Di tích lịch sử đình Thạch Động

Cũng như bao ngôi đình khác trên đất Việt, đình Thạch Động là một thiết chế văn hóa - tín ngưỡng tổng hợp, là ngôi nhà chung của nhân dân làng Thạch Động.

Trong quá trình tồn tại, đình Thạch Động không những là trung tâm sinh hoạt văn hóa của làng Thạch Động, nơi tổ chức hội họp, bàn bạc việc làng, khao vọng, yết lão, lễ hội, nơi tôn thờ Bản cảnh Thành hoàng làng… mà còn là nơi chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của địa phương, nơi treo cờ Đảng, địa điểm diễn thuyết, in ấn, cất giấu tài liệu Đảng trong những năm 1930 – 1931; tập trung nhân dân mít tinh, biểu tình giành chính quyền; tổ chức các lớp Bình dân học vụ, trụ sở làm việc của UBND xã Quỳnh Thạch trong những năm 1945 – 1956 và là nơi làm việc, giao thương buôn bán của HTX Quyết Thắng; trạm trung chuyển lương thực, đạn dược phục vụ chiến trường miền Nam trong những năm 1954 – 1975.

Theo lời kể của các bậc cao niên và một số tài liệu lịch sử, đình Thạch Động được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng, trên một khu đất cao ráo, rộng rãi, thuộc Trung tâm làng Thạch Động xưa, nay là thôn 4 xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu. Thành hoàng làng thờ tại đình là Đức ông Dương Uy Vương. Từ bao đời nay, trong tâm thức người dân Thạch Động, Đức ông Dương Uy Vương là vị thần linh thiêng, luôn âm phù, dương trợ cho dân làng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ông là vị tướng quân, được Triều đình cử đi đánh giặc. Trong một trận giao tranh ác liệt, Ông bị thương nặng. Con ngựa chiến đưa Ông về vùng Cồn Lọng, làng Thạch Động thì cả người và ngựa đều ngã xuống chết tại đây. Ông được nhân dân làng Thạch Động an táng, lập đền và phong làm Thành hoàng làng thờ tại đình Thạch Động. Dưới các triều đại phong kiến Việt Nam, ông được ban nhiều sắc phong thần.

Đình Thạch Động đón nhận Bằng di tích văn hóa cấp tỉnh (Ảnh: Báo Nghệ An điện tử)

Đình Thạch Động xưa có 04 nhà, kết cấu theo kiểu chữ “khẩu”, có sân trước, sân sau rộng rãi, có giếng nước trong xanh, có cây cổ thụ sừng sững trước đình, có nghi môn uy nghi, cổ kính ... Nhưng, trải qua bao biến thiên của lịch sử, tuy phần mộ của Đức ông Dương Uy Vương đang được chính quyền địa phương trông nom, bảo vệ chu đáo ở Nghĩa trang ông Cun, xã Quỳnh Thạch; còn đền thờ và các đạo sắc phong thần của ông, cũng như một số công trình kiến trúc của đình như: Bái đình, Tả vu, Hữu vu đã bị thiên tai, chiến tranh tàn phá, chỉ còn lại nhà Hậu đình tương đối nguyên vẹn.

Hiện nay, đình không những là nơi thờ Thành hoàng làng Đức ông Dương Uy Vương, mà còn là nơi phối thờ các vị phúc thần đã có công bảo quốc, hộ dân, giúp làng trong cuộc sống, như: Cao Sơn Cao Các, Vũ Phạm Khải, Tứ Vị Thánh Nương, Bà chúa Nương Nương, Tứ tính Triệu cơ (bốn ông triệu cơ của 4 dòng họ: Nguyễn Sỹ, Nguyễn Đăng, Hoàng Đình và Hồ Phúc).... và đang trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh hấp dẫn của nhân dân. Hàng năm, ngoài những ngày sóc, vọng, lễ tết, ... được nhân dân tín ngưỡng chiêm bái; tại đình còn có kỳ lễ Khai hạ, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài xã đến tham dự. Kỳ lễ trọng của đình được diễn trong 02 ngày (từ ngày mồng 6 - 7 tháng Giêng Âm lịch) với 2 phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm: Lễ Khai quan, Lễ Yết cáo, Lễ đại tế, Lễ tạ. Bên cạnh phần lễ truyền thống được tiến hành một cách trang nghiêm trong đình, ở phía ngoài đình, phần hội cũng được diễn ra rất sôi nổi với nhiều trò chơi dân gian như: Đấu vật, đánh đu, đánh cờ thẻ, đánh cờ người, diễn tuồng, ...Tất cả là những nét đẹp văn hóa lành mạnh, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, không những thu hút các tầng lớp nhân dân trong và ngoài làng, mà còn cả những người con quê hương từ mọi miền Tổ quốc về tham dự. Trong không khí trang nghiêm của lễ hội, con người như gạt bỏ những ưu phiền để cùng nhau hướng thiện, để giao lưu, gặp gỡ và cùng cảm nhận sự lắng đọng của hồn quê qua các tập tục thờ cúng, trò chơi, trò diễn diễn ra trong lễ hội, tạo được sức cố kết cộng đồng trong các làng xã.

(Ảnh: Báo ảnh Việt Nam)

Sự hiện diện của Đình cùng với các tài liệu, hiện vật còn lưu giữ tại di tích, như: văn cúng, long ngai, bài vị, câu đối, là những bằng chứng chân thực, có giá trị lớn về mặt lịch sử, không những đã cho chúng ta hiểu biết thêm về thân thế, công lao, hành trạng của các nhân vật được thờ tại di tích, phong tục tập quán, tín ngưỡng thờ phụng, truyền thống trọng đạo của nhân dân đối với người có công với dân với nước; mà còn cho chúng ta hiểu rõ hơn về bối cảnh xã hội, đời sống văn hóa, ý chí đấu tranh cách mạng của một vùng quê xứ Nghệ nói chung và quê hương Quỳnh Thạch nói riêng trên con đường xây dựng và phát triển.

Hồ Thanh Khương

Top