Di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà thờ Nguyễn tộc Đại tôn
Ông Nguyễn Nhữ Trực là hậu duệ đời thứ 3 của ông Nguyễn Phi Khanh, vì liên quan đến vụ án “Lệ chi viên” nên đã di cư về phương Nam để mai danh ẩn tích và chọn vùng đất Kẻ Sót, Kẻ Tràm (xã Quỳnh Thạch ngày nay) sinh sống và lập nên dòng họ Nguyễn tại đây.
Thái phó Tuy Quốc công Nguyễn Nhữ Soạn, sinh năm 1392. Ông tham gia các cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh nhưng đều thất bại. Giữa lúc đó, Lê Lợi - Phụ Đạo của đất Lam Sơn chuẩn bị cuộc khởi nghĩa khác có quy mô lớn. Nguyễn Nhữ Soạn đã phò tá cho Lê Lợi và được Lê Lợi cử ông cùng với Ngô Sĩ Liên chép sử cho nghĩa quân Lam Sơn.
Năm 1418, sau khi xưng là Bình Định vương, Lê Lợi đã phong cho Nguyễn Nhữ Soạn chức Đốc chiến chưởng quản chư quân tiền hậu. Năm 1419, Bình Định vương xuất quân đánh đồn Nga Lạc (nay thuộc Nga Sơn, Hà Trung, Thanh Hóa). Nguyễn Nhữ Soạn được Lê Lợi giao cầm quân chỉ huy binh lính chiến đấu ngoan cường. Với sự am hiểu võ nghệ lại có bề dày trận mạc nên ông đã cùng với quân lính chém được hơn 300 thủ cấp.
Năm 1427, Lê Lợi mở trận quyết chiến chiến lược Chi Lăng - Xương Giang và giành thắng lợi vẻ vang kết thúc mưu đồ xâm lược của nhà Minh trên đất Đại Việt. Hơn 10 năm nếm mật nằm gai, chịu bao gian khổ đánh đuổi giặc Minh, Nguyễn Nhữ Soạn luôn dũng cảm, kiên cường sát cánh cùng với Lê Lợi xông pha nơi trận mạc. Cho nên, năm 1428, khi Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, xét công lao của ông nên đã ban tặng cho ông quốc tính họ Lê và phong chức Thái phó Tuy Quốc công, tước Á văn Hầu. Năm Đinh Tỵ (1437), Vua Lê Thái Tông niên hiệu Thuận Bình năm thứ 4 phong cho ông chức Chính sự viện Tham nghị.
Cổng Nhà thờ Nguyễn Đại tôn
Năm 1464 sau khi Lê Thánh Tông lên ngôi đã rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng cho ông tước Tán Trù bá. Nguyễn Nhữ Soạn trở về Triều làm quan được một thời gian thì hưu quan và ông mất ngày 8-4-1481. Sau khi mất được nhân dân lập đền thờ tại quê nhà là làng Cẩm Nga, xã Đông Yên, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa để thờ phụng ông. Ghi nhận công lao to lớn của ông, các triều Lê, Nguyễn đều có sắc phong và dùng những mỹ tự cao quý dành cho ông như Hoằng mô, An biên, Tĩnh nan đại vương và truy phong “Thượng đẳng phúc thần”.
Dương Quận công Nguyễn Nhữ Trực, tự Thủ Tiết, thụy Cẩn Tín tướng công, sinh năm Ất Mùi (1415) tại Lam Sơn, Thanh Hóa. Ông là con trai trưởng của Thái phó Tuy quốc công Nguyễn Nhữ Soạn, là cháu nội của Nguyễn Phi Khanh. Sinh trưởng trong một gia đình quyền quý, có thế lực trong triều, Nguyễn Nhữ Trực có điều kiện ăn học tử tế, lại có tư chất thông minh, ham mê võ nghệ từ nhỏ nên sớm bộc lộ tài năng. Ông thường theo cha vào các trại lính, xem họ luyện tập võ nghệ và được cha giao cho việc thu giữ quân lương. Ông từng được thăng chức Trung thư thị lang, Hàn lâm viện, Thượng thư bộ hộ và được Vua Lê ban sắc phong tước Lãng dương hầu Dương quận công và ban Quốc tính họ Lê.
Năm 1442, giữa lúc sự nghiệp đang tiến triển thì vụ án “Lệ chi viên” xảy ra. Để bảo toàn tính mạng Nguyễn Nhữ Trực đã đưa vợ con di cư về phương Nam, đến vùng Kẻ Sót, Kẻ Tràm (sau này là Thạch Bàn nay là xã Quỳnh Thạch), đây là một vùng đất hoang vu, hẻo lánh có thể chọn làm nơi lập nghiệp, sinh sống lâu dài nên quyết định dừng chân tại đây và đổi sang tên họ Nguyễn Đình để mai danh ẩn tích. Buổi đầu đến lập cư tại đây cuộc sống của gia đình ông gặp nhiều gian nan, vất vả. Nhưng nhờ có kiến thức, hiểu biết rộng, chịu thương, chịu khó lại có chút vốn liếng mang theo nên ông đã sớm ổn định cuộc sống và ông chiêu tập dân nghèo khổ phiêu tán về sinh sống, tổ chức cho dân khai phá đất hoang để sản xuất. Những nơi ngập úng ông hướng dẫn cho dân tiến hành thau chua, rửa mặn, đắp đập khơi mương rồi cho dân trồng lúa. Những nơi cao ráo ông cho dân chặt cây, phát rừng, vỡ đất, san phẳng và chọn ngô, khoai làm giống trồng thích hợp. Bên cạnh đó, ông còn tìm cách đào giếng, khơi sông tìm dòng nước ngọt vừa để dùng sinh hoạt vừa để tưới tiêu cho đồng ruộng. Để bảo vệ mùa màng ông cho dân đắp đê ngăn mặn và đề phòng lụt lội. Nhờ những chính sách khai hoang, mở đất mà hình thành nên những vùng đất tốt tươi, màu mỡ như: Đồng Trang, Đồng Trằng, Mù Chòi… Sau này, khi cuộc sống dần dần ổn định, ông còn chọn các giống rau, củ quả phù hợp để cho dân trồng, cho chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm để vừa có thể kéo cày, vừa có thể tăng gia cuộc sống. Tiếng tăm về người đứng đầu công cuộc khai hoang và về một vùng đất tốt tươi màu mỡ lan rộng, nhiều dòng họ khác như họ Phan, họ Đặng ….lần lượt kéo đến góp tay xây dựng thôn, xóm ngày càng thêm đông đúc, cuộc sống của nhân dân ngày càng ổn định ấm no.
Bên cạnh việc khai hoang, mở rộng diện tích, ông còn chỉ đạo dân làm đường sá, cầu cống phục vụ nhu cầu đi lại. Ông mất ngày 15-7-1492. Công lao của ông được dân làng ghi nhận. Vì vậy, khi nói đến việc khai cơ, mở làng của cha ông thuở trước người dân nơi đây vẫn truyền ngôn câu “Nhất Nguyễn, nhì Phan, tam dã Đặng”.
Lễ tế tổ đại tôn 16 tháng giêng hàng năm
Ông Nguyễn Đình Khuynh, lúc nhỏ có tên là Nguyễn Nhữ Khuynh, sinh khoảng giữa thế kỷ XV, tự là Đức Tâm, sinh trưởng trong một gia đình dòng dõi ở hương Lam Sơn, huyện Lương Giang. Thuở nhỏ, Nguyễn Nhữ Khuynh bộc lộ tư chất thông minh lại được giáo dưỡng chu đáo. Nhưng chưa kịp thực hiện ước mơ trong bước đường thi cử thành danh thì năm 1442, vụ án oan “Lệ chi viên” xảy ra, ông phải cùng gia đình di cư vào làng Kẻ Sót, Kẻ Tràm lánh nạn và được đổi tên thành Nguyễn Đình Khuynh để mai danh ẩn tích. Buổi đầu lập nghiệp với nhiều gian nan vất vả nhưng với bản tính thông minh, chịu khó ông đã cùng cha mình thực hiện công cuộc khai sơn, phát thạch, xây dựng nơi đây thành chòm xóm trù phú, đông đúc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, nhiều người con của dòng họ đã lên đường đi chiến đấu ở khắp các chiến trường góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của dân tộc, trong đó có 50 liệt sĩ đã hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, 217 thương binh, 4 người được công nhận là cán bộ tiền khởi nghĩa. Các thế hệ con cháu trong dòng họ tích cực thi đua học tập thành danh, nhiều người đã trở thành nhà quản lý - lãnh đạo giỏi trên các lĩnh vực của xã hội; trong chiến tranh nhà thờ còn là nơi sinh hoạt bí mật của Chi bộ Đảng 1930, kho cất giữ vũ khí đạn để trung chuyển vào chiến trường miền Nam, làm trường học mẫu giáo, bình dân học vụ, trụ sở sơ tán của Trường Đại học Vinh. Dòng họ Nguyễn Tộc Đại tôn luôn đi đầu trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, an ninh - an toàn thôn xóm và đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhất, UBND huyện công nhận là Dòng họ tiêu biểu.
Hàng năm, tại nhà thờ diễn ra nhiều kỳ lễ trọng, kết nối con cháu dòng họ Nguyễn xa gần hội tụ về nhà thờ đông đủ “ôn cố tri tân”, tưởng nhớ công đức của các vị tiên tổ, tiêu biểu là ngày Lễ tế Tổ mồng 10 tháng Giêng Âm lịch. Ngoài ra, vào các ngày Rằm, mồng Một hàng tháng, con cháu đều về đây thắp nén hương thơm tri ân các bậc tiền nhân, thể hiện tình cảm, sự ngưỡng vọng, biết ơn sâu sắc công lao của tổ tiên. Góp phần vào việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Việt, đạo thờ tổ tiên, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.
Với những nội dung giá trị về lịch sử, về các nhân vật tiêu biểu nêu trên, nhà thờ Nguyễn Tộc Đại Tôn xứng đáng được UBND tỉnh cấp Bằng công nhận di tích lịch sử năm 2013. Xuân Giáp Ngọ 2014 (tức là ngày 10 tháng Giêng âm lịch), UBND huyện Quỳnh Lưu cùng UBND xã Quỳnh Thạch và dòng họ Nguyễn tộc đại tôn đã long trọng tổ chức Lễ tế tố và đón nhận Bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh.
Hồ Thanh Khương