Di tích Lịch sử - Văn hóa đền Hạ

Di tích đền Hạ được xây dựng bên bờ Cửa Tráp thuộc xóm Đồng Tâm, xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An, một vị trí cảnh quan sơn thủy, hữu tình, là một công trình văn hoá cổ, đã tồn tại hàng trăm năm, là nơi tưởng niệm Uy minh vương Lý Nhật Quang - vị anh hùng đã có công tạo dựng, đặt nền móng cho làng.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng hiện nay đền vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật quý và cây thị cổ có giá trị. Đền không chỉ là nơi tôn thờ, tưởng nhớ công đức Lý Nhật Quang mà còn là nơi hội tụ của những vị thần đã có công bảo quốc, hộ dân, góp phần ổn định và phát triển kinh tế-xã hội của quê hương, đất nước như: Tứ vị Thánh Nương, Sát hải Đại Vương Hoàng Tá Thốn...

Lý Nhật Quang là con trai thứ 8 của Vua Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), là người thông minh hiếu học, đức trọng tài cao, yêu nước thương dân sâu sắc. Năm 1039 ông được Nhà vua cử vào trông coi việc tô thuế tại vùng đất Nghệ An với tước hiệu Uy Minh Thái tử. Tính nghiêm cẩn và liêm trực, không tơ hào của dân nên ông được nhân dân Hoan Châu mến mộ. Năm 1041 ông được bổ nhiệm làm Tri châu Nghệ An với  tước hiệu Uy Minh Hầu Lý Nhật Quang. Lúc này, Nghệ An là một vùng biên ải phía Nam của nước Đại Việt, việc quản lý còn lỏng lẻo. Nhiều cuộc nổi dậy ở địa phương có tính chất phản loạn, gây sự phiền nhiễu cho nhân dân, Triều đình phải nhiều phen dẹp loạn. Nhưng sau khi Lý Nhật Quang được cử làm Tri châu, tình hình xã hội ở Nghệ An dần dần ổn định, kỷ cương phép nước được lập lại...Đây là mốc quan trọng khẳng định vai trò và ảnh hưởng to lớn của Lý Nhật Quang với vùng đất Nghệ An, nhất là khi tỉnh Nghệ An đã quyết định lấy năm 1041 là năm thành lập tỉnh. Năm 1044, Vua Lý Thái Tông đã phong cho Lý Nhật Quang từ tước Hầu lên tước Vương thành Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và ban cho ông thành Tiết Việt (Tức là có quyền thay mặt Nhà vua, được Vua tin cậy và uỷ thác quyền định đoạt mọi chuyện chính sự tại Nghệ An).

Với trọng trách được giao, đứng đầu và trị nhậm Nghệ An, Lý Nhật Quang đã thể hiện tài kinh bang tế thế, dùng uy để chế ngự, dùng ân để vỗ yên, dùng chính sách khoan giản và an lạc, tức là khoan dung, giản dị, gần gũi nhân dân, minh bạch các chế độ tô thuế, lấy việc dân no ấm yên vui hạnh phúc làm gốc của việc cai trị.   

Theo thần phả đền Hạ, trại Bà Hòa nằm giáp danh giữa hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và cũng thuộc địa phận phường Quỳnh Thiện, xã Quỳnh Lộc và xã Quỳnh Lập, tổng Hoàng Mai xưa (nay là thị xã Hoàng Mai). Tại đây, ngoài việc tuyển binh, lựa chọn các đinh tráng khỏe mạnh để huấn luyện, bổ sung lực lượng cho Triều đình, ông còn thị sát tình hình thực tế các nơi trên địa bàn để chiêu mộ nhân dân mở mang kinh tế. Khảo sát vùng Cửa Tráp, làng Hữu Lập xưa (xã Quỳnh Lập ngày nay), Lý Nhật Quang thấy đây là một vùng đất gần biển, dân cư ở đây giỏi nghề đóng thuyền, đi biển nhưng đời sống vẫn cơ cực. Ông đã sáng suốt chỉ đạo, hướng dẫn cách làm ăn cho nhân dân, chiêu mộ dân khai hoang, lấn biển, khai thông luồng lạch, đào sông để phát triển đường thuỷ, mở mang nghề biển, chống giặc giữ làng. Ông vận động nhân dân phải tương trợ lẫn nhau, ai có sức nhưng không có thuyền, có lưới thì có thể cùng nhau đi bạn để đánh bắt hải sản cải thiện cuộc sống. Những người quen sống bằng nghề mộc, đóng thuyền... thì ông cho vay vốn để sắm phương tiện; hướng dẫn cho dân đào giếng lấy nước ngọt phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, mở mang đường giao thông...          

Bên cạnh việc phát triển kinh tế, Lý Nhật Quang còn chăm lo đến sự nghiệp giáo dục, văn hoá, Ngài cho mở nhiều trường học, xây dựng nhiều đền chùa.

Có thể nói, suốt 16 năm tri nhậm ở Nghệ An, Lý Nhật Quang đã có công rất lớn trong việc củng cố, xây dựng Nghệ An từ mảnh đất phên dậu, một vùng biên viễn được xếp vào diện “Trại” trở thành một trọng trấn, thành căn cứ then chốt, một pháo đài kiên cố về cả quân sự, kinh tế và chỗ dựa lòng người không chỉ đối với nhà Lý mà cả các triều Trần, Lê sau này.

Sau khi Lý Nhật Quang mất, công đức của ông vẫn được người dân xứ Nghệ và nhân dân cả nước khắc sâu ghi nhớ. Riêng nhân dân làng Hữu Lập xưa, để ghi nhớ sự tích, tưởng nhớ công lao của Lý Nhật Quang, họ đã lấy nơi dừng chân nghỉ ngơi của ông khi đi thị sát vùng Cửa Tráp xây dựng đền Hạ để muôn đời tưởng niệm. Đền nổi tiếng linh thiêng, ngài vẫn âm phù để nhân dân, đất nước cường thịnh, ấm no, hạnh phúc.

Trong công cuộc xây và bảo vệ Tổ quốc, đền Hạ không chỉ là nơi thờ phụng những người có công với dân với nước mà còn là nơi diễn ra các sự kiện quan trọng của địa phương như: nơi sinh hoạt chi bộ làng Hữu Lập trong những năm 1930-1931, nơi truyền bá chữ Quốc ngữ cho nhân dân trong vùng, nơi làm trụ sở của UBND xã Quỳnh Lập trong những năm 1955-1957.

Hàng năm, ngoài những ngày sóc, vọng, lễ tết, ... được nhân dân tín ngưỡng chiêm bái; nhất là ngư dân nơi đây, cứ mỗi lần ra khơi họ đến đền dâng lễ vật, thắp hương để gửi gắm niềm tin, cầu mong sự che chở của các vị thần để đoàn thuyền ra khơi được thuận buồm xuôi gió, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền. Đặc biệt, Lễ Kỳ phúc diễn ra ngày 15-3 Âm lịch, nhân dân hội tụ về đền tổ chức tế thần, rước kiệu... nhằm tri ân thần thánh, ôn lại điển tích xưa, cầu mong mưa thuận, gió hòa, dân an, vật thịnh. Bên cạnh phần lễ, còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian như: Đọc Thúc ước của làng, đấu vật, chơi cờ người, đua thuyền, kéo co, đẩy gậy... Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa phi vật thể có ý nghĩa cần được duy trì và phát triển.

Sự hiện diện của cụm di tích là bằng chứng hùng hồn, chân thực thể hiện tài nghệ sáng tạo nghệ thuật, không những tô đẹp thêm cho quê hương Quỳnh Lập mà còn tạo cho Hoàng Mai một quần thể di tích đa dạng, hấp dẫn du khách tham quan, góp phần to lớn trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về phong tục tập quán, bản sắc văn hoá của địa phương, cũng như giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Hồ Thanh Khương

Top