Di tích Ao Bà Om và những truyền thuyết

Ao Bà Om, hay Ao Vuông, là một thắng cảnh độc đáo và nổi tiếng ở tỉnh Trà Vinh, thuộc khóm 3, phường 8 thành phố Trà Vinh (trước đây là ấp Tà Cụ, xã Nguyệt Hóa, huyện Châu Thành), cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 7 km dọc theo Quốc lộ 53 về phía Tây Nam. Đây là một danh thắng bậc nhất của tỉnh Trà Vinh được nhiều người biết đến. Ở đó du khách không đơn thuần chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên mà còn được cảm nhận rõ nét hơn những giá trị văn hoá đặc sắc của vùng đất Trà Vinh qua câu chuyện truyền thuyết mang đậm màu sắc Khmer Nam Bộ...

Cảm giác đầu tiên khi tới thăm ao Bà Om là sự mát mẻ trước cảnh trời nước xanh biếc một màu. Hai hàng cây phía ngoài và sát cạnh ao cách nhau một khoảng rộng, tạo thành con đường rợp bóng. Cây lá dưới nước xanh rờn như đua sắc với trời thu. Ao có hình chữ nhật, rộng 300m, dài 500m (vì gần với hình vuông nên còn được gọi là Ao Vuông). Mặt nước ao trong xanh và phẳng lặng được phủ bởi hoa sen, hoa súng. Ao được bao bọc xung quanh bởi các gò cát mấp mô với các hàng cây sao, cây dầu cổ thụ hàng trăm năm tuổi có rễ nổi lên khỏi mặt đất tạo nên những hình thù kì lạ. Người  đời  sau  đã  đưa  ra  nhiều giả  thuyết  để  giải  thích  về  tên  gọi của địa danh này.

Theo truyền thuyết, để có hồ nước ngọt dùng trong mùa khô, dân làng người Khmer tổ chức cuộc thi đào ao giữa hai nhóm phái nam và nữ đồng thời cũng để quyết định phái nào thua sẽ phải đi cưới hỏi phái kia. Bên phái nam ỷ sức mạnh, vừa làm vừa chơi. Bên phái nữ dưới sự lãnh đạo của người tên Om, dùng nhiều mưu mẹo để trì hoãn nhóm nam. Khi đào gần xong, họ còn cho thả đèn lồng ở phía Đông làm cho nhóm nam tưởng là sao Mai đã mọc nên nghỉ sớm. Sau cuộc thi, nhóm nam thua cuộc và ao của họ hiện vẫn còn dấu tích tuy đã cạn nước. Ao của nhóm nữ được đặt tên theo tên của bà Om. Còn cái  ao  tròn mà  phái  nam đào hiện nay không còn dấu  tích. Và truyền thống nam đi cưới nữ, con phải lấy họ mẹ  trong  dân  tộc  Khmer cũng bắt đầu từ đây. Mãi đến sau này khi người Pháp cai  trị  nước  ta  thì  con mới lấy theo họ cha.

Cũng giải thích cho tên gọi ao Bà Om  còn  có một  câu  chuyện khác: Xưa kia có một vị hoàng tử rất độc ác trấn nhậm vùng đất Trà Vinh, bắt dân  chúng phải dâng gái đẹp cho ông  ta, ai bất tuân sẽ bị trừng trị nặng. Vị  hoàng tử này buộc phụ nữ phải đem lễ vật đi cưới đàn ông. Một  hôm,  có một  cô  gái  xinh  đẹp đến gặp hoàng tử để bày tỏ sự phản đối về tập tục bất hợp lý này. Vì bị lôi cuốn bởi vẻ đẹp của cô gái nên hoàng tử muốn làm vừa lòng người đẹp, vừa muốn xóa bỏ tập  tục mình đặt  ra bằng cách cho mở một cuộc thi đào ao. Sau đó mọi chuyện diễn ra như chuyện kể trên.

(Ảnh: TL)

Theo các nhà sử học và nghiên cứu văn hóa dân gian thì có khoảng 10 dị bản để giải thích địa danh ao Bà Om  gồm đủ các thể loại của truyện kể dân gian như: truyện cổ tích, truyện dã sử, truyền thuyết, giai  thoại... Có thể nói đây là một trường hợp có nhiều giả  thuyết nhất  về  tên  gọi  địa  danh  ở  Đồng bằng sông Cửu Long. Xét về mặt nội dung hầu hết các chuyện xung quanh 3 chủ đề chính: Giải thích tên gọi Ao Bà Om, lý  giải  người  nam đi  cưới  người  nữ và tại  sao người Khmer  có  tục  lệ  theo  họ mẹ? Các chuyện kể đều là sản phẩm của trí tưởng tượng mang đậm dấu ấn văn hóa của người Khmer ở Nam Bộ.

Ao  Bà  Om  và  chùa  Âng  được Bộ Văn  hóa-Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia  thuộc  loại hình danh lam thắng cảnh năm 1994. Vào những ngày lễ, tết hàng năm của người Khơmer, ao Bà Om trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng náo nhiệt của cả vùng, nhất là vào Lễ hội Ok Om Bok được tổ chức vào rằm tháng 10 Âm lịch, không chỉ người Khơmer ở Trà Vinh mà cả người Kinh, người Hoa và người ở các tỉnh lân cận cũng về đây chung vui. Họ cùng nhau nhảy múa, xem hát Dù kê, thả đèn gió…thắt chặt thêm tình đoàn kết, hòa hợp các dân tộc anh em ở vùng sông nước Cửu Long. Ngày nay, ao Bà Om thường được các học sinh sinh viên chọn làm nơi cắm trại vào những dịp lễ hay lúc nghỉ hè. Đây cũng là nơi hẹn hò của nhưng đôi nam nữ cũng như là nơi các cặp vợ chồng mới cưới đưa nhau ra chụp hình quay phim lưu niệm.

(Ảnh: TL)

Vị thế của ao Bà Om trong việc thu hút khách du lịch là ao không nằm tách biệt riêng lẻ mà bên cạnh ao còn có ngôi chùa Khmer cổ nhất Trà Vinh, được gọi là chùa Âng, đây là ngôi chùa Khmer cổ nhất Việt Nam theo truyền thuyết được xây dựng vào năm 990 tức cuối thế kỷ 10, độc đáo và hài hoà với cảnh sắc thiên nhiên. Tại đây, cũng như hàng trăm ngôi chùa Khmer khác ở Trà Vinh, người ta hành lễ vào tháng 8 Âm lịch theo ba bước. Bước thứ nhất gọi là Kan-banh, bắt đầu từ ngày 1 đến ngày 14. Bà con đem đồ cúng vào chùa để các nhà sư làm nghi thức lễ hội. Ngày cuối cùng của Kan-banh, mỗi gia đình đều gói bánh tét, bánh chuối, bánh ít để cúng chùa, cúng ông bà và tặng những người thân thích. Bước thứ hai, đúng vào ngày Rằm tháng 8 Âm lịch, gọi là Phchubanh. Người ta chuẩn bị rất chu đáo các lễ vật đem lên chùa. Đến trưa, sau khi dâng cơm sư sãi, họ làm lễ rước vong hồn linh thiêng của ông bà, cha mẹ về nhà để gần gũi con cháu. Bước thứ ba là lễ cúng đưa. Bà con dọn cơm cúng, khấn vái xong, để thức ăn đồ uống vào chiếc xuồng làm bằng bẹ chuối thả xuống mương rạch gần nhà để ông bà đem theo. Sau đó, mọi người tiếp tục vui chơi. Ngoài ra, Bảo tàng Văn hóa Khmer cũng được đặt tại đây.

Quần thể bộ ba ao Bà Om, chùa Âng, Bảo tàng Văn hóa Khơmer được xác định là địa điểm du lịch hàng đầu trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Trà Vinh trong thời gian tới.

Thanh Mỹ

Top