Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam làm các thủ tục cần thiết để gửi Hồ sơ tới UNESCO trước ngày 31-3-2016.
Hát Xoan còn được gọi là Khúc môn đình, Ca môn đình (hát cửa đình), là lối hát thờ thần; tương truyền có từ thời các Vua Hùng. Hát Xoan là loại hình dân ca nghi lễ phong tục, với hình thức nghệ thuật đa yếu tố: có nhạc, hát, múa; thường biểu diễn vào dịp đầu xuân, phổ biến ở vùng Đất Tổ Hùng Vương - Phú Thọ.
Hát Xoan có 3 chặng: hát nghi lễ, hát quả cách và hát giao duyên (hát hội) với tổ chức chặt chẽ: Hát Xoan phường, Hát Xoan đoàn và Hát Xoan lễ hội. Trong hát Xoan múa và hát luôn đi cùng, kết hợp với nhau, dùng điệu múa minh họa cho lời ca. Hát Xoan vừa là sản phẩm văn hóa dân gian đặc sắc, vừa là hiện tượng văn hóa dân gian đặc trưng của vùng Đất Tổ Hùng Vương; là một loại hình nghệ thuật dân gian cổ truyền phát triển theo phương thức truyền khẩu, truyền ngôn, truyền nghề; có lịch sử lâu đời và có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa cộng đồng của cư dân nông nghiệp.
Hát Xoan được phục hồi, thực hành thường xuyên bởi các cộng đồng thuộc hai tỉnh Phú Thọ và Vĩnh Phúc, tập trung nhất là 4 phường: Xoan An Thái, xã Phượng Lâu; Thét, Phù Đức và Kim Đái ở xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, Phú Thọ.
Ngày 24-11-2011, Hát Xoan Phú Thọ chính thức được Ủy ban Liên quốc gia của Tổ chức UNESCO họp tại Bali - Indonesia công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
P.V