Di tích lịch sử đền Phú Phong

Đền Phú Phong là nơi tôn thờ nữ Anh hùng Triệu Thị Trinh và phối thờ Tham đốc Hoan quận công Hồ Hữu Nhân. Đền tọa lạc theo hướng quý - đinh (Bắc - Nam) trên một khu đất rộng, thoáng đãng thuộc xã Quỳnh Bảng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Đền Phú Phong được xây dựng từ thời Hậu Lê để thờ người có công với dân với nước, là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của nhân dân địa phương và vùng lân cận. Di tích còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của địa phương cũng như của dân tộc.

 Nữ tướng Triệu Thị Trinh sinh ngày 2 tháng 10 năm 226 (Bính Ngọ) tại miền núi Quân Yên, quận Cửu Chân (nay thuộc làng Quan Yên, xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) trong một gia đình hào trưởng. Triệu Thị Trinh là một phụ nữ có tướng mạo kỳ lạ: “Mặt hoa, tóc mây, mắt châu, môi đào, mũi hổ, trán rồng, tiếng như chuông lớn… sắc đẹp động lòng người”. Thuở nhỏ cha mẹ đều mất sớm, Bà Triệu ở với anh là Triệu Quốc Đạt, một hào trưởng ở Quân Yên. Bà là người tính tình vui vẻ, khoẻ mạnh, ham mê võ nghệ, trí lực hơn người: “chân đi một ngày trăm dặm, sức có thể khua gió bạt cây, tay đánh chân đá như thần”. Truyền thuyết kể rằng: có lần xuất hiện con voi trắng một ngà phá phách ruộng nương, làng xóm, quật chết người, Triệu Thị Trinh dũng cảm cầm búa nhảy lên đầu giáng một phát trúng huyệt làm con voi dữ phải gục đầu qui thuận.

Thời đó, nước ta chịu ách đô hộ của nhà Đông Ngô (Trung Quốc). Nhà Đông Ngô chia Hợp Phố về phía Nam gọi là Giao Châu, sai Đới Lương làm Thứ sử. Nước ta thuộc Giao Châu, gồm các quận: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam. Chúng thực hiện chính sách cai trị tàn ác, tô thuế nặng nề, đời sống nhân dân lầm than, cơ cực, Triệu Thị Trinh không chịu khuất phục trước sự đô hộ của ngoại bang và sớm nuôi chí lớn đánh giặc cứu nước yên dân. Khi đến tuổi cài trâm, anh trai bàn tới chuyện hôn nhân của Bà, Bà đã trả lời tỏ rõ khí phách: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, chứ tôi không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”. Rồi sau đó, Bà bỏ vào núi bí mật chiêu binh mãi mã, tích trữ lương thảo, luyện tập võ nghệ để mưu việc lớn. Năm Mậu Thìn (Hán Diên Hi năm thứ 11, Ngô Vĩnh An năm thứ nhất, năm 248), khi ở tuổi 22, Triệu Thị Trinh phất cờ khởi nghĩa ở núi Nưa (Thanh Hoá). Tại đây, Bà cùng với anh trai xây dựng căn cứ, chiêu mộ thêm nghĩa quân đánh giặc.

Từ hai căn cứ núi Nưa và Yên Định, hai anh em bà dẫn quân đánh chiếm Tư Phố (lỵ sở của quận Cửu Chân) nằm ở hữu ngạn sông Mã. Đây là căn cứ quân sự lớn của quan quân nhà Đông Ngô trên đất Cửu Chân, đứng đầu là Tiết Kính Hàn. Thừa thắng, lực lượng nghĩa quân chuyển hướng xuống hoạt động ở vùng đồng bằng sông Mã. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng ra các vùng khác, làm chấn động cả Giao Châu. Đang lúc cuộc khởi nghĩa lên cao thì chẳng may ông Triệu Quốc Đạt lâm trọng bệnh rồi qua đời. Các nghĩa binh thấy Bà có tài tướng soái bèn tôn lên làm Chủ tướng và gọi Bà là Nhuỵ Kiều tướng quân. Được tin cuộc khởi nghĩa lan nhanh, Vua Đông Ngô là Tôn Quyền liền phái Hành Dương đốc quân Đô úy Lục Dận (cháu của Lục Tốn) sang làm Thứ sử kiêm Hiệu uý, đem theo 8.000 quân sang đàn áp cuộc khởi nghĩa. Đến nơi, Lục Dận liền dùng của cải mua chuộc một số hào mục địa phương để làm suy yếu và chia rẽ lực lượng nghĩa quân.

Những trận đánh ác liệt đã diễn ra tại căn cứ Bồ Điền (nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Song do chênh lệch về lực lượng và không có sự hỗ trợ của các phong trào đấu tranh khác nên căn cứ Bồ Điền bị bao vây cô lập, và chỉ đứng vững được trong hơn hai tháng. Cuối cùng Bà phải cho quân rút lui về núi Tùng (Thanh Hóa) để cố thủ. Nhưng thế giặc quá mạnh, nghĩa quân bị tan rã, Bà đã hi sinh trong lúc giao tranh với quân giặc. Sau khi Bà mất đã hiển linh thành thần, dân vùng Bồ Điền, Phú Điền thường nghe trên không trung tiếng cồng thúc quân, voi gầm, ngựa hí. Bà đã âm phù cho nhiều thủ lĩnh Đại Việt đánh tan quân xâm lược phương Bắc, như việc bà báo mộng âm phù cho Lý Nam Đế đánh thắng giặc, nên Lý Nam Đế đã cho xây lăng mộ và đền thờ để ghi nhớ công ơn của Bà. Các triều đại phong kiến đều ban tặng sắc phong, giao cho làng Đa Kỳ Nội (sau này là làng Phú Phong) có trách nhiệm phải “tòng tiền phụng sự”. Hiện nay, tại đền Phú Phong còn lưu giữ được bản sao của 9 đạo sắc phong của các triều đại từ thời Lê đến thời Nguyễn ban cho Bà Triệu.

Đền Phú Phong còn phối thờ Hoan quận công Hồ Hữu Nhân. Ông sinh năm 1380 ở Thổ Đôi trang nay là xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông là con trai cụ Hồ Hồng, cháu nội cụ Hồ Kha, cháu xa đời của Trạng Nguyên Hồ Hưng Dật. Ngay từ nhỏ, Hồ Hữu Nhân đã nổi tiếng trong vùng là người thông minh, nhanh trí, sáng dạ. Là con nhà võ tướng nhưng ông rất chăm lo đèn sách, rèn chí luyện tài. Sống trong cảnh nước mất nhà tan, Hồ Hữu Nhân không chịu cam phận. Ông đã cùng anh trai là Hồ Hân bí mật luyện tập võ nghệ, liên kết bạn bè chờ thời cơ khởi nghĩa. Ông đã trải qua nhiều trận chiến đấu dũng cảm khi ở Thanh Hóa, lúc ở Nghệ An..., bao giờ ông cũng lập nhiều chiến công lớn, Lê Thái Tổ phong cho ông chức Quản đô Thái giám Tham chưởng Giám sự, tước Diễn Lộc hầu. Ông tham gia triều chính dưới hai triều Lê Thái Tổ và Lê Thái Tông, được thăng dần lên chức Đô Thống Tham Đốc, tước Hoan quận công. Lúc về nghĩ dưỡng ở quê nhà, ông đã cùng vợ con chiêu dân lập ấp, cấp tiền, gạo cho dân, dạy dân cách trồng trọt, chăn nuôi, luyện tập võ nghệ, mời thầy giỏi về dạy học cho các sĩ tử trong làng. Sau đó, ông cùng với Hoàng Dụy và Nguyễn Khánh Duệ men theo ven biển lần ra Bắc khai phá đất đai, lập ra xứ Đa Kỳ Nội và Đa Kỳ Ngoại (nay là làng Phú Phong và Phú Đa của xã Quỳnh Bảng).

Khi ông mất, nhân dân nhớ ơn lập đền thờ, tôn làm phúc thần. Hai làng Phú Đa và Phú Phong đều có đền thờ ông. Các triều đại phong kiến đều có sắc phong. Đền thờ ông rất linh thiêng, phương dân cầu đảo nhiều lần linh ứng.

Đền Phú Phong được xây dựng ở vị trí cảnh quan đẹp, các công trình kiến trúc hiện còn của di tích đều mang dấu ấn của thời Nguyễn. Đây là công trình do chính bàn tay tài hoa của người thợ địa phương làm nên. Các phù điêu, rồng phượng, vân mây, sóng nước hoa văn thật mềm mại, uyển chuyển. Đền nằm ngay trên tuyến tham quan du lịch biển Quỳnh, đến với di tích là dịp để du khách được hòa mình vào không gian làng quê yên ả, với đồng rau xanh mướt, sóng biển rì rào, bãi biển cát trắng thẳng tắp, hàng dương xanh tít... Đây là dịp để du khách được trải nghiệm những khám phá thú vị về non nước xứ Quỳnh và những phút lắng lòng ở cõi linh thiêng. Đồng thời tham quan các di tích, danh thắng nổi tiếng khác như: đền Quy Lĩnh, đền đền Đồng Xuân, đền uân Úc, đền Cờn, di chỉ khảo cổ học Quỳnh Văn …

Đặc biệt, đây là nơi duy nhất trên đất Nghệ An thờ Bà Triệu, và là nơi lưu giữ được nhiều hiện vật quý như: long ngai, bài vị, lư hương đá, lư hương đồng, hộp đựng sắc phong, mâm chè, bảo kiếm… và các tài liệu Hán Nôm có giá trị như: thần tích, thần sắc, văn cúng..., Qua việc nghiên cứu các tài liệu còn lưu giữ tại đền giúp chúng ta hiểu hơn về sự tích của các nhân vật được thờ, nguồn gốc địa danh, sự phát triển xã hội, thay đổi tên gọi của làng xã, địa giới hành chính qua các thời kỳ.

Đền Phú Phong còn là nơi chứng kiến những biến đổi thăng trầm của lịch sử địa phương. Năm 1945, đền Phú Phong là nơi luyện tập của đội Bảo an làng Phú Phong để chuẩn bị giành chính quyền,  nơi mở lớp bình dân học vụ. Trong kháng chiến chống Mỹ, đền Phú Phong được sử dụng làm kho hợp tác xã, nơi chế biến dược liệu của huyện Quỳnh Lưu. Thời chiến tranh biên giới, đền là nơi cất giữ súng đạn… Bởi thế, về với đền Phú Phong là dịp để du khách hiểu thêm về lịch sử của một vùng đất cách mạng anh hùng.

Hàng năm, những ngày lễ trọng nhân dân quanh vùng về dự rất đông. Mỗi người về dâng hương tại đền đều mang mỗi mong ước khác nhau, nhưng đều gặp nhau ở một điểm là lòng thành kính và biết ơn. Các hoạt động tế lễ được tổ chức rất trang nghiêm, trọng đại vừa mang bản sắc cổ truyền lại vừa mang hơi thở của cuộc sống hiện đại.

Hồ Thanh Khương

 

 

Có thể bạn quan tâm

Top