Đám cưới người Giáy
Mùa cưới của người Giáy thường tổ chức từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 Âm lịch năm sau. Nam, nữ đến tuổi trưởng thành được tự do tìm hiểu bạn đời, khi duyên tình đã thắm nồng, chàng trai về báo cáo với gia đình để chuẩn bị tiến hành các nghi lễ.
Trước khi diễn ra lễ cưới chính thức, phải trải qua một số nghi lễ: Thả mối mai (dạm hỏi) và Mai mối lai (mặc cả). Hai nghi lễ này chủ yếu bàn luận việc hôn nhân của đôi trẻ, thống nhất ngày “đoạn lời”. Ý nghĩa của nghi lễ này là nhà trai trao đồ vật cho nhà gái đã thách và từ đây đôi trai gái đã được công nhận là con của hai gia đình và cũng coi là thành vợ chồng. Sau ba năm, nếu nhà trai chưa đón được dâu thì hai bên được “tự do” tìm hiểu người khác, nhưng nếu chưa đủ ba năm bên nào “phá rào” trước thì bên đó bị phạt.
Trong thời gian từ lúc thả mai mối đến khi lễ cưới được tiến hành không thể thiếu vai trò của ông mối, bà mối, người đó đa số là phụ nữ đã có tuổi, có gia đình hoà thuận và kinh tế ổn định, nếu không phải họ hàng thì cũng phải là người thân, người quen của đôi bên. Trong lễ cưới ông mối, bà mối và đoàn đón dâu nhà trai phải thực hiện đó là: khi đoàn nhà trai đến cổng nhà gái thì bị “chặn lại” bởi mấy sợi chỉ hồng chặn ngang đường, bên trong “cổng” họ nhà gái hỏi bằng các bài hát truyền thống trong nghi thức hát dân ca trong đám cưới của người Giáy, đoàn nhà trai đáp lại cũng bằng bài hát, khi đã đủ thủ tục nhà gái mới cắt chỉ mở “cổng” cho nhà trai vào làm lễ xin dâu. Khi dâu ra khỏi cửa chị em gái đến giằng tay cô dâu để tỏ sự quyến luyến, ông mối bà mối phải có bao lì xì cho những người đó (chỉ vài hào bạc trắng đựng trong phong bì màu đỏ).
Việc đầu tiên trong lễ cưới là tìm ngày đón dâu. Khi đã tìm được ngày chính thức, nhà trai nhờ ông mối, bà mối (trước đã đi hỏi) đến nhà gái thông báo ngày giờ đón dâu. Đoàn nhà trai đi đón dâu khi đến cổng nhà gái bị chặn ngang bởi những sợi chỉ hồng và mấy cành gai cản lối chưa cho nhà trai vào, bên trong sợi chỉ hồng kê chiếc bàn với đôi chén, 2 chai rượu, 2 chậu nước lã với 2 chiếc chổi rơm (làm phép).
Sau khi vượt được chặng đầu tiên, đoàn nhà trai lại trải qua lễ giữ. Muốn qua, đoàn nhà trai lại phải hát đối đáp với nội dung xin nhà gái bỏ vật chướng cản đường, cứ hát đối đáp cho đến khi nhà gái hạ hết các thứ trên bàn xuống mới được vào nhà. Sau khi đoàn đón dâu vào nhà, nhà gái đem phẩm đỏ đến đánh dấu từng người nhà trai (bôi phẩm đỏ vào má).
Trong đám cưới người Giáy bao giờ cũng có những đội thối Pí lè. Pí lè được buộc khăn đổ tượng trưng cho hạnh phúc lứa đôi. Trong đám cưới người Giáy, trao dâu là nghi thức quan trọng khi nhà gái đi đưa dâu đến nhà trai và đã đến lúc chuẩn bị ra về. Khi đó, những bài hát trao dâu là không thể thiếu trong nghi thức này. Nội dung của các bài hát trao dâu nói lên tình cảm của cha mẹ, anh chị em, họ hàng đối với cô dâu khi về nhà chồng. Đối với những giờ nhà gái ra về khác nhau, người Giáy đều có những bài hát tương ứng. Các lời hát trong nghi thức trao dâu thực chất là những lời tâm sự, dạy bảo chân thành của mọi người đối với cô dâu. Những lời dạy bảo này sẽ giúp cô dâu ứng xử tốt hơn với họ hàng nhà chồng, nhất là bố mẹ và anh em của chú rể. Hát trao dâu trong đám cưới người Giáy là một phong tục đẹp, vẫn được duy trì đến ngày nay. Những lời hát cũng được bổ sung ngày càng phong phú, thiết thực hơn đối với những cô dâu trẻ khi bước chân về nhà chồng. Đây cũng là nét đẹp trong đời sống tinh thần của người Giáy. Ngoài ra trong đám cưới người Giáy còn có hát đón dâu, hát rửa mặt, hát trước mâm rượu, hát khuyên răn, cảm ơn.
Thủ tục xin dâu xong, cô dâu bước từ buồng ra cùng chú rể đến trước bàn thờ cúi lạy tổ tiên, xong việc người chị gái cõng cô dâu ra khỏi cửa trao cho nhà trai, nhà trai cử một phụ nữ khỏe mạnh đón và cõng cô dâu đi. Nếu gần, cõng đến tận nhà, ở xa phải đi ngựa. Về đến nhà trai, sau thủ tục chờ giờ bước qua cửa chính, cô dâu và chú rể đến trước bàn thờ gia tiên cúi lạy, sau đó hai vợ chồng vào buồng bỏ khăn che mặt, tháo băng đỏ. Bữa tiệc nhà trai diễn ra tương tự như nhà gái, họ cũng dùng câu hát để cảm ơn và nhắc nhở dặn dò con dâu, con rể sống bên nhau trọn đời hạnh phúc.
Đồng bào Giáy quan niệm rằng đám cưới càng lớn, càng đông vui thì hạnh phúc cũng thiêng liêng bền chặt. Do đó tục lệ đón khách và đưa tiễn khách trong đám cưới người Giáy cũng khá thú vị. Khách ở nơi xa đến dự đám cưới sẽ được các cô gái bưng nước ấm đến mời rửa mặt, rửa chân tay, còn khi ra về nếu khách là họ hàng thân thích thì cô dâu chú rể phải đích thân bưng chậu nước đến mời rửa tay bằng chiếc khăn mới tinh và cái khăn này cũng chính là lễ vật của đôi vợ chồng trẻ đáp lại cho khách.
Hồng Phượng