Di sản làm bằng... lau sậy

Đó là lăng mộ Kasubi chôn cất bốn vị vua của dân tộc Buganda, ngày trước được gọi là những Kabaka, thuộc Uganda.

Cung điện được xây dựng lần đầu tiên trên khu nghĩa địa Hoàng cung bởi Kabaka Mutesa I vào năm 1882. Theo truyền thống của người Buganda, nếu Nhà Vua qua đời, ông ta sẽ được chôn cất, riêng xương hàm của Nhà Vua được tháo ra và đặt trong một đền thờ của Hoàng gia ở một địa điểm khác vì người Buganda cho rằng xương hàm mang theo linh hồn. Nhưng khi Kabaka Mutesa I qua đời, ông được chôn trong cung điện trước đây cùng với xương hàm của mình. Ba đời vua sau đó đều được giữ lại xương hàm. Lăng mộ của các vị vua của người Buganda có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì những truyền thống xưa kia đã bị chôn vùi cùng với sự ra đi vĩnh hằng của bốn vị vua. Kể từ đó, tất cả hậu duệ của bốn kabaka được chôn phía sau ngôi đền chính. Nó đã trở thành một nghĩa trang hoàng gia của Vương quốc Buganda.

(Ảnh:TL)

Người ta dựng lên một lăng mộ lớn cạnh nơi an táng của Hoàng gia. Mái của ngôi nhà này được đỡ bởi những cây cột gỗ và tường được dựng bằng lau sậy đan vào nhau. Cạnh đó là Nhà của trống Hoàng gia. Có rất nhiều ngôi nhà nhỏ dành cho các quả phụ của Kabaka và cho các nghi lễ khác. Đằng sau Kasubi và các lăng mộ là cửa hậu dẫn vào rừng. Trong rừng, những ngôi mộ của Kabaka được lưu giữ và hầu hết các nghi lễ như gió mùa chỉ được tiến hành ở đó. Cửa sau được che rèm vải và chỉ có góa phụ Kabaka và con cháu của họ được phép đi vào đó. Bên trong lăng mộ có các di tích và chân dung của các vị Kabaka.

(Ảnh:TL)

Mộ Kasubi trưng bày những bảo vật của Hoàng gia như trống, khiên, giáo mác, ảnh và huân chương của các Kabaka. Kiến trúc này rất ấn tượng, các cột gỗ bó trong vải, mặt đất được phủ bằng chiếu lá cọ và cỏ. Các tấm vải được sử dụng để trang trí cột làm từ vỏ cây sung, một loài cây rất quan trọng trong các nghi lễ của người Uganda. Có một truyền thống hoặc quy tắc bất thành văn là những người lợp mái nhà không được phép giao hợp cho đến khi hoàn thành công việc, phụ nữ không được phép vào nhà trong lúc làm mái vì người ta tin rằng điều này sẽ làm cho mái nhà bị dột khi có gió mùa. 52 tộc người của văn hóa Ganda biểu hiện ở 52 vòng tròn đỡ cấu trúc mái. 

(Ảnh:TL)

Ngày nay, khu đất này có tầm quan trọng đặc biệt trong văn hóa Ganda vì nó tượng trưng cho văn hóa và lịch sử của Ganda. Các lăng mộ và cung điện xứng đáng là mẫu mực của kiến trúc cổ châu Phi với lều lau sậy, giáo mác và muông thú. Các  nghi lễ truyền thống được tiến hành quanh năm ở nơi này. Vào những đêm gió mùa, một buổi lễ trang trọng và nghi thức lên đồng được tổ chức giữa người dân bộ lạc với các vị vua. Chỉ có điều là các nghi lễ được tiến hành rất bí mật bên trong tòa nhà, những người ngoại tộc không thể biết được.

(Ảnh:TL)

Năm 2001, lăng tẩm Kasubi được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Chẳng may, vào ngày 16 -3 -2010, một số tòa nhà chính gần như bị phá hủy hoàn toàn bởi hỏa hoạn. Vương quốc Buganda đã tuyên bố sẽ xây dựng lại các lăng tẩm của các Nhà Vua và Tổng thống Museveni cho biết Chính phủ Uganda sẽ hỗ trợ tái thiết khu vực này.

 Hồng Hà