Đặc điểm nghệ nhân và làng nghề trong truyền thuyết

Nghệ nhân và làng nghề có mối quan hệ mật thiết. Nghệ nhân là người có những tài năng đặc biệt gắn với việc sáng tạo ra một nghề và từ đó truyền dạy cho mọi người trong vùng. Nghề đó phát triển trong cộng đồng dân cư làng xã thì thành làng nghề. Truyền thuyết về nghệ nhân và làng nghề nhằm tôn vinh công trạng của người khởi xướng, sáng tạo ra một nghề, gọi là vị tổ nghề.

Vai trò của nghệ nhân

Các quan của các triều đại phong kiến, trong khi đi sứ Trung Hoa đã tranh thủ học nghề, về nước thực nghiệm rồi truyền nghề cho dân trong nước. Nguyễn Thục tên hiệu là Tùng Giang, đời Lê Nhân Tông làm quan Hàn lâm viện, Thượng thư, Phó vương, đi sứ Bắc ba lần, học được nghề ươm tơ về dạy cho dân (Sự tích Đông Hải Uy hiển Đại vương). Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ được cử làm Tả thị lang, chức Thượng thư, được cử đi sứ sang Trung Quốc, ông dành thì giờ đến Quảng Tây khảo sát kĩ thuật dệt chiếu, nắm được bí quyết rồi ông về truyền cho dân làng Hới, từ đó chiếu làng Hới đẹp và bền (Trạng Chiếu). Đời Vua Lê Thái Tông, Thám hoa Lương Nhữ Học ở làng Lục Hồng, huyện Gia Lộc, Hải Dương sang đi cống nước Ngô, học được nghề khắc bản in. Lúc về ông đi dạy cho dân nhưng chỉ làng Liễu Tràng, huyện Gia Lộc, Hải Dương là học được (Nói sự tích ông Lương Nhữ Học). Tiến sĩ Nguyễn Thì Trung ở làng Trúc Lâm, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương sang cống nhà Minh, ở đấy có nghề thuộc da, ông học được; khi về nước, dạy lại người làng (Nói về sự tích thuộc da làm dày dép ở nước Nam). Ông Bùi Nhạ Hạnh ở xã Thượng Phúc, phủ Thường Tín, Trấn Sơn Nam, khi đi sứ sang Trung Quốc, xem được cái lọng, về nước ông căn cứ vào cấu tạo cái lọng mà phổ biến nghề làm lọng (Ông tổ nghề làm lọng).

Người dân đã đi học nghề và được truyền nghề rồi dạy cho dân trong vùng. Đời Lý Nam Đế, ở làng Trịnh Công, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội có 3 anh em tên là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền rủ nhau sang Tàu tìm kế lập công danh và học được nghề kim hoàn. Sau về nước, mở cửa hàng và dạy cho người làng làm nghề thợ bạc (Nói về sự tích nghề thợ bạc ở nước Nam). Làng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh có chàng trai Đinh Lễ được hai vị tiên dạy làm chiếc đàn và đánh đàn. Anh dạy cho vợ học đàn. Nàng không những đàn hay không kém gì chồng mà còn hát hay múa dẻo làm cho quan khách ai cũng khen ngợi. Sau đó vợ chồng về làng quê Cổ Đạm dạy lớp trẻ đàn hát và Cổ Đạm thành mảnh đất thanh lịch, thịnh hành lối hát ả đào với cây đàn đáy (Mãn Đào Hoa công chúa).

Công chúa Quỳnh Hoa, con gái của Trần Vĩ người Yên Thái, Nam Hà, dạy cung nữ nghề tằm tang (Bà chúa nghề tằm). Thời Hùng Vương, Công chúa Hoàng Phủ Thiếu Hoa, nàng dạy dân trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa. Dạy hết dân Cổ Đô, Vân Sa lại truyền bảo cho hơn 60 làng xung quanh. Dần dần nghề được lan truyền sang các vùng khác trong đất Hà Tây rồi Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình (Bà tổ nghề dệt lụa). Vào thời Lý có cô Nguyễn Thị La giỏi nghề dệt vải. Nàng La nhận dạy nghề dệt cho dân chúng (Bà chúa Dệt lụa La công chúa, Bà chúa dệt vải). Phạm Thị Ngọc Đô được Nhà vua cấp đất rộng trên 80 mẫu và dựng cung cho ở với 24 nữ tì của nàng, toàn khu gọi là Thiên Niên trang. Nàng tụ tập dân làng và chiêu mộ thêm người các làng khác dạy cho họ nghề dệt lĩnh (Bà chúa Thiên niên).

Làng nghề dệt lụa ở Vạn Phúc - Hà Đông - Hà Nội ngày nay.

Bà Chúa Vót được Vua ân sủng, các bà phi tần ghen ghét, bà xin với vua về quê. Bà bỏ tiền ra chiêu mộ dân chúng và mở ra nghề thủ công đan lát, vót tre đan thúng, đan rổ rá (Bà Chúa Vót). Nguyễn Thị Ngọc Liệu, tên hiệu là Ngọc Chi, quê làng Đông Sàng, huyện Tùng Thiện, nay là xã Đường Lâm, Sơn Tây, thường xin phép Chúa về làng để khuyến khích dân làng trồng mía. Nhờ bà mà dân vùng ấy làm ăn phát đạt (Bà chúa Mía). Một cụ dạy nghề tiện cho người làng Khánh Vân nhưng dân làng không làm được, làng Rũi Tiện mời cụ về dạy cho làng mình và sau đó làng có nhiều người học nghề được (Sự tích tổ sư nghề tiện thời Lê). Vị tổ nghề giấy đã dạy nghề đầu tiên cho làng An Hòa, sau đó ông tới làng Hồ Khẩu rồi chuyển sang làng Đông, làng Thọ (tức Đông Xã và Yên Thái). Cuối cùng ông sang Nghĩa Đô, gặp người họ Lại, truyền cho nghề làm giấy sắc, kể cả giấy lệnh (Vị tổ nghề giấy).

Đặc điểm nghề, công trạng và tôn vinh

Nghề gắn với nông nghiệp gồm các nghề trồng dâu, chăn tằm, ươm tơ, dệt vải, dệt lĩnh, trồng mía, làm cốm. Nghề trồng dâu, ươm tơ, dệt vải đã có từ rất sớm, ít nhất được ghi nhận từ thời Hùng Vương. Các nghề thủ công như kim hoàn, giấy in, gốm sứ, rèn, tiện, đan lát, thuộc da và lọng ô đều là các nghề cần sự tinh xảo, khéo tay, kĩ thuật cao. Riêng nghề rèn xuất hiện từ thời Hùng Vương với sự tích các thợ rèn đúc ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt cho Thánh Gióng, còn lại các nghề khác chỉ được nhắc đến sớm nhất vào thời Lý. Các nghề được ghi nhận trong truyền thuyết có nghề được phát sinh từ bản địa, có nghề được học tập, giao lưu nhân dân với các làng nghề của các tỉnh phía Nam Trung Hoa. Việc giao lưu, học hỏi nghề giữa nhân dân các tỉnh dọc biên giới hai nước là một lẽ thường tình.

Công trạng của nghệ nhân gắn liền với việc sáng tạo và truyền nghề. Các vị quan của các triều đại phong kiến, đặc biệt là thời nhà Lê và Lý đã có ý thức qua việc bang giao với chính quyền phong kiến Trung Hoa để học hỏi tri thức, trong đó quan trọng nhất là học nghề từ đó thực nghiệm đạt kết quả rồi truyền nghề cho dân chúng. Các công chúa, vợ vua chúa quan lại thì sáng tạo các nghề, bỏ tiền của công sức lập làng nghề, dạy dân chúng làm ăn. Nhân dân các làng nghề tôn vinh bằng việc lập đền thờ, thành thần hoàng làng: Công chúa Quỳnh Hoa khi chết bà trở thành thần hoàng thôn Nghi Tàm là nơi bà mất, ngoài ra có đến gần 60 nơi thờ bà. Bà Phạm Thị Ngọc Đô, phi của Vua, dân chúng lập đền thờ, gọi là Bà chúa dệt lĩnh, làng Trích Sài dựng chùa trên trang trại và gọi là Bà chúa Thiên Niên. Ông Phạm Đôn Lễ được nhân dân gọi ông là Trạng chiếu, lập đền thờ. Làng Rũi Tiện lấy ngày cụ đi làm ngày tưởng niệm cụ và làng từ đấy mang tên là Rũi Tiện. Bà Nguyễn Thị Ngọc Liệu, khi bà mất, họ tôn bà là thần và gọi là bà Chúa Mía, tên chữ là Giá Sơn thánh mẫu. Làng quê Cổ Đạm thịnh hành lối hát ả đào với cây đàn đáy; khi nàng mất, dân Cổ Đạm lập đền thờ tôn bà là Mãn Đào Hoa công chúa, vị tổ ngành hát ả đào.

Làng nghề làm mây tre đan ngày nay ở Hà Nội.

Các nghệ nhân làng nghề được phong làm tổ sư: Ông Nguyễn Thục được dân các phường tơ tằm tôn ông là tổ sư. Công chúa Hoàng Phủ Thiếu Hoa được nhân dân các vùng coi bà Thiếu Hoa là thủy tổ nghề dệt lụa của mình. Làng Trịnh Công, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội có 3 anh em tên là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền được những người làm nghề thờ và tôn là tổ sư. Thám hoa Lương Nhữ Học, sau khi ông mất, dân làng xin rước về làm tổ sư. Tiến sĩ Nguyễn Thì Trung, sau khi ông mất, làng thờ làm tổ sư. Tiến sĩ Trần Xuân Tiến được coi là ông tổ của nghề cốm Thạc.

Nhân dân đặt tên làng theo nghề: Lâu dần nghề này trở nên phát đạt, nên làng được gọi tên là Vạn Vót, tên chữ là Đặc Đạt, nay là xã Hoằng Đạt, Thanh Hóa. Vị tổ nghề giấy đã dạy nghề đầu tiên cho làng An Hòa và làng đó có tên là làng Giấy. Nghĩa Đô làm nghề làm giấy sắc, khi làm xong lại phải “nghè”, do đó làng này có tên Nôm là làng Nghè.

Truyền thuyết về nghệ nhân và làng nghề là một di chỉ văn hóa giúp các thế hệ đời sau biết quá trình phát triển nghề nghiệp của người Việt trong tiến trình lịch sử. Các nghề và làng nghề đều do những người có trình độ và chức sắc, có vị thế xã hội và tâm huyết với sự phát triển nghề góp phần cho sự phồn vinh của một vùng đất nói riêng và quốc gia nói chung. Dù là những mẩu chuyện ngắn nhưng truyền thuyết về vấn đề này đã khắc họa chân dung của những con người tài hoa và diện mạo kinh tế xã hội một vùng quê Việt dưới thời phong kiến.

PGS.TS Lê Đức Luận