Cửa Lò - Chân quê thuần phác

Về Cửa Lò tháng ba, bắt gặp mùa hoa Xoan, hoa Gạo, tôi bỗng liên tưởng miên man về một vùng đất, một làng quê... của xứ sở mình.

Về Cửa Lò tháng ba...

Tháng ba, tiết cuối Xuân, tôi có mấy người bạn từ Hà Nội vào công tác, bất chợt "nổi hứng" rủ nhau xuống Cửa Lò "đổi gió". Tháng ba, hoa Xoan tím ngát khắp thôn làng, tháng ba cũng là mùa hoa Anh Đào (Nhật Bản. Đã bao người ngợi ca vẻ đẹp rực rỡ, nồng hậu của loài hoa Anh Đào, đã có hẳn những lễ hội hoa Anh Đào tổ chức ở nước ta. Vậy mà tôi vẫn cứ tin rằng, vẻ đẹp của loài hoa Xoan ở ta  không hề kém cạnh với loài hoa Anh Đào hay bất kỳ một loài hoa nào khác. Và tôi ước đến một ngày sẽ có lễ hội hoa Xoan ở nước ta, chí ít là ở Cửa Lò, ở xứ Nghệ quê mình. Tháng ba quê mình đâu chỉ có hoa Xoan, loài hoa đặc trưng của tháng ba là hoa Gạo. Loài hoa như thắp lửa trên bầu trời, cánh hoa mềm và dày mịn như nhung, đỏ như màu máu, đỏ và nở hết mình để rồi khi sắp tàn cũng thi nhau rụng xuống mặt đất tự vun bón cho chính gốc mình. Về Cửa Lò tháng ba, bắt gặp mùa hoa Xoan, hoa Gạo, tôi bỗng liên tưởng miên man về một vùng đất, một làng quê... của xứ sở mình.

Vài ánh hồi quang lịch sử.

Tính đến đầu Triều Lê thế kỷ XV, vùng đất Cửa Lò vẫn là một dải đất hoang sơ, nằm giữa hai cửa biển đầy nắng gió. Cho đến một ngày, Cương Quốc Công Nguyễn Xí hồi hương, Ngài nhận vùng đất hoang hoá này làm "lộc dưỡng lão" và xin với Triều Lê nhằm làm nơi khai cơ, tạo lập cuộc sống cho các sinh dân khốn khó lập ấp, trong đó có nhiều người vốn là dân tứ chiếng, tha phương cầu thực, một số khá lớn vốn là tù binh của các nước Bồn Man, Chiêm Thành thua trận. Ngài còn nhận họ làm con cháu mình. Sau một thời gian được sự, cưu mang của cha con Cương Quốc Công, dân chúng đã có cuộc sống ổn định, họ trở thành những chủ nhân đầu tiên của vùng đất này, với các dòng họ triệu cơ như Nguyễn Đình, họ Hoàng, họ Trần, họ Phùng, họ Chế Đình... Đáng chú ý là dòng họ Chế Đình (gốc Chiêm). Hiện ở nhà thờ đại tôn Chế Đình ở làng Thu Lũng, phường Nghi Thu còn giữ được tấm bia đá lập năm Tự Đức thứ 14 do Thám hoa Nguyễn Đức Đạt soạn ghi rõ gốc tích và lịch sử dòng họ này.

Vùng đất - biển Cửa Lò (Ảnh: TL)

Những tên làng xưa, như làng Yên Lương, Mai Bảng, Vạn Lộc (phía Bắc), làng Kim Ô, Thu Lũng, Đông Quan, Văn Trung... (phía Nam) là hình ảnh những làng chài, kết hợp làng nông nghiệp thuần phác bao đời hăng say làm lụng. Trải qua thời gian, người từ nhiều miền quê khác tiếp tục di cư về vùng đất này mở thêm nhiều làng nghề như đóng tàu thuyền, chế biến hải sản... bởi nơi đây là "bản doanh" của vị hưu quan Cương Quốc Công Nguyễn Xí và con trai là Phò mã được thăng chức Trấn thủ thập nhị hải môn (là Thống tướng coi giữ 12 cửa biển từ Thanh Hoá vào tới Thuận Hoá). Thêm nữa, một cô gái họ Hoàng sinh ra trên vùng đất này vốn đẹp người, đẹp nết đã chiếm được cảm tình của Vua Lê Chân Tông (1643 - 1649), khi Nhà Vua có dịp vi hành qua đây, bà trở thành Hoàng hậu.

Sau khi Nhà Vua mất, theo gương vị Khai quốc công thần Cương Quốc công, bà về quê mình giúp dân làng sản xuất, mở mang thêm nghề chăn tằm, dệt vải, chài lưới bám biển, tôn tạo đình, đền miếu các làng, nên bà được nhiều làng lập đền thờ như đền Diên Nhất, làng Văn Trung; đền Thu Lũng, làng Kim Ô cũ. Từ đây, mảnh đất Cửa Lò không chỉ là nơi có nhiều đền miếu, nhiều vị thần khai cơ mà còn là đất học, nhiều vị đỗ đạt đại khoa, nhiều danh tướng lương thần phò Vua giúp nước. Những tên núi, tên sông ở Cửa Lò xuất hiện cùng những con người giàu nghĩa khí, nhiều khát vọng và cũng giàu chữ nghĩa đặt nên như núi Cờ, núi Kiếm, núi Ngựa, núi Voi, núi Rồng, đảo Lan Châu,... bên cạnh những tên gọi dân dã gắn với sự tích ông Đùng thủơ khai sơn, mở nước như hòn Mắt, hòn Ngư.

Trải qua ngót 5 thế kỷ, Cửa Lò vẫn là làng quê nghèo ven biển, vật lộn cùng nắng gió, bão giông với nghề nông, nghề chài lưới như mọi làng quê biển miền Trung. Cho tới đầu thế kỷ XX, vào năm 1907 Cửa Lò đã lọt vào tầm mắt của những ông chủ thực dân Pháp khi công cuộc khai thác thuộc địa của chúng tăng cường hơn ra miền đất này, nhưng sự đầu tư vẫn còn rất lèo tèo vài dãy nhà nghỉ cũng chủ yếu phục vụ mấy ông chủ thực dân và quan chức Nam Triều. Nói lịch sử du lịch Cửa Lò tròn một thế kỷ nhưng thực ra đó mới là "lịch sử" của một bãi tắm, nghỉ mát đơn thuần. Chỉ đến khi công cuộc đổi mới cuối thập kỷ 80 đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước mới thực sự bắt đầu cho Cửa Lò bước vào con đường trở thành khu du lịch biển, đến nay mới hơn vài chục năm. Hai mươi năm so với 5 thế kỷ, sự đổi thay của Cửa Lò mới thực sự diệu kỳ, cứ như thể có một phép màu vậy.

Biển Cửa Lò thành khu du lịch thu hút khách gần xa (Ảnh: TL)

Nơi hội tụ văn hoá

Ngẫm từ lịch sử đã đủ hình dung mảnh đất Cửa Lò thực sự là nơi hội tụ văn hoá của cả vùng đất miền Trung. Người xưa đặt tên cho cửa sông Lam ra biển là cửa Hội Thống (cũng gọi là cửa Đan Nhai) là đủ hàm nghĩa của sự hội tụ, gặp gỡ cả về văn hoá, về lịch sử và cả các yếu tố tự nhiên nữa. Xưa nay, mọi nền văn minh của loài người đều hình thành bởi lưu vực các dòng sông. Cửa Lò nằm giữa hai con sông, cũng là con đường ra biển, hai hải cảng lớn của vùng, địa thế ấy người xưa đã chọn là nơi phòng thủ và giao thương, ngày nay ta gọi là gắn kinh tế kết hợp với quốc phòng. Từ Cửa Lò theo đường sông có thể ngược lên miền Tây, sang Lào và đi mọi ngả bằng cả hai đường thuỷ, bộ, nay lại có thêm đường hàng không.

Cũng lần ghé Cửa Lò này, tôI và mấy người bạn vào một nhà hàng phía Đông đường Bình Minh, chủ nhà hàng rất trẻ có tên là Hương, quê tận Cát Văn, Thanh Chương về làm dâu Cửa Lò và trở thành bà chủ. Qua trò chuyện, bà chủ Hương xởi lởi khoe, ở Cửa Lò còn nhiều người như em vì yêu người, yêu cảnh đẹp Cửa Lò mà trở thành dâu rể Cửa Lò. Trong bữa cơm hôm đó, bên cạnh các món đặc sản Cửa Lò như tôm, ghẹ, mực nhảy, ốc biển, .... bà chủ còn khoe và đãi món nhút Thanh Chương nổi tiếng, vậy là đi cùng các hải sản giàu dinh dưỡng có các món dân dã như cà muối xứ Nghệ, nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn. Tôi nghĩ,  ngay cả trong văn hoá ẩm thực Cửa Lò hôm nay cũng đã có sự hội tụ văn hoá của nhiều miền quê xứ Nghệ.

Biển Cửa Lò rực rỡ ngày hè (Ảnh: TL)

Không nghi ngờ gì nữa khi nói rằng Cửa Lò là nơi hội tụ văn hoá suốt chiều dài lịch sử ngót năm thế kỷ. Có sự pha trộn, giao thoa cả nét quí tộc (có Vương tôn, bà Hoàng, Phò mã,...) với nét dân dã thôn quê, có cả nhiều miền quê hội tụ. Đến hôm nay, vào thời mở cửa hội nhập, sự hội tụ ấy vẫn tiếp diễn và rất dễ nhận ra. Bên cạnh những khách sạn sang trọng vẫn có bóng dáng những người dân quê tảo tần với mẹt hàng rong, mớ cua ghẹ, mực, ốc,... sản phẩm đi biển của chính gia đình mình, hay rổ hoa quả, ngô nếp, lạc rang, lạc luộc,... sản phẩm của nương vườn. Vào mùa du lịch, bên cạnh những chiếc xuồng cao tốc, mô tô nước hiện đại phục vụ du khách vẫn còn đó những chiếc thuyền đan bằng tre gọi là thuyền thúng, công cụ ra khơi của bà con hàng ngày. Vừa qua, nhiều phường xã Cửa Lò làm tốt chủ trương "5 không" trong hoạt động du lịch như Thu Thuỷ, Nghi Thu, Nghi Hương,... đã có lúc muốn ra lệnh "cấm" hàng rong vì sợ mất mỹ quan khu du lịch. Ông Chủ tịch xã Nghi Hương còn "kêu" rằng, người từ các địa phương khác cũng vào bán hàng rong trên địa bàn Nghi Hương nên rất khó quản lý. Quả thật khâu quản lý phải tăng cường nhưng không thể và không nên cấm hẳn. Nếu quản lý chặt chẽ, cảnh bán hàng rong biết đâu là một nét văn hoá đặc trưng cho Cửa Lò, gây được ấn tượng và cảm tình của du khách.

Có ai đó nghi ngờ hỏi: Phong cách du lịch Cửa Lò là gì? Tôi sẽ không ngại ngần nói rằng, phong cách Cửa Lò là chân quê thuần phác; là như cô thôn nữ quê mùa nhưng hội đủ các miền quê, là như hoa Xoan, hoa Gạo, hoa Mưng,... biết nở và dám nở hết mình vào tiết cuối Xuân này./.

Ghi chép: Mai Hồ Minh