Dấu tích hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Trung Quốc

Theo nghiên cứu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, trên quãng đường bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động ở Trung Quốc 10 năm, không kể những lần Người đi thăm và làm việc sau này. Người đã đến 21 trong số 33 tỉnh của Trung Quốc. Cũng theo nghiên cứu và thống kê bước đầu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, ở Trung Quốc có trên 70 địa điểm và di tích có liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó có một số di tích đã được nước bạn xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp khu, cấp tỉnh và đang phát huy giá trị trong giáo dục tình hữu nghị và truyền thống cách mạng của nhân dân hai nước.

Nói về quan hệ của mình với cách mạng Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Riêng về phần tôi, trong hai thời kỳ, tôi đã có vinh dự hoạt động trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đến Quảng Châu hồi 1924 - 1927, tôi vừa theo dõi phong trào cách mạng trong nước ta, vừa tham gia công việc do Đảng Cộng sản Trung Quốc giao phó… Lần thứ hai tôi đến Trung Quốc (cuối 1938) là thời kỳ kháng chiến chống Nhật, là một người binh nhì trong Bát lộ quân, tôi làm Chủ nhiệm câu lạc bộ của một đơn vị ở Quế Lâm. Sau đó được bầu làm Bí thư Chi bộ (kiêm phụ trách Rađiô) của một đơn vị ở Hoành Dương”.

Một trong những địa chỉ quan trọng nhất liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc là nơi Người đã mở lớp đào tạo cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam tại thành phố Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông. Đó là ngôi nhà số 13 (nay là số 248-250) đường Văn Minh - được Nguyễn Ái Quốc chọn làm Trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, nơi Người trực tiếp giảng bài, truyền bá chủ nghĩa Mác - LêNin, tư tưởng và phương pháp cách mạng cho lớp cán bộ đầu tiên của cách mạng Việt Nam, chuẩn bị tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Địa điểm lịch sử này đã được Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1971. Năm 1999, chính quyền tỉnh Quảng Đông, trực tiếp là thành phố Quảng Châu đầu tư tôn tạo và sau hơn hai năm phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh thực hiện dự án đến ngày 30 tháng 4 năm 2002 đúng dịp kỷ niệm ngày chiến thắng 30 tháng 4 của Việt Nam, lễ khánh thành được tổ chức rất trọng thể.

Ngôi nhà số 13 (nay là số 248-250) đường Văn Minh - được Nguyễn Ái Quốc chọn làm Trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên

Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên- cái nôi của cách mạng Việt Nam trên đất Trung Quốc là một địa điểm dừng chân không thể thiếu của du khách Việt Nam mỗi khi đến Quảng Châu. Đó cũng là mong muốn của các bạn Trung Quốc và là mục đích của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Đông khi đầu tư gần một triệu nhân dân tệ vào việc tu sửa, tôn tạo Di tích. Đây cũng là điểm đến của các đoàn khách Trung Quốc và bạn bè quốc tế.

Ở tỉnh Quảng Đông còn có nhiều địa điểm khác liên quan đến hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian lần đầu tiên Người về hoạt động tại Trung Quốc. Những năm sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhiều lần đến thăm, nghỉ dưỡng và làm việc tại Quảng Châu và một số địa phương khác thuộc tỉnh Quảng Đông, đã để lại nhiều dấu ấn về tình hữu nghị rất thân thiết của Người với nhân dân tỉnh Quảng Đông nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung.

Trong lần thứ hai trở lại Trung Quốc vào cuối tháng 10-1938. Nguyễn Ái Quốc đã tới Diên An, thuộc phía Bắc tỉnh Thiểm Tây. Sau đó Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bố trí Nguyễn Ái Quốc đi về phía Nam, rồi về Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây. Một điểm rất đặc biệt về mối quan hệ của Bác Hồ với cách mạng Trung Quốc là chính trong thời gian này Người đã là một quân nhân Trung Quốc với bí danh là Hồ Quang. Trong thời gian từ cuối tháng 10-1939 đến khoảng tháng 9-1940, Nguyễn Ái Quốc đã đến nhiều nơi ở Trung Quốc. Người đã gặp và được sự giúp đỡ rất tích cực của các đồng chí lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc như các đồng chí Chu Ân Lai, Chu Đức, Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình, Diệp Kiếm Anh... Người đã đến Văn phòng Bát Lộ quân tại Quý Dương thuộc tỉnh Quý Châu, Văn phòng Bát Lộ quân ở Trùng Khánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên, rồi về thành phố Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam. Tháng 6-1940, Pháp đầu hàng Đức, Paris thất thủ, trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc trở lại Quế Lâm, thuộc tỉnh Quảng Tây. Hiện nay Trụ sở của Văn phòng Bát Lộ quân tại số 96 đường Trung Sơn Bắc, thành phố Quế Lâm cùng một cơ sở của văn phòng ở thôn Lộ Mạc, huyện Linh Xuyên, ngoại ô Quế Lâm đã đều được Bạn bảo tồn như là những di tích cách mạng quý của Trung Quốc. Địa điểm Văn phòng Bát Lộ quân đã được xếp hạng và công nhận Di tích quốc gia. Trong những kỷ vật trưng bày ở nơi này có một số kỷ vật của Thiếu tá Hồ Quang (Nguyễn Ái Quốc).

Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh Liễu Châu nằm ở số 1 đường Liễu Thạch, thành phố Liễu Châu

Một trong những địa danh có nhiều kỷ niệm đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc đó là Long Châu, một huyện biên giới giáp với Cao Bằng và Lạng Sơn nước ta. Lần đầu tiên Người đến Long Châu vào tháng 10-1939. Sau đó vào những năm 1941,1942,1944, Nguyễn Ái Quốc đều hoạt động ở Long Châu. Ở đây nhiều gia đình còn giữ được những kỷ vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt ở Long Châu, nước bạn đã khôi phục một địa điểm gắn với những kỷ niệm về hoạt động của các nhà cách mạng tiền bối Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với sự cộng tác rất chặt chẽ của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại đây đã trưng bày chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với Trung Quốc” và quan hệ giữa cách mạng Trung Quốc và cách mạng Việt Nam. Trong những năm vừa qua nơi đây đã trở thành địa chỉ thân thiết của thế hệ trẻ Việt Nam và Trung Quốc nhân các cuộc gặp gỡ của thế hệ trẻ hai nước.

Nói đến dấu tích hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Quảng Tây không thể không nhắc đến 130 bài thơ Người đã viết trong 377 ngày bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam từ 29-8-1942 đến 10-8-1943. “Quảng Tây giải khắp 13 huyện. Mười tám nhà lao đã trải qua”… Một trong những di tích quan trọng ở Quảng Tây được Bạn xếp hạng là di tích cấp Khu tự trị Choang Quảng Tây đó là ngôi nhà số 2, đường Ngư Phong ở thành phố Liễu Châu, nơi Bác đã ở từ tháng 12-1943 đến tháng 8-1944. Trước ngôi nhà này Bạn khắc dòng chữ Trung Quốc “Hồ Chí Minh cựu cư” (nơi ở cũ của Hồ Chí Minh).

Từ sau khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có hàng chục chuyến thăm chính thức, nhiều lần ghé qua trên đường đi công tác hoặc nghỉ ngơi, dưỡng bệnh ở Trung Quốc. Nhiều địa điểm ở Thủ đô Bắc Kinh còn lưu lại những kỷ niệm về Người: Đó là nơi ở công vụ của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước Trung Quốc trên đường Trường An; Điếu Ngư Đài - nhà khách Chính phủ Trung Quốc; Nhà khách Ngọc Tuyền Sơn, gần Di Hòa Viên ở Bắc Kinh; Nhà nghỉ của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, cách Bắc Kinh 70km, là nơi Bạn bố trí Bác ở trong dịp Người nghỉ và dưỡng bệnh năm 1967…Còn nhiều nơi khác ở các tỉnh Hà Bắc, Chiết Giang, Giang Tô, Liêu Ninh, Sơn Đông… Trên đất nước Trung Hoa rộng lớn đâu đâu người dân cũng dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh sự yêu mến, kính trọng rất đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ nước ngoài duy nhất khi đến Trung Quốc được ở tại khu các đồng chí trong Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc ở trong Trung Nam Hải, Người được đến thăm bất cứ ai ở đây.

Những di tích và địa điểm có liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc là tài sản văn hóa chung của hai dân tộc. Đó là di sản vô giá về mối tình hữu nghị rất đặc biệt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng và suốt đời vun đắp- tình hữu nghị “ vừa là đồng chí, vừa là anh em”.

TS Nguyễn Thị Tình