Di tích lịch sử Ba Son từ góc độ bảo tồn Di sản văn hóa

Từ khi công xưởng Ba Son chính thức đi vào hoạt động tháng 4-1863 đến 30-4-1975, suốt hơn một thế kỷ dưới chế độ thực dân cũ và mới, đội ngũ công nhân Ba Son đã được đào tạo thành những chiến sĩ kiên cường.

1. Ba Son với vị trí thuận lợi bên sông Sài Gòn, từ năm 1790 Chúa Nguyễn Ánh từng đặt trại thủy quân và xây dựng “Xưởng thủy”: Khi Pháp xâm lược nước ta đã xây dựng ở đây một cơ sở tàu biển quân sự và có thể làm dịch vụ hàng hải, bởi Sài Gòn có vị trí rất quan trọng trên tuyến hàng hải quốc tế. Từ đây Ba Son được lịch sử ghi nhận với tư cách là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu của Việt Nam, một trong những cái nôi của giai cấp công nhân và cách mạng vô sản Việt Nam. Ba Son đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử đấu tranh giành tự do độc lập của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ khi công xưởng Ba Son chính thức đi vào hoạt động tháng 4-1863 đến 30-4-1975, suốt hơn một thế kỷ dưới chế độ thực dân cũ và mới, đội ngũ công nhân Ba Son với tính tổ chức cao, sớm giác ngộ đã đứng lên đấu tranh cách mạng, nơi đây đã đào tạo cho Đảng, cho cách mạng nhiều chiến sĩ kiên cường. Tại Ba Son vào ngày 4/8/1925 đã nổ ra cuộc đình công lớn giam chân chiến hạm Michellet, làm phá sản ý đồ đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân Trung Quốc. Sự kiện này mang tính chính trị và ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Hàng trăm công nhân Ba Son đã ngã xuống trong hai cuộc kháng chiến thần kỳ của dân tộc, rất nhiều công nhân Ba Son đã trở thành những cán bộ ưu tú của Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Ba Son có niềm tự hào và vinh dự lớn, nơi đây người thợ máy Tôn Đức Thắng đã từng làm việc và sau này trở thành Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Năm 1975, Bác Tôn đã trở về thăm Ba Son sau bao năm xa cách. Nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng như: đồng chí Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sau này là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thường đến thăm dặn dò công nhân Ba Son giữ vững truyền thống tốt đẹp của giai cấp công nhân. Tại thành phố Hồ Chí Minh có 12 con đường được mang tên những người công nhân ưu tú của Ba Son.

Tại Khu Di tích Ba Son có các công trình bảo tồn, gồm: Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xí nghiệp Liên hợp Ba Son (Xưởng Cơ khí 323) đã được công nhận Di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 1034 QĐ/BT ngày 12-8-1993 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Công trình Ụ tàu lớn cũng đã được Ủy ban nhân dân thành phố đưa vào Quyết định số 5360/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2010 về thực hiện kiểm kê di tích lịch sử – văn hóa trên địa bàn thành phố (thực hiện theo Điều 31, 32 và khoản 4 Điều 33 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa).

Một con tàu được sửa chữa trong ụ nổi năm 1931

2. Thời gian qua, Di tích lịch sử Ba Son “đối mặt” với nhiệm vụ cấp bách sớm di dời chuyển đến địa điểm mới nhằm mục tiêu xây dựng Nhà máy Ba Son thành trung tâm đóng tàu chiến hiện đại cho hải quân, quân đội, kinh phí lấy từ nguồn chuyển đổi đất Ba Son tại vị trí hiện hữu theo phương thức chỉ định, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son.

Trong Dự án xây dựng Khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, việc bảo tồn Di tích lịch sử Ba Son với phương án dỡ bỏ Ụ tàu tại Xí nghiệp Ba Son đã không nhận được sự đồng thuận của những nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa và nhiều người dân thành phố. Tiến trình, của việc đề xuất phương án bảo tồn di tích lịch sử Ba Son như sau.

Tháng 5 năm 2012, tại Công văn số 1453/BQP-CNQP, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc xây dựng phương án bảo tồn Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xưởng Cơ khí thuộc Xí nghiệp Liên hợp Ba Son, theo hướng bảo tồn không gian của Nhà máy Ba Son bằng mô hình, nhằm tái hiện, giữ gìn giá trị lịch sử cũng như lưu giữ hình ảnh kiến trúc khu Ba Son. Đồng thời, xây dựng Nhà truyền thống Ba Son tại khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son - khu vực đô thị hiện đại với chức năng chính là thương mại dịch vụ, tài chính văn phòng, giải trí, văn hóa, giáo dục, nhà ở, khách sạn cao cấp. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất với phương án trên.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có báo cáo, đề xuất, nêu ý kiến cần phải thực hiện việc bảo tồn, bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian thực hiện việc bảo tồn đối với di tích lịch sử quốc gia: Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng (Xưởng Cơ khí 323) và Công trình Ụ tàu lớn tại Ba Son. Cuối tháng 8 năm 2013, Bảo tàng Tôn Đức Thắng tổ chức  Tọa đàm “Di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Ðức Thắng tại Thành phố Hồ Chí Minh - Dấu ấn phong trào công nhân Sài Gòn - Chợ Lớn những năm 1920”, ý kiến của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, bảo tàng đều đề nghị giữ lại, bảo tồn Xưởng Cơ khí Ba Son và Công trình Ụ tàu theo quy định của Luật Di sản văn hóa và phương pháp khoa học về bảo tồn.

Công văn số 1934/BQP-CNQP, ngày 12 tháng 3 năm 2015 của Bộ Quốc phòng gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch 1/500 khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son, nêu chi tiết các chỉ tiêu quy hoạch khu đất Ba Son, đồng thời bảo tồn Di tích Ba Son theo hướng tập trung các hiện vật, di tích lịch sử, địa điểm lưu niệm gắn liền với quá trình hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng vào một phần diện tích gần 600 m2, Xưởng Cơ khí, Ụ tàu sẽ được xây dựng thành mô hình trưng bày trong khu bảo tồn này.

Văn bản số 500/TCTBS-VP của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Tổng Công ty Ba Son, ngày 19 tháng 5 năm 2015 gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về việc thống nhất phương án bảo tồn Di tích lịch sử tại dự án khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son; nêu cụ thể nội dung phương án bảo tồn khu Ba Son với đề xuất Thành phố xem xét chấp thuận phương án bảo tồn cùng với nội dung phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ quy hoạch 1/500 khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son trong Văn bản 1934/BQP-CNQP để sớm triển khai dự án.

Tháng 6-2015, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ra kết luận với nội dung thống nhất với đa số các đề nghị này.

Sau cuộc khảo sát thực địa khu Di tích Ba Son của Hội đồng Di sản quốc gia ngày 30 - 31 tháng 10 năm 2015, ngày 5 tháng 11 năm 2015 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có Công văn số 4612/BVHTTDL-DSVH, về việc bảo tồn thích nghi đối với Di tích Ụ tàu với nội dung: “Bảo tồn phục hồi Ụ tàu 1863, Triền nề 1918, xây dựng nơi trưng bày về lịch sử khu vực Ba Son, bức tường Công hội Đỏ, tượng đài Chủ tịch Tôn Đức Thắng với tổng diện tích khoảng 6.000m2”.

Như vậy, vấn đề bảo tồn Di tích Ba Son, sau một thời gian dài phải đối mặt với nhiều thách thức, cuối cùng Bộ Quốc phòng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có sự quan tâm nhất định đến những kiến nghị của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu cùng với tâm tư, nguyện vọng của người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.

Các ụ nổi được xây dựng vào năm 1886

Tuy nhiên, việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ban hành Quyết định số 1269/QĐ-BVHTTDL, ngày 30 tháng 3 năm 2016 về việc điều chỉnh tên gọi và khoanh vùng bảo vệ Di tích ”Địa điểm Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xí nghiệp Liên hợp Ba Son” tại Quyết định số 1034/QĐ-BT, ngày 12 tháng 8 năm 1993 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin như sau: Di tích Lịch sử ”Địa điểm Lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại khu vực Ba Son, gồm: Ụ tàu nhỏ và Triền nề, phường Bến Nghé quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh”,  Điều này phù hợp với phương án của Tổng Công ty Ba Son: một phần nhà Xưởng Cơ khí sẽ được tu bổ, phục hồi nguyên trạng... vì cho rằng: Xưởng Cơ khí chỉ mới được xây cất vào năm 1950-1960, giai đoạn từ năm 1906-1928 khi Bác Tôn đến làm việc và hoạt động cách mạng chưa thấy nhà xưởng nào xuất hiện tại khu vực Xưởng Cơ khí hiện hữu, Bác Tôn đã làm việc tại nhiều vị trí trong khuôn viên Nhà máy Ba Son và không bó hẹp trong Xưởng Cơ khí, tại thời điểm năm 1993, Sở Văn hóa-Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh) và Xí nghiệp Liên hợp Ba Son thống nhất lựa chọn Xưởng Cơ khí là khu vực bảo vệ di tích chỉ mang ý nghĩa xác định một địa điểm thuộc khuôn viên Nhà máy và ít ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất quốc phòng nhất để đưa vào diện bảo vệ (tuy nhiên đây không phải là chứng tích điển hình gắn với quá trình làm việc và hoạt động của Bác Tôn).

Đồng thời, nếu giữ nguyên phương án bảo tồn Ụ tàu xây dựng thành mô hình phục hồi nguyên trạng lại ụ tàu đầu tiên (ụ tàu Ăngtoan), năm 1961, theo như nhận xét của Tổng Công ty Ba Son: “Ụ nhỏ này là nền móng để phát triển nhà máy Ba Son, ngoài giá trị lịch sử, giá trị về kiến trúc cổ còn đặc biệt hơn rất nhiều so với ụ tàu lớn được xây dựng năm 1884” là hoàn toàn không phù hợp với Luật Di sản văn hóa, gây nhiều bức xúc và không nhận được sự đồng thuận của xã hội, việc thay đổi Quyết định đối với một di tích quốc gia mang giá trị lịch sử hàng trăm năm của đất nước là đi ngược lại với lịch sử, thiết nghĩ  các cấp lãnh đạo cần cân nhắc kỹ.

Việc đầu tư đổi mới Ba Son là cần thiết, bởi lẽ, Ba Son có bề dày lịch sử trên 150 năm, trải qua nhiều thời kỳ (Pháp-Nhật-Mỹ), với diện tích hơn 22,5 ha mặt bằng, nhà xưởng sản xuất, cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật đan xen cũ mới không đồng bộ, nhiều máy móc hiệu quả sử dụng không cao. Về quốc phòng, Ba Son nằm trong khu vực trung tâm thành phố, trước đây công tác bảo vệ Ba Son khá thuận lợi bởi có những quy chế quản lý nghiêm ngặt, hệ thống tường rào bao kín và hệ thống an ninh chặt chẽ. Nhưng hiện nay ở vị trí này thì yếu tố bí mật quốc phòng không còn đảm bảo. Về môi trường, một xí nghiệp sản xuất công nghiệp nặng có nhiều tiếng ồn, có lượng chất thải rất lớn và độc hại trong quá trình sửa chữa tàu... làm ảnh hưởng không nhỏ đến cư dân khu vực lân cận.

Ông Ngô Long Minh - Nguyên Đại tá, Tổng Giám đốc Nhà máy Ba Son khẳng định rằng khó tránh được những tổn thất khôn lường khi tiến hành cải tạo và xây dựng mới khu vực Ba Son. Từ nguồn tư liệu sưu tầm tại Pháp vào năm 1994 về hồ sơ Ụ lớn - Ụ tàu có thời gian tồn tại xuyên suốt hai thế kỷ đến nay vẫn không bị thấm lậu nước, bảo đảm khô ráo khi tàu hàng vạn tấn vào nằm trong Ụ sửa chữa, ông cho rằng, nếu xây dựng khu trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son mà phá bỏ Ụ tàu lớn là rất lãng phí và “độc ác với lịch sử”, là hành động bứng “cây cao bóng cả” mà gốc của nó đã cắm sâu trong lòng đất hàng trăm năm để đem đi trồng lại ở chỗ khác, còn mảnh đất cũ dù có sử dụng cho công việc gì thì tổn thất cũng không sao bù lại được vì di tích chỉ có một, là tài sản vô giá.

3. Di tích lịch sử Ba Son là một khu vực ít ỏi còn tồn tại công trình công nghiệp đã gắn liền với lịch sử phát triển đô thị và đặc trưng sông nước của Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh, là dấu ấn quan trọng về sự hình thành và phát triển ngành đóng tàu Việt Nam từ Xưởng Thủy thời Chúa Nguyễn (TK 18) và được hiện đại vào thời Pháp. Không chỉ phản ánh sự phát triển của một ngành công nghiệp mà Ba Son còn là bằng chứng của một nền kinh tế biển, góp phần khẳng định Việt Nam là một quốc gia có chủ quyền biển từ lâu đời.

Hình ảnh thực tế cảng Ba Son

Quản lý, bảo tồn, phát huy di sản văn hóa là nhiệm vụ, là yêu cầu phục vụ cộng đồng xã hội. Nội dung giá trị đích thực của di sản văn hóa là do nhiều thế hệ trước đã sáng tạo ra, được chọn lọc bổ sung hoàn thiện và lưu truyền lại, làm phong phú cho cuộc sống tinh thần của con người. Nhu cầu công chúng ngày càng cao, khoa học về bảo tàng và bảo tồn di tích trên thế giới ngày càng tiến bộ, công chúng không thể đi tìm hiểu tham quan một di tích tẻ nhạt, đã bị biến thành mô hình khô khan thiếu sự hấp dẫn. Nếu quản lý không có sự quan tâm, đầu tư không đáp ứng nhu cầu bảo tồn, trưng bày giới thiệu... sẽ dẫn đến tình trạng di tích không phát huy tác dụng, kém hiệu quả và dần dần bị “xóa sổ”. Di tích chỉ còn trong hoài niệm của người hiện tại và không còn gì trong tâm thức của thế hệ mai sau. 

Vì lợi ích chung, thiết nghĩ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng cân nhắc để có cách giải quyết tốt, sao cho thành phố Hồ Chí Minh phát triển hiện đại nhưng vẫn giữ được truyền thống lịch sử của thành phố anh hùng trong đấu tranh cách mạng. Song song với việc phát triển một thành phố hiện đại với những quy hoạch phát triển về kinh tế, thành phố cũng cần xây dựng những công trình có giá trị trở thành biểu tượng văn hóa trong thời kỳ mới. Từ kết luận cuối cùng trong vấn đề bảo tồn di sản văn hóa, hướng tiếp theo cho hoạt động bảo tồn Di tích Ba Son cho thấy ý chí của chính quyền Thành phố là vô cùng quan trọng. Từ ý chí này sẽ có những giải pháp hữu hiệu để thực thi việc bảo tồn và phát huy Di tích Ba Son, cũng là biện pháp quan trọng để tạo niềm tin, đồng thời thay đổi nhận thức về tầm quan trọng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích trong mọi ngành, mọi giới đặc biệt nhằm giáo dục truyền thống, nâng cao sự hiểu biết về lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân.

Thành phố nên trao quyền quản lý Di tích Ba Son cho Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh để có thể trực tiếp chịu trách nhiệm về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích phù hợp và hiệu quả hơn, cụ thể như: mở rộng không gian bảo tồn Ụ tàu (đây là di tích kiến trúc) cùng một số công trình kiến trúc tiêu biểu của Ba Son: Nhà trưng bày, Xưởng Cơ khí.

Tổng Công ty Ba Son và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị quản lý di tích, trực tiếp chịu trách nhiệm cần có đề xuất phương án bảo tồn thích nghi, đồng thời có kế hoạch định hướng lâu dài cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

Hơn thế nữa, Di tích lịch sử Ba Son nằm trong hệ thống tổng thể các di tích trên khắp cả nước về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng, nếu gắn kết Bảo tàng Tôn Đức Thắng với Di tích Nhà xưởng “Địa điểm lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Xí nghiệp Liên hợp Ba Son” sẽ góp phần làm cho cả Bảo tàng và di tích đều được phát huy đầy đủ giá trị, việc bảo tồn sẽ đạt hiệu quả cao. Đây là mô hình bảo tàng gắn với di tích mà nhiều nước trên thế giới đã thực hiện rất có hiệu quả.

Là một trung tâm công nghiệp lớn của cả nước, thành phố Hồ Chí Minh, nơi hình thành và phát triển một số lượng đông đảo công nhân. Di tích Ba Son sẽ trở thành một thiết chế đóng vai trò quan trọng trong đời sống và sinh hoạt văn hóa, trong giáo dục lịch sử dân tộc. Việc hiện nay Di tích Xưởng Cơ khí vẫn đang sử dụng làm xưởng sản xuất và vấn đề bảo tồn, phát huy giá trị di tích là một thuận lợi, nếu máy móc, nhà xưởng vẫn được duy trì, vận hành tốt, công chúng được tham quan di tích, thậm chí được trải nghiệm một khâu nào đó trong xưởng thì càng phát huy tốt giá trị. Tin rằng, trong tương lai, khi mà phương án bảo tồn di tích này sau một thời gian dài phải đối mặt với nhiều thách thức, cùng với sự đồng lòng, góp sức của nhiều ban, ngành để có được những giải pháp hữu hiệu, thì đây sẽ là một “địa chỉ đỏ” thu hút du khách đến tham quan học tập, nhất là đội ngũ công nhân lao động, học sinh, sinh viên.

Di tích Xưởng Cơ khí nói riêng, Di tích Ba Son nói chung là một kho lịch sử sống động của dân tộc và phong trào đấu tranh cách mạng, là niềm tự hào của giai cấp công nhân Việt Nam. Niềm tự hào đó phải được thể hiện bằng nhận thức được tầm quan trọng trong việc gìn giữ những giá trị lịch sử văn hóa của Di tích Ba Son trong sự phát triển và quá trình hiện đại hóa của thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, dù phương án khu phức hợp có thực hiện thì cũng cần giữ lại và phát huy những lợi thế của Di tích Ba Son để thế hệ sau được hiểu biết và yêu thích lịch sử của dân tộc hơn, đó là điều mà thế hệ hôm nay nếu không làm được sẽ phải hối tiếc.

Trần Thị Quang Khuyên

Top