Đặt và đổi tên đường, tên phố Hà Nội: Kết quả và những vấn đề đặt ra

Trung tuần tháng 5 vừa rồi, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề về công tác đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Hội thảo cũng bước đầu thảo luận dự thảo sửa đổi quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng trên địa bàn thành phố, được ban hành theo Quyết định 207/2006/QĐ – UBND ngày 20/11/2006. Đó là hai nội dung, theo tôi là vô cùng cần thiết và kịp thời, trước hàng loạt những vấn đề thực tiễn của công tác này đang đặt ra với Thủ đô mở rộng và tốc độ đô thị hóa vô cùng nhanh chóng.

Tôi không có trách nhiệm lược thuật các ý kiến trong hội thảo và cũng thật khó khăn để lược thuật, vì còn nhiều sự khác nhau trong nhận thức, quan niệm, thực hành và thao tác. Đó là chuyện thường tình của khoa học và cũng phản ánh bộn bề khó khăn của công tác này ở Thủ đô mà những người, những cơ quan trực tiếp thực hiện phải đương đầu, đối mặt. Nói điều này để sẻ chia, để thông cảm, nhưng cũng là lời đánh thức cho những ai quan tâm, muốn đóng góp, để công tác nói trên ngày một tốt hơn. Và, tôi cũng mong muốn Tạp chí Thế giới Di sản, nếu có điều kiện, mở chuyên mục này để rộng đường tham khảo, khi các cơ quan thực thi của  Hà Nội luôn cởi mở và cầu thị.

Nói vậy thôi, đa số ý kiến trong hội thảo đều đánh giá công tác đặt, đổi tên đường, phố và các công trình công cộng của Hà Nội có nhiều kết quả đáng khích lệ. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước có quy chế tạm thời cho công tác này, kể từ sau năm 1954. Chính nhờ đó, tính nhất quán, tính khoa khọc, sự bài bản, nền nếp đã sớm có để làm cơ sở cho sau này. Cơ quan thường trực cho hội đồng đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng là Sở Văn hóa - Thông tin trước đây, nay là Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã xây dựng được một ngân hàng dữ liệu khá phong phú với yêu cầu khoa học tương đối cao để phục vụ cho công tác này một cách chủ động. Sự chuẩn bị hồ sơ cho mỗi lần xét duyệt rất nghiêm túc với những đề xuất tương đối hợp lý, theo đó, nhận được sự nhất trí và đồng thuận cao của hội đồng. Gần đây, lãnh đạo Sở cũng quán triệt để quỹ tên đường, phố tăng thêm tên địa danh cổ và hướng đặt tên đường, phố theo cách này, thiết nghĩ là một việc làm tốt, thỏa mãn được ý nguyện của cộng đồng đa số và định hướng của Hội đồng, khi mà quỹ tên danh nhân ngày càng cạn kiệt và sự nhạy cảm, đưa đến việc chậm trễ đặt tên đường, phố đã và đang đặt ra với Hà Nội trong lĩnh vực này. Hà Nội cũng là địa phương nghiêm túc thực hiện quy trình 8 bước do nghị định và quy chế đề ra, theo đó, có một sự cẩn trọng cần thiết để không gây nên những dư luận không đáng có, làm mất ổn định xã hội.

Trước một địa phương như Thủ đô, theo tôi là khó khăn và phức tạp nhất so với cả nước về công tác này. Tuy nhiên, kể từ năm 1945 đến nay, và đặc biệt là những năm gần đây, việc đặt, đổi tên đường, phố và công trình công cộng Hà Nội đã thực sự giúp cho “quản lý đô thị, quản lý hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hóa – xã hội, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa dân tộc, nâng cao tinh thần yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc, tình hữu nghị đoàn kết quốc tế”. Tôi có thể trích ý này trong Nghị định 91/2005/NĐCP ngày 17-7-2005 của Thủ tướng Chính phủ để nói về kết quả của công tác này của Hà Nội, hẳn cũng hoàn toàn xứng đáng.

Kết quả là như thế, nhưng vẫn còn bộn bề những vấn đề đang đặt ra, trước một Hà Nội mở rộng gấp 3,5 lần, trước một tốc độ đô thị phi mã, trước những thiếu sót của nhiều chục năm qua để lại, trước những bất cập khách quan và chủ quan giữa thực tế và các văn bản pháp quy v.v.

Hà Nội đã đặt tên cho 860 đường, phố, trong đó 425 tuyến đường mang tên danh nhân, chiếm 49,4%. Đây là một tỷ lệ quá lớn, trong khi tiêu chí về danh nhân còn rất nhiều điều phải thảo luận, trong khi nhiều lĩnh vực khác chưa được quan tâm thích đáng (nghề cổ truyền, di tích lịch sử văn hóa, sự kiện lịch sử), trong khi nhiều tên gọi trong số này bị trùng lặp. Một số đường phố trước đây là tên địa danh, làng nghề, phố nghề, sự kiện…, sau được đổi thành tên danh nhân, không đem lại hiệu ứng tốt cho xã hội.

Vấn đề đặt ra cho các đô thị mới cũng có nhiều điều đáng nói. Đó là, sự thiếu nhất quán trong cách đặt tên. Đó là sự tràn lan những tên gọi nước ngoài, mang nặng tính tự phát, gây một sự phản cảm ghê gớm trong công chúng. Trong các khu đô thị mới ấy, việc đặt tên đường, tên phố như thế nào cũng cần được sớm thống nhất và triển khai để tiện ích cho người dân và đảm bảo cho công tác quản lý đô thị.

Việc đặt tên đường, phố ở các làng xã và đô thị hóa thành phường, đường giao thông nông thôn, những tuyến đê có kết hợp giao thông… cũng là những vấn đề đặt ra, khi số lượng ấy ngày càng nhiều trước chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước và của Hà Nội.

Còn nhiều tuyến đường, phố, vì những lý do khác nhau, đã từ lâu đi vào hoạt động, nhưng vẫn chưa có tên gọi, gây rất nhiều phiền phức đối với cộng đồng.

Trên đây chỉ là một số trong vô vàn những khó khăn đang đặt ra với Hà Nội. Và, Hà Nội cũng đang đưa ra những giải pháp tối ưu, đồng bộ, quy phạm và nề nếp, để khắc phục những gì còn chưa được, hướng tới một kết quả tích cực hơn cho một tương lai Thủ đô hiện đại.

TS Phạm Quốc Quan

Top