Di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà thờ họ Dương
Di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà thờ họ Dương được xây dựng vào thời Hậu Lê, là nơi tôn thờ, tưởng nhớ các bậc tiên tổ và hậu duệ của dòng họ, tiêu biểu như: Thái thủy tổ Dương Văn Khai, Dương Cát Phủ, Dương Doãn Hài, Dương Thúc Hạp…
Ông Dương Văn Khai, người thầy dạy học đầu tiên đưa ánh sáng văn hoá về Thổ Đôi Trang, là con trai duy nhất của cụ Dương Đăng Hoành, ông sinh vào khoảng thập kỷ thứ 2 của thế kỷ XV. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình khá giả và có truyền thống hiếu học tại xã Yên Lý, tổng Vạn Phần, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Di tích Lịch sử - Văn hóa Nhà thờ họ Dương được xây dựng vào thời Hậu Lê nay ở xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Từ nhỏ ông là người thông minh, hiếu học, lại được gia đình cho ăn học, giáo dưỡng đến nơi đến chốn; lớn lên ông là người hay chữ nhất vùng, cốt cách thanh tao, tính tình đôn hậu, nên vào khoảng những năm 1440, cụ tổ họ Hồ ở Thổ Đôi Trang đã mời ông về dạy cho con, cháu trong làng. Nhờ sự tận tuỵ của cụ, sự nghiệp học hành của Thổ Đôi Trang ngày càng phát triển, số người học hành, thi đỗ ngày càng cao. Cụ trở thành người khai mở đầu tiên cho nền học vấn của Thổ Đôi Trang và cũng là người họ Dương đầu tiên đặt nền móng trực tiếp cho sự ra đời của dòng họ Dương trên vùng đất Thổ Đôi Trang (nay là xã Quỳnh Đôi).
Ông Dương Cát Phủ huý là Bảng, sinh vào khoảng những năm 1498 - 1500, tại Thổ Đôi Trang, ông là con trai trưởng của cụ thuỷ tổ Dương Thế Thông. Năm Nhâm Ngọ, hiệu Thống Nguyên, Triều Vua Lê Cung Hoàn (1522) ông dự thi Hương và đã đậu Giải nguyên. Đến năm Bính Ngọ, niên hiệu Nguyên Hoà thứ 14 (1546), ông dự thi chế khoa ngự thí do Vua Lê Trang Tông mở tại Biện Sơn, Thanh Hoá và đã đậu Tiến sỹ đệ nhị danh (Thám hoa). Thời kỳ ông thi đậu Thám hoa và nhiều năm sau đó, đất nước ở trong tình thế rối ren, loạn lạc, Triều Lê suy tàn, mục ruỗng, nhà Mạc cướp ngôi lấn chiếm, phải dời đô vào Thanh Hoá, tạo thành 2 chiến tuyến Nam - Bắc triều. Bên ngoài thì giặc giã nổi lên, bệnh tật, đói rét hoành hành làm cho đời sống nhân dân vô cùng cơ cực. Trước bối cảnh lịch sử “nồi da nấu thịt”, nhân dân đói khổ cơ hàn, ông không màng đến chốn quan trường mà sống thanh bần tại quê bằng nghề dạy học. Vốn tính thông chữ nghĩa, có khoa danh (Thám Hoa), lại có cốt cách nên học trò theo học ngày càng đông. Từ đây, ánh sáng văn hoá của Thổ Đôi Trang lại càng thêm khởi sắc.
Ông Dương Doãn Hài sinh ngày 01 tháng 8 năm Quý Dậu dưới Triều Vua Gia Long (1813), là con trai của cụ Hàn lâm thị giảng Dương Đức Hoàng, thuở nhỏ ông có tên là Dương Hoàn, lớn lên đổi tên là Dương Doãn Chấp, đến lúc có khoa cử đổi tên là Dương Doãn Hài. Ông thi đỗ Giải nguyên tại Khoa thi Hương năm Thiệu Trị thứ 3 (1843) và ông đã được bổ giữ chức Tham chính trong Triều. Sau một thời gian giữ chức Tham Chính, ông được Triều đình điều vào làm Tri phủ Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), rồi Đốc học Bình Định. Trong thời gian giữ chức Đốc học Bình Định, với tinh thần chống Pháp triệt để, ông đã chiêu tập học sinh của mình lập đội nghĩa hiệp, tổ chức đào hào, đắp ụ để chống cự với Pháp.
Vào khoảng năm Canh Thân dưới Triều Tự Đức (1860), Triều đình cử ông về làm án sát tỉnh Thanh Hoá và Ninh Bình. Thời gian này, đất nước bị loạn lạc nhiều nơi, nhân dân vô cùng cực khổ. Ông đã có công dẹp loạn ở phủ Nho Quan, được thăng Bố chính sứ Thanh Hoá… Ngoài có biệt tài về kinh tế, tổ chức trận mạc, ông còn là một vị quan thanh liêm, đức độ, tài cao, luôn quan tâm giúp đỡ người nghèo và chăm lo cuộc sống, học hành của dân.
Đây nơi tôn thờ, tưởng nhớ các bậc tiên tổ và hậu duệ của dòng họ, tiêu biểu như: Thái thủy tổ Dương Văn Khai, Dương Cát Phủ, Dương Doãn Hài, Dương Thúc Hạp..
Ông Dương Thúc Hạp, ông sinh ra trong một hàn nho thanh bần. Năm 28 tuổi thì cả cha lẫn mẹ đều qua đời, mặc dù cảnh nhà thanh bần nhưng ông vẫn kiên trì đèn sách, lều chõng thi cử. Khoa Quý Dậu (1873), ông đã thi đỗ tú tài, đến khoa Kỷ Mão, đỗ cử nhân ở tuổi 45. Sau khi đỗ cử nhân, ông được bổ làm quan, đến tháng 5 năm Quý Mùi (1883), được bổ chức Hàn Lâm điển hạ sung Hậu bổ tỉnh Quảng Bình. Đầu năm Giáp Thân (1884) ông lại lều chõng đi thi Hội và đã đỗ Tam giáp Tiến sĩ Đệ nhất danh (đỗ đầu Tiến sĩ). Sau khi đỗ Tiến sỹ, ông được bổ làm quan trong Triều. Năm Ất Mùi (1895), ông thụ chức Đốc học, hàm Chánh ngũ phẩm. Tháng 9 năm Kỷ Hợi (1899) được thăng Hồng lô tự khanh hàm chánh tứ phẩm. Ngoài hoạt động chính trị, dạy học, ông còn là một nhà thơ nổi tiếng, trong đó có tập thơ tiêu biểu “Nghệ Tĩnh sơn thủy vịnh”. Cuộc đời và sự nghiệp của Dương Thúc Hạp là tấm gương sáng về sự lao động cần mẫn và sáng tạo, vượt lên gian khổ, lạc quan yêu đời, giữ trọn cái tâm, cái đức, một con người rất nặng lòng với đất nước, quê hương, với toàn thể nhân dân và hậu thế.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, lớp lớp con cháu trong dòng họ Dương đã tiếp tục cống hiến cho đất nước những nhân tài lỗi lạc, góp phần dựng xây quê hương, đất nước Việt Nam ngày càng thêm giàu đẹp, văn minh.
Đến với Di tích Nhà thờ họ Dương, chúng ta ai cũng cảm nhận được nét cổ kính, linh thiêng.
Đến với Di tích Nhà thờ họ Dương, chúng ta ai cũng cảm nhận được nét cổ kính, linh thiêng của nó. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên nhưng nhờ sự bảo quản, trông non chu đáo của con cháu trong dòng họ nên vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ, tôn nghiêm và nhiều hiện vật quý hiếm, có giá trị như: Sắc phong, long ngai, bài vị, câu đối, án thư... góp phần đắc lực vào công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau.
Hàng năm, vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch, con cháu ở khắp mọi miền đất nước đều hội tụ về nhà thờ dâng nén hương tâm thành để tỏ lòng tri ân, tưởng nhớ các bậc tiền nhân, thể hiện tình cảm, sự ngưỡng vọng, biết ơn sâu sắc công lao của tổ tiên. Trong hai cuộc kháng chiến, Nhà thờ họ Dương không chỉ là nơi thờ phụng các vị tiên tổ của dòng họ đã có công bảo quốc, hộ dân mà còn là nơi gắn với sự kiện lịch sử của địa phương như: nơi làm việc của cơ quan huyện Quỳnh lưu, làm hầm trú ẩn, hội họp và là nơi tổ chức lớp bình dân học vụ, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.
Với những nội dung giá trị lịch sử của dòng họ, về các nhân vật tiêu biểu nêu trên, Nhà thờ họ Dương xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, xứng đáng được UBND tỉnh Nghệ An tôn vinh là Di tích lịch sử - văn hóa.
Hồ Thanh Khương