Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - Nơi đầu nguồn Cách mạng
Nói đến Pác Bó là nói đến một địa danh lịch sử gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Ngày 28-1-1941, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, đồng chí Nguyễn Ái Quốc quyết định trở về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Sau khi phân tích kỹ tình hình phong trào cách mạng ở Việt Nam, theo dõi sát phong trào, Người đã chọn Pác Bó, Cao Bằng làm nơi đặt chân đầu tiên. Sau 20 ngày sống trong một gia đình dân tộc, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc vào ở và làm việc trong hang Cốc Bó.
Bàn đá bên suối Lê-nin (Pác Bó, Hà Quảng), nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc và dịch cuốn lịch sử Đảng Cộng sản Bôn sê vích Liên Xô. (Ảnh: TL)
Tại đây, Người đã tự tay khắc lên vách đá ghi lại thời gian lịch sử này. Ở giữa hang Cốc Bó có một nhũ đá cao, Nguyễn Ái Quốc đã chọn và tạc lên đây bức tượng Các Mác- người thầy vĩ đại của cách mạng vô sản thế giới. Nguyễn Ái Quốc còn đặt tên một ngọn núi ở Pác Bó là núi Các Mác. Một dòng suối chảy từ chân núi ôm vòng quanh núi Các Mác mà đồng bào dân tộc nơi đây gọi là suối Giàng (Suối Trời) Nguyễn Ái Quốc đặt tên là suối Lê Nin. Suối Lê Nin, núi Các Mác là nơi có kỷ niệm rất sâu sắc trong thời kỳ Nguyễn Ái Quốc sống ở đây, như lời thơ của Người:
Non xa xa, nước xa xa,
Nào phải thênh thang mới gọi là,
Đây suối Lên Ni, kia núi Mác,
Hai tay xây dựng một sơn hà.
Bên dòng suối Lê Nin, dưới bóng cây si um tùm, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với anh em đặt một bộ bàn ghế bằng những viên đá ghép lại. Tại đây Người thường ngồi làm việc trong những hôm đẹp trời, viết nhiều tài liệu quan trọng huấn luyện cán bộ, nơi Người dịch cuốn Lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô. Bộ bàn ghế đá cũng đã được ghi vào lịch sử bằng chính bài thơ Người viết:
Sáng ra bờ suối, tối vào hang,
Cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng
Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thật là sang.
Trong thời gian sống và làm việc tại Pác Bó, Nguyễn Ái Quốc đã tới nhiều nơi ở Cao Bằng và nhiều lần sang Trung Quốc bắt liên lạc với các lực lượng cách mạng Việt Nam và đồng minh. Trong một chuyến đi Người đã bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép từ ngày 29-8-1942 đến ngày 10-9-1943, qua nhiều nhà giam thuộc tỉnh Quảng Tây. Sau khi được trả tự do, Nguyễn Ái Quốc lại trở về Pác Bó tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng.
Suối Lê-nin nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó. (Ảnh: TL)
Một nội dung quan trọng có ý nghĩa chiến lược đối với cách mạng Việt Nam là vấn đề Mặt trận dân tộc thống nhất. Pác Bó, Cao Bằng chính là nơi Nguyễn Ái Quốc tiến hành thí điểm các hội quần chúng để tiến lên tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất có cơ cấu từ Trung ương đến địa phương. Cao Bằng đã trở thành địa chỉ thiêng liêng, là nơi ra đời các tổ chức cứu nước trực tiếp giành thắng lợi cuộc cách mạng tháng Tám lịch sử. Chính ở đây, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị Trung ương lần thứ VIII của Đảng tháng 5-1941 đã quyết định đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh. Lán Khuổi Nậm ở Pác Bó đơn sơ và khiêm nhường ấy đã là nơi chứng kiến tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bắt đầu đi vào hành động của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Có thể nói Pác Bó, Cao Bằng cùng với các điểm di tích ở đây là một địa chỉ tin cậy và sâu sắc nhất cho việc nghiên cứu, tìm hiểu một trong những tư tưởng lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh- tư tưởng đại đoàn kết dân tộc.
Nơi Bác ngồi câu cá sau những buổi làm việc. (Ảnh: TL)
Một địa danh quan trọng khác thuộc Khu Di tích Pác Bó là Khu rừng Trần Hưng Đạo, nơi ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, đội quân bách chiến bách thắng do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập. Tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ngay từ những ngày đầu khi Người về nước, đó là tư tưởng dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng. Theo Bác, bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng nhân dân được tổ chức lại, bao gồm hai lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, với hai hình thức đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang và sự kết hợp khéo léo giữa hai hình thức ấy. Tư tưởng ấy của Nguyễn Ái Quốc đã được chứng minh trước hết ở huyện Hà Quảng của tỉnh Cao Bằng. Chính ở đây, ngày 13-3-1945 nhân dân đã nổi dậy giành chính quyền đầu tiên, đã để lại bài học kinh nghiệm quý báu cho cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 trong cả nước.
Di tích hang Pác Bó. (Ảnh: TL)
Tháng 2-1961 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm lại Pác Bó, nơi Người coi như quê hương thứ hai của mình. Về thăm nơi ở và làm việc của mình hai mươi năm trước, thăm núi Lê Nin, núi Các Mác... Người đã xúc động làm bài thơ:
Hai mươi năm trước ở nơi này
Đảng vạch con đường đánh Nhật Tây
Lãnh đạo toàn dân ta kháng chiến
Non sông gấm vóc có ngày nay.
Nhận thức rõ ý nghĩa đặc biệt của Khu Di tích Pác Bó, từ năm 2005 Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã quyết định thực hiện hai dự án lớn tại tỉnh Cao Bằng. Đó là Dự án đường Hồ Chí Minh (được bắt đầu từ Pác Bó qua các huyện Hòa An, Hà Quảng, Nguyên Bình và thị xã Cao Bằng tỉnh Cao Bằng) và Dự án Bảo tồn, tôn tạo Khu Di tích Pác Bó. Hãy về thăm Khu Di tích Pác Bó để tìm hiểu sâu sắc thêm vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn chính nơi đây làm nơi đặt chân đầu tiên của mình sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước và là nơi Người đặt đại bản doanh của cách mạng Việt Nam trong những năm 1941- 1945.
TS Nguyễn Thị Tình