Cù Lần - Ngôi làng đẹp như cổ tích
Từ trung tâm thành phố Đà Lạt, du khách có thể đi theo đường Suối Vàng Suối Bạc để đến thăm ngôi làng, con đường sẽ đi qua những mặt hồ mênh mông, thơ mộng và xuyên qua những rừng thông bất tận, tuyệt đẹp. Cù Lần là một ngôi làng nhỏ rộng chừng 30 héc-ta, cách thành phố Đà Lạt chừng 20km, nằm giữa núi rừng xanh tốt, dưới chân núi Langbiang thuộc địa phận thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.
Làng Cù Lần cách thành phố Đà Lạt chừng 20km, nằm giữa núi rừng xanh tốt, dưới chân núi Langbiang thuộc địa phận thôn Suối Cạn, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng.
Bản thân cái tên làng Cù Lần đã ít nhiều gợi nên trí tò mò cho du khách. Chuyện kể rằng, vào những năm đầu của thế kỉ 20, có một chàng trai thành thị đã bỏ phố phường xa hoa lên rừng để xây cho người chàng yêu một vùng đất yên bình, một nơi đúng nghĩa thiên đường chốn trần gian cho người mình yêu. Chàng ngày đêm băng rừng, băng suối tìm kiếm một vùng đất như ý chàng, chàng nhặt nhạnh những viên đá đẹp nhất đề tô điểm cho ngôi làng của mình. Chính vì những việc làm mà người ta cho là khờ khạo của chàng mà họ gọi chàng là thằng Cù Lần. Việc làm của thằng Cù Lần cuối cùng cũng đến tai người chàng yêu, người con gái cảm động với tình yêu của chàng và quyết bỏ phố, băng rừng tìm đến với thằng Cù Lần. Cô gái và thằng Cù Lần ở lại rừng sâu, xây tổ ấm uyên ương và từ đấy người ta gọi khu làng này là Làng Cù Lần.
Một số người có lý giải khác rằng, ngày xưa nơi đây là một ngôi làng của người đồng bào. Nhờ gần nguồn nước, ở dưới thung lũng tránh gió nên họ đã lập nên buôn làng ở đây. Và với tập quán du canh du cư, sau một thời gian buôn làng bỏ đi và tìm kiếm một vùng đất mới. Khi còn sinh sống tại đây, người dân bản rất thích nuôi những chú cù lần đáng yêu, trồng nhiều cây cù lần xung quanh nhà có tác dụng cầm máu. Khi ra đi họ để lại một buôn làng xinh đẹp, những con cù lần và cây cù lần. Chính vì vậy người ta gọi nơi này là Làng Cù Lần.
Làng tồn tại từ thập niên 60 của thế kỷ 20. Dân tộc K’Ho của làng ngoài việc canh tác, săn bắt, hái lượm còn sống bằng hai nghề chính là khai thác cây Cù Lần - chế tác thành con Cù Lần trừu tượng mang ra Hồ Xuân Hương bán cho du khách. Đồng thời, người K’Ho lúc bấy giờ cũng vào rừng “nhặt” con Cù Lần dễ thương, có đôi mắt đẹp nhất thế gian đem về nuôi hoặc bán cho du khách phương xa. Cù Lần là loài động vật hiền lành chủ yếu sống về đêm. Cù Lần nổi tiếng hiền lành, khi gặp bất kỳ sự nguy hiểm nào thì Cù Lần nằm cuộn tròn lại dùng hai tay che kín đôi mắt quý giá của mình. Người ta chỉ việc “nhặt” lấy con Cù Lần bỏ vào gùi mang về. Dân làng ở đây hiền lành, mộc mạc và cũng rất cù lần dí dỏm nói rằng khi gặp nguy hiểm, Cù Lần che mắt lại để không nhìn thấy sự nguy hiểm mà đối với cù lần không thấy sự nguy hiểm là không có hiểm nguy gì cả, ai muốn làm gì thì làm.
Làng tồn tại từ thập niên 60 của thế kỷ 20 và mở cửa từ năm 2011.
Làng Cù Lần bắt đầu mở cửa từ năm 2011. Đến với ngôi làng có cái tên đặc biệt này, bạn sẽ được hòa mình vào thiên nhiên khoáng đạt cùng những rừng cây, con suối và các loài hoa. Nếu như chỉ nhìn ngang qua cổng làng, bạn sẽ thất vọng vì cảm giác không có gì thú vị để khám phá. Nhưng càng đi sâu vào trong, du khách sẽ cảm thấy yêu mến với nét bình dị, mộc mạc, hoang sơ với những mảng màu xanh mướt mà thiên nhiên mang tặng cho nơi đây.
Giữa không gian thiên nhiên tuyệt đẹp của núi rừng, làng Cù Lần mang vẻ đẹp hoang sơ với những ngôi nhà sàn truyền thống của đồng bào dân tộc K’Ho rất độc đáo. Không khí mát lạnh của cao nguyên Lâm Đồng càng khiến nơi đây dễ dàng trở thành chốn nghỉ dưỡng ưa thích của nhiều khách du lịch.
Đến làng Cù Lần, du khách được hướng đến tham gia những hoạt động ngoài trời hòa mình vào thiên nhiên với các hoạt động như leo núi, băng rừng, thả diều, bắt cá… Thậm chí bạn có thể cắm trại, đốt lửa, chơi các trò chơi dân gian, cồng chiêng.
Đối với những du khách ưa thích trải nghiệm, ưa chuộng cảm giác mạnh thì hãy thử cảm giác đi xe jeep, chiêm ngưỡng cảnh vật khi băng qua những đoạn đường uốn khúc, quanh co đến con suối róc rách nước chảy mát lạnh.
Hoặc nếu không thích sự ồn ào náo nhiệt thì những bậc thang bộ đảm bảo mang lại cho du khách một ấn tượng vô cùng mạnh. Bước theo những bậc đá dài, len giữa rừng cây rộng lớn, thoảng mùi đất đỏ, mùi lá rừng, mùi của dòng nước cuốn dưới cầu. Những ngôi nhà sàn với cách trang trí độc đáo bởi màu sắc đặc trưng của làng Cù Lần. Những cây cầu dài, chỉ được kết nối đơn giản bằng những thân tre, nứa và dây cáp. Tại đây đã không ít những bức ảnh “made in Cù Lần“ ra đời tạo thành kỷ niệm mà du khách không bao giờ có thể có ở nơi khác.
Đến làng Cù Lần, du khách được hướng đến tham gia những hoạt động ngoài trời hòa mình vào thiên nhiên với các hoạt động như leo núi, băng rừng, thả diều, bắt cá.
Đi hết những bậc thang dài, một hồ nước rộng, nơi mà những du khách muốn có cảm giác thanh bình nhất thường thuê những chiếc bè rộng, chèo ra ngoài mặt hồ, lắng nghe tiếng sáo rộng lan mặt hồ lặng. Ngay trước sân rộng lớn là một cột nêu cao, đặc trưng vốn có của những buôn làng nơi đây. Tại khu sân rộng này thường diễn các hoạt động biểu diễn Cồng chiêng Tây Nguyên, du khách có thể thưởng thức tiếng cồng, tiếng chiêng, xem những cô gái chàng trai hòa quyện vào nhau trong điệu nhảy quanh ngọn lửa hồng. Du khách có thể mua những món đồ được chế tác từ gỗ rừng. Từ những vòng hoa tay cho các chị em, tới những vật dụng gia đình,... tại gian hàng có tên rất đặc biệt là “chợ Chồm Hổm“, một cái tên nghe rất thú vị độc đáo dựa vào dáng ngồi xổm của những người đi chợ mà thành.
Nghỉ ngơi một đêm ở làng Cù Lần, sáng sớm mở mắt ra, bạn sẽ thấy những con cù lần đáng yêu ngồi vắt vẻo trên cành cây và thi thoảng lộ rõ sự mắc cỡ, ngượng ngùng.
Đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ nơi đây, bạn sẽ tạm quên đi những lo âu, tất bật trong cuộc sống. Ngôi làng này thích hợp với những ai đang tìm một không gian nghỉ dưỡng sống chậm, yêu cảnh vật thiên nhiên và những con vật hiền lành.
Thu Hường