Ngày xưa người xứ Nghệ hát dân ca là hát phường, hát hội (như phường Vải, phường Nón, phường Cấy, phường Củi...); hát trong lúc lao động như đang cày cấy, đang trèo non, đang chèo thuyền trên sông nước, trong sinh hoạt như sinh hoạt gia đình, thôn xóm... Và cứ ở đâu có lao động thì ở đó có hát dân ca Ví, Dặm. Người dân thường hát với hình thức như: hát giao duyên, hát để kích thích lao động, hát để chia sẻ nỗi vui buồn với người thân, bạn bè... Bằng phương pháp ngẫu hứng, truyền miệng (văn nghệ tự túc) ông cha ta đã để lại một tài sản vô cùng quý giá cho hôm nay và mai sau.
Hòa bình lập lại cho đến ngày hôm nay, dân ca xứ Nghệ vẫn tồn tại trong đời sống nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Ban đầu là các đội văn nghệ quần chúng ở các địa phương như đội văn nghệ xã, phường, thôn, xóm, dần dần được xây dựng thành mô hình các câu lạc bộ dân ca. Đây cũng là một hình thức để đưa dân ca trở về với cộng đồng, với nhân dân lao động. Từ khi Trung tâm Bảo tồn Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ được thành lập (năm 2010), đến nay tỉnh Nghệ An đã có hơn 60 Câu lạc bộ Dân ca đi vào hoạt động với khoảng 1500 thành viên và gần 400 nghệ nhân hát dân ca. Hàng năm, các câu lạc bộ đều có chương trình hoạt động thường xuyên, cụ thể, phát triển được cả bề rộng lẫn chiều sâu, tích cực tham gia nhiều hoạt động, nhiều phong trào văn hóa văn nghệ của tỉnh, tham gia Liên hoan Dân ca từ cấp phường, xã đến cấp tỉnh, cấp liên tỉnh và đạt nhiều giải thưởng của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hát dân ca hiện nay trong Đội văn nghệ quần chúng và Câu lạc bộ, ngoài những bài bản của ông cha để lại, thêm vào đó là các làn điệu cải biên, ca khúc phát triển từ chất liệu dân ca xứ Nghệ của các nhạc sĩ, nghệ sĩ, không còn những bài bản mới sáng tác theo phương pháp ngẫu hứng như ông cha đã làm, vì môi trường và hoàn cảnh xã hội đã thay đổi.
Tuy nhiên, để phù hợp với sự phát triển của xã hội và nhu cầu cuộc sống hiện đại, dân ca cũng được chuyển hóa từ hình thức diễn xướng dân gian lên hình thức diễn xướng chuyên nghiệp. Để phù hợp với bước chuyển hóa đó thì Đoàn Kịch hát Dân ca được ra đời, rồi đến Nhà hát Dân ca Nghệ An nay là Trung tâm Bảo tồn Phát huy Di sản Dân ca xứ Nghệ với hàng chục vở diễn đạt Huy chương Vàng trong các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp như vở diễn Không phải tôi của Nguyễn Trung Giáp - Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1970, vở Mai Thúc Loan - Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985, vở Soi vào quá khứ - Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005, vở Một cây làm chẳng nên non - Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp Toàn quốc năm 2010, vở Người thi hành án tử - Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân năm 2010...
Cùng với sự tồn tại và phát triển đó, một số mô hình hát dân ca được hoạt động có tổ chức như: Liên hoan Câu lạc bộ hát dân ca được tổ chức hàng năm từ cấp phường xã đến cấp tỉnh, lồng ghép dân ca vào trong nội dung các cuộc thi (Tìm hiểu về an toàn giao thông; Văn hóa công sở; Gia đình văn hóa; Hát dân ca của học sinh trong nhà trường...), chương trình đưa dân ca vào trường học, chương trình dạy hát dân ca trên sóng Phát thanh-Truyền hình...
Nhưng Ví, Giặm thực sự có sức sống mạnh mẽ lan tỏa sâu rộng trong nhân dân là ở các hoạt động tự nhiên vốn có trong sinh hoạt hàng ngày của người xứ Nghệ hiện nay. Đó là hát dân ca trong các lễ hội truyền thống như lễ hội đền Quả Sơn ở Đô Lương, lễ hội đền Cuông ở Diễn Châu, lễ hội đền Cờn ở Quỳnh Lưu, lễ hội đền ông Hoàng Mười ở Hưng Nguyên,... với những câu hát cầu tài, cầu lộc, cầu công danh sự nghiệp, cầu sự bình an, ghi nhớ công lao người có công dựng nước, giữ nước:
Xin người lộc chữ bình an
Giàu sang vinh hiển an khang thịnh cường
Được câu vạn thọ vô cương
Công danh sự nghiệp vận thông sắc tài
Phúc đức danh lợi tiền tài
Thuận hòa trên dưới trong ngoài ấm êm.
Hát dân ca trong lễ mừng thọ đầu năm của con, cháu báo hiếu ông bà, cha mẹ:
Minh miên năm mới
Tống cựu nghinh tân
...
Ca thuấn tắc đường cù
Sắp trên dưới gió hòa đưa lại.
Câu hát dân ca trong lời ru ngọt ngào của bà, của mẹ:
À ơi, ai biết nước sông Lam răng là trong răng là đục
Biết sống cuộc đời răng là nhục, là vinh
Thuyền em lên thác xuống ghềng
Nước non là nghĩa là tình ai ơi.
Hát dân ca trong đám cưới, đám vui với khúc hát giao duyên nam nữ của tục mời rượu, mời trầu:
Chàng ơi chàng ngồi lại
Em nâng chén rượu đầy
Đừng từ chối kẻo say
Uống cho xa xôi xích lại
Uống cho xa gần xích lại
.....
Hát dân ca trong phường bát âm với câu hát kể công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ:
Công cha đức mẹ nặng nề
Con chưa lấy được chút gì báo ơn
Có cha có mẹ thì hơn
Không cha không mẹ con càng khổ thay
Hát dân ca trong trường học với những trò chơi dân gian mang âm hưởng dân ca của các em chơi ngoài giờ học như Chi chi chành chành, Lộn rồng, Rồng rắn lên mây...
Chi chi chành chành
Cái đanh thổi lửa
Con ngựa đứt cương
Tam vương ngũ đế
Ù à ù ập
Hay:
Lộn rồng qua sông
Có cái o mười bảy
Có cái chú mười ba
Xếp lá đa lộn rồng.
Các tiết mục hát dân ca trong sinh hoạt văn nghệ thôn xóm, các cô, các bác, các anh, các chị trong Hội Người cao tuổi, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ... tổ chức thi hát dân ca để chào mừng các ngày lễ trong năm.
Một số địa phương vẫn duy trì được truyền thống dạy và học hát dân ca trong gia đình như: gia đình chị Vân ở xã Ngọc Sơn, Thanh Chương, gia đình bà Như ở Đồng Thành, Yên Thành, gia đình bác Niêm bác Ngụ ở Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu, gia đình ông Lợi ở Diễn Lợi, Diễn Châu, gia đình anh Cường ở Bồi Sơn, Đô Lương,...
Thấy được sức sống mãnh liệt và sự phong phú của dân ca Ví, Dặm để một lần nữa khẳng định rằng dân ca Ví, Dặm mãi trường tồn trong tâm hồn người xứ Nghệ như nguồn nước sông Lam chẳng bao giờ cạn, nó nồng nàn đắm say như tình yêu của em và anh vậy. Để rồi, giận thì giận mà thương lại thật nhiều.
Ý thức được vai trò của dân ca trong đời sống người dân, nhiều năm qua, các cấp lãnh đạo hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có nhiều nỗ lực nhằm bảo tồn và phát huy dân ca trong đời sống nhân dân, góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị di sản quý giá của một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, phục vụ tốt mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
ThS Nguyễn Hồng Hà