Dệt Hồi Quan
Theo các cụ cao niên trong làng kể lại, nghề dệt có từ bao giờ và do ai truyền lại đến nay vẫn là một câu hỏi, chỉ biết rằng, từ lâu lắm rồi người làng Hồi Quan rất thạo nghề canh cửi. Từ xa xưa, người Hồi Quan đã có tục con gái đến tuổi trưởng thành, ai cũng đều phải biết được các công đoạn từ lúc có con sợi, mộc, cho đến khi ra vuông vải bông khổ hẹp, hay tấm lụa tơ tằm để đem đi bán ở các chợ phiên quanh vùng. Trước Cách mạng tháng Tám, hầu như nhà nào cũng có một khung cửi, nhà nhiều có tới 5-6 khung và phải thuê thợ đến làm. Sản phẩm chính của làng nghề này là vải khổ hẹp (40cm), vải màn, đũi, vải dày, vải màu kẻ đổ dọc, vải tơ tằm, vải lụa tơ ươm và có thời kỳ dệt cả gạc y tế hay còn gọi là “vải nhà thương”.
Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ở miền Bắc, làng nghề vẫn được duy trì và đem lại nguồn thu nhập đáng kể là động lực giúp người dân Hồi Quan đánh đuổi giặc xâm lược. Sau năm 1954, khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, nghề dệt được mở rộng với các khung dệt khổ rộng và kỹ thuật dệt cũng được cải tiến từ khung 3 tăng (giật dây), đến khung đạp chân, dệt được các mặt hàng như vải diềm bâu, vải phin mộc và phin màu kẻ sọc. Phát triển hưng thịnh nhất là vào những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Toàn xã có đến hơn 95% số hộ làm nghề, tạo ra các loại sản phẩm như: mành tăm xuất khẩu; các sản phẩm vải màn, phin, nilon, khăn mặt… tiêu thụ khắp và trong ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương đưa Tương Giang trở thành một trong những điển hình về phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp của tỉnh Hà Bắc (cũ).
Tuy nhiên, do tác động của khoa học công nghệ kỹ thuật, nghề dệt ngày càng phát triển tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng có giá cạnh tranh, mặt khác hàng dệt may của Trung Quốc tràn ngập thị trường, giá rẻ, mẫu mã đa dạng đã làm cho thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề bị thu hẹp lại. Nhiều hộ chuyển đổi sang làm các ngành nghề khác, con em trong làng vào làm trong các khu công nghiệp tập trung, làng nghề có những thời điểm chỉ còn vài hộ duy trì hoạt động cầm chừng, sản phẩm đơn điệu chủ yếu là vải màn và khăn mặt.
Với quyết tâm không để mai một nghề dệt truyền thống, chính quyền và người dân Tương Giang đã xác định: Đi đôi với việc phát triển các ngành nghề mới có thu nhập cao không ảnh hưởng đến môi trường, tạo cho kinh tế của xã phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thì cần phải gìn giữ và phát triển nghề dệt truyền thống để vừa tạo thêm nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của làng nghề. Dưới sự chỉ đạo, tạo điều kiện về mặt bằng sản xuất, khuyến khích của chính quyền, những người tâm huyết với nghề dệt quê hương đã tập trung tìm kiếm thị trường, đầu tư kinh phí đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô, liên kết sản xuất, thành lập tổ hợp sản xuất, rồi đến các công ty sản xuất và bao tiêu sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Chính vì vậy, nghề dệt của địa phương dần được khôi phục với diện mạo mới, các dây chuyền sản xuất hiện đại đã hiện hữu về làng thay thế những cỗ máy dệt lạc hậu, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.
Ngày nay, đến với Hồi Quan, bước tới cổng làng đã tạo cho du khách sự thoải mái của làng xã Việt Nam. Từ đây, nét độc đáo của các làng cổ Bắc Bộ còn lại là con đường lát gạch chỉ đã mòn theo thời gian. Đi sâu vào từng xóm ngõ chúng ta nghe rộn rã tiếng thoi đưa của các khung cửi vang vang từ những nếp nhà cổ kính, những mái ngói rêu phong. Toàn xã có hơn 3.700 hộ dân, hiện đã có hơn 400 hộ làm nghề dệt với số lượng lao động hơn 1.000 người và 15 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực này. Mỗi ngày tại đây sản xuất được 38.000m2 vải thô, 1.400 kg khăn các loại và hơn 6.000m2 vải y tế. Nguyên liệu sản xuất gồm sợi thô, sợi PE, sợi cotton. Ngoài những doanh nghiệp sản xuất lớn, có nhiều hộ chuyên sản xuất gia công cho các công ty những mặt hàng như: Gạc y tế, khăn mặt các loại, màn tuyn xuất khẩu, kéo sợi… Ngoài ra còn có khoảng 65-70% số hộ sản xuất quần áo, khăn cho trẻ sơ sinh hoặc làm các dịch vụ kinh doanh các khâu trung gian mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân địa phương.
Những năm cuối của thế kỉ XX, tình hình kinh tế-xã hội thế giới và trong nước có nhiều biến động, nhưng nhờ sư năng động, nhạy bén người dân Hồi Quan mở thêm nghề dệt mành tăm xuất khẩu (chủ yếu xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu). Đến nay, nghề dệt mành tăm vẫn được duy trì và phát triển góp phần nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.
Những năm gần đây, nghề dệt đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nghề dệt tuy là nghề phụ được làm khi nông nhàn nhưng lại đem lại thu nhập chính cho người dân. Trên bước đường phát triển và hội nhập, người dân Hồi Quan vẫn duy trì nghề dệt của cha ông để lại như bảo tồn một nét đẹp văn hóa của mảnh đất Tiêu Tương huyền thoại.
Nguyễn Chính