Cử nhân và thạc sĩ ngành Di sản: Đào tạo từ tâm để có con người “thành nhân” cho đất nước

(TGDS). Chương trình đào tạo cử nhân Quản trị tài nguyên di sản và Thạc sĩ Di sản học - những cái tên mới nhưng không kém phần độc đáo là chương trình đào tạo tiên phong trong lĩnh vực di sản được xây dựng bởi Khoa Các khoa học liên ngành (CKHLN), tiền thân là Khoa Sau Đại học trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, với gần 20 năm kinh nghiệm trong quản lý và đào tạo.

Chương trình hình thành xuất phát từ nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của những người làm giáo dục trong việc góp phần bảo vệ và phát huy tài nguyên di sản quốc gia; đứng trước thực trạng nền di sản phong phú, đa dạng đang kêu cứu bởi sự chưa đồng bộ trong quản lý hay đầu tư thiếu bền vững, sự tác động của quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa và cả biến đổi khí hậu; nắm bắt xu hướng phát triển nghề nghiệp theo định hướng bền vững của thế giới trong tương lai. Khoa mang đến cho người học hướng tiếp cận năng động và cởi mở về di sản, đặc biệt là sự nhận thức rõ “di sản là nguồn lực nội sinh để phát triển đất nước”, nhằm xây dựng ngành di sản không chỉ trở thành ngành “Hot” mà còn mang tính bền vững, ổn định dài lâu dù là ở bất cứ bậc đào tạo cử nhân hay sau đại học.

Khoa nhận thức rõ nét việc để giải quyết tròn vẹn bài toán quản lí và bảo tồn di sản thì việc đào tạo mang tính chuyên sâu, đơn ngành, phân mảnh theo từng công đoạn, lĩnh vực là chưa đủ, mà nhu cầu về nguồn nhân lực có tư duy tổng hợp, liên ngành, có cách tiếp cận, nhìn nhận vấn đề đa chiều là những điều kiện tối thiết để có thể quản lí tài nguyên di sản một cách hài hòa và bền vững, cái mà tự thân đã mang đậm tính liên ngành.

Đối với chương trình đào tạo Cử nhân Quản trị tài nguyên di sản: Chương trình được thiết kế gồm cả khối kiến thức về Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa học quản lí, Khoa học tự nhiên, kinh tế, công nghệ. Thời lượng cho thực tập trọn vẹn trong 01 học kỳ với 02 hướng chuyên sâu về bảo tồn, bảo tàng, các công cụ quản lý và chuyên sâu về quản lí dự án, điều hành sự kiện và du lịch di sản. Hệ thống các học phần phát triển kỹ năng toàn diện như nghiệp vụ gây quỹ tài trợ, xây dựng sản phẩm truyền thông, kỹ thuật quay phim chụp ảnh, khởi sự kinh doanh cũng đồng thời được cung cấp nhằm tạo dựng nền tảng không chỉ kiến thức học thuật mà còn rèn luyện kỹ năng, giúp người học cọ sát với thực tiễn và dần thâm nhập vào thị trường lao động ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây là những lợi ích tối ưu mà Khoa cung cấp cho sinh viên tốt nghiệp từ chương trình, tạo nên những lợi thế cạnh tranh vượt trội khi tham gia thị trường lao động.

Đối với chương trình đào tạo Thạc sĩ Di sản học: Thế mạnh của chương trình không chỉ nằm ở tính ứng dụng liên ngành thông qua các phương pháp, công cụ kỹ thuật để xác định giá trị di sản; chương trình còn giúp người học phân tích đánh giá và xây dựng chính sách về di sản ở cấp độ quốc gia, quốc tế. Bên cạnh đó, người học cũng có cơ hội tiếp cận với các dự án nghiên cứu trong và ngoài nước.

Với sự chuẩn bị chu đáo, tận tâm trong xây dựng chương trình, cùng với sự chuyên nghiệp, nhiệt huyết của đội ngũ giảng viên cùng các chuyên gia hợp tác đào tạo với Khoa đến từ các đơn vị mà tên tuổi mang tính bảo chứng cho ngành Di sản như: Cục Di sản Văn hóa, Bảo tàng Dân tộc học, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội, Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa liên hợp quốc (UNESCO), các Ban quản lí di tích, các phòng văn hóa ở các địa phương, các doanh nghiệp trong lĩnh vực di sản… cũng như nguồn lực uy tín của Đại học Quốc gia Hà Nội. Khoa Các khoa học liên ngành tự tin chào đón sinh viên Quản trị tài nguyên di sảnhọc viên cao học ngành Di sản học với mục tiêu đào tạo những người xây dựng và vận hành giá trị tương lai từ Di sản quốc gia.

Thanh Ngọc

 

Top