Di sản nhà khoa học trong không gian xanh

Nhiều người từng băn khoăn rằng: “Tại sao MEDDOM (1) xây dựng Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM Park) ở xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình?”. Lý do là bởi hiếm có nơi nào phù hợp với chiến lược phát triển của Ban Lãnh đạo MEDDOM như ở nơi đây: xây dựng mô hình di sản nhà khoa học trong không gian xanh và phát huy những giá trị di sản ấy tới công chúng, trước hết ở tỉnh Hòa Bình và vùng Tây Bắc.

Dòng suối, rừng cây, hoa lá tạo nên cảnh sắc đượm màu xanh thiên nhiên ở Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam

MEDDOM Park có diện tích hơn 34ha, được bao phủ màu xanh thiên nhiên tạo cảm giác yên bình. Khác với vẻ hoang sơ những ngày đầu, quá trình cải tạo cảnh quan đã tạo cho Công viên một diện mạo mới thơ mộng và phóng khoáng hơn: những rừng cây bạt ngàn, các loài hoa khoe sắc cùng dòng suối trong mát. Giữa không gian xanh là “không gian di sản nhà khoa học”, với hệ thống kho lưu trữ tài liệu hiện vật phong phú, các cuộc triển lãm, trưng bày, các hoạt động mang tính giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh... Di sản nhà khoa học chính là giá trị cốt lõi làm nên sự độc đáo của MEDDOM Park so với rất nhiều công viên khác.

Du khách thích thú với những góc chụp ảnh đẹp

“Không gian xanh” và “không gian di sản nhà khoa học” hòa quyện vào nhau, khiến nhiều du khách không khỏi ngỡ ngàng. Với sự tinh tế của một nhà sử học, GS.NGND Vũ Dương Ninh (nguyên Chủ nhiệm khoa Quốc tế học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN) nhận định: “Rất khâm phục những người sáng lập Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam bởi tính lạng mãn trong khoa học. Đúng! Có lạng mãn mới làm được khoa học, khoa học nâng tầm sự lãng mạn. Chất thơ, ý thơ đi theo mỗi bước chân của khách tham quan, tạo tâm lý thoải mái, hứng khởi”(2) Lần đầu tiên đặt chân tới Công viên, Giáo sư thốt lên: “Tôi đã bị cảm hóa!”(3).

Giữa không gian rộng 34ha là tòa nhà lưu trữ di sản của các nhà khoa học Việt Nam

Nhiều nhà khoa học, du khách khi lên thăm MEDDOM Park đều có cảm nhận: từ ngỡ ngàng, choáng ngợp đến cảm phục, tin tưởng. Các nhà lưu trữ học uy tín như GS.TSKH Nguyễn Văn Thâm (nguyên Trưởng khoa Văn bản và Công nghệ hành chính, Học viện Hành chính quốc gia), PGS Nguyễn Văn Hàm (nguyên Chủ nhiệm Khoa Lưu trữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐHQGHN)... bày tỏ sự lạc quan vào tương lai phát triển của MEDDOM Park.

Vậy nên, “không gian xanh” và “không gian di sản nhà khoa học” ở MEDDOM Park đều là mục tiêu chiến lược và không thể tách rời. Tạm rời xa khói bụi thành phố, hòa mình vào thiên nhiên, vào không gian di sản chẳng phải thú vị lắm sao? Kể từ khi mở cửa tháng 11-2016, Công viên thường xuyên đón các đoàn khách trong và ngoài tỉnh Hòa Bình đến tham quan. Đặc biệt mỗi dịp nghỉ lễ, có hàng nghìn lượt khách thuộc mọi thành phần và lứa tuổi tới đây tìm hiểu về các nhà khoa học, khám phá thiên nhiên, trải nghiệm các trò chơi team building... Có thể con số hơn 21 nghìn lượt khách dịp Tết Nguyên đán 2018, hơn 3 nghìn lượt dịp 30-4-2019... còn rất khiêm tốn so với nhiều địa điểm tham quan du lịch khác cùng thời điểm. Song, hầu hết du khách đều trân trọng mô hình riêng có của MEDDOM Park. Họ tìm thấy ở đây những giá trị khoa học, văn hóa của thế hệ cha anh trong sự yên bình, thư thái. Đó là điều đáng quý, rất ý nghĩa, là động lực để MEDDOM cố gắng vững bước và phát triển.

GS.NGND Vũ Dương Ninh thăm hệ thống kho lưu trữ tài liệu của các nhà khoa học Việt Nam

Đi lên từ sự khác biệt, từ một con số 0 tròn trĩnh về chuyên môn quả thực khó khăn biết nhường nào, nhưng MEDDOM đã hiện thực hóa được mô hình bảo tồn và phát huy di sản của các nhà khoa học. Thành công ấy bắt nguồn từ sự đồng lòng quyết tâm của toàn thể cán bộ nhân viên MEDDOM, sự định hướng của các thầy cô dày dạn kinh nghiệm, sự đầu tư toàn diện của MEDLATEC Group và không thể không kể đến sự tin tưởng của các nhà khoa học, sự hưởng ứng của cộng đồng xã hội suốt 11 năm qua. MEDDOM Park đang ngày càng chứng tỏ ưu thế về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, tiềm lực di sản nhà khoa học, là một sự lựa chọn lý tưởng cho du khách tỉnh Hòa Bình và mọi miền đất nước.

Trưng bày “Thẳm sâu trong từng kỷ vật” thu hút sự quan tâm của du khách gần xa

Trên cơ sở uy tín đã tạo lập, MEDDOM Park sẽ tiếp tục đổi mới diện mạo từng ngày nhằm đưa di sản của các nhà khoa học đến gần công chúng hơn. Với mong muốn ngày càng đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của khách tham quan trong và ngoài nước, MEDDOM luôn trân trọng từng lời góp ý, động viên của du khách về cảnh quan và hệ thống dịch vụ.

Nguyễn Thị Hợp

Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam

 

(1) Tên viết tắt của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM Center) ở Hà Nội và Công viên Di sản các nhà khoa học Việt Nam (MEDDOM Park) ở Hòa Bình, được thành lập năm 2008.

(2) Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS.NGND Vũ Dương Ninh, 12-5-2019, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

(3) Tài liệu ghi âm phỏng vấn GS.NGND Vũ Dương Ninh, 12-5-2019, đã dẫn.

Có thể bạn quan tâm

Top