Thế giới kiến trúc biết đến Vua Shah Jahan với công trình vĩ đại dành tặng người vợ yêu dấu của mình là Mumtaz Mahal - một kiến trúc là biểu tượng của tình yêu và sự lãng mạn - đó chính là lăng mộ Taj Mahal, bang Agra của Ấn Độ. Khi dời đô từ Agra về Delhi, Vua Shah Jahan lại ghi dấu với kiến trúc thế giới bằng một công trình kỳ vĩ khác, đó chính là Pháo đài đỏ - nơi được mệnh danh là thiên đường trên mặt đất ở thế kỷ XVII.
Những con số thống kê ở quần thể kiến trúc Pháo đài đỏ thực sự ấn tượng. Với diện tích 92,6ha, phần tường thành bao quanh pháo đài dài đến 2.500m, chiều cao trung bình 16 - 33m, và rất nhiều các kiến trúc bên trong tường thành phục vụ cho việc thiết triều, nơi ở, nơi làm việc, giải trí của nhà vua, được xây dựng theo kiến trúc Mogon - lối kiến trúc tổng hợp phong cách của Ấn Độ, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ, và Hồi giáo. Pháo đài có tổng cộng 14 cổng ra vào. Tên gọi Pháo đài đỏ bắt nguồn màu sắc nổi bật của đá sa thạch đỏ, vật liệu chính xây dựng nên quần thể kiến trúc độc đáo này.
Cảm nhận về sự nhộn nhịp, đông đúc của một đất nước có số dân lớn thứ hai thế giới thật rõ khi chen trong dòng người dày đặc ở Delhi vào buổi sáng sớm. Không khó để tìm một chiếc xe ba bánh, một loại phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở Ấn Độ để đến Pháo đài đỏ. Dưới ánh nắng chói chang, sắc đỏ của pháo đài nằm bên sông Yamuna đã nổi bật ở đường chân trời từ phía xa.
Vẻ đồ sộ vững chãi của bức tường thành Pháo đài đỏ ở Delhi. (Ảnh:TL)
Cổng chính của Pháo đài là cổng Lahore với lối xây dựng mái vòm hình củ hành đặc trưng kiểu Ấn. Pháo đài được xây dựng chính thức từ năm 1638, Vua Shah Jahan - vị vua thứ tám của Vương triều Mughal chỉ mất có 10 năm để hoàn thành “thiên đường mặt đất” này.
Những ai đến với Pháo đài đỏ đều ấn tượng với vẻ đồ sộ, lộng lẫy của nó ngay từ khi bước chân cổng vào Lahore với dãy tường thành cao vút, thẳng tắp uy nghi. Cổng chính được với bố trí 2 bảo tháp hình vòm đối xứng, xen giữa 2 bảo tháp là 7 tháp nhỏ dáng củ hành làm từ đá trắng. Điều này thể hiện rõ quan điểm quen thuộc trong việc sử dụng các con số lẻ may mắn như 3 - 5 - 7 - 9 vào kiến trúc, đây cũng là một đặc trưng của văn hoá Hindu. Từ cổng Lahore, dễ thấy phần tường thành bảo vệ Pháo đài đỏ hợp thành từ nhiều phiến đá sa thạch lớn, được gọt đẽo công phu, sắp xếp cẩn trọng tạo nên sự bề thế, vững chắc. Phần trên tường thành có các mẫu chóp trang trí hình cánh sen - một kiểu trang trí quen thuộc mang âm hưởng Hindu giáo ở Ấn Độ.
Các lối trang trí đỉnh vòm ở Pháo đài đỏ vừa tạo sự mềm mại, duyên dáng cho khối kiến trúc khô cứng của chất liệu đá, bên cạnh đó còn giữ vai trò tăng thêm chiều cao, sự bề thế cho tường thành, toà tháp, giúp cho kiến trúc thêm vẻ uy nghi, diễm lệ, xứng tầm với một không gian hoàng cung, của quyền lực bậc nhất dưới Vương triều Shah Jahan.
Toà kiến trúc Diwan I Am với kết cấu vòm quen thuộc. Chất liệu đá sa thạch đỏ là chủ đạo trong kiến trúc pháo đài. (Ảnh:TL)
Đi sâu vào không gian của Pháo đài đỏ, từng toà kiến trúc mang những công năng riêng dành cho hoàng tộc là những câu chuyện sinh động của Vương triều Shah Jahan trong lịch sử. Dưới triều đại Mughal, mỗi vị vua khi lên ngôi đều có những cung cách thiết triều riêng biệt, thể hiện quyền lực, uy thế và gu thẩm mỹ của nhà vua thông qua kiến trúc, trang trí nơi thiết triều. Pháo đài đỏ cũng vậy, toà kiến trúc có tên gọi Diwan I Am, với lối kiến trúc vòm nối liên hoàn rất quen thuộc trong các công trình được xây dựng dưới triều Vua Shah Jahan. Chính giữa toà nhà là một bệ đá cao, làm từ đá cẩm thạch trắng, với rất nhiều nét khảm các loại đá quý nhiều màu, thể hiện nhiều họa tiết hoa lá, chim muông rất sinh động. Khối kiến trúc này có 9 gian chiều rộng và 3 gian chiều sâu, mỗi cây cột có đến 12 cạnh (theo tài liệu ghi lại dưới thời Vua Shah Jahah), các cây cột này được trang trí rất công phu, có mạ vàng và treo lụa sang trọng để tăng thêm vẻ đẹp và sự nguy nga của sảnh đường này. Đây là nơi gặp gỡ giữa Nhà Vua và thần dân, cũng là nơi để Vua lắng nghe, tiếp nhận những ý kiến, những kiến nghị từ thần dân của mình.
Sự lộng lẫy, tinh tế, từ vẻ đẹp của mỗi toà kiến trúc ở Pháo đài đỏ được xem là một biểu tượng thể hiện quyền lực, sự thịnh vượng, và trên hết đó là các giá trị nghệ thuật kiến trúc vượt thời gian. Các kiến trúc trong Pháo đài đỏ dù không còn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp của các chi tiết trang trí ban đầu, mà theo sử sách chép lại thì các trang trí ở đây chủ yếu bằng vàng, bạc và các loại đá quý, đá bán quý, nhưng những gì lưu lại hôm nay cũng đủ minh chứng về một công trình tốn kém, thể hiện sự điêu luyện của các nghệ nhân trong từng chi tiết nhỏ khi tiến hành xây dựng cung điện nguy nga này. Những dãy phòng dành riêng cho hoàng đế sử dụng, nhà ăn, nhà ngủ, nhà cầu nguyện, các sảnh đường nối với lâu đài dành riêng cho cung tần mỹ nữ, toà tháp nơi nhà vua đứng trước thần dân trong các nghi lễ hàng ngày… với tên gọi như Nahr-i-Behisht, Mumtaz Mahal, Mussaman Burj, Diwan-i-Khas... mỗi nơi mang một vẻ đẹp, một phong cách trang trí trong kiến trúc rất riêng, đem lại cho tổng thể Pháo đài đỏ xứng danh là một “thiên đường mặt đất”.
Cổng chính của Pháo đài đỏ ở thủ đô New Delhi. (Ảnh:TL)
Ngoài sắc đỏ là chủ đạo, Pháo đài đỏ còn có một số kiến trúc được sự pha trộn nhiều màu sắc bắt mắt khác như Rang Mahal, mệnh danh là “cung điện sắc màu”, nơi khắp các bức tường, trần nhà, đều sử dụng chất liệu nổi bật là đá cẩm thạch trắng, trên đó mang các chi tiết chạm, khảm các hoa văn trang trí bằng đủ màu sắc khác nhau. Các ô cửa sổ cũng là một phiến đá nguyên khối, chạm lộng lên những hoa văn cực kỳ tinh tế. Vòm trần của kiến trúc này được ghép những chi tiết trang trí bằng thuỷ tinh, tạo hiệu ứng lấp lánh đẹp mắt nên còn có tên gọi khác là “cung điện những chiếc gương”.
Qua những khối kiến trúc và các chi tiết trang trí độc đáo, tinh xảo ở Pháo đài đỏ, chứng tỏ rằng Vua Shah Jahan là người tiên phong trong việc vận dụng các chất liệu trong xây dựng. Bởi lối kiến trúc Mogon thường dùng chất liệu đá sa thạch đỏ, Shah Jahan đã vận dụng thêm khi xây dựng cung điện cho mình chất liệu đá cẩm thạch trắng, khảm lên đó vô số các chi tiết trang trí phô diễn một trình độ vẹn toàn của mỹ thuật khảm khắc trên đá của Ấn Độ ở thế kỷ XVII.
Mỗi toà kiến trúc ở Pháo đài đỏ giữ một công năng riêng phục vụ hoàng tộc. (Ảnh:TL)
Vua Shah Jahan trong thời gian trị vì từ 1627 - 1658, ngoài xây dựng hai kiến trúc bất hủ là Taj Mahal và Pháo đài đỏ, ông còn có các công trình nổi tiếng khác như Jama Masjid, lăng mộ Jahangir, vườn Shalimar…
Với vẻ đẹp độc đáo, tráng lệ đó, Pháo đài đỏ đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 2007.
Thu Hà