Đánh thức di sản biển xứ Quảng

Di sản văn hóa biển xứ Quảng vô cùng phong phú, đồ sộ đang lưu tồn dưới lòng đất, lòng biển và trong ký ức cộng đồng, trong tri thức bản địa của cư dân vùng biển với nhiều lĩnh vực, loại hình. Đó chính là tài nguyên nhân văn vô cùng quý báu cần được đánh thức trong chiến lược phát triển biển đảo của nước ta hiện nay.

Kho tàng di sản biển

Dấu ấn của biển đã hiện diện trong đời sống của tổ tiên người Việt từ thời kỳ tiền sử. Những di chỉ “đống vỏ sò” hay “cồn sò điệp” trong các nền văn hóa khảo cổ như văn hóa Quỳnh Văn, văn hóa Bàu Tró, văn hóa Thạch Lạc, văn hóa Hạ Long… là những dấu tích chứng minh biển cả là nơi cung cấp nguồn sống chủ yếu cho cộng đồng người tiền sử cư trú ven biển. Tại Quảng Nam, các di chỉ khảo cổ học thời tiền sử, sơ sử đã phát hiện, khai quật những năm gần đây đã chứng minh con người nơi đây đã gắn bó với biển, đó là di chỉ khảo cổ học “cồn sò điệp” Bàu Dũ ở Tam Xuân, Núi Thành. Qua các lần khai quật, nhất là vào năm 204 đã hiện lên những dấu tích rõ ràng, sinh động nhất và sớm nhất về việc con người nơi đây đã thích ứng và hướng những những hoạt động khai thác của mình vào các tài nguyên, sản vật biển để sinh sống, tồn tại. Hiện vật được phát hiện nơi đây chủ yếu là các đống sò điệp dày còn khá nguyên vẹn. Chứa trong tầng văn hóa đó là di cốt người cổ và các công cụ như bàn mài, rìu đá của người nguyên thủy.

Gốm Chu Đậu cổ vật tàu đắm Cù Lao Chàm

Sau những chủ nhân của “văn hóa sò điệp” là lớp cư dân làm nên “văn hóa Sa Huỳnh”. Văn hoá Sa Huỳnh thuộc sơ kì thời đại đồ sắt (vào năm 400 trước CN và năm 200 sau CN) phân bố ở miền Trung Việt Nam từ Thừa thiên Huế về phía Nam đến vịnh Cam Ranh thuộc phía Nam thành phố Nha Trang. Văn hóa Sa Huỳnh tạo tương tác cho các nền văn hóa của nhiều tộc người trong khu vực miền Trung.

Từ những cứ liệu phong phú được lật lên ở những hố đào giữa thẳm sâu Trường Sơn, có thể nói cư dân Sa Huỳnh có sức sống nội sinh rất mạnh. Để tồn tại, phát triển dọc vùng duyên hải, trên đảo gần bờ họ biết vươn ra sóng nước, ở Trường Sơn họ biết vượt qua núi cao rừng rậm để mưu sinh, tìm mối giao lưu, quan hệ với các tộc người xung quanh. Di chỉ khảo cổ học ở Bãi Ông (Cù Lao Chàm), Xóm Ốc (Lý Sơn) đã chứng minh con người đã sinh sống và sáng tạo văn hóa cách ngày nay từ 2.500-2000 năm trên các đảo gần bờ. Quảng Nam và Quảng Ngãi là cái nôi của văn hóa Sa Huỳnh với những di chỉ khảo cổ học tiêu biểu như Sa Huỳnh, Long Thạnh, Lai Nghi, Gò Mã Vôi, Gò Quê, An Bàng… Hiện vật chủ yếu trong di chỉ Sa Huỳnh ở vùng biển là vỏ nhuyển thể và đồ trang sức bằng vỏ sò, vỏ ốc, các loại hình mộ chum, trang sức mã não, khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai hình vành khăn, khuyên tai 3 mấu nhọn… Những hoa văn “dấu vỏ sò” trên đồ gốm chính là dấu vết của biển trong đời sống kinh tế - xã hội của chủ nhân văn hóa Sa Huỳnh ở Trung Bộ Việt Nam.

Người Chăm cũng để lại những dấu vết in đậm văn hóa biển, tiêu biểu là những giếng cổ ở các đảo gần bờ. Các đảo như Cù Lao Chàm, đảo Tam Hải... lượng nước ngầm trong lòng đất thường rất ít nhưng người Chăm vẫn tìm ra long mạch ngay sát mép biển để đào giếng. Nước giếng ở miền biển không những là nguồn tài nguyên quý để sinh sống mà còn là thứ để cung cấp cho thuyền buôn trên hải trình quốc tế. Ngày nay hàng loạt giếng Chăm mà người Việt vẫn đang dùng, gọi là giếng Hời.

Vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi là nơi các tàu trong nước và nước ngoài đến buôn bán, cập cảng Cửa Đại hoặc Cù lao Chàm, đảo Lý Sơn để nhận hàng và là nơi dừng chân của các thuyền buôn lấy nước ngọt, lương thực cho chuyến đi biển dài ngày. Đây cũng là nơi những con tàu gặp nạn bị chìm nằm sâu dưới lòng biển hàng thế kỷ, tiêu biểu là tàu đắm Cù lao Chàm (Hội An), Châu Thuận Biển (Bình Sơn). Riêng tại Quảng Nam, các chuyên gia khảo cổ học dưới nước đã trục vớt từ con tàu đắm Cù lao Chàm được 340 nghìn cổ vật, trong đó có 250 nghìn còn nguyên vẹn với trên 40 loại hình khác nhau, chủ yếu là đồ gốm sứ Chu Đậu (Hải Dương) và một số đồ gốm sứ Thăng Long thuộc thế kỷ 15. Sau 2 lần khai quật khảo cổ học dưới nước vào những năm 90 của thế kỷ trước và từ năm 2004-2007, một số cổ vật được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hải Dương (nơi xuất xứ gốm Chu Đậu), Bảo tàng Quảng Nam.

Sau phát hiện cổ vật ở con tàu đắm vùng biển Cù lao Chàm, các vùng sông nước khác của Quảng Nam như biển Cửa Đại, sông Thu Bồn, sông Trường Giang, Cửa Lở, vịnh An Hòa, bãi Bấc (Tam Hải, Núi Thành)... cũng liên tiếp phát hiện cổ vật. Năm 2014, trong lúc ở Quảng Ngãi đang khai quật con tàu đắm Châu Thuận Biển (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) thì tại vùng biển xã Tam Hải, Núi Thành (Quảng Nam) rộ lên việc ngư dân khai thác cổ vật trái phép tại Rạng Mơ thuộc bãi Bấc (thôn Thuận An, xã Tam Hải). Một ngư dân ở thôn 2 xã Tam Hải đã lặn được hàng trăm cổ vật gồm các loại hũ có kích cở nhỏ, tô, bát, đĩa có men và trang trí hoa văn rất đẹp. Với những bằng chứng như vậy, khả năng có một “nghĩa địa các con tàu đắm” kéo dài từ Châu Thuận Biển đến Tam Hải, ra đến Cù lao Chàm, thêm một minh chứng mới cho “Con đường gốm sứ” trên biển có từ lâu đời và Việt Nam đóng vai trò tích cực, chủ động để hình thành con đường mậu dịch trên biển.

Nhà ở và các công trình kiến trúc tôn giáo, tâm linh vùng duyên hải và cận duyên cũng in đậm dấu ấn biển. Dọc biển miền Trung còn lưu giữ nhiều ngôi nhà, ngôi chùa được làm từ đá xanh, đá san hô lấy từ biển và trang trí hoa văn bằng vỏ ốc, vỏ sò. Trước đây, nhiều ngôi nhà sơn quét bằng vôi bột được nung từ vỏ ốc, vỏ sò. Dọc biển Tam Hải, Tam Tiến, Tam Thanh có nhiều miếu thờ và nghĩa địa cá ông. Không chỉ ở thôn Thuận An, xã Tam Hải có nghĩa địa cá ông (được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh) mà một số làng biển bãi ngang Tam Tiến, Tam Thanh cũng có nghĩa địa cá ông với qui mô nhỏ. Những loại ghe thuyền, phương tiện đánh bắt ở vùng bãi ngang không bao giờ là “lạc hậu” của ngư dân trong thời đại 4.0. Đến nay, số người tham gia đánh bắt xa bờ bằng tàu thuyền hiện đại cũng tăng lên nhưng đối với cư dân ở bãi ngang, họ vẫn gắn bó với chiếc thuyền nan, thuyền thúng.

Nghĩa địa Cá ông đã được công nhận là Di tích cấp tỉnh

Bên cạnh di sản vật thể, cư dân miền biển xứ Quảng tích lũy một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể. Về tín ngưỡng dân gian có tục thờ cúng Cá Ông gắn liền với lễ hội cầu ngư vào dịp đầu xuân. Trong lễ cầu ngư có hát Bả trạo hay Chèo cạn, một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc của cư dân vùng biển miền Trung đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là dịp vui chơi của ngư dân sau những ngày lao động vất vả trên biển, ca ngợi những người bám biển.

Về ẩm thực có cách thức khai thác, chế biến, bảo quản hải sản như mắm, cá khô, mực khô, rau mứt, rau câu…Đặc biệt, nghề làm nước mắm truyền thống ở Tam Thanh, Tam Tiến, Tam Hải vẫn được duy trì, là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm gia đình hay ở nhà hàng, quán xá. Một số cơ sở làm nước mắm ở Tam Thanh còn có sản phẩm cung cấp cho các siêu thị ở Tam Kỳ, Đà Nẵng. Các loại rong biển đang là món ăn ưa thích không chỉ trong giới bình dân mà còn đối với những người giàu có bởi có nhiều khoáng chất và là thực phẩm bổ sung hỗ trợ điều trị bệnh.

Đánh thức di sản biển

Di sản văn hóa biển xứ Quảng vô cùng phong phú, đồ sộ đang ẩn giấu dưới lòng đất, lòng biển và trong ký ức cộng đồng, trong tri thức bản địa của cư dân vùng biển với nhiều lĩnh vực, loại hình, khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên cho đến nay, việc nghiên cứu,sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị di sản ấy còn khá hạn chế. Nhiều di sản văn hóa của cư dân miền biển xứ Quảng đang bị mai một. Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của các cư dân miền biển, trong thời gian tới tỉnh Quảng Nam cần thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp sau:

Triển khai thực hiện đề tài khoa học về khoa học xã hội nhân văn để nghiên cứu toàn bộ các giá trị di sản biển Xứ Quảng như kho tàng tri thức dân gian, văn học dân gian, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng của cư dân miền biển. Trong nhiều năm gần đây, hội đua thuyền luôn được tổ chức ở các địa phương của tỉnh Quảng Nam như Hội An, Điện Bàn, Duy Xuyên, Núi Thành…Một số hội đua thuyền đã nâng lên thành qui mô cấp tỉnh như Giải đua thuyền tranh cúp truyền hình. Tuy nhiên, hoạt động chính là đua thuyền, các môn thể thao khác cũng như các hoạt động văn hóa, lễ hội miền biển chưa được chú trọng đúng mức. Cần tổ chức định kỳ 3 năm một lần “Lễ hội văn hóa thể thao miền biển” để tôn vinh các di sản văn hóa biển, khuyến khích người dân tham gia sáng tạo, hưởng thụ và quảng bá di sản văn hóa biển trong cộng đồng.

Tiếp tục điều tra, khai quật khảo cổ học dưới nước để khai thác có hiệu quả kho tàng cổ vật đang còn ẩn dấu nơi đây, nhất là dấu tích cổ vật tàu đắm ở vùng biển Tam Hải đã được ngư dân phát hiện trong những năm qua. Cần tiến hành điều tra, nắm bắt số lượng và các loại hình cổ vật cũng như nhận biết giá trị của nó để có thể mua lại của ngư dân trước khi chúng bị vào tay những người săn tìm đồ cổ. Cần tiến hành quy hoạch khảo cổ học, trong đó quan tâm đến việc khảo sát và lập hồ sơ, bản đồ di chỉ khảo cổ học dưới nước để có kế hoạch khai quật, trục vớt khi có điều kiện. Bảo tồn các chỉ chỉ khảo cổ học ở miền biển, nhất là các di chỉ khảo cổ học ở Bãi Ông (cù lao Chàm), An Bàng (Hội An)… Sưu tầm các hiện vật, hình thành Bảo tàng đời sống dân gian gắn với hoạt động du lịch cộng đồng. Địa bàn thôn Thuận An, xã Tam Hải, Núi Thành, Quảng Nam là nơi có thể thử nghiệm hình thành một bảo tàng cộng đồng để phát huy giá trị di sản, phục vụ du khách khi đến tham quan danh thắng Bàn Than, ngắm bãi san hô lớn nhất tỉnh.

Định hướng quy hoạch, phát triển thành phố Tam Kỳ về phía Đông là hoàn toàn đúng đắn nhằm phát huy thế mạnh, những mặt thuận lợi do biển mang lại. Khu du lịch biển Tam Thanh đã được cải tạo, xây dựng, hình thành nhiều công trình mới. Đường Điện Biên Phủ từ trung tâm thành phố Tam Kỳ xuống biển với cây cầu hiện đại qua sông Trường Giang (vừa mới khánh thành) là con đường đẹp nhất của thành phố. Điểm cuối của con đường hướng về phía Đông là Quảng trường Biển. Nơi đây không chỉ là bãi tắm, khu nghỉ dưỡng mà sẽ xây dựng những thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần ngày càng cao của nhân dân cũng như du khách đến với tỉnh lỵ. Tại đây sẽ tổ chức các hoạt động lễ hội văn hóa thể thao miền biển như Lễ hội Cầu ngư, Lễ Nghinh ông, đua thuyền, các môn thể thao trên bãi cát, tái hiện các hình thức đánh bắt ven bờ như kéo lưới rùng, giả ruốc, giả cào, lưới quát…Cần bảo vệ môi trường sinh thái biển, nhất là các bãi ngang Tam Tiến và Tam Thanh, khắc phục và ngăn chặn tình trạng phá rừng dương liễu để nuôi tôm gây nên nạn xâm thực, cát bay, biến đổi bờ biển trong mùa mưa bão. Giữ được môi trường sinh thái biển là góp phần bảo tồn di sản văn hóa biển trước nguy cơ biến đổi khí hậu, nước biển dâng, làm cho các di sản vật thể và phi vật thể bị mất mác…Bên cạnh hình thành một số bảo tàng đời sống dân gian tại làng biển cần quan tâm xây dựng các bảo tàng chuyên đề cổ vật tàu đắm. Hiện nay, Hội An có các bảo tàng chuyên đề như Bảo tàng văn hóa dân gian, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng văn hóa Sa Huỳnh…Các bảo tàng đó đang phát huy hiệu quả, góp phần giới thiệu di sản văn hóa Xứ Quảng nói chung, di sản của các cư dân Hội An nói riêng. Bảo tàng Văn hóa dân gian, có phần trưng bày về ghe, thuyền, công cụ đánh bắt sông nước, trang phục, ẩm thực, đặc biệt là tái hiện khung cảnh hát bã trạo của ngư dân. Thật là lý tưởng nếu nơi đây - một đô thị cổ nổi tiếng trên bản đồ du lịch thế giới, một vùng sông nước hạ lưu sông Mẹ Thu Bồn đổ ra biển Cửa Đại, biển Cù lao Chàm - lại có một bảo tàng ghe thuyền truyền thống. Vì Hội An là nơi hội tụ những điều kiện thuận lợi để thành lập một bảo tàng như thế. Cùng với các phương tiện đi lại truyền thống đa dạng, phong phú về chủng loại của người miền Trung như ghe bầu, ghe nan, thuyền buồm, thuyền thúng cần phục chế những thương thuyền của các nước như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…từng một thời xuất hiện ở thương cảng Hội An xưa. Bảo tàng ghe thuyền truyền thống sẽ là điểm nhấn trong du lịch Hội An và Xứ Quảng. Cách đây không xa, chiếc ghe bầu Nam Trung Bộ đã trở thành “biểu tượng” cho nghề buôn cận duyên suốt mấy thế kỷ. Nhờ chiếc ghe bầu, người Xứ Quảng đến được nhiều nơi “Phú Xuân đã trải Đông Nai đã từng”. Trong quá trình khai kênh lập xáng đất phương Nam, chính các lưu dân miền Trung đã tạo nên một “dòng văn hóa ghe bầu” trên cả hai phương diện, văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Đó là dấu ấn nổi bật nhất trong tiến trình di dân, hình thành văn hóa của vùng đất Đồng Nai - Gia Định xưa. Ngày nay, những chiếc thuyền cổ mang dáng dấp của quá khứ còn lưu lại trên dòng sông Hoài là hình ảnh tương tác làm đẹp cho cảnh vật, di sản của phố Hội. Nó vừa là hiện vật sống động tái hiện lại hình ảnh của đô thị cổ, thương cảng Hội An. Ngày thường, thuyền cổ là phương tiện thích hợp cho những chuyến du thuyền ngắm phố cổ Hội An, tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của cư dân vùng sông nước, thăm thú các làng nghề, thưởng lãm những cảnh đẹp thiên nhiên vùng hạ lưu sông Thu Bồn rồi ra biển Cửa Đại tham quan cù lao Chàm. Ngày hội, những chiếc thuyền cổ là một sân khấu lưu động dành cho các nghệ nhân, diễn viên trình diễn các tiết mục dân ca, nhạc cổ. Du thuyền trên thuyền cổ thực sự là một trải nghiệm thú vị dành cho du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An.

Trong những năm gần đây, vấn đề chủ quyền biển đảo được đặt ra ngày một cấp bách hơn. Các ngành, các địa phương trong nước có biển đảo đang thực hiện những quyết sách mang tầm chiến lược nhằm phát triển toàn diện vùng đất đầy tiềm năng mà mình có may mắn được sở hữu. Trong định hướng chiến lược phát triển văn hóa - xã hội vùng biển xứ Quảng, cần phát huy giá trị di sản biển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của ngư dân, góp phần gìn giữ chủ quyền, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc.

Bài và ảnh: TS Trần Tấn Vịnh

Top