Đền làng Lụi - Một kiến trúc vừa lạ vừa quen

Tọa lạc tại vị trí trung tâm của làng Lụi xưa, nay là xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An, đền làng Lụi được xem là một di tích khá độc đáo với kiến trúc kiểu nhà sàn duy nhất còn lại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đền làng Lụi là một ngôi đền cổ, tương truyền được khởi dựng vào đầu thế kỷ XIV, gắn với quá trình di cư của một  bộ phận dân cư của họ Trương, họ Lê có nguồn gốc ở Cao Bằng vốn từng theo Lê Lợi chinh chiến ở vùng đất miền núi Nghệ An và đã ở lại đây sinh sống, lập làng. Đến năm 1892 đền được tôn tạo lại và tồn tại từ đó cho đến nay. 

Căn cứ bài trí thờ tự và sắc phong lưu giữ tại đền cho thấy vị thần được thờ chính ở đây là Cao Sơn – Cao Các là một vị thần được thờ khá nhiều ở mảnh đất xứ Nghệ. Bên cạnh đó, đền còn phối thờ Nghĩa Lục Hầu Trương Đình Thọ, Hổ Tướng tôn thần Lê Văn Mại - 2 vị tướng người dân tộc Thổ từng theo Vua Lê Lợi đánh quân Minh.

Về vị trí địa lý, cảnh quan: Đền làng Lụi về hướng Tây - Bắc, 4 phía đền hiện nay là khu dân cư sinh sống. Theo “đồ cảo” làng Lụi của dòng họ Trương Văn, một dòng họ đến vùng đất này khai cơ lập ấp vào năm 1431cho biết: Khi dựng làng, xây đền, tổ tiên, cha ông đã dựa trên thuyết phong thủy để tạo sự thịnh vượng lâu dài cho con cháu: “Đây là khu đất dương cơ, long hồi thủy tụ,Đền thuộc hướng Càn nhìn về phía Tây- Bắc, lấy núi Bẳn (hình tròn) tượng trưng đống thóc cao xối ngọn. Xa xa là núi con Voi đang quỳ chầu, núi Đuống nối dài đẹp như cối đuống đâm lúa, thế là không bị đói kém. Lưng làng dựa vào núi Dông (hay gọi là hậu chẩm). Có núi đồi chạy dài, đó là bức tường thành vững chắc không sa ngã, có con khe ngăn cách, khi có gì xảy ra thì theo dòng nước đưa đi nơi khác, dẫn ra sông, thế là an toàn”.

Về kiến trúc di tích: Đền làng Lụi có kiến trúc kiểu nhà sàn, một tũa theo kiểu chữ Nhất, gồm 3 gian, 4 vỡ, hai chái, mái lợp ngói âm dương. Kết cấu kiến trúc đền làng Lụi được cấu tạo bởi các bộ phận sau:

 Phần bao che quan trọng nhất của kiến trúc đền là hệ mái gồm 4 mái, 2 mặt mái chính rộng bao phủ toàn bộ công trình, 2 mái bên nhỏ hơn che kín 2 hồi. Giữa bờ nóc đắp nổi hình tượng “mặt hổ phự”, 2 đầu kìm và  4 đầu đao ở góc mái trang trí hình 4 đầu rồng cách điệu, đắp bằng vữa tam hợp trộn các loại phẩm màu truyền thống. Phía dưới lớp ngói vảy là hệ thống hoành, rui. Hoành có kích thước 0,08m x 0,07m, dài 3,8m, gác qua các bộ vì theo chiều dọc nhà tạo thành mặt phẳng của mái, rui bản kích thước 0,07m x 0,02m, nằm vuông góc trên các đường hoành chạy theo chiều dốc của mái.

Dưới lớp mái đền làng Lụi, còn có thêm một lớp ván gỗ, rộng 0,2m, dày 0,02m, độ dài của các tấm ván khác nhau để lắp ghép cho phù hợp với từng cấu kiện của nhà. Ván gỗ được liên kết với nhau qua các xà, cột tạo thành hệ thống trần nhà, có tác dụng giảm bớt nhiệt độ mỗi khi thời tiết nắng nóng và tăng tính thẩm mỹ cho di tích. Việc trang trí ván trần ở đền làng Lụi tạo cho di tích trở nên độc đáo và tương đối lạ so với các di tích khác trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện nay.

Đền làng Lụi được cấu tạo bởi 4 bộ vì (2 vì chính và 2 vì hồi). Hai bộ vỡ giữa kết cấu giống nhau theo kiểu “giao nguyên”, liên kết bởi hệ thống cột chắc chắn. Trên đỉnh vì nóc là thượng lương kích thước 0,18m x 0,05m, dài 6,0m, tỳ lực lên thanh kẻ suốt có kích thước 0,2m x 0,15m chạy dọc theo chiều dốc của mái được liên kết bởi hệ thống câu đầu (0,2m x 0,12m, dài 1,6m), quá giang (0,3m x 0,15m, dài 3,8m) và trụ trốn cao 1,0m, ăn mộng vào thân cột cái tạo thành một bộ vì chắc chắn. Hệ thống vì kèo ở hai hồi được làm theo kiểu thức tương tự như vì kèo giữa, song trên vì nóc gắn thêm ván mê với tấm gỗ nguyên khối, được kê trên câu đầu, có tác dụng che chắn mưa, gió cho di tích.

Nâng đỡ toàn bộ hệ mái nhà của tũa đền là hệ thống cột gỗ lim gồm 28 cột (8 cột cái, 8 cột quân, 12 cột hiên) chia thành 6 hàng cột. Bên cạnh đó, 4 góc nhà còn có 4 trụ hiên xây bằng gạch chỉ theo kiểu bệ vuông thót đáy đảm nhận chức năng đỡ các đầu đao của mái. Kích thước thứ tự từ ngoài vào trong như sau: Ngoài cùng là cột hiên đường kính 0,4m, cao 2,93m, tiếp theo là hàng cột quân đường kính 0,3m, cao 3,7m, phía trong cột quân là hàng cột cái đường kính 0,3m, cao 4,7m. Trong số các cột cái, có 4 cột được các nghệ nhân sử dụng kỹ thuật “trốn cột” để tăng không gian cho nhà. Toàn bộ cột được đặt trên các chân tảng vuông bằng đá xanh, kích thước 0,47m x 0,47m cao so với nền nhà 0,1m.

 Di tích đền làng Lụi là một công trình kiến trúc khá độc đáo còn lại trên mảnh đất xứ Nghệ, thể hiện qua lối kiến trúc theo kiểu thức nhà sàn, một kiến trúc gần gũi và tiêu biểu của dân tộc Việt Nam thường áp dụng cho loại hình kiến trúc đình làng thế kỷ 18 ở phía Bắc như đình Tây Đằng, đình Chu Quyến (Hà Nội) và các ngôi nhà sàn xưa của người Việt, nhưng kết cấu lại khá đơn giản. Qua tìm hiểu các cụ cao niên tại địa phương và thực tế tại di tích cho thấy: Nguyên xưa, toàn bộ đền có kiến trúc phỏng theo mô hình nhà sàn, do thời gian, chiến tranh, thiên tai, đền làng Lụi chỉ còn lại một gian, có kết cấu mặt sàn còn khá nguyên vẹn. Đây cũng là dấu vết khá quan trọng để chúng ta có thể hình dung ra được kết cấu kiến trúc đặc biệt của ngôi đền này. Mặt bằng sàn đền làng Lụi hiện tại có diện tích 27,26m2, chiều cao so với mặt nền của đền 1,0m. Sàn được nâng đỡ bởi hệ thống các thanh gỗ xẻ 0,2m x 0,15m, ăn mộng vào hệ thống cột cái và cột quân, cột hiên, kết hợp với các thanh xà bắc ngang tạo thành một bộ khung chắc chắn. Phía trên các thanh gỗ là hệ thống ván sàn có chiều dài 3,8m, rộng 0,5m, dày 0,05m, sắp xếp thứ tự theo chiều dọc của gian nhà tạo thành mặt phẳng. Xung quanh là các bức vách đố lụa có chức năng ngăn chia không gian kiến trúc làm 2 phần và có tác dụng bao che cho di tích.

Đền làng Lụi là một kiểu kiến trúc mang một nét riêng biệt và hiếm gặp ở vùng đất Nghệ An. Thông qua kết cấu kiến trúc cho chúng ta thấy một phong cách vừa lạ nhưng cũng rất quen thuộc, “lạ” vì đây là ngôi đền có kiểu kiến trúc nhà sàn có quy mô tương đối lớn duy nhất còn nguyên vẹn ở tỉnh Nghệ An, “quen” vì qua kiểu kiến trúc nhà sàn gợi nhớ đến nguồn gốc xa xưa của dân tộc.

Hiện nay, di tích đang là địa chỉ văn hóa quen thuộc của nhân dân địa phương, là một trong những di tích đang phát huy tốt giá trị văn hóa trên địa bàn. Bên cạnh đó di tích còn là nơi giao lưu gặp gỡ, tăng thêm sự cố kết cộng đồng, nơi bảo lưu những nét đẹp truyền thống của nhân dân như lễ hội làng, lễ tế, lễ rước, các trò chơi dân gian,…Thông qua các hoạt động văn hóa đã khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước, tinh thần tự hào tự tôn dân tộc của thế thệ trẻ.

Hồ Mạnh Hà

Top