Di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà thờ họ Hồ Đình

Nhà thờ họ Hồ Đình, xã Quỳnh Bảng được xây dựng từ thời Lê, là nơi thờ phụng các bậc tổ tiên của dòng họ, trong đó có nhiều nhân vật lịch sử đã có nhiều cống hiến cho đất nước như: cụ Hồ Huyền Minh, Hồ Đình Đê và phối thờ Hồ Thành Tâm, bà Tổ cô, Hồ Phúc Tính, Hồ Đình Trung, Hồ Thiện Chính…

Căn cứ tài liệu lưu truyền trong dòng họ, cụ Hồ Huyền Minh sinh năm 1580 tại hương Bào Đột cũ (nay thuộc xã Quỳnh Lâm – huyện Quỳnh Lưu). Ông là người có học thức, hiểu biết sâu về địa lý. Sau khi lập gia đình với bà Ngô Thị Nhiệm, ông cùng một số trai tráng chuyển về sinh cư tại Cồn Tro thuộc thôn Văn Bằng (sau đổi thành Đa Kỳ) - vùng đất mới được Hồ Hữu Nhân và Nguyễn Khánh Duệ khai cơ lập làng từ thế kỷ XV. Nhưng do đây là vùng đất ở gần biển, bị nhiễm mặn nên bấy giờ đất hoang hoá vẫn còn nhiều, đất sản xuất hạn hẹp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, đói kém. Trước thực tế đó, ông Hồ Huyền Minh đã tìm cách cải tạo ruộng đất. Nhờ có tầm nhìn xa, trông rộng, giàu lòng thương dân và tài sắp xếp, tổ chức nên ông đã có nhiều đóng góp lớn trong việc huy động sức dân, đắp đê ngăn mặn và cải tạo ruộng đất. Vì vậy đất đai sản xuất ngày càng được mở rộng, đời sống nhân dân ngày càng no ấm, phát triển.

 Vị tổ có công tiêu biểu nhất được thờ tại nhà thờ là Hoài Viễn tướng quân Hồ Đình Đê, hậu duệ đời thứ 7 của cụ tổ Hồ Huyền Minh. Ông sinh năm 1740, huý Đình Sỹ, hiệu là Tự Pháp Thăng, là con trai trưởng của ông Hồ  Đình Thức. Sau khi thi Hương đậu ba kỳ - học vị Sinh đồ (khoảng năm 1755), Hồ Đình Đê gia nhập vào đội quân phù trợ nhà Lê Trung hưng. Là người có học, lại sớm thể hiện tài binh đao nên ông nhanh chóng được phong làm Đội trưởng Đội Ưu binh tuỳ tiền dũng đội. Tình hình đất nước lúc bấy giờ rất rối ren. Trong lúc nhiều trung thần cũ của nhà Lê đang tìm cách lấy lại ngai vàng cho nhà Lê nhiều nơi trên đất nước ta cũng nổi lên các cuộc khởi nghĩa tranh giành, thoán đoạt, dẫn tới nạn cát cứ ở một số địa phương. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất ở Hưng Hoá (vùng Tây Bắc ngày nay) và khởi nghĩa Lê Duy Mật ở Thanh Hoá đã gây nhiều tổn thất cho Triều Lê. Tướng trấn thủ vùng Hưng Hoá lúc bấy giờ là tướng Hoàng Đình Thể không chống cự nổi nên Triều đình cử thêm quân đi hỗ trợ. Bấy giờ Đội trưởng Đội Ưu binh Hồ Đình Đê thuộc đạo quân Nghệ An. Cụ Hồ Đình Đê là một đội trưởng xuất sắc, có những đóng góp tích cực, góp công lớn vào việc hạ thành Trình Quang nên được Vua Lê ban sắc phong thưởng. Sắc hiện còn lưu giữ tại nhà thờ, nội dung sắc: “Sắc cho ưu binh tuỳ tiền dũng sưu đội trưởng Hồ Đình Đê xã Hoàn Hậu đông, huyện Quỳnh Lưu, bản thân cùng các quan Đốc lệnh quản Hưu trung hầu, Tán lý quản phong xuyên hầu đánh dẹp giặc dã ở vùng núi thuộc đạo Hưng Hoá, bình đình giặc ở sào huỵệt Trấn Ninh, đã lập được công. Cho giữ chức Bá hộ, hiệu lệnh ty, Tráng sĩ bách hộ, bậc hạ trật”.

Lúc này ở xứ Đàng Trong, quân Tây Sơn đang ra sức mở rộng căn cứ. Triều đình cử Bùi Thế Đạt giữ chức Đốc trấn Nghệ An phối hợp cùng Hồ Đình Đê chỉ huy các tướng sĩ và binh lính đi bình ổn và phá được căn cứ ở Phú Xuân. Với chiến thắng này, ngày 11-6 năm Cảnh Hưng thứ 38 (1777), Vua Lê đã ban sắc phong thăng cho Hồ Đình Đê chức Phó Thiên hộ hiệu Tráng tiết tướng quân, hiệu lệnh tư tráng sĩ.

Nhà thờ họ Hồ Đình ở Nghệ An. Ảnh: Báo Nghệ An.

Niềm vui bình ổn được Phú Xuân chưa được bao lâu, nhà Lê lại phải lo đối phó với giặc Ai Lao đang nhân cơ hội đất nước ta loạn lạc hòng bành trướng lãnh thổ. Việc quân cấp bách, Vua Lê ngay lập tức đã cử Phó Thiên hộ Hồ Đình Đê dẫn binh phối hợp với các cánh quân khác lập kế đánh quân Ai Lao ở động Mãnh Thiên. Nhưng giặc nghe tin đã vội bỏ chạy, quân ta lấy đất rồi về. Trở về Triều, Phó Thiên hộ Hồ Đình Đê được Nhà vua ban sắc thưởng. Sắc rằng: “Hồ Đình Đê tráng tiết tướng quân, hiệu lệnh tư tráng sĩ, Phó thiên hộ thiết kị uý trung liệt, vốn lính tuỳ tiền dụng sưu đội, theo quan đốc lệnh Phan Phái hầu đạo Hưng Hoá và quan tiền tán lí Trần Thản đánh dẹp ba vạn thành, tiễu trừ giặc lùi, rất có công tích đã được bề trên chấp chuẩn thăng chức thiêm tổng tri, xứng đáng là trì uý Tướng quân thần vũ, tư hiệu sĩ thiêm tổng tri phi kị uý trung chế”.

Đầu những năm 80 của thế kỷ XVIII, vùng Thuận Quảng lại bị xâu xé bởi nhiều phe phái. Hồ Đình Đê là một tướng giỏi được Triều Lê cử đi bình ổn vùng Thuận Quảng cùng các thống tướng. Thuận Quảng được bình ổn xong. Với những đóng góp về tài trí, mưu lược cũng như sự chiến đấu dũng cảm, tinh thần một lòng, một dạ phục vụ quốc triều nên trong cùng một ngày Vua Lê đã ban cho ông 02 đạo sắc để ghi nhận công lao. Đạo sắc thứ nhất phong cho ông danh hiệu “Kiệt trung tướng quân”, đạo sắc thứ hai gia phong thêm một bậc: “Đồng tổng tri, danh hiệu Hoài viễn tướng quân thủ ngự”.

Sau nhiều năm tháng xông pha trận mạc, khi vào bình ổn vùng Thuận Quảng được vài năm, ông lâm bệnh rồi qua đời tại Đồng Hới, Quảng Bình. Triều đình đã phong ông làm thần: “Lê triều tráng tiết Thượng tướng quân Hoa quận công Hồ Đình Đê chi thần” và cho lập đền thờ phụng tại quê nhà (nay là xã Quỳnh Bảng – huyện Quỳnh Lưu). Ngoài những nhân vật tiêu biểu trên, tại nhà thờ hiện còn bài trí phối thờ một số vị tiên tổ khác của dòng họ như: Hồ Thành Tâm, bà Tổ cô, Hồ Phúc Tính, Hồ Đình Trung, Hồ Thiện Chính…

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ, nhà thờ làm cơ sở sinh hoạt Chi bộ Đảng Hồng Việt, làm kho cất giữ và trung chuyển lương thực vào miền Nam phục vụ kháng chiến. Phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, con cháu trong dòng họ Hồ Đình đã tiếp tục cống hiến cho đất nước những nhân tài lỗi lạc, góp phần dựng xây Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, văn minh. Trải qua quá trình tồn tại, mặc dù di tích đã được tu sửa nhiều lần nhưng hiện nhà thờ vẫn giữ được kiến trúc cổ kính cơ bản của thời Nguyễn. Đặc biệt, tại di tích hiện còn lưu giữ được nhiều đồ tế khí cổ có giá trị lịch sử và nghệ thuật cao như sắc phong, long ngai hiệu bụt, câu đối đại tự, khám thờ, …Thông qua đó phần nào phản ánh được phong cách kiến trúc, thẩm mỹ cũng như khả năng sáng tạo các giá trị văn hoá nghệ thuật thời Nguyễn của nhân dân Quỳnh Lưu nói riêng, xứ Nghệ nói chung.

Với tất cả những giá trị lịch sử và nhân vật thờ nêu trên, Nhà thờ họ Hồ Đình xứng đáng được UBND tỉnh Nghệ An tôn vinh là Di tích Lịch sử - Văn hoá.

Hồ Thanh Khương

Top