghệ An, với sức sống mãnh liệt vốn có, lễ hội đã bùng nổ trở lại như một hiện tượng xã hội, nó trỗi dậy ở mọi miền quê với một sinh khí mới. Hàng chục lễ hội nổi tiếng ngày xưa đã bị mai một, nay được phục hồi và phát triển trên khắp các địa bàn trong tỉnh như: Lễ hội đền Cuông (ở Diễn Châu), Lễ hội đền Cờn (Quỳnh Lưu), Lễ hội đền Quả Sơn (Đô Lương), Lễ hội Rước Hến, Lễ hội đền Hoàng Mười (Hưng Nguyên), Lễ hội đền Vua Mai (Nam Đàn), Lễ hội đền Bạch Mã (Thanh Chương), Lễ hội đền Hồng Sơn, chùa Sư Nữ (thành phố Vinh)… Ở vùng rừng núi miền Tây xứ Nghệ có Lễ hội Xăng Khan, Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), Lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội đền Rậm (Của Rào Tương Dương)…Trong dòng chảy văn hóa dòng họ ở Nghệ An phải kể đến lễ hội dòng họ Nguyễn Đình (ở Nghi Lộc), Nguyễn Cảnh (ở Đô Lương), họ Hồ, họ Nguyễn (ở Quỳnh Lưu, Yên Thành)…Cùng với các lễ hội dân gian cổ truyền, ngành Văn hóa - Thông tin Nghệ An đã chỉ đạo tổ chức một số lễ hội mới mang màu sắc hiện đại như: Lễ hội làng Sen, kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), lễ hội sông nước Cửa Lò (được nâng lên từ lễ hội đền Vạn Lộc, thờ Đô đốc Tướng công Nguyễn Sư Hồi, khai mạc vào mùa du lịch biển Cửa Lò 30/4 - 1/5), lễ hội uống nước nhớ nguồn (ở Anh Sơn, vào dịp 27-7), kỷ niệm những người con của quê hương, đất nước đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc… Có thể xem đây là những sản phẩm đầy sáng tạo của người dân xứ Nghệ, dần dần được truyền thống hóa, được công chúng ghi nhận, thăng hoa thành nét đẹp mới, một bản sắc riêng trong đời sống văn hóa ở Nghệ An.
Ngoài ra, hoạt động lễ hội trên đất Nghệ An còn phát triển ở các loại hình: Kỷ niệm những ngày lễ lớn, kỷ niệm danh nhân, đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa, đón bằng công nhận làng, bản, khối phố văn hóa… Nhưng dù là lễ hội dân gian, cổ truyền hay lễ hội mới hiện đại đều gắn liền với một hay nhiều di tích trên địa bàn đó: “Lễ hội đền Cuông” gắn với Di tích đền Cuông, thờ Thục An Dương Vương; “Lễ hội đền Cơn” gắn với Di tích đền Cơn trong và đền Cờn ngoài; “Lễ hội hang Bua” gắn với di tích danh thắng hang Bua; “Lễ hội làng Sen” gắn với Khu Di tích Kim Liên; Lễ hội “uống nước nhớ nguồn”, gắn với Nghĩa trang liệt sĩ Việt Lào…
Có thể nói, từ khi Nhà nước ban hành pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, có chủ trương xếp hạng, đầu tư, tu bổ, chống xuống cấp di tích, tổ chức tuyên truyền về di tích thì lễ hội ở Nghệ An thực sự có “đất” để “hồi sinh”. Bởi lẽ, lễ hội truyền thống thường gắn với yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo mà các di tích lại là những thiết chế tôn giáo, tín ngưỡng, là nơi thờ phụng, tưởng niệm những người có công với dân, với nước (dẫu là nhân thần hay nhiên thần), là nơi để thực hiện những thủ tục có tính nghi thức, thể hiện sự linh thiêng và trang nghiêm của phần lễ, là những ‘tích” để “dịch nên trò” trong ngày hội... Vì vậy, di tích là địa chỉ tin cậy của lễ hội. Mặt khác, phải thừa nhận rằng: ở các di tích có một ưu thế, một tiềm năng rất lớn để thu hút mọi người đến với lễ hội. Đó là những công trình kiến trúc đặc sắc, những tác phẩm nghệ thuật có giá trị lịch sử, văn hóa và mang tính nhân văn cao. Đó là những cảnh đẹp làm say đắm lòng người. Mọi người đến với lễ hội, đến với di tích sẽ vừa được thỏa mãn khát vọng về tâm linh, vừa có dịp thả hồn vào những cảnh quan của thiên nhiên kỳ thú.
Một thực tế khác ở Nghệ An, qua hàng trăm năm một số di tích đã trở thành nhà thờ họ, thờ phụng những người con kiệt xuất của dòng họ như: Bạch Liêu, Hồ Tông thốc, Ngô Sỹ Vinh, Ngô Trí Tri, Nguyễn Xí, Trần Đăng Dinh, Hồ Hữu Nhân, Nguyễn Thức Tự…đã trở thành nơi hội tụ, tìm về cội nguồn của con cháu mọi miền Tổ quốc. Biết bao nhiêu người dẫu có xa xôi, cách trở họ vẫn tìm về lễ hội để bộc lộ tình cảm thiêng liêng, sâu đậm vốn có trong tiềm thức mỗi người.
Lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong). Ảnh: internet
Tuy nhiều di tích, nhiều lễ hội nhưng ở Nghệ An không có lễ hội mang tầm quốc gia như ở Kinh Bắc, Phú Thọ, nên Nghệ An đã chú trọng đi sâu vào khai thác, khôi phục và phát triển các lễ hội gắn với di tích để giáo dục truyền thống và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, thông qua các hoạt động tưởng nhớ các danh nhân, đón bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa. Trong số gần 200 di tích đã được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và UBND tỉnh công nhận, nhiều lễ hội đón bằng đã trở thành ngày hội của nhân dân. Qua đó, ta có thể khẳng định rằng: di tích đã tạo môi trường, tạo điều kiện cho lễ hội hình thành và phát triển.
Những năm qua, việc khôi phục lễ hội gắn với di tích ở Nghệ An đã được phát huy có hiệu quả. Mặc dù còn có một số hạn chế như: Một số lễ hội còn nặng về phần lễ, các hoạt động hội chưa phong phú. Đây đó cũng còn có một số biểu hiện tiêu cực, lệch lạc so với các lễ hội dân gian truyền thống vốn có và quy chế hoạt động lễ hội của Bộ như: mê tín, bói toán, xóc thẻ, xin xăm, chữa bệnh bằng phù phép, cờ bạc, rượu chè…làm vẩn đục bầu không khí trong lành của ngày hội, ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống của từng người trong lễ hội.
Tuy nhiên, mặt tích cực của lễ hội vẫn giữ vai trò chủ đạo như: thông qua lễ hội, nhiều phong tục, lễ tục (tế thần, rước kiệu), các trò chơi dân gian như: Đánh đu, đánh cờ, chọi gà, đấu vật, múa võ, bắn cung, bắn nỏ, đua thuyền, kéo co, thi nấu các món ăn dân tộc, hát các làn điệu dân ca cổ của địa phương (hát Ví, Giặm), diễn các tích tuồng, chèo…tưởng đã lùi vào quên lãng, nay lại được chọn lọc để bảo lưu, phục hồi một cách khoa học, làm cho văn hóa bản địa có sức đề kháng những độc tố từ bên ngoài tác động vào. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang nội dung mới như: Mít tinh kỷ niệm, liên hoan văn nghệ, thi nét đẹp trang phục dân tộc, thi đấu các môn thể thao: bóng đá, bóng chuyền, leo núi, biểu diễn thái cực trường sinh đạo… đã tạo nên bộ mặt chung của phong trào sinh hoạt lễ hội ở Nghệ An phong phú, đa dạng và mới mẻ đầy bản sắc mà ở đó tính truyền thống và tính hiện đại được đúc kết lại trên nền sáng tạo đầy hấp dẫn nên có sức hội tụ rất lớn, thu hút được hàng chục vạn lượt người đến tham gia.
Đến với lễ hội, mọi người không chỉ tìm về cội nguồn, tham dự các sinh hoạt văn hóa tâm linh, các hoạt động thể thao, vui chơi lành mạnh, không chỉ được tham quan di tích, thả hồn vào thiên nhiên kỳ thú, mà còn có dịp được gặp gỡ, giao lưu, vừa được sống với quá khứ hào hùng của dân tộc, vừa thấy được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với ngành văn hóa, đối với các di tích danh thắng. Qua lễ hội, người với người sống với nhau cũng đẹp hơn, tình cảm hơn trong cộng làng xã.
Sự phục hồi các lễ hội gắn với di tích tạo cho quần chúng có ý thức gìn giữ, bảo vệ, trân trọng những công trình kiến trúc, những di sản văn hóa vô giá mà tiền nhân đã để lại. Tạo cho các cấp, các ngành có ý thức chăm lo tu bổ, tôn tạo di tích, các công trình văn hóa của quê hương. Nhiều di tích và lễ hội đã trở thành địa chỉ đỏ để các tổ chức, cá nhân đóng góp công đức, tạo nguồn vốn đáng kể cho việc tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp di tích trong khi nguồn kinh phí của nhà nước còn hạn hẹp. Sự phục hồi lễ hội gắn với di tích ở Nghệ An cho thấy: Chủ trương của Đảng, Nhà nước, ngành Văn hóa - Thông tin tỉnh nhà là hoàn toàn phù hợp với xu thế chung, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, làm cho nhân dân rất phấn khời, càng tin tưởng vào Đảng, Nhà nước. Tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân được tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa từ lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.
Lễ hội sông nước Cửa Lò. Ảnh: internet
Trong những năm tới, để phát huy có hiệu quả những ưu thế của di tích và lễ hội, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh nhà, Nghệ An sẽ quy hoạch các cụm di tích, danh thắng và những vùng du lịch văn hóa để phát triển và nâng cao các lễ hội lên quy mô vùng và toàn quốc theo định hướng sau:
1. Xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội (từ lễ hội vùng, tiểu vùng đến các lễ hội dân tộc, tôn giáo, dòng họ…) để phân cấp cho các địa phương có trách nhiệm chăm lo gìn giữ và phát huy di tích và lễ hội, theo xu hướng ngày càng được xã hội hóa cao. Di tích và lễ hội là của dân, do dân và vì dân, dần dần trả lại cho dân tự giác tổ chức lễ hội, tôn tạo di tích, nhà nước chỉ làm nhiệm vụ quản lý.
2. Xây dựng và phát triển một số di tích và lễ hội gắn với vùng du lịch văn hóa để phát triển du lịch như: Di tích quốc gia đặc biệt, Khu lưu niệm “Quê hương, thời niên thiếu và hai lần về thăm quê” của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Lễ hội làng Sen; Thành Phượng Hoàng Trung đô, đền Quang Trung trên núi Dũng Quyết, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ, đền Nguyễn Xí, đền Vạn Lộc gắn với lễ hội sông nước và mùa du lịch biển Cửa Lò; Di tích và lễ hội đền và miếu mộ Vua Mai gắn với du lịch mùa xuân dọc sông Lam; Di tích và lễ hội đền Cuông gắn với du lịch mùa xuân vùng ven biển; Di tích và lễ hội đền Cờn gắn với du lịch mùa xuân vùng ven biển; Di tích và Lễ hội hang Bua, đền Chín Gian gắn với lễ hội văn hóa hang động, Lễ hội đền Chín Gian của đồng bào các dân tộc thiểu số…
3. Công bố tập “Địa chỉ lễ hội ở Nghệ An” để nhân dân trong tỉnh cũng như khách thập phương đến với di tích và lễ hội ngày càng đông hơn, thỏa mãn cho nhân dân về nhu cầu sinh hoạt văn hóa , thông qua đó để phát triển kinh tế du lịch của tỉnh nhà.
4. Tiếp tục tuyên truyền Chỉ thị của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội (Chỉ thị số 41-CT/W, ngày 5-12-2014); Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội (Công điện số 229 CĐ-TTg, ngày 12-2-2015); Thông tư của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tổ chức lễ hội (Thông tư số 15/2015/ TT-BVHTTDL, ngày 12- 2- 2015); Chỉ thị của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch về tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội (Chỉ thị số 04/ CT-BVHTTDL, ngày 12-1-2016), để mọi người dân tham gia các hoạt động lễ hội đúng quy định của pháp luật và ngày càng gắn bó hơn với di tích và lễ hội.
Làm được những việc trên là tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương V khóa VIII của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
Nhạc sĩ Hồ Hữu Thới