Như chúng ta biết, năm 1965 là năm đầu tiên Bác Hồ bắt đầu viết Bản Di chúc để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta. Với trách nhiệm lớn lao đối với dân tộc và tầm nhìn của một vị lãnh tụ thiên tài, ngay từ những năm tháng còn khoẻ mạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã suy nghĩ để viết những lời dặn lại. Đó là từ đầu những năm 60 của thế kỷ XX, sau khi dự Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân quốc tế từ Matxcơva trở về. Những bất đồng ý kiến dẫn đến bất hoà giữa các Đảng anh em đã làm Bác suy nghĩ rất nhiều. Trong tình hình quốc tế ấy, ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã dấn sâu thêm tội ác chiến tranh. Chúng tiến hành chiến tranh cục bộ, ồ ạt đổ quân Mỹ vào miền Nam từ năm 1964 và tiến hành chiến tranh phá hoại đánh phá miền Bắc. Dân tộc Việt Nam đang đứng trước một thử thách to lớn.
Theo hồi ký của Thư ký Bác Hồ thì trong năm đầu tiên viết Di chúc Bác Hồ có hai cuộc viếng thăm rất có ý nghĩa. Đó là hai cuộc “gặp lịch sử” của Bác với Nguyễn Trãi và Khổng Tử- hai vị hiền triết phương Đông.
Chùa Côn Sơn (Ảnh:TL)
Trước hết là cuộc gặp của Bác với Nguyễn Trãi- một trong những vị anh hùng dân tộc mà mỗi lần nhắc đến Bác Hồ đều biểu lộ một tấm lòng ưu ái và sự khâm phục sâu sắc. Từ truyền thống của dân tộc, Nguyễn Trãi đã từng tổng kết nhân dân là người quyết định vận mệnh của nước nhà. Nhân dân là người chở thuyền nhưng cũng chính nhân dân có thể là người sẽ lật thuyền. Ngay từ câu mở đầu của “Bình ngô đại cáo” Nguyễn Trãi đã viết:” Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân”. Đây cũng chính là bài học mà suốt đời Bác Hồ đã thực hành, suốt đời là công bộc của nhân dân. Năm 1948 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước và giai đoạn quyết liệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ và chiến sỹ phải dựa vào dân để tiến hành kháng chiến và kiến quốc. Trong tài liệu khuyên cán bộ ta ”6 điều không nên và 6 điều nên làm” đề ngày 5-4-1948 Bác viết: Cuộc kháng chiến và kiến quốc lực lượng chính là ở dân, vậy tất cả các anh chị em, các bộ đội, cơ quan Chính phủ và các đoàn thể trong khi tiếp xúc và chung sống với nhân dân ai cũng phải nhớ và thực hành:
Gốc có vững cây mới bền
Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân.
Chính nhờ thực hành tư tưởng đó mà cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã thắng lợi.
Nay trước giờ phút bước ngoặt của lịch sử dân tộc, trước thử thách ghê gớm đối với độc lập, tự do và thống nhất đất nước Bác Hồ đã lại tìm đến với Nguyễn Trãi. Ngày 15-2-1965 ấy, ngày đầu xuân và là một ngày trong năm đầu tiên Bác Hồ đặt bút viết Di chúc, Người đã về”thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Cuộc gặp gỡ này không phải là một sự ngẫu nhiên mà là một cuộc hẹn lịch sử đã định sẵn. Hai nhà chính trị và quân sự kiệt xuất, hai nhà thơ lớn, hai nhân cách lớn và bao trùm lên tất cả là sự gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân, là tấm lòng tha thiết với hạnh phúc của nhân dân.
Tấm bia hình lục lăng bên cây đại cổ nơi Bác Hồ đọc bia khi về thăm Côn Sơn năm 1965 (Ảnh: TL)
Cuộc hẹn gặp lịch sử thứ hai của Bác Hồ trong thời gian Người bắt đầu viết Di chúc đó là cuộc viếng thăm của Bác với Khổng Tử ngay tại quê hương của Khổng Tủ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Đối với học thuyết của Khổng Tử và Học thuyết Nho giáo nói chung, Bác Hồ đã rất trân trọng những giá trị tích cực của học thuyết này và gạn lọc lấy những yếu tố tinh tuý phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Người đã đánh giá về học thuyết của Khổng Tử: Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Thêm nữa, yếu tố tinh tuý nhất trong học thuyết của Nho giáo là học thuyết về “nhân”- học thuyết về giải quyết đạo làm người và xây dựng một xã hội kỷ cương, trật tự, một xã hội đại đồng. Quan điểm “lấy dân làm gốc” của Khổng Tử sau này đã được Mạnh Tử phát triển một bước trong câu “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” mà chính Bác Hồ đã dịch sang tiến Pháp từ năm 1921” Lợi ích của dân là trên hết, thứ đến là lợi ích của quốc gia, còn lợi ích của vua là không đáng kể”.
Bác đã tự nhận mình là một học trò của Khổng Tử. Suốt đời Người đã phấn đấu thực hiện ”dân vi quý”. Biết ơn Khổng Tử, đúng vào ngày kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75, ngày 19-5-1965 Bác đã về ”thăm” Khổng Tử ngay tại chính quê hương của Khổng Tử.
Đền thờ Nguyễn Trãi (Ảnh: TL)
Như vậy, vào thời điểm lịch sử có tính chất bước ngoặt của dân tộc, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn thử thách khắc nghiệt nhất và là năm bắt đầu viết Di chúc, Bác Hồ lại về với hai vị hiền triết phương Đông. Có lẽ về hai cuộc hẹn lịch sử giữa các vị hiền triết này các nhà viết sử sẽ còn phải dành nhiều thời gian tìm hiểu và viết nhiều bởi vì đó không phải là những sự kiện ngẫu nhiên. Với nơi tưởng niệm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc rất kỹ văn bia. Cuộc viếng thăm Nguyễn Trãi của Người vào ngày 15-2-1965 là sự gặp gỡ của hai vị anh hùng dân tộc tuy cách nhau hơn 5 thế kỷ nhưng cùng chung một tư tưởng lớn đó là lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, mong muốn đem lại cuộc sống hạnh phúc cho nhân dân. Đó cũng chính là dấu ấn Hồ Chí Minh ở nơi tưởng niệm Nguyễn Trãi.
TS Nguyễn Thị Tình