Di tích núi Đá Bia

Núi Đá Bia, còn gọi là Thạch Bi Sơn, là ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy núi Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt. Đến với Đá Bia cũng là đến với đèo Cả, Vũng Rô, một vùng danh lam thắng cảnh ngoạn mục.

"Núi Đá Bia thuộc xã Hòa Tâm, huyện Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm dọc Quốc lộ 1A trên dãy núi Đèo Cả, cách thành phố Tuy hòa 23km về phía Nam. Du khách đi ô tô trên Quốc lộ 1A, đoạn từ thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) đến thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), lúc xe bắt đầu lên đèo Cả đã trông thấy một tảng đá khổng lồ hình chữ nhật nằm bên tay trái nhô cao lên nền trời xanh. Đó là núi Đá Bia."

Từ xa xưa, núi Đá Bia được xem là ngọn núi thiêng với tên gọi là Lingaparvata (có nghĩa là Linga – đấng đại sơn thần, hiện thân của thần Siva trong tín ngưỡng của người Chăm), trong các sách cổ Trung Hoa phiên âm Hán tự là Lăng-già-bát-bạt-đa.

Núi Đá Bia gắn với nhiều sự tích, truyền thuyết. Tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chămpa, Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này. Vì thế, núi được gọi là núi Đá Bia.

Theo dân tộc Ê - Đê thì: Núi Đá Bia còn gọi là Kút H’Phil. Đó là tên người vợ thứ 3 (dân tộc Ê - Đê) của Vua Chăm Poromê, khi bà chết được chôn tại đây, mộ đắp cao thành núi. Còn người Chăm gọi Đá Bia là Hduơn Ktol, có nghĩa là núi Cùi Bắp vì trông hình dạng rất giống chiếc cùi bắp cắm trên cao.

Di tích thắng cảnh Quốc gia núi Đá Bia (Ảnh: TL)

Năm 1836, Vua Minh Mạng cho thể hiện hình tượng dãy núi Đại Lãnh (có cả núi Đá Bia) vào Tuyên Đỉnh, một trong 9 chiếc đỉnh đồng đặt tại Thế Miếu trong Đại Nội Kinh thành Huế.

Núi Đá Bia còn có một tên gọi khác lý thú do người Pháp đặt: “Ngón tay của Chúa”. Tên gọi này xuất phát từ những thủy thủ đi tàu, khi họ từ biển khơi nhìn vào đèo Cả thì núi Đá Bia giống như hình ngón tay chỉ lên trời, và họ căn cứ vào “Ngón tay của Chúa” để định hướng cho tàu bè.

Không những Ðá Bia có một lịch sử của ngàn xưa mà đây còn là một thắng cảnh tuyệt đẹp. Tại đỉnh núi có độ dốc cao, thấy Đá Bia giống như con sư tử nằm xuôi theo sườn. Ở ngã ba Hảo Sơn - Đập Hàn nhìn lên, Đá Bia hao hao như tháp Nhạn. Từ Bãi Xép - Bãi Bàng (xã Hòa Tâm) trông vào, Đá Bia giống như người ngồi. Tại trường Hòa Tâm nhìn Đá Bia giống như một ông Phật đứng, hoặc nhà sư đang xuống núi. Trên chóp đỉnh núi có một tảng đá khổng lồ đứng vươn thẳng lên trời cao, quanh năm mây trắng che phủ. Từ đây có thể nhìn bao quát vùng biển xung quanh, phóng tầm mắt nhìn về bốn hướng, thấy Vũng Rô của Phú Yên ở ngay chân núi phía Nam hay vịnh Vân Phong của Khánh Hòa. Vào những ngày trời nắng đẹp, đứng từ núi Bia Đá, thậm chí bạn còn có thể thấy thành phố Nha Trang. Nhìn về phía Bắc, sẽ có được tầm nhìn bao quát đồng bằng Tuy Hòa.

Không những Ðá Bia có một lịch sử của ngàn xưa mà đây còn là một thắng cảnh tuyệt đẹp. (Ảnh: TL)

Tại khu vực này, cũng đang hình thành Khu Du lịch sinh thái Đá Bia và du khách có thể leo lên đỉnh núi qua một số đoạn đường mở tạm và 2071 bậc cấp để tham quan và chinh phục. Tận dụng nguồn nước tự nhiên chảy ra từ mạch núi, người ta đã “bắt” dòng nước chảy qua những khe đá, hang động, tạo thành những thác nước luôn reo lên những âm vang kỳ thú.

Từ khu du lịch này, du khách có thể chinh phục núi Đá Bia. Đoạn đường từ chân núi lên tới đỉnh Đá Bia khoảng 2,2km, được xây thành những bậc tam cấp dựa theo thế leo lên dựng đứng. Suốt đoạn đường có 2 cây cầu “treo”, một cây treo ngang, một cây treo dựng đứng và một dốc cổng trời dựng đứng, vượt khỏi dốc này là tới đỉnh. Khách du lịch sẽ rất thích thú khi đi qua những đoạn này vì có thể vừa đi, vừa nhìn ngắm cảnh xung quanh và sẽ thở phào nhẹ nhõm khi vượt qua dốc cổng trời. Trên đường đi, thỉnh thoảng có những đoạn đường bằng phẳng, những tảng đá lớn để nghỉ ngơi, dưỡng chân.

Vào những ngày trời nắng đẹp, đứng từ núi Bia Đá, thậm chí bạn còn có thể thấy thành phố Nha Trang. (Ảnh: TL)

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, núi Đá Bia là căn cứ cách mạng quan trọng, bên dưới phía Đông là bến Vũng Rô huyền thoại nơi cập bến những con tàu không số. Người dân địa phương coi núi Đá Bia là một trong những biểu tượng nổi tiếng của đất Phú Yên, tạo ra một nơi thờ phụng trên ngọn Ðá Bia để các thế hệ con cháu lên tế lễ tiền nhân và những anh hùng liệt sỹ hy sinh trong vùng này bỏ mình vì đất nước.

Tháng 9-2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận thắng cảnh độc nhất vô nhị này là Thắng cảnh cấp quốc gia. Đây là 1 trong 17 di tích văn hóa lịch sử - thiên nhiên mới nhất của tỉnh Phú Yên.

Thu Hiền

Top