Di tích - Danh thắng Thành Nam

Thành Nam xưa - Nam Định ngày nay là tỉnh có bề dày lịch sử và văn hóa, nơi phát tích của Vương triều Trần, một triều đại hưng thịnh vào bậc nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam với các di tích như: Khu Di tích nhà Trần, chùa Tháp, chùa Cổ Lễ, chùa Keo Hành Thiện, Phủ Giày…

Di tích nhà Trần

Làng Tức Mặc thuộc xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định, cách trung tâm thành phố 3 km. Đây là quê hương của nhà Trần, nơi sinh ra Trần Hưng Đạo, vị anh hùng dân tộc. Khu Di tích rộng tới hàng chục héc ta với đền Thiên Trường, Cố Trạch thờ các vua Trần và Trần Hưng Đạo, chùa tháp Phổ Minh.

Sử cũ cho biết, vào năm 1239, Nhà vua cho xây hành cung ở làng quê mình để lúc thư nhàn về thăm. Đến năm 1262, Thượng hoàng đến chơi ở Hành cung Tức Mặc, ban yến tiệc cho dân và thăng làng Tức Mặc lên thành phủ Thiên Trường, dựng tiếp cung Trần Quang để cho các vua đã nhường ngôi (Thái Thượng hoàng) về ở. Phía Tây cung đình là chùa Phổ Minh, lại dựng một cung riêng cho các vua đương triều mỗi khi về thăm Thái Thượng hoàng thì về nghỉ ở đó.

Di tích Đền Trần Nam Định.

700 năm trôi qua, cung điện cũ không còn nữa, nay có ngôi đền Thiên Trường thờ 14 vị vua Trần, đền Cố Trạch thờ Trần Hưng Đạo, chùa Phổ Minh với tháp Phổ Minh nổi tiếng.

Chùa Phổ Minh

Chùa Phổ Minh ở thôn Tức Mặc, xã Lộc Vượng, ngoại thành Nam Định.

Ngôi chùa nguyên được xây dựng từ thời Lý đã được Vương triều Trần mở rộng vào năm 1262. Đây là một ngôi chùa có qui mô lớn. Trong chùa có nhà Thủy Tạ, có hồ sen, có nhiều cây cổ thụ xum xuê. Trước cửa chùa có đỉnh đồng nặng trên 7 tấn. Qua nhiều lần tu sửa đến nay, qui mô của chùa đã bị thu hẹp nhiều so với trước. Tuy vậy, dấu ấn kiến trúc đời Trần ở đây còn lại khá nhiều: 96 chân đá tảng chạm hoa sen, nhiều đôi sóc đá, hai đôi rồng chạm đá trước bái đường. Đặc biệt là ngôi tháp được xây dựng trước cửa bái đường vào năm 1305. Đây là loại tháp trang trí hình cách sen, 14 tầng cao 21 mét. Bệ và tầng một xây bằng các phiến đá xanh trang trí tinh vi, các tầng trên xây bằng gạch, trên cùng là bút tháp bằng đá. Tháp hình khối nhỏ dần, đáy vuông, mỗi cạnh dài 5,2 mét. Các tầng tháp đều có mái cong ở 4 phía. Trọng lượng tháp nặng khoảng 700 tấn trên một diện tích nhỏ 30m2 lại ở vùng chiêm trũng nhưng vẫn đứng vững suốt 7 thế kỷ qua. Trước đây chùa có khoảng trên 100 pho tượng nay chỉ còn 50 pho, trong đó có nhiều pho mang tính nghệ thuật cao.

Khu Di tích Phủ Dày

Khu Di tích thuộc xã Kim Thái, huyện Vụ Bản, nơi thờ Bà Chúa Liễu Hạnh, một trong Tứ Bất Tử của điện thần Việt Nam.

Khu Di tích Phủ Dày.

Phủ Dày là một quần thể di tích gồm ba di tích chính: Phủ Tiên Hương (phủ chính), Phủ Vân Cát và Lăng bà Chúa Liễu. Phủ Tiên Hương là một công trình đẹp được xây dựng từ thời Lê - Cảnh Trị (1663 -1671) và đã qua nhiều lần trùng tu. Phủ có 4 lớp thờ (4 cung): đệ nhất, đệ nhị, đệ tam, đệ tứ. Các cung tập trung những nghệ thuật chạm khắc tinh vi, thể hiện đủ các mảng đề tài: rồng, phượng, hổ… Chính cung (cung đệ nhất) có một khám thờ khảm trai, bề thế và tinh xảo. Đây chính là nơi đặt 5 pho tượng có giá trị mỹ thuật cao của thế kỷ 19. Phủ Vân Cát được xây dựng trên khu đất rộng gần 1ha, mặt quay về hướng Tây Bắc. Phủ Vân Cát hiện nay có 7 tòa với 30 gian lớn nhỏ. Trung tâm là nơi thờ Chúa Liễu, bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là đền thờ Lý Nam Đế. Lăng bà Chúa Liễu được xây dựng vào năm 1938 bằng đá xanh, chạm trổ đẹp với diện tích 615m2, gồm có cửa vào lăng theo hướng Đông Tây, Nam Bắc. Di tích Phủ Dày có giá trị rất cao về trình độ kiến trúc nghệ thuật cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.

Chùa Cổ Lễ

Chùa thuộc thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh. Từ thành phố Nam Định, qua cầu treo trên sông Đào, đi theo đường 21 khoảng 15 km là tới thị trấn Cổ Lễ, qua một cây cầu nhỏ rẽ khoảng 200 m là đến chùa.

Chùa Cổ Lễ.

Chùa Cổ Lễ vốn có từ rất lâu đời. Tương truyền, chùa do Thiền sư Nguyễn Minh Không thời Lý sáng lập. Ngôi chùa hiện nay là do Hòa thượng Phạm Quang Tuyên xây dựng vào tháng 11 năm 1920. Trước chùa có tháp Cửu Phẩm Liên Hoa 12 tầng được xây dựng vào năm 1926 -1927. Tầng đế tháp có 8 mặt, đặt trên lưng một con rùa lớn hướng vào chùa. Trong lòng tháp có một cột trụ rất lớn, có 60 bậc thang từ đế tháp lên đỉnh tháp theo đường xoáy trôn ốc. Chùa Cổ Lễ là một di tích, thắng cảnh đẹp của tỉnh Nam Định, ngoài thờ Phật, chùa còn thờ Thiền sư Nguyễn Minh Không. Nơi đây có nhiều di vật văn hóa quý hiếm như đại hồng chung, một trống đồng thời Lý và một túi đựng đồng. Chùa Cổ Lễ đã được Nhà nước công nhận là Di tích Kiến trúc - Văn hóa.

Chùa Keo Hành Thiện

Chùa có tên chữ là Thần Quang Tự, thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, do Thiền sư Không Lộ dựng năm 1061, đến năm 1167 đời Vua Lý Anh Tông đổi tên thành Thần Quang Tự. Chùa được xây dựng theo kiểu “nội nhị công, ngoại thất quốc” trên diện tích 5 mẫu Bắc Bộ. Chùa có quy mô bề thế với 13 dãy nhà dài gồm 121 gian tạo thành những cụm kiến trúc hài hòa, cân đối. Chùa còn giữ được nhiều mảng chạm khắc mang đậm phong cách thời Hậu Lê và nhiều cổ vật, cổ thư có giá trị như sập thờ, tượng đại pháp Thiền sư Không Lộ bằng đồng; chuông, khánh đồng; bia kí; hoành phi, câu đối và các sắc phong của nhiều triều đại

Sau chùa là đền Thánh thờ Đức Thánh Tổ đại pháp Thiền sư Không Lộ, người đã chữa khỏi bệnh cho Vua Lý Nhân Tông, được Nhà vua trọng thưởng và phong là Quốc sư.

Đền Thượng

Đền nằm trên đỉnh núi Tiên Phong (còn gọi là đền Mẫu Thượng Ngàn). Ở phía Nam đền Thượng có ngôi chùa cổ, có cây hương đá (khắc bài kinh cúng Phật) từ đầu thế kỷ 18 và cây tháp 14 tầng, kiến trúc thời Nguyễn, gần núi Tiên Hương có đền thờ Thiền sư Không Lộ.

Đình Hương Lộc

Đình ở xã Nghĩa Thịnh, huyện Nghĩa Hưng, được dựng từ lâu đời. Đến năm Thành Thái thứ 4 (1893) được trùng tu và gần như làm lại vào năm bảo Đại thứ 4 (1930). Đình thờ Phạm Cự Lượng, danh tướng thời Tiền Lê đã có công đánh quân xâm lược Tống. Nét đặc sắc của ngôi đình là tòa hậu cung với 3 gian dọc, ba vì kết cấu lối chồng rường với những hình chạm trổ như đàn rồng, chim, mây, những cô gái cưỡi rồng dang tay múa, trong đó nổi bật lên hình ảnh đôi trai gái tình tự giữa đám bạn bè. Đây là một ngôi đình cổ trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Đền Bảo Lộc

Làng Bảo Lộc thuộc xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc là quê hương của Trần Hưng Đạo, vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc. Để tưởng nhớ công ơn to lớn của ông, nhân dân đã lập đền thờ tại nơi ông đã được sinh ra và gọi là đền Bảo Lộc. Đền được dựng vào năm 1928, kiến trúc theo kiểu chữ “đinh”, đằng trước có dãy non bộ, tiền đường rộng 7 gian, trung đường 5 gian, hậu đường 3 gian. Trung đường thờ Quốc Công Tiết chế Trần Hưng Đạo. Bên trái là chùa thờ Phật, bên phải là phủ thờ Mẫu, hậu đường là đền Khải Thánh thờ than phụ Hưng Đạo Vương.

Đền Bảo Lộc cùng một số di tích khác tạo thành một quần thể kiến trúc lịch sử di tích nhà Trần, là một điểm du lịch hấp dẫn khách trong và ngoài nước.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Giao Thủy

Khu Bảo tồn Giao Thủy.

Khu Bảo tồn Giao Thủy nằm hầu hết ở địa phận xã Giao Thiện, huyện Giao Thủy, Nam Định, trải dài qua Cồn Lu, Cồn Ngạn, Cồn Xanh. Vùng đất cửa sông Hồng này mỗi năm lấn ra biển từ 120 đến 150m do phù sa bồi đắp. Trong hơn 12.000ha đầm nước lợ có 4000ha đã được qui hoạch để nuôi trồng thủy sản, khu vực còn lại với thảm thực vật rộng chừng 7000ha là khu quản lý theo công ước Ramsar đầu tiên của Việt Nam.

Giao Thủy được chọn làm trạm dừng chân của hàng ngàn con chim di trú với rất nhiều giống, loài trên đường tìm về phương Nam khi mùa đông về cuối tháng 11 Âm lịch và khi chúng từ phương Nam quay lại vào khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 hàng năm.

Rừng sú vẹt Giao Thủy là nơi cư ngụ của nhiều loài chim, mèo biển, cáo biển, rái cá… Dưới nước là các loại tôm, cá, cua, rắn, ngao, sò… là nguồn thức ăn phong phú của các loài chim. Vào mùa hoa sú vẹt, hương thơm tỏa mát là dịp hội tụ của những đàn ong mật.

Đến Giao Thủy du khách được sống trong không gian bao la của đất trời, mây nước; hít thở không khí trong lành, ngắm nhìn giang sơn của những đàn chim trời: sếu, cò, giang, bồ nông, ngỗng, vịt trời và nhiều loài chim khác đang cần mẫn kiếm mồi hoặc bay lượn tung tăng.

Làng cây cảnh Vị Khê      

Làng Vị Khê ở xã Nam Điền, huyện Nghĩa Hưng, cách thành phố Nam Định 4km chuyên trồng hoa và cây cảnh. Không ai biết tường tận nghề trồng cây cảnh Vị Khê có từ bao giờ mà chỉ nghe truyền lại rằng từ thời Lý, làng hoa này đã rất nổi tiếng và nghệ thuật uốn tỉa cây thế và trồng cây cảnh. Hàng trăm năm trước vào mỗi mùa xuân, ở Kinh đô, Nhà vua thường mở hội thi cây cảnh và có nhiều năm người Vị Khê chiếm được giải cao. Chính vì vậy, tiếng tăm làng hoa Vị Khê đã được nhiều người chơi hoa, cây cảnh biết đến.

Bãi biển Thịnh Long

Từ thành phố Nam Định theo đường 21 đến thị trấn Hải Thịnh thuộc huyện Hải Hậu là đến bãi tắm Thịnh Long. Thịnh Long là một bãi tắm có cát mịn, thoải dài hàng cây số. Nước biển có độ mặn cao, sóng lớn, hấp dẫn nhiều du khách trong mùa hè oi bức. Du khách đến với biển Thịnh Long là đến với vẻ đẹp nguyên sơ, môi trường chưa bị ô nhiễm. Những hàng phi lao trên bờ biển xa ngút tầm mắt tô điểm cho biển Thịnh Long một vẻ đẹp thuần khiết, khoáng đạt.

Ths Nguyễn Thị Thanh Hương

Top