Di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc: Chứng tích về một cuộc thảm sát và những câu chuyện bi thương níu chân du khách

Vào những ngày đầu tháng 6, khi dư luận Việt Nam, Campuchia và những người tôn trọng sự thật trên thế giới còn đang từ kinh ngạc đến cực lực phản đối phát biểu sai sự thật của ông Lý Hiển Long, Thủ tướng Singgapore về chế độ diệt chủng Pôn Pốt và vai trò của quân đội Việt Nam trong việc sát cánh cùng nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng, tôi đã tìm về vùng đất An Giang xa xôi thuộc miền Tây Nam của Tổ quốc, tìm đến một Di tích lịch sử quốc gia hiện còn lưu giữ hàng ngàn bộ hài cốt: Nhà mồ Ba Chúc thuộc thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn. Tại Di tích Quốc gia được Bộ VH-TT (cũ) công nhận từ tháng 7-1980 này, ngoài việc lưu giữ hài cốt của những người dân vô tội bị sát hại, cũng còn cất giữ những câu chuyện hết mực bi thương, đau đớn đến cùng cực, níu bước chân du khách gần xa…

Nhà Trưng bày chứng tích tội ác của bọn Pôn Pốt ở thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn)

Thảm sát ở một vùng quê

Tôi muốn kể về một câu chuyện cách đây 40 năm. Thời điểm ấy, Ba Chúc là 1 xã thuộc huyện Bảy Núi, cách biên giới Việt Nam - Campuchia chỉ 3,5km. Vào đầu năm 1977, dân số của Ba Chúc hơn 16.000 người, chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp truyền thống, buôn bán nhỏ. Đây cũng là vùng đất khởi nguồn và trung tâm của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, với nhiều buổi sinh hoạt lễ hội, lễ cúng phản ánh đời sống tinh thần phong phú của người dân địa phương.

Hàng trăm gia đình phải sống cảnh màn trời chiếu đất vì bọn Pôn Pốt đốt phá nhà cửa

Vào đêm 30-4-1977, cùng lúc với 14 xã biên giới của tỉnh An Giang, Pôn Pốt đã xua quân tấn công, tàn sát đồng bào ta một cách man rợ. Đỉnh cao của tội ác này là cuộc thảm sát 3.157 người dân Ba Chúc từ ngày 18-4 đến 30-4-1978. Qua 12 ngày đêm bị bọn Pôn Pốt chiếm đóng, Ba Chúc bị dìm trong biển máu. Đi đến đâu chúng cũng cướp bóc tài sản, đốt phá nhà cửa, các công trình công cộng; tàn sát đồng bào ta không kể già trẻ, nam nữ. Những cảnh giết người hàng loạt, dã man diễn ra khắp nơi, không bút mực nào tả hết. Hàng trăm gia đình phải sống cảnh “màn trời chiếu đất” vì bọn Pôn Pốt đốt phá nhà cửa.

Dụng cụ giết người dã man của bọn Pôn Pốt

Chùa Phi Lai là một trong những địa điểm bị phá hủy nặng nề. Nơi đây, bọn Pôn Pốt giết gần 300 người dân vô tội. Dưới bàn thờ của chùa có 43 người lẩn trốn, cũng bị chúng dùng lựu đạn giết chết 40 người. Tại chùa Tam Bửu, quân Pôn Pốt bắt hơn 800 người dẫn ra cầu sắt Vĩnh Thông, giồng Ông Tướng và nhiều nơi khác bắn chết. Cánh đồng núi Phú Cường, Ba Chúc, núi Tượng mất đi màu xanh mát mắt, thay vào đó là hàng trăm người chết nằm chồng lên nhau. Họ tử vong trong cảnh đau thương, thân thể không lành lặn. Người và tài sản bị thiệt hại nặng nề, động vật cũng chịu chung số phận. Tất cả đều bị giết. Bà Hà Thị Nga (sinh năm 1939) là người duy nhất sống sót khi cha mẹ, anh chị em ruột, chồng, 6 đứa con, cùng cả dòng họ trên 100 người bị thảm sát. Bà Nguyễn Thị Ngọc Sương (sinh năm 1967) thành trẻ mồ côi lúc mới 11 tuổi sau buổi chiều ngày 14-4 định mệnh ấy.

Chùa Phi Lai, một trong những địa điểm bị phá hủy nặng nề trong chiến tranh biên giới Tây Nam

“Sau thảm sát, Ba Chúc chỉ còn lại là một vùng đất tan hoang với những nỗi đau thương đến tận cùng. Đó là giai đoạn khó khăn nhất của Ba Chúc. Một số người sống sót thì mất người thân, không dám trở về quê vì bị ám ảnh bởi những ký ức kinh hoàng. Nhưng cũng có những người đã bám trụ lại vì nghĩa tình với người đã khuất cũng như sống trọn với vùng đất quê hương. Nhiều người dân chạy giặc trở về đối diện với muôn vàn khó khăn: không nhà cửa, trâu bò vật nuôi bị giết hết, hoa màu vườn tược bị phá nát” - PGS.TS Trần Thị Thanh Vân và Lê Hoàng Kháng (Trường Đại học Sài Gòn) đã ghi nhận như thế trong bài nghiên cứu của họ.

Trong hàng ngàn câu chuyện của mỗi gia đình ở Ba Chúc, chúng tôi ấn tượng nhất với câu chuyện của bà Võ Thị Ngọc Châu và ông Bùi Văn Lê. Họ đều là người may mắn sống sót trong khi nhiều người trong gia đình bị thảm sát. Để tránh kẻ thù, ông Lê đưa người vợ, 5 con cùng người cô ruột lên hang trên núi Tượng ẩn nấp. Có thể mọi người sẽ thoát nạn nếu không có đàn chó săn. Lần theo tiếng chó sủa, bọn Pôn Pốt xả súng vô tội vạ vào hang, lấy đi mạng sống của hàng chục người. Nghe im tiếng súng, ông Lê lách mình ra khỏi miệng hang, phát hiện bọn giặc vẫn còn ở ngoài nên nhanh chóng lao mình xuống hẻm đá. Bọn chúng quăng hai quả lựu đạn nữa vào hang... Ngày định mệnh ấy, ông đã đặt thi thể của từng người thân yêu nằm ngay ngắn trên bộ ván, rồi lấp miệng hang lại, kết thúc sứ mệnh lịch sử của nó và chôn vùi những nỗi đau khôn tả của mình. Từ đó về sau, hang được đặt tên “hang Ba Lê”, là chứng tích nhói lòng trên núi Tượng. Khi mới 33 tuổi, ông đột nhiên mất tất cả. Mỗi lần nhắm mắt lại là ông nghe tiếng vợ con cười nói, mở mắt ra chỉ thấy thắt nghẹn trái tim. Có tài thổi sáo, ông dồn mọi tâm tư vào tiếng sáo tịch mịch, cô độc đến mức người xung quanh chẳng dám chạm vào.

Bà Châu khi ấy 27 tuổi, suýt đón nhận cái chết trong gang tấc, bị lựu đạn ném vào khi đang núp dưới bàn thờ Phật. Mấy chục người xung quanh bà lần lượt ngã xuống. Nằm giữa ngổn ngang thây người cả đêm, bà bàng hoàng nhận ra mình may mắn đến mức nào! Chiến tranh qua đi, cuộc sống vẫn phải tiếp diễn. Trong một lần đưa người thân đến chỗ ông Lê khám bệnh, bà lần theo tiếng sáo thổi trên núi. Ánh trăng chiếu sáng rõ cảnh vật hoang tàn do bị Pôn Pốt đốt phá, chiếu rõ người đàn ông tài hoa mà bất hạnh. Người lớn muốn ông và bà kết duyên. Vậy là năm sau, họ về với nhau, vượt qua ngại ngùng của cô gái trẻ, vượt qua nỗi đau và khoảng cách với người đã từng có vợ con, cố gắng xóa bỏ bóng ma quá khứ. Họ “từ từ rồi thương” - theo cách nói của bà Châu. Bốn đứa con lần lượt ra đời, đều do ông Lê một tay chăm sóc. Ông thương các con bằng tấm lòng của người cha bình thường, cộng với nỗi nhớ 5 đứa con đã mất. Ông thương bà Châu bằng tất cả tình cảm của người chồng đã từng trải qua biến cố mất vợ. Cuộc hôn nhân của họ hạnh phúc trong suốt mấy mươi năm nay, bù đắp phần nào những mất mát, đau thương trong quá khứ. Là 2 trong những nhân chứng ít ỏi của cuộc thảm sát năm nào, họ đã cố gắng vươn ra khỏi bóng ma ám ảnh của quá khứ, gây dựng tương lai tốt đẹp cho mình và người thân.

Chứng tích muôn đời cho thế hệ mai sau

Thảm sát qua đi, hơn 30 phái đoàn ngoại giao, báo chí và Liên Hiệp quốc đã đến nơi để chứng kiến tận mắt tội ác của bọn Pôn Pốt đối với đồng bào Ba Chúc. Hội Chữ thập đỏ An Giang tham gia giúp dân gom xác của người đã khuất để hỏa táng vào tháng 4-1978. Mọi người tranh thủ tìm kiếm những gì còn sót lại sau thời gian Pôn Pốt chiếm đóng tại xã. Đống xương người được cất giữ tại nhà mồ, dựng tạm sau chùa Phi Lai. Di vật xương sọ đều bị sứt mẻ do bị đập đầu hoặc đạn xuyên phá.

Đến hôm nay, nhiều người vẫn tìm đến chứng tích căm thù Nhà mồ Ba Chúc, nơi được xem là một bản cáo trạng về tội ác diệt chủng của Pôn Pốt, muôn đời còn ghi nhớ. Nỗi đau này mãi mãi vẫn còn trong ký ức của dân tộc Việt Nam và của những người yêu chuộng cuộc sống hòa bình trên thế giới. Ở đó, 1.159 bộ hài cốt được gìn giữ, là những gì còn sót lại của 3.157 người dân bị thảm sát, được sắp xếp theo độ tuổi, như: 86 phụ nữ trên 60 tuổi; 155 phụ nữ từ 21 đến 40 tuổi; 88 thiếu nữ từ 16 đến 20 tuổi; 264 trẻ em từ 3 đến 15 tuổi; 23 nam từ 16 đến 20 tuổi...

 Năm 1979, quần thể Nhà mồ được xây dựng gồm 7 hạng mục: Nhà mồ, bia căm thù, nhà truyền thống, nhà thủy tạ, hồ sen, nhà khách và vòng rào. Khu Nhà mồ Ba Chúc được xây dựng lên giữa hai ngôi chùa để khắc ghi tội ác diệt chủng được cho là do bọn Pôn Pốt gây ra. Nền nhà cao, có chín bậc thềm, bốn cạnh hình vuông, bốn chiếc cột đỡ trắng ngà tạo hình lưỡi kiếm chống thẳng xuống đất, vì kèo bên trên, chỗ tiếp giáp với cột có hình bàn tay nắm chặt chuôi gươm. Ở giữa là nhà kính xây hình bát giác, mỗi mặt xếp nhiều tầng các sọ người, với hai hốc mắt đang nhìn vào du khách; bên trong, xếp ngay ngắn xương ống chân, ống tay. Để kéo dài tuổi thọ những bộ xương này, ngành chuyên môn phải dùng sáp nấu sôi phủ bên ngoài xương tránh oxy hoá, dùng vật chống ẩm. Tuy nhiên, số hài cốt có hiện tượng ngả màu và mục ở phần xương sụn và xương trẻ em. Năm 1989, Sở Văn hoá và Bảo tàng An Giang đã tiến hành lấy số hài cốt này ra làm vệ sinh, lau chùi, ngâm tẩm hoá chất rồi phơi khô.

Không ai không rùng mình khi đến thăm Nhà mồ Ba Chúc

Năm 2013, nhà mồ được xây dựng lại, là một quần thể công trình rộng khoảng 5ha, gồm nhà mồ, nhà lưu niệm, hội trường và chùa Tam Bửu, Phi Lai, kinh phí gần 30 tỷ đồng. Điểm nhấn công trình Nhà mồ Ba Chúc hiện tại được thiết kế hình hoa sen úp ngược, với 8 cánh hoa sen được sơn màu trắng, nhằm giảm bớt cảnh tang thương chết chóc. Mỗi cánh hoa sen là nơi trưng bày một nhóm hài cốt theo độ tuổi, giới tính khác nhau. Ngày càng có nhiều du khách tới tham quan, nhất là vào 16-3 âm lịch hàng năm, khi diễn ra lễ giỗ tập thể tưởng niệm nạn nhân trong vụ thảm sát. Theo thống kê của huyện Tri Tôn, Khu Di tích quốc gia Nhà mồ Ba Chúc, chùa Tam Bửu - Phi Lai thu hút hơn 500.000 lượt khách đến tham quan, cúng viếng mỗi năm.

Trước khi UBND tỉnh An Giang quyết định triển khai Dự án đầu tư mở rộng và xây mới Khu Di tích lịch sử Nhà mồ Ba Chúc, có ý kiến cho rằng nên thiêu hủy toàn bộ 1.159 bộ hài cốt, nhằm “xóa bỏ quá khứ, hướng đến tương lai”. Tuy nhiên, hầu hết ý kiến của các đồng chí lão thành cách mạng, các nhà chuyên môn, nhà khoa học trong nước, đại diện các ngành tỉnh, Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa… đều không đồng ý với đề xuất này. Nhà mồ Ba Chúc lưu giữ những bộ hài cốt được xem như bằng chứng sống về tội ác man rợ của bọn diệt chủng. Do đó, việc mở rộng và xây mới nhà mồ phải gắn liền với công tác lưu giữ, trưng bày những bộ hài cốt còn sót lại được tốt hơn, trang trọng hơn. 

Đông đảo người dân thường xuyên đến thắp hương tưởng niệm các nạn nhân trong thảm sát ở Ba Chúc

Vì thế, khi đến với Khu Di tích đặc biệt này, du khách có thể nắm rõ toàn bộ diễn biến vụ thảm sát năm xưa, với những hình ảnh, chứng tích và chú thích rõ nét, đầy đủ tại nhà Trưng bày. Dù ảnh đen trắng đã ngả màu thời gian, kỹ thuật chụp không được sắc nét như bây giờ, nhưng không ít hình ảnh chân thực, ghê rợn, ám ảnh người xem, bởi sự tàn bạo, dã man của bọn diệt chủng. Đến khu vực trưng bày hài cốt, dường như du khách không cảm thấy ghê sợ, u ám; mà ngược lại, nhà mồ được trưng bày, sắp xếp một cách thoáng đãng, cùng với không gian cao rộng, đầy đủ ánh sáng, bớt đi phần nào sự đau thương, buồn bã. Ở nơi đây, nhang khói không bao giờ tắt, luôn có người đến thăm viếng, tham quan. Họ có thể là khách vãng lai, cũng có thể là người thân của những hài cốt ấy. Dù là ai đi chăng nữa, đều khó kiềm lòng thương cảm, xót xa cho những con người vô tội.

Gần đây, dư luận lại rộ lên việc “xóa sổ” Nhà mồ Ba Chúc. Do nhà mồ bị xuống cấp, cần sửa chữa lại, nhưng theo hướng nào (thổ táng, hỏa táng hoặc giữ nguyên) được nội bộ đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa đưa ra bàn bạc. Vừa qua, UBND tỉnh An Giang khẳng định sẽ thiết kế, sắp xếp lại các bộ hài cốt trong nhà mồ cho phù hợp, tìm cách bảo quản kỹ lưỡng lâu dài, đảm bảo vẻ mỹ quan để đáp ứng nhu cầu tham quan của khách du lịch. Do vậy, Nhà mồ Ba Chúc sẽ được giữ nguyên, vẫn là nơi ghi dấu chứng tích của vụ thảm sát năm xưa, và là điểm đến đặc biệt, khó quên khi du khách đến An Giang.

Bài và ảnh: Gia Khánh

Top